Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012

1062. Phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta tại Đối thoại Shangri-La, Singapore
Posted by basamnews on 05/06/2012
Bộ Quốc phòng Mỹ

Phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta tại Đối thoại Shangri-La, Singapore

Người dịch: Dương Lệ Chi
02-06-2012

Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta: Cảm ơn John rất nhiều cho lời giới thiệu tốt đẹp đó.
Thưa quý vị, thật là một vinh dự cho tôi khi lần đầu tiên có được cơ hội tham dự hội nghị Shangri-La. Tôi muốn khen ngợi Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) về việc thúc đẩy cuộc đối thoại rất quan trọng này, cuộc thảo luận quan trọng này đang diễn ra ở đây vào cuối tuần này.
Được biết, tôi là Bộ trưởng Quốc phòng thứ ba của Mỹ có mặt tại diễn đàn này, trải qua các chính phủ từ cả hai đảng phái chính trị ở Mỹ. Tôi tin rằng, đó là một minh chứng cho tầm quan trọng của Hoa Kỳ ở những nơi năng động trong khu vực và quan trọng trên thế giới.
Trên tinh thần đó, tôi đã đến Singapore, ngay ngày đầu của một cuộc hành trình dài tám ngày đi khắp châu Á, cũng sẽ đưa tôi đến thăm Việt Nam và Ấn Độ.
Mục đích của chuyến đi này và mục đích của bài phát biểu của tôi hôm nay là để giải thích một chiến lược quốc phòng mới mà Hoa Kỳ đã đưa ra và lý do tại sao Hoa Kỳ sẽ đóng vai trò đối tác sâu rộng hơn và lâu dài hơn trong việc thúc đẩy an ninh và thịnh vượng ở khu vực châu Á -Thái Bình Dương, và làm thế nào quân đội Mỹ hỗ trợ mục tiêu đó bằng cách tái cân bằng trong khu vực này.
Kể từ khi Hoa Kỳ phát triển về phía Tây từ thế kỷ 19, chúng tôi đã là một quốc gia Thái Bình Dương. Tôi sinh ra và lớn lên tại một thị trấn ven biển ở California, thị trấn Monterey, và cả đời tôi đã trông ra biển Thái Bình Dương. Như một cộng đồng đánh cá, như là một hải cảng, đại dương là huyết mạch của nền kinh tế của chúng tôi. Và một số kỷ niệm đầu tiên của tôi khi còn là một đứa trẻ trong chiến tranh thế giới thứ II đó là xem quân đội Mỹ đi qua cộng đồng của tôi, được huấn luyện tại căn cứ quân sự Fort Ord, và họ đang trên đường đối mặt với trận chiến ở Thái Bình Dương.
Tôi nhớ sự sợ hãi đã ôm chặt cộng đồng của chúng tôi trong chiến tranh thế giới thứ II, và sau đó, chiến tranh lại bùng nổ trên bán đảo Triều Tiên. Mặc dù khoảng cách địa lý ngăn cách chúng ta, nhưng tôi luôn hiểu rằng số phận của nước Mỹ đã kết nối với khu vực này mà không có gì lay chuyển được.
Thực tế này đã dẫn dắt sự hiện diện quân sự và quan hệ đối tác của Mỹ trong khu vực này hơn sáu thập kỷ qua – một tư thế phòng thủ, cùng với quan hệ thương mại của chúng tôi, cùng với mối quan hệ ngoại giao của chúng tôi, cùng với sự hỗ trợ nước ngoài của chúng tôi, đã giúp mở ra một kỷ nguyên chưa từng có về an ninh và thịnh vượng trong nửa thế kỷ sau của thế kỷ 20.
Trong thế kỷ này, thế kỷ 21, Hoa Kỳ nhận ra rằng sự thịnh vượng và an ninh của chúng tôi phụ thuộc nhiều hơn vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Cuối cùng, khu vực này là quê hương của một số nước có nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, chỉ đề cập đến một vài nước như: Trung Quốc, Ấn Độ, và Indonesia. Đồng thời, khu vực châu Á-Thái Bình Dương có dân số lớn nhất thế giới, và có các quân đội lớn nhất thế giới. Chi tiêu quốc phòng ở châu Á theo dự đoán của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), vượt qua châu Âu trong năm nay, và rõ ràng là nó sẽ tiếp tục tăng trong tương lai.
Với xu hướng này, Tổng thống Obama đã tuyên bố rằng, Hoa Kỳ sẽ đóng vai trò lớn hơn trong khu vực này trong những thập kỷ tới. Nỗ lực đó sẽ sử dụng sức mạnh trong toàn bộ chính phủ Hoa Kỳ. Chúng tôi đảm nhận vai trò này không phải với tư cách là một nước xa xôi, mà là một phần trong gia đình của các quốc gia Thái Bình Dương. Mục tiêu của chúng tôi là làm việc chặt chẽ với tất cả các nước trong khu vực này, nhằm đương đầu với những thách thức chung và thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng và an ninh cho tất cả các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Đồng sự và cũng là người bạn tốt của tôi, Ngoại trưởng Hillary Clinton cũng đã phác thảo kế hoạch tái tập trung của chúng tôi vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhấn mạnh tới phần quan trọng là: ngoại giao, thương mại, và phát triển, những phần này sẽ nằm trong cam kết của chúng tôi.
Điều này cũng đúng với chính sách quốc phòng. Chúng tôi sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ đối tác mạnh mẽ, nhằm tăng cường khả năng của các nước ở Thái Bình Dương để phòng thủ và bảo đảm an ninh cho chính họ. Tất cả các mạng lưới dịch vụ của quân đội Mỹ đang tập trung vào việc thực hiện hướng dẫn của tổng thống, để làm cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương là ưu tiên hàng đầu. Trước khi đưa ra chi tiết những nỗ lực cụ thể, hãy để tôi cung cấp một số bối cảnh về chiến lược quốc phòng rộng lớn hơn của chúng tôi trong thế kỷ 21.
Hoa Kỳ hiện đang trong một bước ngoặt chiến lược sau một thập niên chiến tranh. Chúng tôi đã làm suy yếu đáng kể lãnh đạo al-Qaeda và khả năng tấn công các nước khác của họ. Chúng tôi đã gửi một thông điệp rất rõ ràng rằng, không nước nào có thể trốn thoát sau khi tấn công Hoa Kỳ. Nhiệm vụ quân sự của chúng tôi ở Iraq đã kết thúc và thiết lập – thiết lập một nước Iraq có thể tự giữ gìn an ninh và tự cầm quyền.
Ở Afghanistan, nơi một số nước thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang đóng vai trò quan trọng trong liên minh quốc tế, chúng tôi đã bắt đầu quá trình chuyển đổi cho Afghanistan dẫn đầu về an ninh và để Afghanistan có thể tự giữ gìn an ninh và cầm quyền. Cuộc họp gần đây ở Chicago, NATO và hơn 50 nước đối tác đã đến với nhau để hỗ trợ kế hoạch của tướng Allen để hoàn thành mục tiêu này. Bên cạnh đó, chúng tôi đã thành công trong nỗ lực tham gia với NATO trở lại Libya, đến với người dân Libya.
Nhưng ngay cả khi chúng tôi có thể rút khỏi các cuộc chiến này với một kết thúc đầy hy vọng, chúng tôi hiện đang phải đối mặt với một loạt những thách thức phức tạp trên toàn cầu. Từ chủ nghĩa khủng bố – Chủ nghĩa khủng bố vẫn còn là mối đe dọa cho thế giới – từ chủ nghĩa khủng bố cho tới hành vi gây mất ổn định của Iran và Bắc Triều Tiên, từ phổ biến vũ khí hạt nhân cho tới mối đe dọa mới về tấn công trên mạng, từ tình trạng hỗn loạn tiếp tục ở Trung Đông cho tới tranh chấp lãnh thổ trong khu vực này.
Cùng lúc, Hoa Kỳ, cũng như nhiều nước khác, đang đương đầu với khoản nợ và thâm hụt lớn, đòi hỏi Bộ Quốc phòng phải cắt giảm các ngân sách gần 500 tỉ đô la, cụ thể là 487 tỉ đô la đã bị Quốc hội ra lệnh cắt giảm theo Đạo luật Kiểm soát Ngân sách trong thập kỷ tới.
Nhưng thực tế với ngân khố mới này, những thách thức mà nhiều nước đối đầu trong những ngày này, đã cho chúng tôi cơ hội để thiết kế một chiến lược quốc phòng mới cho thế kỷ 21 mà chúng tôi phải đương đầu với mối đe dọa mà chúng tôi đối mặt, lẫn việc duy trì quân đội mạnh nhất thế giới.
Chiến lược này, với quân đội Hoa Kỳ rõ ràng là nó sẽ nhỏ hơn, nó sẽ gọn nhẹ hơn, nhưng nó sẽ nhanh nhẹn và linh hoạt, triển khai nhanh chóng, và sẽ sử dụng công nghệ tiên tiến trong tương lai. Tương tự, chắc chắn là trong khi quân đội Mỹ sẽ vẫn là một lực lượng toàn cầu để giữ an ninh và ổn định, sẽ cần thiết để chúng tôi tái cân bằng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Chúng tôi cũng sẽ duy trì sự hiện diện của chúng tôi trên toàn thế giới. Chúng tôi sẽ làm điều đó với việc triển khai luân chuyển một cách sáng tạo, nhấn mạnh việc tạo ra các mối quan hệ đối tác mới và các liên minh mới. Chúng tôi cũng sẽ đầu tư, đầu tư vào không gian mạng, đầu tư vào không gian, đầu tư vào các hệ thống không được nêu tên, đầu tư vào các hoạt động của các lực lượng đặc biệt. Chúng tôi sẽ đầu tư vào công nghệ mới nhất, và chúng tôi sẽ đầu tư vào khả năng huy động nhanh chóng, nếu cần.
Chúng tôi đã thực hiện các sự lựa chọn và chúng tôi đã thiết lập những ưu tiên, và chúng tôi đã lựa chọn đúng đắn để làm cho khu vực này trở thành khu vực ưu tiên.
Phương pháp tiếp cận của chúng tôi nhằm đạt được các mục tiêu dài hạn trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đó là cam kết vững chắc đối với những điểm cơ bản của các nguyên tắc chung – các nguyên tắc thúc đẩy luật lệ quốc tế và thúc đẩy hòa bình và an ninh trong khu vực, tăng cường và mở rộng các quan hệ đối tác song phương và đa phương, tăng cường và thích ứng với sự hiện diện lâu dài của quân đội Mỹ trong khu vực này, và để thực hiện đầu tư mới cho khả năng cần thiết, nhằm phô trương sức mạnh và hoạt động ở châu Á-Thái Bình Dương.
Hãy để tôi thảo luận về các nguyên tắc chung này. Trước tiên là nguyên tắc chia sẻ mà chúng tôi tuân thủ theo là các nguyên tắc quốc tế và trật tự.
Để tôi nhấn mạnh rằng, đây không phải là một nguyên tắc mới, cam kết vững chắc của chúng tôi là thiết lập các quy tắc mà tất cả các nước tuân theo, đó là nguyên tắc mà chúng tôi tin rằng sẽ giúp hỗ trợ hòa bình và thịnh vượng trong khu vực này.
Chúng ta đang nói về điều gì đây? Những quy định này bao gồm nguyên tắc mở rộng và tự do thương mại, một trật tự quốc tế công bằng, nhấn mạnh đến quyền lợi và trách nhiệm của tất cả các nước và trung thành với các quy định của pháp luật; mở rộng việc truy cập vào tất cả các lĩnh vực trên biển, trên không, ngoài không gian, không gian mạng; và giải quyết các tranh chấp mà không phải ép buộc hoặc sử dụng vũ lực.
Ủng hộ tầm nhìn này liên quan đến việc giải quyết các tranh chấp càng nhanh càng tốt, với các nỗ lực ngoại giao. Ủng hộ những nguyên tắc này là nhiệm vụ thiết yếu của quân đội Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong hơn 60 năm qua và nó sẽ là nhiệm vụ quan trọng hơn trong tương lai. Hy vọng của tôi phù hợp với những quy tắc và trật tự quốc tế, đó là cần thiết để Hoa Kỳ sẽ tham gia cùng với hơn 160 nước khác, trong việc phê chuẩn Công ước [Liên Hiệp Quốc về] Luật Biển trong năm nay.
Nguyên tắc thứ hai là một trong những mối quan hệ đối tác. Yếu tố quan trọng trong việc tiếp cận này là nỗ lực của chúng tôi để hiện đại hóa và tăng cường các quan hệ liên minh và quan hệ đối tác của chúng tôi trong khu vực này. Hoa Kỳ có các liên minh hiệp ước quan trọng với Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Philippines và Thái Lan. Chúng tôi cũng có các đối tác quan trọng ở Ấn Độ, Singapore, Indonesia, và các nước khác. Và chúng tôi đang làm việc tích cực để phát triển và xây dựng quan hệ mạnh mẽ hơn với Trung Quốc.
Khi chúng tôi mở rộng quan hệ đối tác, khi chúng tôi củng cố liên minh, liên minh Mỹ – Nhật Bản sẽ vẫn là một trong những nền tảng cho an ninh và thịnh vượng trong khu vực trong thế kỷ 21. Vì lý do đó, quân đội hai nước chúng tôi được tăng cường khả năng huấn luyện và hoạt động cùng nhau, và hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực như an ninh hàng hải, tình báo, giám sát, và do thám. Chúng tôi cũng đang cùng nhau phát triển khả năng công nghệ cao, gồm lá chắn phòng thủ tên lửa thế hệ kế tiếp, và khám phá các lĩnh vực hợp tác mới ngoài không gian và trong không gian mạng.
Trong vài tháng qua, chúng tôi đã tăng cường liên minh và mở rộng hơn các mục tiêu chiến lược của chúng tôi trong khu vực với một kế hoạch đã được sửa đổi, nhằm di dời lực lượng Thủy uân Lục chiến từ Okinawa đến đảo Guam. Kế hoạch này sẽ làm cho sự hiện diện của Mỹ ở Okinawa bền vững hơn về mặt chính trị, và nó sẽ giúp đảo Guam phát triển hơn nữa, như một trung tâm chiến lược của quân đội Hoa Kỳ ở Tây Thái Bình Dương, cải thiện khả năng của chúng tôi nhằm đáp ứng một loạt các dự phòng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Một trụ cột khác về an ninh châu Á-Thái Bình Dương của chúng tôi là liên minh của Mỹ với Cộng hòa Triều Tiên (ND: Hàn Quốc). Trong suốt một năm của quá trình chuyển đổi và hành động khiêu khích trên bán đảo Triều Tiên, liên minh này thì không thể thiếu, và tôi đã làm cho nó trở thành nước ưu tiên để nâng cao [mối quan hệ liên minh] trong tương lai. Cuối cùng thì, ngay cả khi Hoa Kỳ giảm bớt tổng số lực lượng lục quân trong những năm tới, trong khi chuyển tiếp trong giai đoạn năm năm, chúng tôi sẽ duy trì sự hiện diện đáng kể của quân đội Mỹ ở Hàn Quốc.
Chúng tôi cũng đang thúc đẩy việc chia sẻ các thông tin và thông tin tình báo của chúng tôi với Hàn Quốc, đứng vững để chống lại các hành động khiêu khích thù địch từ Bắc Triều Tiên trong khi chuyển đổi liên minh với khả năng mới nhằm đáp ứng những thách thức toàn cầu.
Nguyên tắc cùng chia sẻ thứ ba là sự hiện diện. Trong khi tăng cường các liên minh truyền thống trong khu vực Đông Bắc Á và duy trì sự hiện diện của chúng tôi ở đó, như một phần của nỗ lực tái cân bằng này, chúng tôi cũng tăng cường sự hiện diện trong khu vực Đông Nam Á và cả trong khu vực Ấn Độ Dương.
Một thành phần quan trọng của nỗ lực đó, là thỏa thuận đã được công bố vào mùa thu năm ngoái về sự hiện diện luân chuyển Thủy quân Lục chiến và triển khai máy bay ở miền bắc nước Úc.
Nhóm Thủy quân lục chiến đầu tiên đã đến vào tháng 4, và Lực lượng đặc nhiệm Không-Bộ binh Thủy quân Lục chiến này sẽ có khả năng triển khai nhanh chóng trên toàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương, qua đó cho phép chúng tôi làm việc hiệu quả hơn với các đối tác ở Đông Nam Á và Ấn Độ Dương, và giải quyết những thách thức chung như thiên tai và an ninh hàng hải.
Những người lính Thủy quân Lục chiến này sẽ tiến hành hu ấn và các diễn tập trong khu vực và với Úc, củng cố một trong những liên minh quan trọng nhất của chúng tôi và xây dựng kinh nghiệm hoạt động một thập kỷ ở Afghanistan. Nói tới điều này, tôi hoan nghênh và khen ngợi tuyên bố của Úc rằng cuối năm nay họ sẽ phụ trách lãnh đạo Combined Team ở tỉnh Uruzgan, và sẽ dẫn đầu các nỗ lực an ninh của chúng ta ở đó cho đến năm 2014.
Chúng tôi cũng đang tiếp tục hợp tác hoạt động chặt chẽ hơn với Thái Lan, đồng minh lâu năm của chúng tôi. Người Thái tổ chức [tập trận] COBRA GOLD hàng năm, một cuộc tập trận quân sự đa phương mang tầm cỡ quốc tế, và năm nay chúng tôi sẽ tăng cường hợp tác chiến lược nhằm đáp ứng các thách thức trong khu vực mà chúng ta chia sẻ.
Chúng tôi cũng đang tiếp sức cho đồng minh của chúng tôi là Philippines. Tháng trước, tại Washington, lần đầu tiên tôi cùng Ngoại trưởng Clinton tham dự buổi họp “2 +2″ với những người đồng nhiệm Philippines. Cùng làm việc với nhau, lực lượng của chúng ta sẽ thành công trong việc chống lại các nhóm khủng bố. Chúng tôi cũng đang cùng nhau theo đuổi các khả năng cải tiến mà hai bên cùng có lợi, và làm việc để cải thiện sự hiện diện trên biển của Philippines. Tham mưu trưởng Liên quân [Martin] Dempsey sẽ từ đây đi đến Philippines để đẩy mạnh sự tham gia quân đội của chúng tôi.
Một sự hiện diện hữu hình khác của chúng tôi về cam kết tái cân bằng là phát triển quan hệ phòng thủ với Singapore. Khả năng của chúng tôi hoạt động với các lực lượng của Singapore và các nước khác trong khu vực sẽ gia tăng đáng kể trong những năm tới khi chúng ta thực thi việc triển khai các tàu chiến đấu ven biển tới Singapore.
Khi chúng ta đưa các liên minh và các quan hệ đối tác hiện có đi tới các hướng mới, nỗ lực tái cân bằng này cũng có tầm quan trọng đặc biệt trong việc nâng cao các quan hệ đối tác với Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, Việt Nam và New Zealand.
Trong những ngày sắp tới, tôi sẽ đi đến Việt Nam để thúc đẩy hợp tác phòng thủ song phương, hoàn thiện bản ghi nhớ toàn diện mà hai nước chúng tôi đã ký hồi năm ngoái. (adding to )
Từ Việt Nam, tôi sẽ đi tới Ấn Độ để khẳng định sự quan tâm của chúng tôi trong việc xây dựng mối quan hệ an ninh mạnh mẽ với một đất nước mà tôi tin rằng sẽ đóng vai trò quyết định trong việc định hình an ninh và thịnh vượng trong thế kỷ 21.
Khi Hoa Kỳ tăng cường các quan hệ đối tác trong khu vực, chúng tôi cũng sẽ tìm cách gia tăng mối quan hệ rất quan trọng với Trung Quốc. Chúng tôi tin rằng Trung Quốc là chìa khóa để có thể phát triển hòa bình, thịnh vượng, và an toàn trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong thế kỷ 21. Và tôi đang mong sẽ sớm đến nước này theo lời mời của chính phủ Trung Quốc. Hai nước chúng tôi nhận ra rằng, mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất trên thế giới. Chúng tôi ở Hoa Kỳ đã thấy rõ những thách thức, không có sự nhầm lẫn về nó, nhưng chúng tôi cũng tìm cách nắm bắt những cơ hội, có thể đến từ sự hợp tác chặt chẽ hơn và một mối quan hệ gần gũi hơn.
Cá nhân tôi cam kết xây dựng mối quan hệ lành mạnh, ổn định, đáng tin cậy, và tiếp tục mối quan hệ quân sự với quân sự giữa Mỹ với Trung Quốc. Tôi đã có cơ hội đón tiếp Phó Chủ tịch Tập Cận Bình và sau đó là Bộ trưởng Quốc phòng Lương Quang Liệt tại Lầu Năm Góc trong nỗ lực theo đuổi mục tiêu đó. Mục đích của chúng tôi là tiếp tục cải thiện sự tin tưởng chiến lược mà chúng ta phải có giữa hai nước, và để thảo luận về các phương pháp tiếp cận chung nhằm đối phó với các thách thức an ninh mà hai nước cùng đương đầu.
Chúng tôi đang làm việc với Trung Quốc để thực hiện một kế hoạch tham gia quân sự mạnh mẽ giữa hai nước trong những tháng còn lại của năm nay, và chúng tôi cũng sẽ tìm cách tăng cường quan hệ đối tác trong việc hỗ trợ nhân đạo, chống buôn lậu ma túy, và những nỗ lực chống phổ biến [vũ khí hạt nhân]. Chúng tôi cũng đã đồng ý về sự cần thiết trong việc giải quyết hành vi có trách nhiệm trên không gian mạng và ở ngoài không gian. Chúng tôi phải thiết lập và củng cố các nguyên tắc thống nhất về hành vi có trách nhiệm trong các lĩnh vực quan trọng này.
Tôi biết nhiều nước trong khu vực và trên toàn thế giới đang theo dõi rất kỹ mối quan hệ giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc. Một số nước xem việc Hoa Kỳ tăng cường [hoạt động] ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương như là một số thách thức đối với Trung Quốc. Tôi hoàn toàn bác bỏ quan điểm đó. Nỗ lực của chúng tôi nhằm đổi mới và tăng cường sự tham gia của chúng tôi ở châu Á là hoàn toàn phù hợp với sự phát triển và tăng trưởng của Trung Quốc. Thật vậy, sự tham gia của Mỹ trong khu vực này ngày càng gia tăng, sẽ mang lại lợi ích cho Trung Quốc khi Trung Quốc thúc đẩy an ninh và thịnh vượng chung trong tương lai.
Trong bối cảnh đó, chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực mà cả Trung Quốc lẫn Đài Loan, cả hai đang cố gắng để cải thiện quan hệ eo biển trong những năm gần đây. Chúng tôi có lợi ích lâu dài đối với hòa bình và ổn định qua eo biển Đài Loan. Hoa Kỳ vẫn nhất định tuân theo chính sách một nước Trung Quốc, dựa trên ba Thông cáo và Đạo luật Quan hệ Đài Loan (*).
Trung Quốc cũng có vai trò hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy an ninh và thịnh vượng bằng cách tôn trọng trật tự dựa trên luật lệ đã phục vụ khu vực này trong sáu thập kỷ qua. Hoa Kỳ hoan nghênh sự trỗi dậy của một nước Trung Quốc hùng mạnh và thịnh vượng, và sự thành công của Trung Quốc đóng vai trò lớn hơn trong các vấn đề toàn cầu.
Một bước tích cực khác để thúc đẩy hơn nữa trật tự dựa trên luật lệ này, đó là kiến trúc an ninh khu vực của châu Á sâu rộng hơn mà Hoa Kỳ hỗ trợ mạnh mẽ. Tháng 10 năm ngoái, tôi có cơ hội là bộ trưởng quốc phòng Mỹ đầu tiên họp mặt riêng tư với tất cả các bộ trưởng quốc phòng ASEAN tại Bali. Chúng tôi hoan nghênh Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM +), đưa ra kế hoạch hành động thực sự cho hợp tác quân sự đa phương, và tôi mạnh mẽ ủng hộ quyết định của ASEAN tổ chức các cuộc thảo luận ADMM + thường xuyên hơn ở cấp bộ trưởng. Chúng tôi nghĩ rằng, đây là một bước quan trọng cho sự ổn định, phối hợp thật sự, trao đổi thông tin, và hỗ trợ giữa các quốc gia này.
Hoa Kỳ tin rằng, rất quan trọng để các tổ chức trong khu vực phát triển các quy tắc đã thoả thuận với nhau về lộ trình bảo vệ quyền lợi của tất cả các nước, tự do đi vào và mở rộng lối đi vào các vùng biển. Chúng tôi hỗ trợ nỗ lực của các nước ASEAN và Trung Quốc để phát triển quy tắc ứng xử ràng buộc, quy tắc này sẽ tạo ra một khuôn khổ dựa trên luật lệ để điều chỉnh các ứng xử của các bên ở biển Đông, gồm việc ngăn ngừa và xử lý các tranh chấp.
Xin lưu ý rằng, chúng tôi đang chú ý rất kỹ đến tình hình ở bãi cạn Scarborough trong khu vực biển Đông. Quan điểm của Mỹ thì rõ ràng và nhất quán: chúng tôi kêu gọi kiềm chế và giải quyết bằng con đường ngoại giao, chúng tôi phản đối hành động khiêu khích, chúng tôi phản đối sự ép buộc, và chúng tôi phản đối sử dụng vũ lực. Chúng tôi không đứng về bên nào trong việc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, nhưng chúng tôi muốn việc tranh chấp này được giải quyết một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế. Chúng tôi đã nói rõ quan điểm của chúng tôi với Philippines, một đồng minh hiệp ước thân cận, và chúng tôi cũng đã nói rõ những quan điểm này với Trung Quốc và các nước khác trong khu vực.
Là một cường quốc Thái Bình Dương, Hoa Kỳ có lợi ích quốc gia về tự do đi lại, phát triển kinh tế và thương mại không bị cản trở, và tôn trọng các quy định của pháp luật. Các đồng minh của chúng tôi, quan hệ đối tác của chúng tôi, và sự hiện diện lâu dài của chúng tôi trong khu vực này, tất cả đều nhằm mục đích hỗ trợ cho các mục tiêu quan trọng.
Đối với những nước lo ngại về khả năng của Mỹ trong việc duy trì sự hiện diện mạnh mẽ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương do các áp lực tài chính mà chúng tôi phải đối mặt, hãy để tôi nói rõ. Bộ Quốc phòng có kế hoạch ngân sách 5 năm và kế hoạch chi tiết cho việc thực hiện chiến lược này, tôi chỉ phác thảo để quý vị hiểu rõ mục tiêu lâu dài của chúng tôi ở khu vực này, và [để thấy rằng] chúng tôi vẫn hội đủ trách nhiệm về tài chính.
Nguyên tắc cuối cùng – nguyên tắc chia sẻ mà tất cả chúng ta đều có, đó là thể hiện khả năng chiến đấu.
Ngân sách là vấn đề đầu tiên trong một loạt các khoản đầu tư mà chúng tôi sẽ phải duy trì và các quyết định chiến lược nhằm tăng cường khả năng quân sự của chúng tôi ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tôi khuyến khích quý vị xem khả năng công nghệ cải tiến của chúng tôi, cũng như các con số gia tăng trong việc đánh giá đầy đủ về sự hiện diện an ninh cũng như cam kết an ninh của chúng tôi.
Chẳng hạn như trong 5 năm tới, chúng tôi sẽ loại bỏ các tàu hải quân cũ, nhưng chúng tôi sẽ thay thế bằng 40 tàu khác, có khả năng và công nghệ tiên tiến hơn. Trong vài năm tới, chúng tôi sẽ gia tăng số lượng và quy mô các cuộc tập của chúng tôi ở Thái Bình Dương. Chúng tôi cũng sẽ gia tăng các chuyến viếng thăm hải cảng và mở rộng các chuyến thăm đó tới những nơi xa xôi hơn, bao gồm cả khu vực Ấn Độ Dương quan trọng.
Và đến năm 2020, Hải quân [Hoa Kỳ] sẽ tái bố trí lực lượng hiện tại khoảng 50% ở Thái Bình Dương và 50 Đại Tây Dương thành 60% ở Thái Bình Dương và 40% ở Đại Tây Dương. Điều đó có nghĩa là, sẽ có sáu tàu sân bay trong khu vực này, cùng với đa số các tuần dương hạm, khu trục hạm, tàu chiến đấu ven biển và tàu ngầm.
Lực lượng ứng chiến tiền phương của chúng tôi là vấn đề cốt lõi trong các cam kết của chúng tôi đối với khu vực này và chúng tôi sẽ, như tôi đã nói, cho phép các lực lượng của chúng tôi sử dụng công nghệ tiên tiến hơn. Các lực lượng này cũng được hỗ trợ bởi khả năng phô trương sức mạnh quân sự nhanh chóng, nếu cần, để đáp ứng các cam kết an ninh của chúng tôi.
Vì vậy, chúng tôi đang đầu tư đặc biệt vào các loại năng lực tiềm tàng – chẳng hạn như máy bay chiến đấu tiên tiến thế hệ thứ năm, tàu ngầm loại Virginia nâng cao, chiến tranh điện tử mới, các khả năng thông tin liên lạc, và vũ khí được cải tiến chính xác – sẽ cung cấp cho các lực lượng của chúng tôi được tự do tập trận trong những khu vực mà việc lui tới chúng tôi, cũng như sự tự do hành động có thể bị đe dọa.
Chúng tôi nhận thấy, có những thách thức hoạt động ở các nơi có khoảng cách bao la trong khu vực Thái Bình Dương. Đó là lý do vì sao chúng tôi đang đầu tư loại máy bay mới để tiếp nhiên liệu trên không, máy bay ném bom mới, [máy bay] tuần tra hàng hải tiên tiến và máy bay tác chiến chống tàu ngầm.
Phối hợp các loại đầu tư này với các khả năng quân sự, chúng tôi đang phát triển khái niệm hoạt động mới, sẽ cho phép chúng tôi tận dụng tốt hơn các thế mạnh độc đáo của những loại vũ khí này, và đáp ứng kịp thời các thách thức đặc biệt về hoạt động ở châu Á-Thái Bình Dương. Trong tháng 1, Bộ [Quốc phòng] đã phát hành Mô hình Tiếp cận Hoạt động Chung (JOAC), cùng với các nỗ lực liên quan đến mô hình này như, Tác chiến Trên Không và Trên Biển, đang giúp Bộ [Quốc phòng] đáp ứng những thách thức của công nghệ đột phá và công nghệ mới, và các loại vũ khí có thể không cho phép lực lượng của chúng tôi đi vào các tuyến đường biển quan trọng, cũng như các tuyến đường giao thông quan trọng.
Sẽ phải mất nhiều năm để các mô hình này và nhiều thứ đầu tư mà tôi vừa nói chi tiết [có hiệu lực], nhưng chúng tôi đang thực hiện việc đầu tư vào những thứ đó, để các loại đầu tư và các mô hình này được [mọi người] nhận thức rõ. Không nên lầm lẫn – một cách kiên định, có cân nhắc, và kiên định, quân đội Mỹ đang tái cân bằng và đang đưa khả năng phát triển nâng cao vào trong khu vực quan trọng này.
Đầu tuần này, tôi có cơ hội phát biểu tại buổi lễ tốt nghiệp ở Học viện Hải quân Hoa Kỳ. Và ở đó tôi được hân hạnh trao bằng tốt nghiệp cho một sinh viên nước ngoài đầu tiên, tốt nghiệp với tấm bằng danh dự hàng đầu, chuẩn úy hải quân trẻ từ Singapore: Sam Tan Wei Chen.
Tôi đã nói nói lớp chuẩn úy hải quân tốt nghiệp này, rằng mục đích của thế hệ của họ là đáp ứng những thách thức và nắm bắt các cơ hội đến từ khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Bằng cách làm việc phối hợp với tất cả các yếu tố sức mạnh của Mỹ, tôi thực sự tin rằng những người thanh niên và thiếu nữ trẻ này sẽ có cơ hội đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm một thế kỷ hòa bình và thịnh vượng cho Hoa Kỳ cũng như cho tất cả các nước trong khu vực này.
Trong dòng lịch sử, Hoa Kỳ đã chiến đấu trong các cuộc chiến, chúng tôi đã đổ máu, chúng tôi đã triển khai lực lượng nhiều lần để bảo vệ lợi ích sống còn của chúng ta ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Chúng ta nợ tất cả những người đã chiến đấu và hy sinh để xây dựng tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả các nước trong khu vực này.
Từ lâu, Hoa Kỳ đã tham gia rất nhiều vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trải qua các giai đoạn chiến tranh, các giai đoạn hòa bình, dưới sự lãnh đạo của các chính phủ đến từ đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa, trải qua sự thù hận và trải qua các mối quan hệ thân thiện ở Washington, trải qua thặng dư [ngân sách] và trải qua thâm thủng [ngân sách], chúng tôi đã có mặt ở đây vào lúc đó, chúng tôi đang ở đây bây giờ, và chúng tôi sẽ ở lại đây trong tương lai.
Xin cám ơn.
(Vỗ tay)
———-
(*) Lưu ý của BTV: Vấn đề rắc rối ở chỗ, Mỹ ủng hộ chính sách một nước Trung Quốc (One-China policy), nhưng không nói rõ là một nước TQ sẽ do chính phủ nào lãnh đạo, chính phủ Đài Loan hay Hoa Lục. Trong các văn kiện ký kết giữa Mỹ với Trung Quốc hoặc Mỹ với Đài Loan, đã cũng không nói rõ điều này.
Nguồn: U.S. Department of Defense
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012
---------------------------------------------------------------------------------

1064. Phần hỏi đáp với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta tại Đối thoại Shangri-La, Singapore

Posted by basamnews on 06/06/2012
U.S. Department of Defense

Phần hỏi đáp với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta tại Đối thoại Shangri-La, Singapore

Người dịch: Dương Lệ Chi
02-06-2012
.
Tiếp theo phần đầu: Phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta tại Đối thoại Shangri-La, Singapore

Ông Chipman: Ông Bộ trưởng, cảm ơn ông rất nhiều về những lời giải thích tổng quát cũng như chi tiết về việc Mỹ sẽ tái cân bằng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương như thế nào. Chúng tôi sẽ nhận một số câu hỏi. Tôi mời những người muốn nói, hãy giữ bảng tên của quý vị theo chiều ngang, để tôi có thể đọc tên của quý vị dễ dàng hơn. Tôi không thể bảo đảm tất cả mọi người đều được hỏi. Tôi sẽ mời một vài người ở vòng đầu tiên và nếu cần chúng ta sẽ hợp lại sau đó. Tôi cũng sẽ cố gắng để bảo đảm những người tham gia đặt câu hỏi đến từ nhiều nước khác nhau. Vì vậy, điều này cũng sẽ được hướng dẫn theo lựa chọn của tôi. Cám ơn quý vị rất nhiều. Thật vậy, tôi đã mời đa số quý vị ngồi xuống. Trong vòng 10 phút, tôi có thể gọi những người muốn đặt câu hỏi trở lại lần thứ hai.
Câu hỏi đầu tiên dành cho ông Bao Bin. Ông chỉ cần bấm microphone trước mặt ông thì máy camera sẽ quay được ông. Giơ tay lên để chúng tôi có thể nhìn thấy ông. Đây rồi. Mời ông bắt đầu.
Câu hỏi: Cảm ơn ông Chipman. Tôi là Chuẩn tướng Bao từ Học viện Khoa học Quân sự, Quân đội Trung Quốc (PLA). Bộ trưởng, ông đã xác định rõ chính sách của Mỹ đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Chúng tôi hoan nghênh Hoa Kỳ đóng vai trò xây dựng trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Và câu hỏi của tôi là, ông có thể nói rõ thêm một chút về việc Hoa Kỳ sẽ phát triển mối quan hệ quân sự với Trung Quốc như thế nào. Cảm ơn ông.
Bộ trưởng Panetta: Tôi đánh giá cao câu hỏi này bởi vì nó là điều mà chúng tôi đang dành rất nhiều nỗ lực để cố gắng thúc đẩy. Chúng tôi nghĩ rằng mối quan hệ quân sự mạnh mẽ với Trung Quốc sẽ vô cùng quan trọng trong việc đối phó với các vấn đề mà cả hai quốc gia của chúng ta đối đầu.
Cách chúng tôi đang tiếp cận là, phát triển một loạt trao đổi cấp cao giữa hai nước chúng ta. Chúng ta đã bắt đầu và rõ ràng là chúng ta sẽ tiếp tục, hy vọng với chuyến thăm của tôi tới Trung Quốc vào lúc nào đó trong mùa hè.
Bên cạnh đó, chúng ta đã thảo luận khả năng lập ra các nhóm để có thể làm việc với nhau, tập trung vào một số lĩnh vực khó khăn hơn, chẳng hạn như không gian mạng và điều chúng ta có thể làm là trao đổi thông tin và cố gắng bảo đảm rằng, chúng ta đưa ra một số chuẩn mực khi cần sử dụng không gian mạng. Không gian [trên bầu trời] là một lĩnh vực khác mà chúng ta muốn tạo cơ hội để thảo luận những cách tiếp cận khả năng của chúng ta trong việc sử dụng không gian.
Bên cạnh đó, dĩ nhiên là chúng tôi sẽ tiếp tục trao đổi với các chỉ huy quân sự của chúng tôi, Bộ Tư lệnh Hoa Kỳ đặc trách Thái Bình Dương của chúng tôi. Hy vọng rằng, chúng tôi sẽ đến thăm Trung Quốc để thảo luận với họ những gì chúng tôi đang làm ở Thái Bình Dương.
Vì vậy, điều quan trọng ở đây là, cố gắng gia tăng mối quan hệ quân sự hai nước để chúng ta có thể có sự minh bạch hơn giữa hai nước. Nhưng quan trọng hơn, chúng ta có thể thực hiện các bước để đương đầu với những thách thức chung mà cả hai nước chúng ta phải đối mặt: thách thức trong việc đối phó với khủng hoảng nhân đạo và cứu trợ thiên tai, thách thức trong việc phổ biến vũ khí hạt nhân, thách thức trong việc cố gắng đối phó với Bắc Triều Tiên, thách thức trong việc cố gắng để đối phó với nghiện ma túy và buôn lậu ma túy, thách thức trong việc đối phó với hải tặc trên biển, thách thức trong việc đối phó với việc đi lại trên biển và cải thiện các tuyến đường giao thông. Đó là tất cả những thách thức chung mà chúng ta đang đối mặt. Và cách tốt nhất để làm điều đó là, cải thiện mối quan hệ quân sự của chúng ta.
Ông Chipman: Ông Kato từ Nhật Bản. Nếu ông có thể giơ tay lên để máy ảnh có thể quay được ông. Đây rồi. Ông Kato ở ngay đó. Bắt đầu đi.
Câu hỏi: Cảm ơn Bộ trưởng, về sự trình bày rõ ràng và toàn diện của ông. Trong khi Hoa Kỳ đang tái cân bằng ở châu Á, [Hoa Kỳ] được hầu hết các nước đồng minh và đối tác trong khu vực chào đón, ít nhất có thể nói rằng, phản ứng từ Trung Quốc thì lẫn lộn. Một trong những học giả [của Trung Quốc] gần đây đã tuyên bố trong một cuộc họp tương tự như vậy, rằng Trung Quốc xem việc Mỹ quay lại các chính sách an ninh châu Á là nhắm vào Trung Quốc và là một mối đe dọa trực tiếp và chiến lược. Và ông vừa nói trong bài phát biểu của ông rằng, ông phản đối ý kiến này, nhưng tôi phải nói rằng, thực tế là việc tái cân bằng này đã gây ra một số sự nghi ngờ về chiến lược, đặc biệt là phía Trung Quốc, có thể gây bất ổn trong khu vực. Làm thế nào để ông đối phó với hậu quả có lẽ không dự tính trước này, nhưng lại là hậu quả tiêu cực về sự thay đổi chiến lược? Cảm ơn ông.
Bộ trưởng Panetta: Cảm ơn câu hỏi của ông. Bằng nhiều cách, điều quan trọng là Hoa Kỳ và Trung Quốc duy trì các kênh thông tin liên lạc chặt chẽ để chúng tôi phát triển yếu tố tin cậy trong mối quan hệ của chúng tôi. Trở ngại của chúng tôi trong quá khứ đó là, mặc dù cố gắng thiết lập quan hệ tốt hơn, nhưng có yếu tố ngờ vực lớn giữa hai nước chúng tôi.
Tôi nghĩ cả hai nước chúng tôi phải nhận ra rằng, chúng tôi là cường quốc trong khu vực này. Chúng tôi có lợi ích chung trong khu vực này. Chúng tôi có nghĩa vụ chung để cố gắng thúc đẩy hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực này.
Và đúng vậy, Hoa Kỳ đã có sự hiện diện về sức mạnh ở Thái Bình Dương trong quá khứ và chúng tôi sẽ vẫn giữ như thế và tăng cường trong tương lai, và điều đó cũng đúng đối với Trung Quốc. Nhưng nếu cả hai nước chúng tôi cùng làm việc với nhau, nếu cả hai chúng tôi tuân theo luật lệ và trật tự quốc tế, nếu cả hai nước chúng tôi có thể làm việc với nhau để thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng và giải quyết tranh chấp trong khu vực này, thì cả hai nước chúng tôi sẽ được lợi từ đó. Cả hai nước sẽ được hưởng lợi từ đó.
Và đây không chỉ là vấn đề quân sự. Cũng không chỉ là vấn đề phòng thủ. Mà đó chính là vấn đề ngoại giao. Đó chính là vấn đề thương mại. Đó chính là vấn đề kinh tế. Đó là khả năng chia sẻ trong một số lĩnh vực sẽ quyết định tương lai mối quan hệ của chúng tôi. Nhưng nếu chúng tôi có thể mở rộng mối quan hệ đó, nếu chúng tôi có thể thiết lập loại trao đổi thông tin đó và sự tin tưởng đó, thì tôi nghĩ rằng sẽ có lợi cho tất cả các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Ông Chipman: Ông Demetri Sevastopulo từ báo Financial Times. Tới lượt ông.
Câu hỏi: Cảm ơn ông [Chipman]. Bộ trưởng Panetta, trong ba năm qua, Mỹ đã nói nhiều về việc làm cường quốc Thái Bình Dương [và điều này cũng] trùng hợp với tần số về các sự cố ở biển Hoa Nam (biển Đông) gia tăng, mà nhiều trường hợp liên quan tới Trung Quốc và các nước láng giềng. Ông nói rằng Hoa Kỳ không đứng về phía bên nào trong tranh chấp lãnh thổ, nhưng trừ khi Mỹ có lập trường mạnh mẽ hơn đối với các hành động của Trung Quốc ở biển Hoa Nam, [nếu không] thì Hoa Kỳ không gặp nguy hiểm khi bị xem như một nước yếu đuối hơn khi các ông đang cố gắng bảo vệ chính các ông như là một cường quốc mạnh hơn?
Bộ trưởng Panetta: Tôi nghĩ vấn đề quan trọng để có thể đối phó với các tranh chấp lãnh thổ mà chúng ta thấy ở bãi cạn Scarborough và chúng ta đã thấy ở những nơi khác, đó là xây dựng các tiêu chuẩn trong quy tắc ứng xử mà các nước ASEAN đang làm việc này và rằng chúng tôi có thể giúp trong việc cố gắng hỗ trợ [họ] để xây dựng [các tiêu chuẩn đó].
Theo đúng như việc xây dựng quy tắc ứng xử đó, rất quan trọng để các nước ASEAN phát triển một diễn đàn tranh luận để có thể cho phép giải quyết các tranh chấp này. Đơn giản chỉ phát triển quy tắc ứng xử không thôi, vẫn chưa đủ. Quý vị phải dự phòng khả năng đàm phán và giải quyết các tranh chấp trong khu vực này. Và đó là điều mà Mỹ đang khuyến khích.
Rõ ràng là mỗi lần những sự kiện này diễn ra, chúng ta gần như có một cuộc đối đầu, và rất nguy hiểm cho tất cả các nước trong khu vực này.
Một lần nữa, điều quan trọng trong vấn đề này là, cả Trung Quốc cũng như các nước ASEAN cần phải xây dựng luật lệ và trật tự quốc tế, phải tuân theo các quy tắc và trật tự quốc tế, nhưng điều quan trọng hơn là phải phát triển một quy tắc ứng xử để có thể giúp giải quyết những vấn đề này. Đó là cách hữu hiệu duy nhất để giải quyết chuyện này. Để Mỹ đến và cố gắng giải quyết những vấn đề này thì vẫn chưa đủ. Đây là vấn đề mà các nước ở đây phải ngồi lại với nhau. Chúng tôi sẽ hỗ trợ họ. Chúng tôi sẽ khuyến khích họ, nhưng cuối cùng thì họ phải xây dựng một quy tắc ứng xử và một diễn đàn tranh luận để có thể giải quyết những vấn đề này. Đó là cách hiệu quả nhất để đối phó với các loại xung đột như thế.
Ông Chipman: Mời ông Francois Heisbourg, từ Pháp.
Câu hỏi: Cảm ơn John rất nhiều. Cảm ơn ông Bộ trưởng đã trình bày một cách rõ ràng và khá chính xác về cách tiếp cận chiến lược mới của Mỹ. Tuy nhiên, cách tiếp cận này dựa trên giả thuyết tài chính và kinh tế, không chắc phải có sẵn vào lúc mà cách tiếp cận chiến lược mới này lẽ ra phải có. Về mặt tài chính, đến cuối năm nay, nếu không có gì thay đổi [về quyết định của Quốc hội Mỹ], ông sẽ bị [ảnh hưởng bởi] cái gọi là luật tạm thời về cắt giảm ngân sách, có nghĩa là, khoảng 500 tỉ chi tiêu quốc phòng mới sẽ bị cắt giảm vào cuối thập kỷ này.
Và thứ hai là, tin tức kinh tế ở các nước châu Âu và ở những nơi khác thì chính xác là không có lợi cho các loại chi tiêu ở mức độ mà chiến lược mới của các ông tiếp cận.
Và cuối cùng là nền tảng chính trị, và câu hỏi được đặt ra ở đây: sự tự tin của ông là gì – trong bối cảnh tài chính, kinh tế và chính trị như thế, phải chăng sự tự tin của các ông là, điều này sẽ trở thành chiến lược vững chắc mới của lưỡng đảng Mỹ, thay vì đơn giản là kế hoạch của Chính phủ Tổng thống Obama?
Bộ trưởng Panetta: Hãy để tôi giải đáp vấn đề ở từng phần trong câu hỏi của ông.
Trước hết, cần hiểu rằng Quốc hội Hoa Kỳ bước đầu tiên nhằm cố gắng đối phó với vấn đề nợ nần, nên đã đưa ra Đạo luật Kiểm soát Ngân sách. Và một phần của Đạo luật Kiểm soát Ngân sách đó có liên quan đến [chi phí] quốc phòng mà chúng tôi cắt giảm 487 tỉ đô la ngân sách quốc phòng trong 10 năm tới.
Do kinh nghiệm của tôi là Giám đốc Cục quản lý Hành chính và Ngân sách Hoa Kỳ, và là Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Hạ viện, tôi luôn tin rằng, vai trò quốc phòng liên quan đến trách nhiệm tài chính ở Hoa Kỳ. Vì lý do đó, nên chúng tôi quyết định rằng chúng tôi sẽ lấy con số đó và phát triển một chiến lược, một chiến lược quốc phòng sẽ thực hiện những khoản tiết kiệm trong 10 năm tới, nhưng sẽ làm điều đó theo cách gắn kết một chiến lược quốc phòng nhằm duy trì sức mạnh quân sự của chúng tôi trên thế giới. Và [sau khi] làm việc với những người đứng đầu các cơ quan, làm việc với những người thư ký dưới quyền, chúng tôi đã đề ra chiến lược đó và đề ra ngân sách đó để có thể đáp ứng các mục tiêu kia. Nên tôi không nghĩ rằng, chúng tôi phải lựa chọn giữa an ninh quốc gia hay an ninh tài chính. Tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể chọn cả hai. Và tôi luôn luôn tin tưởng như thế. Và tôi nghĩ rằng chúng tôi đã làm như vậy liên quan đến đề nghị mà chúng tôi đã đưa ra.
Vì vậy, thứ nhất, kế hoạch mà chúng tôi đề ra, chiến lược mà chúng tôi phát triển và ngân sách chúng tôi phác thảo, sẽ thực thi những cắt giảm này trong một giai đoạn, nhưng thực hiện nó theo cách có nhiệm vụ bảo vệ tư thế phòng thủ của chúng tôi trong tương lai. Chúng tôi nhận biết điều đó. Tôi nghĩ rằng Quốc hội cũng biết điều đó.
Thứ hai, liên quan đến luật tạm thời về cắt giảm ngân sách, luật tạm này không phải là một cuộc khủng hoảng thực sự, mà là một cuộc khủng hoảng nhân tạo. Chính Quốc hội đưa ra luật tạm này như một thứ vũ khí để buộc họ phải đưa ra các quyết định liên quan đến việc giảm bớt thâm hụt ngân sách thêm nữa và họ đặt khẩu súng vào đầu của họ, về cơ bản mà nói rằng, nếu họ không làm điều đó, thì súng sẽ nổ.
Luật mới này được thiết lập do sự thất bại [trong việc thực hiện] luật tạm của Siêu Ủy ban lẽ ra phải có hiệu lực vào tháng 1. Cả hai đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ thừa nhận rằng đó sẽ là một thảm họa. Luật tạm sẽ cắt giảm thêm 500 tỉ đô la ngân sách quốc phòng nếu nó có hiệu lực. Tôi biết không có người nào trong đảng Cộng hòa, cũng không có người nào trong đảng Dân chủ tin rằng điều đó nên xảy ra. Nói như thế, rõ ràng, họ có trách nhiệm để hành động ngay bây giờ để luật tạm này không có hiệu lực. Tôi tin rằng họ sẽ làm việc để thực hiện điều đó. Tôi thực sự tin, bởi vì tôi nghĩ rằng không có bất cứ người nào muốn điều đó xảy ra, vì vậy tôi tin rằng cuối cùng thì đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ sẽ tìm cách loại bỏ cuộc khủng hoảng nhân tạo mà họ đưa ra.
Điểm thứ ba là, liên quan đến mức độ tự tin mà tôi có được, rằng cuối cùng thì đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ sẽ đối phó với các vấn đề lớn hơn mà chúng tôi đương đầu với nền kinh tế, đặc biệt liên quan đến thâm hụt [ngân sách].
Trong suốt thời gian tôi làm việc ở Quốc hội trước đây, tôi tham gia mọi [quyết định] ngân sách – [các quyết định] ngân sách lớn bắt đầu từ thời Tổng thống Reagan, tiếp theo là thời Tổng thống Bush. Là giám đốc Cục quản lý Hành chính và Ngân sách Hoa Kỳ cho Tổng thống Clinton, [tôi] đã đề ra ngân sách, kế hoạch giảm thâm hụt mà Tổng thống Clinton đưa ra.
Trong mỗi lần như thế – mỗi lần như thế – rất quan trọng để đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đặt tất cả mọi thứ lên bàn và xem xét mọi lĩnh vực chi tiêu, không riêng gì quốc phòng, không riêng chi tiêu trong nước, mà là bảo đảm quyền lợi các bên và tổng thu nhập của chính phủ. Và đó là vì chúng tôi đặt tất cả các yếu tố lại với nhau trong các chương trình kết hợp kia, để cuối cùng chúng tôi có thể cân bằng ngân sách.
Tôi biết, liên quan đến chính trị trong vấn đề này thì rất khó cho cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ, nhưng tôi tin rằng, bởi vì nó rất quan trọng cho đất nước và cho nền kinh tế của chúng tôi, cuối cùng họ sẽ có can đảm để có thể đề ra phương pháp nhằm giảm bớt thâm hụt.
Ông Chipman: Tiếp theo là Norodom Sirivudh, cố vấn của vua Campuchia.
Câu hỏi: Cảm ơn ông, ông Chủ tịch. Campuchia là chủ tịch ASEAN và chúng tôi sẽ tổ chức ARF, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á. Tôi nghĩ dường như điểm đến kế tiếp của ông là Việt Nam và Ấn Độ và chúng tôi hy vọng rằng Tổng thống Mỹ, ông và bà Hillary Clinton sẽ tới thăm đất nước chúng tôi, Campuchia. Cho nên với tôi, chúng tôi phấn khởi khi thấy mối quan hệ hòa bình giữa Mỹ và Trung Quốc. Ấn Độ và Trung Quốc có chung đường biên giới và Việt Nam cũng [có chung biên giới với Trung Quốc] và bây giờ một nước có chung biên giới với Việt Nam để Myanmar (?) đối mặt với rất nhiều thay đổi và tiến triển. Ông có thể tưởng tượng sự hợp tác tiếp theo giữa Mỹ và Miến Điện, và đặc biệt là trong lĩnh vực quốc phòng như thế nào? Cảm ơn ông.
Bộ trưởng Panetta: Rõ ràng là chúng tôi khuyến khích các cải cách mà họ đang hy vọng đặt ra. Như ông biết, Bộ Ngoại giao đã có những bước để giảm bớt một số hình thức trừng phạt đặt lên Miến Điện và một lần nữa, cố gắng khuyến khích họ đi đúng hướng. Tôi nghĩ rằng một phần đó, giả định rằng họ có thể thực hiện cải cách và tiếp tục các nỗ lực chính trị như mở cửa hệ thống của họ, phần đó sẽ được thảo luận, liên quan đến việc chúng tôi có thể cải thiện mối quan hệ quốc phòng của chúng tôi với đất nước của họ như thế nào.
Ông biết đấy, hãy để tôi nhấn mạnh ở đây rằng, hôm nay, Hoa Kỳ, khi làm việc với các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đây không phải là tình hình chiến tranh lạnh để Hoa Kỳ chỉ đơn giản là đến đó, xây dựng các căn cứ lâu dài và cố gắng thiết lập một căn cứ quyền hành trong khu vực này.
Đây là một thế giới khác. Đây là thế giới mà chúng tôi phải tham gia với các nước khác để giúp phát triển khả năng của họ, để họ có thể phát triển an ninh riêng cho họ và có thể tự bảo vệ họ trong tương lai. Và như vậy có nghĩa là, vai trò mà chúng tôi tham gia với các nước này, nơi chúng tôi có thể thiết lập các loại triển khai luân phiên và các cuộc diễn tập, nơi chúng tôi có thể cung cấp sự hướng dẫn và hỗ trợ, nơi chúng tôi có thể phát triển khả năng của họ trên đất nước của họ, để cố gắng cung cấp một quan hệ đối tác, trong nỗ lực nhằm thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng. Và chúng tôi sẽ thúc đẩy mối quan hệ đó với mọi quốc gia mà chúng tôi làm việc trong khu vực này, gồm cả Miến Điện.
Ông Chipman: Chúng tôi sẽ nhận thêm hai câu hỏi mà Bộ trưởng có thể trả lời. Bonnie Glaser và sau đó là Josh Rogin. Bonnie Glaser trước, sau đó là Josh và sau đó Bộ trưởng có thể trả lời cả hai cùng một lúc. Bonnie, bắt đầu đi.
Câu hỏi: Cảm ơn ông Bộ trưởng. Ông vừa nói về sự cần thiết để Hoa Kỳ giúp các nước trong khu vực này để phát triển khả năng của họ và tăng cường khả năng an ninh cho riêng họ. Và ông đã thảo luận cụ thể trong bài phát biểu về những nỗ lực mà Hoa Kỳ đang thực hiện để giúp Philippines tăng cường khả năng tự bảo vệ chính họ. Tuy nhiên tôi nghĩ, ngay cả khi các bước này được hoan nghênh trong khu vực, tôi nghe nhiều nguồn tin trong khu vực này cho rằng, các mối lo ngại đang gia tăng là, điều này có thể khuyến khích Philippines và có lẽ các nước khác có được sự tăng cường khả năng, sẽ mạnh bạo hơn, và thật ra, điều này có thể gặp phải một nguy cơ đối đầu lớn hơn. Vì vậy, làm thế nào để Hoa Kỳ nhắm đúng vào sự cân bằng giữa khả năng ngăn chặn và đảm bảo chiến lược?
Ông Chipman: Josh?
Câu hỏi: Cảm ơn ông. Năm ngoái, ông Robert Gates, bộ trưởng tiền nhiệm của ông, đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt bên lề hội nghị này. Năm nay, dĩ nhiên là không thể, bởi vì chính phủ Trung Quốc từ chối gửi các quan chức cấp cao tới Đối thoại Shangri-La. Dĩ nhiên, không ai biết chính xác lý do vì sao Trung Quốc quyết định đánh giá thấp sự hiện diện của họ tại diễn đàn này, nhưng một số nguồn tin cho thấy rằng Trung Quốc đang bày tỏ sự phản đối của họ về việc Mỹ gia tăng vai trò trong các vấn đề đa phương trong khu vực này. Ví dụ, một bài bình luận của Nhân Dân Nhật báo trên trang nhất, đăng tải trong tuần này có nói rằng, các tranh chấp của Trung Quốc với các nước láng giềng liên quan đến biển Hoa Nam (biển Đông), trích dẫn nguyên văn trong bài là: “không liên quan gì tới Mỹ”.
Tôi không rõ là: ông có đồng ý rằng Hoa Kỳ là – như trích dẫn trong lời bình luận – “một lực lượng bá quyền bên ngoài” can thiệp không đúng chỗ vào vùng biển Hoa Nam? Ông có thất vọng không, khi chính phủ Trung Quốc quyết định không gửi bất kỳ quan chức cấp cao nào tới đối thoại này? Và ông nghĩ gì khi điều này nói về sự sẵn sàng của Trung Quốc tham gia, mang tính cách xây dựng, với Hoa Kỳ về các vấn đề khu vực [mà hai nước] cùng quan tâm? Cảm ơn ông.
Bộ trưởng Panetta: Trước hết, liên quan tới vấn đề Philippines, tôi nghĩ rằng rất quan trọng để hiểu rằng các nước – một sự tôn trọng thực sự đối với chủ quyền của các nước, đòi hỏi chúng tôi phải làm tất cả mọi thứ để chúng tôi có thể giúp hỗ trợ những nước này phát triển khả năng của mình và có thể giữ gìn an ninh và bảo vệ chính họ, nhưng đồng thời khuyến khích họ, như tôi đã nói, tuân theo các nguyên tắc mà tôi đã đề ra ở đây. Và nguyên tắc quan trọng là tuân theo các quy tắc và chuẩn mực quốc tế mà tất cả các quốc gia phải tuân thủ.
Tôi nghĩ chúng ta không nên có thái độ là, chúng tôi đang làm cho vấn đề rắc rối thêm chỉ vì chúng tôi giúp cải thiện khả năng của họ, bởi vì điều đó sẽ bảo đảm rằng, chỉ những nước trong khu vực này, sẽ là Hoa Kỳ, và Trung Quốc chống lại các các nước có khả năng tham gia trong việc bảo vệ và thúc đẩy an ninh riêng của họ, và tôi nghĩ đây sẽ là sai lầm.
Vì vậy, tôi nghĩ rằng, sẽ là một bước tích cực để có thể khuyến khích và phát triển các khả năng, đồng thời phải nói rất rõ rằng, các nước này phải tuân theo các luật lệ, các yêu cầu, và các quy định mà tất cả các quốc gia phải tuân theo. Và đó là điều phải được thực hiện một cách thẳng thắn về mặt ngoại giao.
Việc vươn xa tới các nước châu Á-Thái Bình Dương, như tôi đã nhấn mạnh, có thể không chỉ liên quan đến vấn đề quân sự, mà còn phải là vấn đề ngoại giao. Nó phải liên quan đến vấn đề phát triển kinh tế. Nó phải liên quan đến một số lĩnh vực khác để mở rộng mối quan hệ giữa các nước. Và nếu chúng ta có thể làm điều đó trong tập hợp các vấn đề lớn hơn và tham gia vào một tập hợp các vấn đề rộng hơn, thì tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ có cơ hội tốt hơn có thể để bảo đảm rằng tất cả các nước sẽ tìm cách giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, phản đối tham gia vào xung đột.
Về việc Trung Quốc, mối quan hệ của chúng tôi với Trung Quốc, chúng tôi tiếp cận với đôi mắt tinh tường. Chúng tôi không ngây thơ về mối quan hệ này và cả Trung Quốc cũng không ngây thơ. Cả hai nước chúng tôi đều hiểu sự khác biệt mà chúng tôi có. Cả hai nước chúng tôi hiểu những xung đột mà chúng tôi có, chúng tôi cũng hiểu rằng thực sự không có sự lựa chọn nào khác [ngoài việc] cả hai nước chúng tôi tham gia và cải thiện thông tin liên lạc và để cải thiện các mối quan hệ quân sự với quân sự của chúng tôi.
Khi tôi còn là giám đốc CIA, đối phó với một số nước, có những tranh chấp. Chúng tôi đã có sự khác biệt, nhưng cùng lúc, chúng tôi đã có mối quan hệ tình báo mạnh mẽ bởi vì họ hiểu rằng đó cũng là lợi ích của họ, và chúng tôi hiểu rằng đó là lợi ích của chúng tôi. Và đó là loại quan hệ trưởng thành (*) mà tôi nghĩ rằng cuối cùng chúng tôi phải có với Trung Quốc.
Quý vị biết đấy, chúng tôi sẽ có những thăng trầm. Đó là bản chất của các loại quan hệ này. Chúng tôi có [những thăng trầm] với Nga. Chúng tôi đã có [những thăng trầm] với các nước khác trên thế giới. Có những thăng trầm trong các mối quan hệ. Có những lúc quý vị đồng ý. Có những lúc quý vị bất đồng, nhưng quý vị cần duy trì các kênh thông tin liên lạc. Quý vị duy trì các kênh ngoại giao. Quý vị duy trì loại liên lạc sẽ cho phép quý vị nói chuyện với nhau và hy vọng có thể giải quyết những sự khác biệt và tập trung vào những lĩnh vực mà quý vị đồng ý và [tập trung] vào những lĩnh vực mà quý vị có thể phát triển một mối quan hệ tốt hơn.
Vì vậy, đó là điều mà chúng tôi đang có ý định làm ở đây với Trung Quốc là xây dựng loại quan hệ đó, với nhận thức rằng chúng ta sẽ có tranh chấp, nhận thức rằng chúng ta sẽ có xung đột, nhưng cũng nhận ra rằng đó là lợi ích của hai nước Trung Quốc và Hoa Kỳ để giải quyết những vấn đề này một cách hòa bình. Đó là chìa khóa duy nhất để thúc đẩy sự thịnh vượng của họ và thúc đẩy sự thịnh vượng của chúng tôi.
——-
Ghi chú của BTV: Ông Panetta dùng chữ “trưởng thành” ở đây để nhắc lại cách ứng xử chưa trưởng thành của Trung Quốc từ trước tới giờ. Mỗi khi có bất đồng với Mỹ thì Trung Quốc cắt đứt mọi quan hệ đang có, để rồi sau đó từ từ nối lại quan hệ. Đã nhiều lần Trung Quốc hành xử như vậy, và gần đây, đầu năm 2010, khi chính phủ Mỹ thông báo sẽ bán vũ khí cho Đài Loan, ngay lập tức, Trung Quốc cắt đứt mối quan hệ quân sự với quân sự (military-to-military relationship) với Mỹ, cũng như các cuộc hội đàm có liên quan. Và rồi cuối cùng Trung Quốc cũng đã nối lại. Hành động giận hờn rồi “nghỉ chơi”, sau đó được “vuốt ve” thì “chơi lại”, là hành động thiếu trưởng thành (unmatured) mà báo chí phương Tây đã nhiều lần nhắc tới, khi nói đến cách ứng xử của Trung Quốc.
Nguồn: U.S. Department of Defense
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012

(nguồn basamnew) http://anhbasam.wordpress.com/2012/06/05/phat-bieu-cua-panetta-tai-doi-thoai-shangri-la/#more-63581
------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
           Sẽ xóa những comment nói tục
           Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001