Thứ Bảy, 2 tháng 6, 2012

Nick Ut và bức ảnh đoạt giải Pulitzer

Cách đây gần 35 năm, ngày 12/6/1972, một bức ảnh được đăng ở trang nhất của nhiều nhật báo lớn ở Mỹ đã khiến dư luận thế giới phẫn nộ. Bức ảnh ấy mô tả cảnh tượng hãi hùng: một bé gái 9 tuổi trần truồng, nạn nhân của bom napalm, đang chạy trên con đường nhựa ở gần Trảng Bàng.
Nó đã góp phần làm dâng cao hơn làn sóng phản đối cuộc chiến Mỹ tiến hành tại Việt Nam.
Tác giả bức ảnh là Huỳnh Công Út, sinh ngày 29/3/1951 tại Long An, phóng viên ảnh của hãng thông tấn Associated Press (AP). Tác phẩm đã mang về cho Huỳnh Công Út một giải Pulitzer và anh trở thành nhân vật nổi tiếng thế giới với tên gọi quen thuộc là Nick Ut.
Bức ảnh nổi tiếng của Nick Ut.
Bức ảnh nổi tiếng của Nick Ut.
Hiện nay Nick Ut vẫn làm việc cho AP tại Los Angeles, nhiều bức ảnh các ngôi sao điện ảnh, ca nhạc, truyền hình xuất hiện tại thành phố này đều do ông chụp. “Hằng tuần tôi vẫn liên lạc với Kim Phúc (cô bé trong bức ảnh nổi tiếng, từng là đại sứ của Liên Hợp Quốc, nay sống tại Canada)”, ông Nick Ut cho biết. “Bức ảnh ấy rất thật, cũng như cuộc chiến tại Việt Nam đã hoàn toàn rất thật, rất kinh khủng. Khoảnh khắc ấy xảy ra cách nay đã hơn 30 năm nhưng vẫn là khoảnh khắc mà Kim Phúc và tôi không thể nào quên được”.
Chính vì không thể nào quên được khoảnh khắc ghê sợ của cuộc chiến mà mình là nhân chứng, nên ông đã nhiều lần trở về Việt Nam, tìm cách đóng góp cho quê hương. Nick thường "hy sinh" những ngày phép thường niên của mình để làm giảng viên cho khoá huấn luyện kỹ thuật nhiếp ảnh cho các phó nhòm trẻ của Việt Nam.
Đây là chương trình của Indochina Media Memorial Foundation (IMMF), một hiệp hội từ thiện thành lập bởi nhà báo ảnh danh tiếng người Anh Tim Page, người đã nổi tiếng thế giới với những bức ảnh chiến trường Việt Nam. Mục tiêu chính của IMMF là có những hành động cụ thể để tưởng nhớ những nhà báo, phóng viên, nhiếp ảnh gia và nhà làm phim của cả hai bên đã tử thương hoặc mất tích tại Việt Nam trong thời gian từ 1945 đến 1975.
Chương trình huấn luyện dành cho khoảng 30 nhà báo ảnh lần này sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 10 đến 18/5, với đề tài là ảnh báo chí điện tử. Đây là một chương trình hợp tác với Thông tấn xã Việt Nam và được tài trợ bởi Canon.
Kim Phúc - nhân vật chính trong bức ảnh - ngày nay. Ảnh: Nick Ut.
Kim Phúc - nhân vật chính trong bức ảnh - ngày nay. Ảnh: Nick Ut.
Ngày nay, vệ tinh viễn thông, Internet băng rộng tốc độ cao và máy ảnh digital đã biến việc chụp, truyền, in ảnh trở thành việc làm nhanh cấp kỳ, khác hẳn khoảnh khắc nhớ đời của ông Nick Ut 35 năm về trước.
Ngày ấy, chụp ảnh xong, Nick đã đưa bé Kim Phúc đến bệnh viện rồi vội vã đến văn phòng AP tại Sài Gòn để tráng, rửa 8 cuộn phim Kodak 400 ASA trắng đen. Sau nhiều tranh luận giữa AP Saigon và văn phòng chính của AP tại New York (thời ấy chính sách của AP là không phổ biến các bức ảnh chụp cảnh khoả thân, đặc biệt là góc khoả thân chính diện), cuối cùng nó mới được truyền đến các toà báo.
Bức ảnh bé Kim Phúc cháy bỏng vì napalm đã được truyền từ Sài Gòn tới Tokyo trong thời gian 14 phút. Từ Tokyo, nó lại được truyền tự động qua hệ thống dây liên lạc ngầm dưới biển về New York và London. Sau đó, từ hai văn phòng ấy, nó lại được gửi đến các chi nhánh AP và toà báo ở khắp thế giới.
Dũng Nguyễn
(nguồn VNexpress)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001