Thứ Hai, 18 tháng 6, 2012

TRUNG QUỐC KHÔNG NGỪNG "DÈ CHỪNG" MỸ TRÊN BIỂN ĐÔNG
Siêu tàu sân bay hạt nhân USS George Washington.
Ảnh: Navsource

TRUNG QUỐC KHÔNG NGỪNG
“DÈ CHỪNG” MỸ TRÊN BIỂN ĐÔNG
Với bản chất và mưu đồ bành trướng, bá quyền nung nấu lâu đời, Trung Quốc không bao giờ rời mắt khỏi Biển Đông. Cụm danh từ “biển Nam Trung Hoa” trên bản đồ Trung Quốc đã thể hiện ý đồ tràn ra thế giới của đế quốc Đại Hán từ xa xưa. Những năm gần đây, Trung Quốc đang âm mưu lấn chiếm hải đảo của hầu khắp các nước trên Biển Đông. Rõ nhất là họ giành bãi đá ngầm Scarborough (Trung Quốc gọi là Hoàng Nham) với Phillipines, quần đảo Senkaku (Điếu Ngư Đài) với Nhật Bản; Hoàng Sa và Trường Sa với Việt Nam, đặt chủ trương mở rộng “hợp tác kinh tế biển với Cam-pu-chia, Thái Lan…. Trên vùng lãnh hải, Trung Quốc vẽ ra “Đường lưỡi bò” (còn gọi là đường chữ U hay đường Chín đoạn, Cửu đoạn tuyến), lấn gần hết vùng biển chung của các nước Việt Nam, Philippines, Malaysia, BruneiIndonesia. Từ khi phát hiện và tiến hành khai thác những mỏ dầu khí trên Biển Đông, nhất là nơi có trữ lượng lớn như biển Việt Nam, nhà cầm quyền Bắc Kinh càng ráo riết thực hiện nhiều mưu đò, thủ đoạn, hoạt động lấn chiếm Biển Đông, mà Việt Nam láng giềng trực tiếp gánh chịu nặng nề nhất.
Ý đồ của Trung Quốc muốn độc quyền toàn chiếm Biển Đông trước hết là vì lợi ích kinh tế và tài nguyên vùng biển-đảo. Hơn nữa, Biển Đông còn là cửa ngõ quan trọng của tuyến đường hàng hải quốc tế Đông-Tây. Vì thế, chiếm được độc quyền Biển Đông là giữ được thế thượng phong về nhiều mặt cả về kinh tế ngoại thương, quân sự, đối ngoại chính trị với nhiều nước trên thế giới.

Tàu khu trục Type 051C (số hiệu 115) thiết kế với khả năng phòng không mạnh, trang bị hệ thống tên lửa tầm cao S-300FM.


Tàu khu trục Type 051C (số hiệu 115) thiết kế với khả năng phòng không mạnh, trang bị hệ thống tên lửa tầm cao S-300FM.


Tàu hậu cần tiếp tế số hiệu 881.

Biển Đông là địa bàn chiến lược quan trọng trong chính sách phát triển mọi mặt nhằm theo những tiêu chí trong mưu đồ vốn có từ nghìn xưa của người Trung nguyên khi đặt tên TRUNG HOA - tự cho nước mình là “nước trung tâm, tinh hoa của hoàn cầu” trên bản đồ thế giới !
Hiện nay, Biển Đông đang là tâm điểm đặc biệt quan tâm của các siêu cường: Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, cả Ấn Độ và một số nước liên quan khác. Nhưng trong số đó, Trung Quốc vẫn “kiềng” nhất vẫn là Mỹ và Nga.


Tàu ngầm tên lửa đạn đạo của Nga

Cảng Cam Ranh của Việt Nam là nơi lý tưởng về quân cảng. Một thời gian khá dài Trung Quốc vô cùng tức tối vì sự xuất hiện của hải quân Nga và các tàu chiến lẫn máy bay chiến đấu hiện đại của Nga tại quân cảng Cam Ranh. Bởi lẽ vị trí này mang tầm chiến lược quan trọng, có nhiều khả năng về chiến thuật, chiến dịch chi phối toàn bộ Biển Đông. Hầu như cả vùng Đông Nam Á chưa nước nào có được vịnh biển làm quân cảng được thiên nhiên ưu đãi hội tụ nhiều thuận lợi và thế mạnh như ở Cam Ranh. Vì thế, không lạ gì khi thấy Trung Quốc coi Cam Ranh là "dấu chấm đỏ đậm” trên bản đồ quân sự khu vực. Với Mỹ, Biển Đông liền với vùng biển phía Tây nước này, một địa bàn chiến lược quan trọng của Mỹ ở Đông Bắc Á mà Hawai và Okinawa là những nơi Hoa Kỳ có căn cứ quân sự tiên tiêu.
Gần đây, Hoa Kỳ đã nhiều lần tỏ thái độ và nêu rõ quan điểm của mình về các vấn đề trên Biển Đông trong đó, đặc biệt quan tâm đến các vụ tranh chấp ở Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, nhất là với Việt Nam và Philippines. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đã khẳng định lại quan điểm đó tại cuộc họp báo ở Washington, sau hội nghị định kỳ có tên Đối thoại Chiến lược Mỹ-Phi, bao gồm các vị bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng của hai nước.

Hải quân Trung Quốc luyện tập tac chiến biển hiện đại

Bà Clinton cho báo chí biết rằng Hoa Kỳ và Philippines quan tâm tới những sự kiện ở Biển Đông, kể cả những mối căng thẳng hồi gần đây xung quanh bãi cạn Scarborough. Ngoại trưởng Clinton tỏ ra cứng rắn: Lập trường rõ ràng và nhất quán của Hoa Kỳ là không đứng về bên nào trong vụ tranh chấp chủ quyền đối với những hòn đảo ở Biển Đông, nhưng với tư cách là một cường quốc Thái Bình Dương, Hoa Kỳ có lợi ích quốc gia trong việc bảo đảm tự do hàng hải, duy trì hòa bình và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế và những hoạt động thương mại không bị cản trở trên khắp các thủy lộ.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết Washington ủng hộ “một tiến trình ngoại giao có tính chất hợp tác của tất cả các bên liên hệ để giải quyết những vụ tranh chấp ”và“ phản đối việc sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực của bất kỳ bên nào”, cam kết duy trì mối liên lạc chặt chẽ với đồng minh Philippines trong vấn đề này.
Mặc dù phản ứng gay gắt cuộc tập trận của Mỹ với Philippines hôm 16-4, nhưng ngày 7-5, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc bắt đầu các hoạt động chính thức trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ kéo dài 1 tuần. Động thái này khiến người ta nghĩ rằng Trung Quốc đáng cắn răng “xuống nước” để mong Mỹ không can thiệp gay gắt bãi đá ngầm Scarborough của Philippines, và qua đó cũng muốn thăm dò dư luận quốc tế, đồng thời mong “hạ” bớt thái độ cứng rắn của Philippines.

Tàu tấn công đổ bộ USS Essex của Mỹ tới Philippines
để tham gia cuộc tập trận Balikatan hồi năm 2008

Tuy nhiên, Trung Quốc nay đang bị rơi vào trạng thái chưng hửng khi các tàu hải quân Mỹ và Nhật Bản đến Philippines từ ngày 17-18/6 để chuẩn bị cho chiến dịch Đối tác Thái Bình Dương do Washington phát động. Báo The Philippine Star dẫn lời đại tá Arnulfo Marcelo Burgos, phát ngôn viên lực lượng vũ trang Philippines, cho hay thành phố cảng Calbayog thuộc nước này sẽ đón tàu bệnh viện USNS Mercy của Mỹ vào tối 17/6. Quan hệ đối tác Thái Bình Dương 2012 là chương trình hoạt động nhân đạo thường niên lớn nhất của hải quân Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chiến dịch trên còn có sự tham gia của đại diện từ các nước khác như Thái Lan, Úc, Canada, Pháp, New Zealand, Singapore, Hàn Quốc, Chile, Peru và Hà Lan. Mục tiêu của chiến dịch là tăng cường khả năng ứng phó với các cuộc khủng hoảng đa quốc gia và hỗ trợ những hoạt động nhân đạo. Rằng, chuyên gia từ các nước đối tác sẽ cùng nhau tiến hành nhiều chương trình hoạt động trong những lĩnh vực như y tế, kỹ thuật dân sự, hỗ trợ cộng đồng địa phương. Các hoạt động trong chiến dịch lần này sẽ được tiến hành tại nhiều vùng biển Đông Nam Á.
Theo nhận định của giới quan sát, các hoạt động hợp tác nhân đạo và dân sự là một phần quan trọng trong chính sách tăng cường hiện diện của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương. Hồi đầu tháng, Tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ Martin Dempsey đề nghị Thái Lan cho phép hải quân Mỹ lập trung tâm điều phối đối phó thiên tai và cứu trợ nhân đạo tại sân bay U-Tapao ở nước này. Trong một diễn biến khác, tàu khu trục USS Benfold (Mỹ) được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis đang trong chuyến hải hành 8 tháng tới vịnh Persian và Tây Thái Bình Dương, theo kênh Fox5. Giới chức quân đội Mỹ cho hay tàu USS Benfold được điều động tới khu vực để tham gia hệ thống phòng thủ tên lửa, tuần tra biển và chống hải tặc. Sự kiện ngoài ý muốn và diễn biến mới này cùng với sự có mặt của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tại Cam Ranh vào ngày 3-6 đã làm cho Trung Quốc phải tính toán kỹ thêm về cách nhìn nhận và đối sách quan hệ Trung-Mỹ.
Trung Quốc tưởng như chuyến thăm Mỹ của ông Lưu Quang Liệt sẽ cải thiện được tình hình theo như ước muốn của Trung Quốc, nhưng đâu ngờ lại nhanh chóng xảy ra chuyến “vi hành” tới địa bàn chiến lược của ông Leon Panetta, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, lần đầu tiên có mặt ở vịnh Cam Ranh kể từ khi kết thúc chiến tranh. Bực bội nhất đối với Trung Quốc là trên con tàu USNS Richard E. Byrd của Bộ Tư lệnh Hải vận quân sự Mỹ đang được sửa chữa, bảo trì tại xưởng đóng tàu Cam Ranh, ông Panetta đã đề cập đến chiến lược quốc phòng mới của Mỹ với việc chuyển hướng trọng tâm vào khu vực Thái Bình Dương. Mỹ đang tái cân bằng lực lượng tại châu Á-Thái Bình Dương, trong tương lai khoảng 60% lực lượng quân đội Mỹ sẽ được chuyển đến khu vực này.
Dù sao thì Trung Quốc rất e ngại Việt Nam gắn chặt quan hệ về kinh tế lẫn quân sự với Mỹ. Bởi vì nếu như Mỹ lại “nhảy” vào VN thì Trung Quốc buộc phải ứng phó từ gián tiếp sang trực tiếp. Nửa cuối thế kỷ trước, trong khi Việt Nam kháng chiến chống Mỹ cũng vậy, Trung Quốc ủng hộ VN đánh Mỹ còn nhằm mục đích thiết thân là không để Mỹ áp sát biên giới phía bắc Việt Nam, trực tiếp đe dọa biên giới Trung Quốc.
Cho nên, nay dù tình thế chưa phải là thời điểm thuận chiều, lợi thế cho Trung Quốc tiến hành cuộc tấn công xâm chiếm lãnh thổ VN, nhưng việc nóng lòng ráo riết hoạt động, đe nẹt và uy hiếp hòng chiếm ưu thế trên Biển Đông thì Trung Quốc vẫn đẩy mạnh một cách tích cực nhất.
Theo các nhà phân tích, có ba lý do chính để ít khả năng xảy ra chiến tranh Trung Quốc xâm lược Việt Nam như hồi tháng 2-1979. Thứ nhất: Trong khi chưa trở thành siêu cường quốc số một trên thế giới, Trung Quốc không dại gì tự biến mình thành đối tượng bị đả kích, và từ đó, cô lập trên trường quốc tế. Thứ hai: Tham vọng chính của Trung Quốc hiện nay vẫn xoi mói Biển Đông với tuyến đường hàng hải quốc tế huyết mạch và những nguồn lợi tài nguyên vùng biển này. TQ hy vọng đạt được những tham vọng ấy mà không cần phải tổ chức chiến tranh, mà có thể dùng con bài “bất chiến tự nhiên thành” (!?). Thứ ba: Trung Quốc thừa khôn ngoan để biết họ không nên đánh bại chính phủ Việt Nam hiện nay: Không dễ gì họ có được một kẻ láng giềng vốn nhiều thù hận lại hiền lành, nhẫn nhục, nhún nhường và ngoan ngoãn, sẵn sàng nhượng bộ đến như vậy. Cho nên, sẽ không quá lời khi nói rằng Trung Quốc có thể là kẻ thù của dân tộc Việt Nam nhưng lại không phải là kẻ thù của chế độ Việt Nam hiện nay.
Cần thấy rằng Trung Quốc đã tự biến mình thành kẻ thù của chính họ khi có nhiều bộc lộ Trung Quốc đã phản bội lại những lý tưởng mà họ theo đuổi từ trước: Độc lập dân tộc và bình đẳng trong xã hội. Chí ít là họ cũng làm cho nhiều người tin là họ cũng là một “ngọn cờ theo Chủ nghĩa Mác-Lê-nin”. Ngay trong nội tình của giới cầm quyền ở Bắc Kinh hiện nay cũng đang rối tinh vì nạn tham nhũng tràn lan từ TƯ đến địa phương, phân hóa, câu kết bè cánh phức tạp.
Thời gian gần đây, Trung Quốc đã phải lúng túng tìm đối sách và thử nghiệm giải pháp, đồng thời cố tạo dựng các động thái ngoại giao thăm dò và bào chữa (chủ trương tăng cường ngân sách quốc phòng của TQ) trước việc Bộ Quốc phòng Mỹ phát ra tuyên bố rằng: “Nước Mỹ là một quốc gia Thái Bình Dương về mọi mặt - địa chính trị, quân sự, ngoại giao, và kinh tế. Châu Á và Thái Bình Dương đóng một vai trò không thể thiếu trong việc giải quyết những thách thức và nắm bắt các cơ hội của thế kỷ 21. Các Liên minh của chúng ta với Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Thái Lan, và Philippines vẫn là nền tảng cho sự hiện diện và can dự của chúng ta ở châu Á - Thái Bình Dương. An ninh và ổn định được tạo ra thông qua các mối quan hệ này là mang tính quyết định đối với sự thành công và phát triển của khu vực này. Những giá trị chung và những lợi ích chiến lược của chúng ta đã tạo điều kiện thuận lợi cho các thế hệ phát triển và thịnh vượng trong một khu vực phần lớn ở trong thời bình, và chúng tiếp tục là chìa khóa để duy trì ổn định và an ninh. Chính quyền Obama cam kết tăng cường các liên minh này nhằm giải quyết những thách thức đang tồn tại cũng như đang nổi lên”.


Trực thăng lượn phía trên tàu chiến Mỹ trong cuộc tập trận chung với hải quân Hàn Quốc

Với Mỹ và Nga, nhà cầm quyền Trung Quốc đã rất dè chừng, nhưng biểu hiện rõ nhất là sợ Mỹ và ngán ngại với Nga. Cả một dải bờ biển hơn 3.200 km của Việt Nam, nhưng đâu phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc không chọn nơi nào khác, gần hơn như vùng biển Bắc bộ, Bắc Trung bộ, lại vào tận Cam Ranh để làm bè nuôi cá? Dư luận cho rằng Trung Quốc tìm cách cho người nuôi cá trên vịnh Cam Ranh là coi như đặt một đài quan sát, theo dõi các động thái của VN trong việc phối hợp quân sự (nếu có) với hai siêu cường này ở quân cảng Cam Ranh.
Tuyến đường vận chuyển phía nam, đi qua “Eo biển chiến lược” Malacca, là tối quan trọng đối với Trung Quốc. Nếu tuyến đường này bị đóng lại, nền công nghiệpTrung Quốc khó có khả năng đứng vững, dù chỉ một tháng vì thiếu hụt dầu mỏ trầm trọng. Đó cũng chính là lý do Mỹ đang lập một đội hình tàu chiến có mặt thường trực, sẽ được đặt tại Singapore.
Cùng với các lực lượng Mỹ hiện đang có mặt tại Australia và Philippines, Washington có thể dễ dàng phong tỏa Eo biển Malacca. Biển Đông còn trở thành “nguyên cớ mặc cả” về kinh tế thương mại và tiền tệ gắn liền lợi ích của Trung Quốc với các nước siêu cường. Trong vài tháng gần đây, Mỹ đã thực hiện các cuộc thương thuyết với Nga nhằm giành được sự ủng hộ của Nga trong vấn đề kiềm chế Trung Quốc, nhưng vẫn chưa thành công. Để giành được sự hỗ trợ của Nga, Mỹ đang muốn đưa ra một số nhượng bộ, trong đó có các vấn đề lá chắn tên lửa tại Châu Âu, các biện pháp tài chính và kinh tế nhằm cứu vãn sự suy sụp của đồng Euro.
Các nhà lãnh đạo Mỹ nhận thức được rằng sự hỗ trợ của Nga có thể là yếu tố quyết định trong việc kiềm chế Trung Quốc. Đồng thời, Mỹ tiếp tục tổ chức một cuộc đối thoại với Ấn Độ về cách thức chống bao vây sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực Nam Á. Trong những năm gần đây, các quan hệ Trung-Ấn không quá xấu, nhưng những bất đồng lớn đã từng nổi lên giữa Bắc Kinh và New Delhi. Đó là lý do thúc đẩy Ấn Độ có thể tham gia việc kiềm chế Trung Quốc.
Bình luận của Tạp chí Globalresearch cho rằng: Việc thành lập một liên minh chống Trung Quốc, bao gồm Mỹ, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Đông Nam Á sẽ đẩy Trung Quốc vào một tình thế tuyệt vọng. Chính phủ Trung Quốc cũng nhận thức được nguy cơ này và đang tìm cách thiết lập một hạm đội hùng mạnh, có khả năng hoạt động tầm xa trong thời gian dài, có thể trực tiếp đe dọa Mỹ, cũng như củng cố mối quan hệ với Nga - quốc gia chưa thấy tỏ ra “quyết liệt” trong việc kiềm chế Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong cách thức và lời lẽ mang tính ngoại giao, có phần tế nhị có ý hăm dò nhau. Trong cuộc hội đàm ngày 2/5 tại Bắc Kinh, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt và quyền Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ James N. Miller, phía TQ bày tỏ hy vọng duy trì mối quan hệ quân sự song phương phát triển ổn định và vững mạnh.
Báo chí TQ cho biết Bộ trưởng Lương Quang Liệt nhấn mạnh trong những năm gần đây, quan hệ Mỹ-Trung đã có những bước tiến vững chắc. Việc hai nước thường xuyên trao đổi các đoàn cấp cao đã góp phần xây dựng quan hệ đối tác hợp tác dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và vì lợi ích của cả hai bên. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, quan hệ quân sự giữa hai nước đang có nhiều cơ hội để mở rộng. Vì vậy ông kêu gọi hai bên phát triển mối quan hệ này theo chiều hướng đúng đắn phù hợp với các nguyên tắc tôn trọng, tin tưởng và vì lợi ích của nhau.
Ông cũng đề xuất hai bên cùng mở rộng những mối quan tâm chung và giải quyết những bất đồng nhằm bảo đảm phát triển mối quan hệ quân sự vững mạnh và ổn định.
Về phần mình, quyền Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ James N. Miller cũng đánh giá cao những bước phát triển trong quan hệ giữa hai nước trong những năm gần đây, đồng thời cho rằng quan hệ quân sự là cầu nối quan trọng trong quan hệ song phương. Ông Miller cho biết Mỹ luôn luôn sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc trong việc duy trì quan hệ quân sự song phương ổn định và vững mạnh, tăng cường sự tin cậy lẫn nhau và bảo đảm lợi ích an ninh của mỗi quốc gia. Nhưng đó cũng chỉ là những lời lẽ thường tình và không thể khác được của ngoại giao, còn trong thực tế, Mỹ sẽ không dễ dàng để cho Trung Quốc đạt được ý định đưa cái “lưỡi bò” tham lam để có thể liếm ngon lành nhằm toàn quyền độc chiếm khu vực Biển Đông.
Bùi Văn Bồng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001