Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2012


Nhạc sĩ Phạm Duy sẵn sàng ra điInEmail

  Chủ nhật, 17 Tháng 6 2012 01:03
http://www2.vietbao.vn/images/vivavietnam_vne/van_hoa/2006_02_10946000_pham-duy-lon.jpgĐọc trên Người lao động vài bài phỏng vấn Nhạc sĩ Phạm Duy thấy hay quá, nên cóp nhặt về đây. Đọc tựa đề “sẵn sàng ra đi” làm tôi thấy buồn và tiếc nuối. Biết chắc một ngày nào đó ông sẽ xa chúng ta, nhưng không dám nghĩ đến ngày đó. Tôi nghĩ sự ra đi của ông chắc chắn sẽ để lại sự tiếc nuối của nhiều triệu người, trong đó có tôi. Đối với tôi, Phạm Duy là nhạc sĩ số 1 của Việt Nam. Đơn giản thế thôi. Tôi nghĩ không quá đáng nếu ví Phạm Duy là Nguyễn Du trong âm nhạc Việt Nam.
Một người trọn đời dành cho âm nhạc và để lại cho đời hơn 1000 tác phẩm thì cũng xứng đáng với danh hiệu thiên tài lắm chứ. Cái đặc biệt của Phạm Duy là ông không ngừng khai phá. Vì không ngừng khai phá và thử nghiệm nên nhạc của ông không đơn điệu như nhạc của những nhạc sĩ khác. Có nhạc sĩ cũng nổi tiếng và để lại cho đời hàng trăm ca khúc, nhưng quanh đi quẩn lại vẫn chỉ vài giai điệu quen thuộc (mà nghe 10 bài là … buồn ngủ). Phạm Duy thì khác: lúc nào cũng có cái mới trong nhạc của ông. Nghe vài bài trong trường ca Kiều sẽ rất khác với Hoàng Cầm Ca, hay Đạo Ca trước đây. Ông có quá nhiều loạt bài “ca” đến nổi tôi không nhớ hết! Nghe nhạc Phạm Duy hoài không chán. Một bài thơ đọc lên chẳng gây cảm giác gì đặc biệt nhưng qua tay Phạm Duy là có khi thành bất hủ (như bài Kỉ vật cho em). Bởi vậy người ta gọi ông là phù thuỷ âm thanh cũng đúng thôi.
Ấy vậy mà trong số >1000 ca khúc của ông, chỉ có khoảng 100 là được cho phép phổ biến ở Việt Nam! Tôi không biết có nơi nào trên thế giới mà nghệ sĩ phải xin phép Nhà nước để phổ biến tác phẩm của mình, nhưng ở VN thì thế. Không phải sau mà trước 1975 cũng thế, cũng phải "xin phép". Tôi nghĩ ngoại trừ những bài tế nhị mà ông sáng tác trên đường lưu vong (mà có lẽ người ta chưa can đảm và mature để nghe) còn lại những tác phẩm ca ngợi tình yêu, quê hương, con người Việt Nam thì sao lại không cho phổ biến. Thật không hiểu nổi! Nhưng thôi, như ông nói, chỉ cần nhớ đến bài Tình ca của ông là đủ. Tôi nghĩ không chỉ một ca khúc đó đâu, mà còn hàng chục ca khúc khác rất đáng nhớ lắm khi nhắc đến hai chữ Phạm Duy.
Bây giờ thì ông đã 92 tuổi. Thế là đại thọ rồi. Ông còn ở trong nước, và thế là quá hạnh phúc rồi. Hai năm trước tôi ghé thăm ông trong một bệnh viện lớn ở VN thấy ông vẫn còn hóm hỉnh, nói đùa với khách một cách thoải mái. Tôi thầm nghĩ ông cụ này chắc sẽ sống lâu vì ông lúc nào cũng vui vẻ. Tôi thán phục ông khi ở tuổi này mà còn sáng tác và làm việc. Đúng là một con người phi thường. Không dám nghĩ đến ngày ông sẽ rời chúng ta. Một người lớn lên với âm nhạc của Phạm Duy mà vắng Phạm Duy thì chắc là buồn lắm.
Cầu mong ông sống đến 100 tuổi. Người thầy dạy sử của ông (tức tướng Võ Nguyên Giáp) đã sống đến 100 tuổi. Tôi chủ quan :-) cho rằng nhạc sĩ của ta cũng có xác suất sống đến trăm tuổi khá cao đấy.
NVT
*****
http://nld.com.vn/2012042710133279p1140c1192/nhac-si-pham-duy-san-sang-cho-su-ra-di.htm
Nhạc sĩ Phạm Duy sẵn sàng cho sự ra đi!

Vị khách mời của Cà phê với sao tuần này là nhạc sĩ Phạm Duy. Đã 92 tuổi nhưng người nghệ sĩ tài hoa của làng nhạc Việt vẫn cần mẫn làm việc, góp hương cho đời. Ông chia sẻ về những công việc đang làm, những hoài bão khi tuổi già…
Nhạc sĩ Phạm Duy nói rằng nhiều khi nghĩ lại mình thấy mình cũng may, sướng hơn khối ông đấy chứ. Chắc gì những ông Hoàng Cầm, Văn Cao, Trịnh Công Sơn,… còn sống ở cái tuổi này mà đã sướng nhỉ.

Phóng viên: Thêm 14 ca khúc nữa của Phạm Duy được cấp phép phổ biến trên thị trường. Ngày càng nhiều ca khúc của ông được cấp phép, ông thấy vui chứ?

-Nhạc sĩ Phạm Duy: Tôi thấy cũng bình thường thôi. 10 năm chẵn, tính từ ngày tôi về Việt Nam sinh sống mà được phép phổ biến 100 ca khúc, thế cũng vui lắm rồi. Có ông bạn tôi nói vui: “Ông có 1000 bài hát, vậy tính ra đến năm 2102, số ca khúc của ông mới được phổ biến hết”. Lúc ấy tôi cũng chết rồi, đâu còn điều kiện để nghe lại trọn vẹn các tác phẩm của mình. Kể ra cũng tiếc thật!

* Trong số 14 ca khúc được phép phổ biến lần này có tác phẩm Mùa thu chết (thơ Apollinaire; dịch lời Việt: Bùi Giáng), một thời bị nhiều ý kiến quy kết là nói đến mùa thu cách mạng nay được Nhà nước cho phép phổ biến ông có thấy mình như được giải oan?
- Tôi chẳng nghĩ gì cả, ai từng hiểu sai là quyền của họ, tôi cũng không cần phải giải thích gì vì điều đó cả.
Tôi vẫn hăng say làm việc
*Như vậy, thời gian này ông chỉ ngồi đợi những ca khúc của mình được phổ biến thôi sao?
- Không. Đó là những ca khúc đã cũ rồi. Và bạn bè chúng tôi nói chuyện với nhau cũng để vui thế thôi. Tôi vẫn làm việc đấy chứ! Tôi đã hoàn thành trọn vẹn Truyện Kiều, 10 bài Hương ca và 10 bài hát phổ thơ Bích Khê. Tính ra thì mấy bài hát mới của tôi cũng đã phổ biến rồi. Thôi thế cũng xong.
*Ông còn nghĩ đến việc làm một đêm diễn cho riêng mình trong thời gian tới nhân có thêm những bài hát cũ đựơc phổ biến và cả những bài hát mới đã hoàn thành?
- Nghĩ lại, tôi thấy mình là người may mắn đấy chứ! Tôi cũng có nhiều đêm diễn của riêng mình rồi. Nhưng, tôi cũng là một người tham. Được một tôi lại muốn có hai, và nhiều hơn nữa. Nếu bây giờ tôi làm một đêm diễn cho riêng mình, chắc phải tốn cả tỷ đồng nhỉ. Tôi có phải tỉ phú đâu mà làm được điều ấy. Tôi cũng thường đề nghị Công ty Phương Nam (đơn vị độc quyền các ca khúc của Phạm Duy- PV) làm thêm những đêm diễn cho mình nhưng có vẻ khó. Cuộc sống hiện đang khó khăn lắm. Thế cũng được rồi. May ra, khi tôi chết đi, tình hình sẽ khá hơn. Nhiều người lại thích làm những đêm nhạc cho tôi nữa chứ chẳng chơi.
*Ở tuổi 92, ông vẫn hăng say làm việc. Có sự thay đổi nào trong tư duy, cách nhìn của ông về sáng tác, cuộc đời không?
- Tôi tự thấy mình tiến bộ hơn trong sáng tác. Trước đây, tôi được tiếng lãng mạn trong ca khúc thì bây giờ tôi còn lãng mạn gấp nhiều lần. Tôi già đi thì cảm xúc luôn đạt điểm cực, buồn thì cũng buồn hơn trăm lần nhưng vui cũng vui hơn vạn lần. Nếu xem đây là sự thay đổi thì có lẽ đó là thay đổi của tôi ở cái tuổi này. Còn mọi thứ vẫn bình thường. Tôi vẫn viết về những thứ mà tôi cho là hay nhất, đúng nhất.
*Có lẽ ông may mắn thật vì ở tuổi này nhiều người còn không nhớ nổi tên mình trong khi ông vẫn còn làm việc được?
- Chắc vậy thật. Cơ bản thì tâm hồn tôi lúc nào cũng đầy nhiệt huyết cả, nhất là trong âm nhạc. Tôi chọn sự bình dị và cứ sống một cách bình dị thế thôi. Ai yêu nhạc của tôi họ cứ hát và nếu không thích thì chịu vậy. Ở tuổi này, tôi cũng có một ít tiền để tự lo cho cuộc sống của mình.
Tôi chẳng phải làm việc để kiếm tiền, chẳng để tìm danh. Về gia đình, con cái cháu chắt đều trưởng thành và có thành tựu. Nhiều khi nghĩ lại mình thấy mình cũng may, sướng hơn khối ông đấy chứ. Chắc gì những ông Hoàng Cầm, Văn Cao, Trịnh Công Sơn,… còn sống ở cái tuổi này mà đã sướng nhỉ.
Sống ở quê hương làm tim tôi an nhàn
*Nếu nói về một sở thích, đam mê ở thời điểm này, ông sẽ thích gì nhỉ? - Tôi chẳng còn thích gì nữa đâu. Bây giờ, thời gian của tôi để dành để chống đỡ với bệnh tật thôi. Tuổi già khổ lắm. Nếu bất chợt tôi thấy hứng thú việc gì thì làm nấy thôi chứ vui thích gì nữa bây giờ.
*Sao lại khổ khi ông bảo ông đã có mọi thứ rồi kia mà?
Phạm Duy sinh ngày 5 - 10 – 1921, tên thật Phạm Duy Cẩn là một nhạc sĩ, ca sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc của Việt Nam. Ông được coi là một trong những cây đại thụ của nền Tân nhạc Việt Nam với số lượng sáng tác đồ sộ và đa dạng về thể loại, trong đó có những bài đã trở nên rất quen thuộc với người Việt. Ngoài sáng tác, Phạm Duy còn có nhiều công trình khảo cứu về âm nhạc Việt Nam có giá trị. Ông cũng từng giữ chức giáo sư nhạc ngữ tại trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn. Năm 2005, ông về Việt Nam định cư và một số ca khúc của ông mới bắt đầu được cho phép phổ biến.

- Tuổi trẻ thì làm sao mà biết được cái khổ của người già. Tôi ăn gì cũng phải nghĩ. Một ngày phải có người đến mát-xa tay chân mới thấy đỡ mệt. Một đêm chỉ ngủ được 3 tiếng, còn lại mắt cứ trơ ra đấy. Khổ lắm chứ! 
 
*Cái khổ của thể xác có làm cho trái tim của một nhạc sĩ tài hoa mệt theo không?
- Có chứ. Cách đây 10 năm, tôi có thể đáp ứng được những yêu cầu của thời đại. Một sự kiện xã hội, tôi có thể ngồi hàn huyên sôi nổi. Nhưng giờ thì thôi rồi, tôi già quá rồi. Tôi biết thân biết phận rồi. Cứ lấy một ví dụ thế này, trái tim một nghệ sĩ dễ rung cảm lắm. Nếu cách đây 20 năm, một người đẹp đi ngang sẽ làm tôi xao xuyến ngay và có thể tôi còn theo cô ấy nữa ấy chứ. Nhưng giờ già rồi, tôi quay lưng, chạy trốn với cả người đẹp.
*Cũng buồn nhỉ nếu mọi điều diễn ra theo chiều hướng mà bản thân không còn kiểm soát được nữa, ông có thấy thế không? - Nhiều người hỏi “Tôi về Việt Nam làm gì khi tôi đã già?”. Tôi bảo, tôi làm thinh thôi. Tôi già nên cần một nơi bình yên, nơi làm cho trái tim tôi an nhàn nhất. 5 năm trở lại đây, tôi ở hẳn Việt Nam rồi. Sự an nhiên là điều tôi cảm nhận được từ nơi này. Hơn hết, tôi đã mơ ước được về lại quê hương và giờ ước mơ thành sự thật. Tôi thấy vui! Thế là quá đủ cho một đời người rồi. Con người dù có xuất phát điểm khác nhau, trở thành những người khác nhau nhưng khi về già, họ sẽ có chung một mơ ước giống nhau là trở về với một cuộc sống bình dị nhất, cuộc đời an nhiên nhất. Tôi có đựơc điều ấy rồi, vui!
*Ông luôn bảo đã xong rồi là ý chỉ về điều này?
- Tôi hạnh phúc và vui. Nếu “nổ” một tí thì gọi là viên mãn cho nó óach. Nhưng viên mãn khó lắm, cuộc đời ai được trọn vẹn và tròn đầy. Chỉ là mình chấp nhận cuộc sống với những quy luật của riêng nó thôi. Thế thì mình sẽ vui.
*Tức là ông vẫn còn điều chưa được vẹn toàn?
- Ở tuổi này, người ta sống cùng con cháu thì sẽ vui hơn nhiều. Nhưng tôi đang sống một mình cũng cô đơn và cô độc lắm. Ai mà chả sợ cái cô đơn hay cô độc. Nhưng nhiều khi tôi lại gật gù, cô độc cũng hay. Nghĩ thế tôi lại thấy thích cuộc sống cô độc của riêng mình.
Chuẩn bị trước cho sự ra đi
*Có khi nào ông cố gắng thay đổi một điều gì đó hay làm một cái gì đó mà ông chưa hài lòng trước đây không?
- Không. Bất cứ niềm vui, nỗi buồn nào tôi cũng thấy ổn cả. Vì chính những điều ấy tạo nên cuộc sống của ông Phạm Duy bây giờ đấy thôi. Việc duy nhất mà tôi phải làm và đang làm lúc này là chuẩn bị sẵn sàng cho sự ra đi của mình thôi. Tôi phải chuẩn bị trứơc vì biết đâu mai tôi đi rồi thì sao. Ai biết được giờ khắc ra đi của mình bằng chính mình, nhất là khi tôi đã già thế này rồi.
*Sao phải chuẩn bị khi ông đã cảm nhận được sự an nhiên?
- À không. Tôi chỉ muốn chủ động hơn cho quãng thời gian còn lại của mình thôi. Tôi phải sắp xếp để dặn dò con cái mình biết làm gì chứ. Tôi muốn mình đựơc chôn cất ở đâu đó và con tôi đưa mẹ chúng về bên cạnh tôi. Chỉ thế thôi.
Mong đây là cuộc phỏng vấn cuối đời

*Sống một cuộc sống nổi tiếng, điều đó có bao giờ làm ông thấy phiền?
- Phiền chứ nhưng chẳng lẽ tôi nói ra điều ấy, người ta mắng tôi chết. Phiền vì sự tự do của tôi chẳng còn. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, cũng nhờ nổi tiếng mà mọi người biết và yêu mến tôi. Nhưng, nói thật, tôi mong đây là cuộc phỏng vấn cuối cùng của cuộc đời tôi. Tôi không thích ai đó nhắc đến mình nữa. Ngay cả khi chết đi, tôi cũng mong con cái mình chôn cất hay đốt xác tôi một cách lặng lẽ, âm thầm thôi. Cứ phô trương lên chẳng để làm gì. Cuộc sống còn nhiều thứ phải lo phải làm lắm, cứ quan tâm đến một người như tôi để làm gì nhỉ. Chỉ phô trương phản cảm thôi.
*Ông nổi tiếng với những bản tình ca, đến giờ có khi nào ông nghĩ về những bản tình thật của đời mình?
- Không, tôi quên hết rồi. Thời gian trôi đi thì những thứ khác cũng phải phai mờ đi. 92 tuổi mà còn nhắc đến những cuộc tình thưở đôi mươi thì có khác nào cả dở hơi. Tôi chẳng dở hơi thế đâu! Bây giờ, tôi chỉ nghĩ mỗi ngày mình phải uống 10 viên thuốc để cơ thể chống đỡ được ngày nào hay ngày ấy thôi. Thế cũng đủ với tôi rồi.
Cục Nghệ thuật Biểu diễn vừa có quyết định số 151/QĐ-NTBD và 166/QĐ-NTBD cho phép phổ biến thêm 14 ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy trong số 40 bài theo đề nghị của Công ty Phương Nam phim (đơn vị đại diện khai thác nhạc Phạm Duy tại VN).
Trong số các ca khúc được cấp phép lần này chỉ có Nắng chiều rực rỡ (1988) được Phạm Duy viết cả nhạc và lời, 7 bài được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc từ thơ Bích Khê: Hoàng hoa, Tôi chết rồi tiếng nói như châu, Một cõi trời, Huế đa tình, Thi vị, Sầu lãng tử, Mơ tiên. Các ca khúc còn lại đều được nhạc sĩ phổ nhạc từ thơ của các tác giả khác, trong đó nhiều bài được ông sáng tác khi còn ở Sài Gòn vào thập niên 1960-1970 như: Thú đau thương (thơ: Lưu Trọng Lư), Con quỳ lạy Chúa trên trời(thơ: Nhất Tuấn), Mùa thu chết(thơ: Apollinaire; dịch lời Việt: Bùi Giáng), Huyền thoại một vùng biển(thơ: Thái Phương Thư), Hãy yêu chàng (thơ :Nguyễn Tất Nhiên) và nhạc phẩm duy nhất được sáng tác ở hải ngoại năm 1985 là Màu thời gian(thơ: Đoàn Phú Tứ).
Giám đốc Phương Nam phim - ông Lê Lam Viên cho biết sẽ sớm tiến hành việc thu âm các ca khúc này cho album tiếp theo của nhạc sĩ Phạm Duy, cũng như tổ chức những chương trình giới thiệu ca khúc vừa được cấp phép của ông với công chúng.


http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120609/pham-duy-di-voi-bich-khue.aspx
Phạm Duy dị với Bích Khuê
10/06/2012 3:05
Sinh thời, Phạm Duy chưa từng gặp Bích Khê. Vậy mà, nhạc sĩ tài hoa này cứ khăng khăng xem thi sĩ bạc mệnh ấy là tâm giao. Thế mới thấy, tri kỷ đôi khi không hẳn cần đến một tiếng đàn.

Chào nhạc sĩ Phạm Duy. Dị khúc Bích Khê - tên mà ông đặt cho CD mới nhất của mình có ý nghĩa gì ạ?
- Tôi chọn ra 10 bài thơ của thi sĩ Bích Khê để phổ thành nhạc và đặt tên là Dị khúc Bích Khê. “Dị” ở đây vừa mang nghĩa bình dị, vừa là quái dị. Có rất nhiều bài thơ của Bích Khê làm người ta tưởng có gì đó quái dị, nhưng thật ra nó rất bình dị và ngược lại. Bích Khê làm thơ theo lối gán ghép, tượng trưng nên phải tinh tế lắm mới hiểu được ý thơ của ông ấy. Thơ Bích Khê nói nhiều đến tính dục. Hơn bảy chục năm trước mà dám nói về những điều bị coi là cấm kỵ như thế, Bích Khê không “dị” chứ là gì nữa?
Sao ông tự tin cho rằng mình hiểu Bích Khê đến vậy?
- Từ trẻ tôi đã mê Bích Khê rồi. Tôi thương những con người sinh ra trên đời bị thuyết “tài mệnh tương đố” đeo bám như: Nguyễn Du, Hàn Mặc Tử, Bích Khê... Riêng Bích Khê, tôi thích cách ông nói về chuyện ân ái: “Vàng sao nằm im trên hoa gầy”. Và tôi nhận thấy, ông xem việc bước vào cõi chết giống như được lên tới thiên đường vậy.
Mê là một chuyện, hiểu lại là chuyện khác. Hay ông nhận thấy giữa ông và Bích Khê có điểm tương đồng?
- Cũng có thể gọi đó là thần giao cách cảm. Thứ nhất là việc Bích Khê dám nói về vấn đề xác thịt. Mấy chục năm sau thời Bích Khê, có một Phạm Duy cũng dám nói về vấn đề ấy. Kế đến, cuộc đời Bích Khê gắn liền với cái giường bệnh, nhưng ông ấy đã viết ra bài Sầu lãng tử. Điều đó chứng tỏ Bích Khê luôn khao khát được đi. Còn tôi, tôi đi suốt đời.
Sau Minh họa truyện Kiều, Trường ca Hàn Mặc Tử là Dị khúc Bích Khê, hình như thời gian gần đây ông chú tâm toàn bộ vào việc phổ nhạc cho thơ?
- Nếu muốn viết về quê hương đất nước, tôi phải đi đây đó. Nếu muốn viết về tình yêu, tôi phải có đàn bà. Bây giờ tôi đi không được, mà cũng chẳng có người đàn bà nào bên cạnh, nên tôi tập trung phổ nhạc cho thơ.
Ông có thể diễn giải rõ điểm khác biệt của Dị khúc Bích Khê so với những tác phẩm trước không ạ?
- Dị khúc Bích Khê là cột mốc tôi vượt được chính mình. Lúc trước tôi thường làm nhạc theo lối ngũ cung, giản dị lắm. Tới Dị khúc Bích Khê tôi làm theo lối thất cung, giai điệu của nó có vẻ Âu hóa hơn. Mặc dù vẫn sử dụng nhạc cụ dân tộc như sáo, đàn tranh… này kia, nhưng những âm giai Tây phương đa dụng làm nhạc của tôi khác đi, âm vực cũng rộng hơn. Một điểm khác biệt lớn nữa là trong Dị khúc Bích Khê, phần nhạc lấn át phần lời.
Những điểm khác biệt đó đang lôi cuốn ông?
- Thật ra trước đây tôi từng làm vài bài nhạc theo lối thất cung, ví dụ bài Đường chiều lá rụng. Ai cũng hiểu, số ít thì không thể gây được phong trào. Hoàn thành Dị khúc Bích Khê, tôi có cảm giác nhiều tác phẩm trước của mình giống như loại tranh mộc bản, tranh tàu hay loại tranh trắng - đen đơn giản. Những cái mới, nó chính là thứ tranh rực rỡ của Paul Cézanne, của Pierre Auguste Renoir, của hội họa đương thời.
Nói về mới - cũ, với tôi, Dị khúc Bích Khê là mới. Còn việc người khác có thấy nó mới hay không thì tôi chịu chết!
Phải chăng vì sự mới ấy mà nhiều người nhận định, nhạc của Phạm Duy ngày càng kén người nghe?
- Quy luật đúng thế thôi! Trên hành trình của tôi, tôi luôn tìm kiếm cái mới. Vả lại, nhạc của tôi kén người hát hay kén người nghe thì tôi cũng chịu. Tôi có sự tự do của người nghệ sĩ, không gì sai khiến được.
Công việc sáng tác của ông ở tuổi 92 có gì khác so với thời trai trẻ?
- Chẳng khác gì cả. Tôi vẫn là tôi, một kẻ lãng tử. Tôi viết nhạc không có chương trình, thích thì làm thôi. Bài nào làm xong mà thấy dở là tôi bỏ ngay.
* Ngoài viết nhạc, ông còn dành thời gian vào công việc nào khác không?
- Tôi đang viết một cuốn sách, được hơn nửa rồi. Cuốn sách là tập hợp giai thoại về những bài hát của tôi: Làm ở đâu, vì ai mà làm…
* Khi một người bắt đầu viết hồi ký hay sắp xếp gọn ghẽ lại những thứ đã qua, đó có phải chính là lúc họ chuẩn bị đón nhận cuộc ra đi?
- Chẳng thể có chuyện một người 92 tuổi mà chưa từng nghĩ qua cái chết. Hôm nay, tôi đang yếu đi rất nhiều. Nhưng nếu còn đủ hơi sức thì tôi vẫn muốn viết nhạc.
Xin thứ lỗi, vậy nếu phải chết, ông muốn cái chết của mình sẽ ra sao?
- Chết một cách tự nhiên. Tôi nghĩ, tôi chết cũng như sống thôi, vì gia tài để lại của tôi nhiều lắm. Một trăm năm nữa, nếu người ta vẫn hát bài Tình ca với câu Tôi yêu tiếng nước tôi, 999 bài còn lại, người ta quên cũng được.
Và, mồ của tôi sẽ nằm trên môi những người hát nhạc Phạm Duy.
Cám ơn nhạc sĩ đã chia sẻ.

Bích Khê (1916-1946) là một trong những thi sĩ thuộc trường phái tượng trưng xuất hiện ở Việt Nam vào những năm ba mươi, bên cạnh Nguyễn Xuân Sanh, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử... Tập thơ Tinh Huyết của ông đã làm rúng động văn đàn lúc bấy giờ khiến thi sĩ họ Hàn phải gọi đó là “những đóa hoa thần dị”. Trước hết, tôi thấy thơ Bích Khê là sự giao lưu giữa thơ cổ và thơ hiện đại, giữa kiến trúc, nghệ thuật, âm nhạc và hội họa. Đặc biệt, trong lối tạo hình, ông sử dụng một phương pháp mới: Phương pháp cách gián. Sau Hồ Xuân Hương, có thể nói Bích Khê là người tiêu biểu trong việc xưng tụng xác thịt và cái đẹp lõa thể. Ông khác những thi nhân cùng thời ở chỗ, ông xem cõi âm ty không phải là địa ngục mà là thiên đường. Đối với Bích Khê, cái chết chính là giới hạn cuối cùng để thăng hoa trở về sự sống cùng tâm hồn chưa từng hết cuồng say. Thêm điểm nổi bật nữa là thơ Bích Khê dựa trên âm bằng nên chất nhạc trong thơ ông đổi hẳn cung bậc, không còn giống thơ cổ điển, mà lại khác biệt thơ mới.
Bích Khê có trên 60 bài thơ ca ngợi những mảng đặc sắc của đời sống. Dường như không có bất kỳ câu chuyện gì để tôi soạn nhạc ngoài những hình tượng khác thường. Vào một ngày mùa xuân năm nay, tôi đã hoàn tất 9 bài, cộng với 1 bài đã phổ từ năm 1969. Tất cả nằm trong một hợp khúc có tên gọi Dị khúc Bích Khê, bao gồm: Nghê thường, Sầu lãng tử, Huế đa tình, Tì bà, Thi vị, Mơ tiên…”.
Nhạc sĩ Phạm Duy

Nguyễn Khắc Ngân Vi (thực hiện)
ngu
ồn_blog_nguyenvantuan:http://nguyenvantuan.net/vip/7-vip/1521-nhac-si-pham-duy-san-sang-ra-di-
--------------------------------------------------------------------------------
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
           Sẽ xóa những comment nói tục
           Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001