Nhân Khánh, thông tín viên RFA
2012-05-27
Hiện nay, sự hấp dẫn của cây huê không chỉ gây xôn xao trên thị trường mà còn tạo ra không ít các hệ lụy tiêu cực về mặt xã hội. Những cố gắng tìm kiếm về giá trị thực của gỗ huê cần được đặt ra cách nghiêm túc.Cây huê vàng còn gọi là sưa đỏ hay trắc thối. Thuộc họ Đậu (fabaceae), giống Trắc (dalbergia), tức trắc Bắc bộ (dalbergia tonkinensis). Cùng giống trắc này, còn có trắc Nam bộ (dalbergia cochinchinensis) và cẩm lai (dalbergia bariensis). Cây huê thuộc nhóm 1A, hiện đã vào Sách đỏ Việt Nam, tức bị cấm khai thác.
Tiền tỷ
Hầu như không có loại gỗ nào có kiểu mua bán như gỗ huê. Bất kể gỗ hộp, gốc, rễ hay cành; tùy loại, một ký gỗ huê có giá từ 3 – 40 triệu đồng. Hiện tượng thương nhân Trung Quốc thu mua cây huê có cách đây đã nhiều năm. Bắt đầu âm ỹ từ các tỉnh phía Bắc giáp biên giới, lan dần vào nội địa. Cuộc đốn hạ cây huê từ trong rừng già đã lan ra đường phố. Cây huê bị cưa trộm ở Hà Nội, Huế, Buôn Ma Thuột và nhiều tỉnh thành khác trên phạm vi cả nước.Cây huê tính theo ký và thường thường là tính khoảng vài trăm tỷ. Tức là mình đưa ký ra, khoảng hai ba ký gì đó là mình cũng có tiền tỷ rồi.Hồi đầu tháng này, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng thuộc tỉnh Quảng Bình trở thành điểm nóng sau khi xảy ra vụ đốn hạ những cây huê có giá trị tiền tỷ. Cuộc chiến chống phá hoại cây huê xem ra còn dai dẳng khi lãnh đạo ngành kiểm lâm tỉnh Quảng Bình thừa nhận có tình trạng người dân gùi lương thực vào rừng tiếp tế. Tình hình ở đây có vẻ hỗn loạn hơn, khi nhiều nhóm giang hồ trong Nam ngoài Bắc đổ về đây quấy nhiễu. Chúng tôi đã hỏi thăm người dân địa phương huyện Bố Trạch, câu chuyện về những cây huê nhiều tỷ đồng, đang xôn xao cả nước thì được cho biết:
Người dân huyện Bố Trạch
“Cây sưa là cây huê. Ngày xưa ở trong Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng này thì có nhiều cây huê. Nhiều người đi tìm trầm, tìm huê. Bây giờ có những đội kiểm lâm nên khó để lâm tặc vào để phá rừng được.
Nhưng còn vụ cây huê này, trên mạng đã đăng thì cũng đúng sự thực là như vậy. Cây huê tính theo ký và thường thường là tính khoảng vài trăm tỷ. Tức là mình đưa ký ra, khoảng hai ba ký gì đó là mình cũng có tiền tỷ rồi.”
Mơ hồ
Trong cuộc họp gần đây, ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, Nguyễn Xuân Quang phàn nàn về việc báo giới đưa thông tin không chính thống. Tất nhiên, thông tin từ người dân thì khó có thể gọi là chính thống, nhưng chẳng phải vì vậy mà thiếu chính xác.Đâu là giá trị thực của huê. Hay hiện tượng thu mua này giống như từng xảy ra với tôm càng có trứng, móng trâu, thịt mèo… Để hiểu thêm về cây huê, chúng tôi đã tìm đến Tiến sỹ Trần Huy Thái, Phó Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật. Là một trong số rất ít nhà khoa học có công trình nghiên cứu về cây huê, Tiến sỹ Trần Huy Thái cho biết vài nét về tiến độ nghiên cứu loại cây này như sau:
“Chúng tôi cũng có một đề tài nhỏ nghiên cứu về một số đặc điểm sinh học sinh thái và hóa học của cây sưa. Về hoạt tính sinh học thì chúng tôi mới làm ở lá, cũng chưa thấy có một hoạt tính sinh học gì trong việc kháng vi sinh vật, gây độc tế bào hay chống ôxy hóa. Trong năm nay, chúng tôi sẽ tiếp tục làm về thân, rễ hoặc quả để xem nó ra làm sao. Bởi trên công dụng của nó thì giá trị là rất lớn.
Còn để làm gì thì cũng có nhiều thông tin. Có thể tách chiết ra một cái gì đó chống ung thư hoặc liền xương, nhưng thực ra là chúng tôi chưa làm cái này. Còn về hóa học, cũng đã phân lập xác định một số chất trong cây này rồi.
Tạm thời thế, còn cái này của mình chưa làm kỹ nên chưa dám khẳng định. Để khẳng định thì phải có nghiên cứu sâu hơn.”
Gỗ sưa, người ta hay làm bàn thờ vì nó thơm. Đối với tâm linh thì nó chẳng có ý nghĩa gì.Một mét khối lõi gỗ huê nặng chừng 2,5 tấn, thời giá ở Việt Nam khoảng 11 tỷ đồng. Gỗ huê có xuất xứ từ tỉnh đảo Hải Nam trên thị trường Trung Quốc có giá gấp đôi. Rốt cuộc vụ 3 cây huê cổ thụ trị giá hàng trăm tỉ đồng cũng đã được khởi tố hình sự. Một bộ phận cán bộ kiểm lâm Vườn Quốc gia Phong Nha bị loại khỏi chuyên án gỗ huê. Việc người dân vào rừng chặt que củi cũng coi chừng bị bắt phạt, vậy mà 3 cây huê cổ thụ bị đốn hạ rồi tẩu tán hàng trăm phách ra khỏi rừng mà cơ quan chức năng không biết thì quả là khó chấp nhận.
PGS TS Nguyễn Lân Cường
Có quá nhiều những lời đồn đoán về giá trị gỗ huê. Theo một nguồn thông tin khả tín cho rằng công dụng bột gỗ huê dùng để ướp xác, gỗ cây huê dùng để đóng quan tài các vị hoàng đế thời xưa. Chúng tôi đem câu hỏi này đến với Phó Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Lân Cường, Phó Tổng thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam thì được biết:
“Các cụ ngày xưa vẫn nói, đấy là gỗ Ngọc Am. Ngọc Am chứ không phải là gỗ sưa. Theo chúng tôi nghiên cứu thì Ngọc Am bây giờ không còn ở Việt Nam nữa, chỉ còn một số rất nhỏ ở miền Nam Trung Quốc.
Gỗ sưa, người ta hay làm bàn thờ vì nó thơm. Đối với tâm linh thì nó chẳng có ý nghĩa gì. Tôi khẳng định gỗ sưa chẳng có liên quan gì vấn đề làm mộ táng cả."
Thị trường Trung Quốc
Trong các sách cổ của Trung Quốc như “Bác Vật Yếu Lãm” và “Bản Mục Thập Di” từng viết rằng, gỗ huê của người Giao Chỉ, gọi là Hoàng Hoa Lê. Loại gỗ này được dùng làm bàn ghế, giường tủ và những đồ dùng hàng ngày của vua chúa và những gia đình quyền quý. Quý tộc thời Đường, Minh và Thanh ưa chuộng đồ gia dụng làm bằng loại gỗ này.Do đó, thị trường Trung Quốc rất chuộng các sản phẩm bằng gỗ huê. Một chiếc tủ thờ có giá vài chục tỷ đồng, còn một cái ghế cũng khoảng hơn 1 tỷ. Theo cảm quan, gỗ huê Việt Nam không thơm bằng, song lại có hoa văn giống hệt gỗ huê Hải Nam. Báo chí Trung Quốc từng đưa tin nhiều về một vụ kiện tụng liên quan đến gỗ huê. Khách mua kiện chủ hàng ra tòa vì lừa bán một chiếc giường có giá 24 tỷ đồng, làm bằng gỗ Việt Nam chứ không phải gỗ huê Hải Nam. Vụ kiện này xem ra không ngã ngũ, vì Trung Quốc chưa đủ trình độ xác định đâu là loại gỗ huê đúng có xuất xứ từ Hải Nam.
Những mơ hồ về giá trị của cây huê đang cần sự tiếp sức của các nhà khoa học và giới doanh nhân. Ngoài việc điều chỉnh lại dư luận xã hội, còn có những định hướng thích hợp về chính sách đối với cây huê. Nếu cây huê trong tự nhiên đang cạn kiệt, thì hiện tượng trồng huê công nghiệp đã phát sinh nhiều nơi trong nước. Liệu đâu là giải pháp hợp lý trước thực trạng này ? Đây là nội dung sẽ được gửi đến quí thính giả trong phần trình bày tiếp theo.
Những bất ổn xung quanh cây huê (phần 2)
Nhân Khánh, thông tín viên RFA
2012-05-28
Những dư âm về cơn sốt gỗ huê đã tràn về các trang trại, các khu vườn được trồng theo kiểu công nghiệp.Vài chục năm mới thu hoạch
Giá gỗ huê từng đạt đỉnh cao năm 2007. Thị trường Trung Quốc chỉ lắng xuống khi nhận ra, các sản phẩm gỗ huê có mặt ở Trung Quốc chủ yếu đến từ Việt Nam, chứ không phải hàng gốc Hải Nam. Cơn sốt mua bán gỗ huê đầu tiên đổ bộ vào miền Bắc rồi chạy dọc vào miền Trung. Nhiều gia đình dỡ giường tủ, nhà cửa rồi cả bàn thờ ra đem bán. Hình thức mua bán sòng phẳng đã biến tướng khi đặt chân đến Tây nguyên, với độc chiêu đổi nhà cũ lấy nhà mới, nhiều ngôi nhà sàn có tuổi đời vài chục năm đã lặng lẽ biến mất theo đám gian thương. Chúng tôi có hỏi Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội gỗ và Thủy sản, ông Nguyễn Tôn Quyền về nguồn gốc cơn sốt và tình hình sử dụng gỗ huê trong nước thì được cho biết:
10 năm đường kính của cây là trên 20 cm, nếu mà đất tốt. Bây giờ đừng nghĩ đến giá trị siêu lợi nhuận, cái giá đó là giá ảo rồi. Còn giá thực của nó thuộc nhóm gỗ 1A.
KS Mai Văn Hè
“Hiện nay gỗ sưa chỉ bán cho Trung Hoa lục địa, Hồng Kông và Đài Loan, họ sang mua rất nhiều gỗ này. Có người ta thì hám lợi cho nên chặt trộm mà bán đi, với giá rất là cao.
Còn để làm gì, hiện nay chúng tôi cũng chưa biết. Ở Trung Quốc, người ta cũng mua như vậy thôi. Còn Việt Nam hiện nay, ít người dùng loại gỗ này lắm. Từ xưa đến nay không ai chú ý đến nó. Gỗ sưa mọc ở đường phố, trong công viên, trong các vườn hoa rất nhiều.”
Cây huê được trồng trên các đường phố vì có tán rộng, dễ trồng ở nhiều loại đất khác nhau từ đồi núi đến đồng bằng. Còn trong tự nhiên, cây huê mọc thưa thớt, chủ yếu tại các khu vực núi đá vôi. Theo kinh nghiệm dân gian, huê trồng ở nhà, vườn đồi do đất đai màu mỡ nên thân cây phát triển rất nhanh nhưng lõi lại chậm phát triển. Lõi huê rất cứng, phải trên 10 năm tuổi mới bắt đầu cho lõi. Gỗ để lâu không bị mối mọt, có mùi thơm kỵ muỗi.
Nhằm thỏa mãn cơn sốt gỗ huê, phong trào trồng cây huê lan rộng nhiều nơi. Ở huyện Tam Đảo và Vĩnh Tường thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, người dân đua nhau ươm mầm, bán cây giống. Mấy năm gần đây, các công ty đầu tư trồng rừng ồ ạt thu mua cây huê giống từ Việt Nam để đưa sang trồng ở Lào. Phong trào trồng cây huê phát triển vào Quảng Bình, Bình Phước. Thời cao điểm, giá cây huê giống đến 60.000 đồng/cây, giờ phổ biến chỉ còn 10.000 đồng/cây. Còn hạt giống có nơi bán 1 tạ đến hàng triệu đồng. Về giá cây giống, chúng tôi có trao đổi với Kỹ sư Mai Văn Hè thuộc một trạm khuyến nông ở tỉnh Bình Phước thì được cho biết:
“8 ngàn đồng/cây, chiều cao của nó là trên 35 cm. Bảo đảm giống là cây sưa đỏ Trạm khuyến nông thị xã Phước Long. 10 năm đường kính của cây là trên 20 cm, nếu mà đất tốt. Bây giờ đừng nghĩ đến giá trị siêu lợi nhuận, cái giá đó là giá ảo rồi. Còn giá thực của nó thuộc nhóm gỗ 1 A thì giá không dưới 100 triệu.
Tốc độ sinh trưởng của cây này nhanh hơn so với các loại cây khác trong nhóm 1 A như lim. Sử dụng vào làm mộc mỹ nghệ cực kỳ đẹp, vì gỗ của nó có vân đẹp. Vì diện tích rừng ngày càng thu hẹp, thì gỗ không bao giờ xuống giá hết.”
Vân gỗ huê muôn hình vạn trạng, biến ảo không theo một nguyên tắc cố định. Tuy nhiên, do chưa biết đích xác được mục đích và lĩnh vực sử dụng của huê, hiện tượng canh tác kiểu “đi tắt đón đầu” này cần được cân nhắc. Giữa việc thu hoạch làm gỗ với thu hoạch bán ký là hoàn toàn không giống nhau. Đối với loại cây lấy gỗ thì thời gian để khai thác hiệu quả nhất, tối thiểu cũng mất vài chục năm. Huê hoàn toàn không phải thuộc loại cây công nghiệp ngắn ngày, vòng đời của huê lên đến hàng trăm năm.
Có nên đầu tư mạo hiểm?
Với bối cảnh giá trị của cây huê hoàn toàn bị kích thích bởi giá cả, trong khi giá trị sử dụng thực sự của huê vẫn còn là một điều bí ẩn. Chúng tôi hỏi ông Nguyễn Tôn Quyền về quan điểm chính sách của nhà nước đối với gỗ huê thì được cho biết:
VN có văn bản hoàn toàn cấm việc khai thác và mua bán gỗ sưa, hay còn gọi là gỗ huê tại VN. Nói chung tất cả là trồng cũng như là có trong tự nhiên, vẫn cứ phải cấm hết.
Ô. Nguyễn Tôn Quyền
“Đến giờ này, chính phủ Việt Nam có văn bản hoàn toàn cấm việc khai thác và mua bán gỗ sưa, hay còn gọi là gỗ huê tại Việt Nam. Nói chung tất cả là trồng cũng như là có trong tự nhiên, vẫn cứ phải cấm hết.
Hiện nay có rất nhiều cá nhân và tổ chức đang trồng gỗ sưa ở trong vườn nhà của họ. Mới khởi tạo mấy năm nay thôi, cũng chưa nhiều lắm. Có 2 loại: loại sưa trắng và sưa đỏ. Chỉ cấm loại sưa đỏ thôi.”
Đây cũng chính là loại cây huê đang được phổ biến trồng tại các vườn cây và trang trại nhiều nơi trong nước. Hiện nay, không ai nắm được tại Việt Nam có bao nhiêu cây huê và diện tích trồng bao nhiêu. Liệu có nên mạo hiểm với một giống cây trồng có thời gian chăm sóc rất dài, lại không có đầu mối bao tiêu sản phẩm là một vấn đề cần cân nhắc. Theo Thạc sỹ Đỗ Văn Bản, Trưởng phòng Tài nguyên thực vật thuộc Viện Khoa học lâm nghiệp, khó khăn nhất lớn nhất là Việt Nam chưa có phòng thí nghiệm có đủ công nghệ để phân tích sâu hơn về mạch phân tử trong thành phần của tinh dầu, cấu trúc bên trong của gỗ và thực vật nói chung. Thường phải đưa ra nước ngoài phân tích, mà chủ yếu là đưa sang Trung Quốc.
Chuyện về giá trị cây huê cứ nửa thực nửa hư, khiến người ta không biết tin vào đâu để tiếp tục đầu tư trồng trọt. Hiện nay nếu hướng xử lý vẫn thiên về các biện pháp ngăn chặn, những vấn đề xung quanh cây huê xem ra vẫn còn nhiều bất ổn. Hòng tránh những bất trắc trong tương lai, mô hình phát triển cây huê theo kiểu trồng công nghiệp cần có những nghiên cứu chuyên sâu với nguồn đầu tư cấp nhà nước. Hiện thị trường và hướng canh tác của người dân đối với cây huê đang cần những hướng dẫn thiết thực từ các cấp có thẩm quyền.
(nguồn RFA)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001