Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2012

ĐỖ TRUNG QUÂN: THƯ SÀI GÒN

Thư Sài Gòn
“ Tháng tư về…gió hát mùa hè…có những chân trời xanh lắm…mây xa vời …nắng xa vời…con sông xanh lững lờ trôi…”
Ừ! Anh Dương Thụ. Bài hát “Tháng tư về”của anh là một ca khúc hay.Tôi cũng thích nó,tôi biết đây là một ca khúc trữ tình không dính dáng gì đến “Tháng tư lịch sử”.Cái tháng tư khi ấy tôi 21 tuổi đang rất mơ màng , lãng mạn ,những tuổi trẻ như Phạm Duy đã viết “ Trong tim thì sôi máu…khóe mắt có trăng sao…bông hoa cài trên áo…trên môi một nguyện cầu…”
Tôi đã đi qua 6 cái tháng tư mơ màng ấy cho đến tháng tư thứ lần 7.một chín tám hai [ 1982] khi trả xong nợ máu xương ngoài biên giới Tây Nam về lại Sài Gòn để nhận cú sốc đầu tiên nhìn xã hội nhận ra rằng “ Khóe mắt đã bớt trăng sao “ dù trong tim vẫn còn sôi máu.Tôi viết “Tạ lỗi Trường Sơn”.Bài thơ dài nhất đời mình và chỉ có thể cất vào trí nhớ suốt 27 năm kể từ khi viết nó.Những câu thơ cuối cùng của bài thơ ấy “…Tin chắc rằng trong các ngài nhiều người đã tin thượng đế…khi được sống hả hê giữa một thiên đường…Ai bây giờ tạ lỗi với Trường Sơn ?!”.
Tháng tư về. Chân trời xanh lắm được Dương Thụ mô tả như thế.Nhưng tôi lại thở dài nhìn về phía chân trời xa khác, cũng trên xứ sở của mình.Chân trời đỏ bầm hoàng hôn máu lửa của huyện Văn Giang – Hưng Yên mà tôi chưa từng đến bao giờ.Điều gì đang xảy ra , đã xảy ra ở đấy ai cũng biết rồi. Nhìn hình ảnh những dùi cui và nắm đấm vung lên từ phía ấy.tôi bỗng tự hỏi có thật tháng tư đã về?
Tháng tư về…
Tháng tư chưa về…
Chân trời xanh…
Chân trời không xanh…
Không thể làm văn ở đây.Nhưng tôi không khỏi bỗng nhớ câu văn thống thiết của một nhà văn Nam Phi:
“ Khóc lên đi ! hỡi quê hương yêu dấu!”
Đỗ Trung Quân
[ *] Văn Giang có tên Khoái Châu dưới thời Tự Đức. Vỡ đê suốt 18 năm ròng nên sau có câu thành ngữ” oai oái như Phủ Khoái xin ăn”


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001