TT Nhật Yoshihiko Noda và TT VN Nguyễn Tấn Dũng - AP Foto (voanews)
Mấy hôm nay, vấn đề Chính phủ Nhật Bản cho nước ta vay 10 tỷ USD để xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2, lại được hun nóng nhờ việc 6, 7 anh thương binh nặng vào sáng ngày 18/5 tới “thăm hỏi” một cách kém nhã nhặn đối với tiến sỹ Hán Nôm Nguyễn Xuân Diện ngay tại cơ quan trong giờ làm việc.
Khoan hãy nói tới đúng sai của vụ việc này. Không biết các anh tự xưng thương binh kia có liên quan gì tới cái tin phát trên đài VOA cách đây ngót 4 tuần không?
Đài VOA có loan như thế này:
“Theo tin của Kyodo, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết như thế hôm thứ hai tiếp theo sau cuộc họp hồi cuối tuần giữa ông Yoshihiko Noda với ông Nguyễn Tấn Dũng.
Cuộc gặp gỡ lần thứ nhì của 2 nhà lãnh đạo này trong vòng khoảng 5 tháng diễn ra bên lề một hội nghị thượng đỉnh ở Tokyo giữa Nhật Bản với 5 nước tiểu vùng sông Mekong là Campuchia, Lào, Miến Điện, Thái Lan và Việt Nam.
Nhật Bản đã giành được hợp đồng xây hai lò phản ứng hạt nhân vào năm 2010, nhưng đã có những mối quan tâm về việc Việt Nam có tiếp tục nhập khẩu kỹ thuật hạt nhân của Nhật hay không sau khi xảy ra thảm họa hạt nhân tại nhà máy điện Fukushima vì trận động đất và sóng thần hồi năm ngoái.
Hãng tin Kyodo trích lời thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết ông dự kiến Nhật Bản sẽ xây dựng “các lò phản ứng hạt nhân an toàn nhất với công nghiệp tiên tiến nhất”.” (*)
Theo giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn, một chuyên gia hàng đầu về hạt nhân của Pháp trong một bài viết ngay sau thảm hoạ Fukushima thì đã có thông điệp rất rành mạch rằng:
“Cũng như Tchernobyl (3), Fukushima đang đánh tiếng chuông long trời lở đất. Tôi hy vọng rằng nó sẽ làm lay chuyển lương tâm của những nhà khoa học hay chính trị gia thiếu tinh thần trách nhiệm đối với nhân loại nói chung và đối với dân nước họ nói riêng” (**)
Với việc phát triển điện hạt nhân của Việt Nam ông thổ lộ bằng những lời gan ruột:
“Trong số 20 bài tôi viết (2) từ năm 2003 với tất cả nhiệt tình dành cho quê hương, tôi đã nhiều lần nói rằng Việt Nam không nên xây cất nhà máy điện hạt nhân vì nhiều lý do: an toàn, chuyên gia, nhân lực, kinh tế, tài chính, môi trường, rủi ro nguy hiểm, lưu trữ chất thải phóng xạ... Chính sách năng lượng của nước ta, cũng như của tất cả các nước trên thế giới, phải dựa trên việc tiết kiệm, sử dụng có hiệu lực năng lượng, khai thác tất cả các nguồn năng lượng tái tạo. Tổn thất năng lượng của Việt Nam hiện nay có thể lên đến 35-40%! Theo tôi, không có con đường nào khác” (**)
Nhà thơ Thanh Thảo từ Quảng Ngãi thì cho rằng, một nước có trình độ kỹ thuật tiên tiến như Nhật mà nay họ còn đồng loạt đóng cửa hơn 5 chục nhà máy điện hạt nhân, mặc dù giá thành sản xuất điện hạt nhân là thấp. Trong khi ta, trình độ kỹ thuật còn nhiều hạn chế... đến như cái đập sông Tranh 2 bị rò rỉ còn chưa khắc phục được huống hồ sự cố về điện hạt nhân...
Một nhà hoạt động chống điện hạt nhân người Nhật - bà Takahashi đã nói với BBC rằng:
“Sự cố Fukushima chưa giải quyết xong mà chính phủ Nhật lại triển khai thoả thuận xuất khẩu điện hạt nhân sang Việt Nam thì tôi không hiểu được họ đang làm cái gì” (***)
Còn thông tín viên Đỗ Thông Minh tại Nhật khi trả lời RFI ngày 19/5/2012 thì cho biết:“Mặc dù trong nội bộ chính phủ Nhật có những khó khăn nhưng nếu bán được công nghệ hạt nhân cho nước ngoài thì họ vẫn cứ bán”. Bởi vì 2 lò ở Fukushima chỉ trị giá khoảng 5 tỷ USD thôi nhưng để khắc phục hậu qủa và bồi thường thiệt hại cho nạn nhân đã lên tới 75-80 tỷ USD. Đó là chưa kể những lỗ lã mà Tepco phải gánh chịu tới hàng chục tỷ khiến nhà nước phải trợ giúp...
Vào ngày 22/03/2012 tại Chatham House (cơ quan nghiên cứu độc lập của Anh) ở London, Chủ tịch Quỹ Sáng kiến Tái thiết Nhật bản và là Giám đốc Ban điều tra Độc lập về sự cố Nhà máy điện Hạt nhân Fukushima, Tiến sỹ Yoichi Funabashi đã có bài thuyết trình về những lỗ hổng quản lý giữa các cơ quan cấp chính phủ và ngành công nghiệp điện nguyên tử. Đã thẳng thắn nói rằng khủng hoảng nhà máy điện nguyên tử Fukushima Daiichi đang có hệ lụy sâu rộng với chính trị Nhật trong những năm tới. Ông đã không ngần ngại khi bày tỏ:“Nhật Bản sau đệ nhị thế chiến đã xây dựng được hình ảnh rõ nét của một đất nước có độ an toàn và an ninh cao. Và người Nhật tự hào về một xã hội an toàn. Kể như thương hiệu của Nhật trong nhiều năm. Và công chúng Nhật cũng thấy được điều này. Tuy nhiên hình ảnh này, theo quan niệm của tôi đã bị hoen ố” (****)
Như vậy không biết niềm tin của TT Dũng nhà ta dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn nào để khẳng định như đinh đóng cột: “các lò phản ứng hạt nhân an toàn nhất với công nghiệp tiên tiến nhất”?
Nếu tự tin như vậy thì xin ông thủ tướng cho biết, nước Nhật sau thảm hoạ năm ngoái. Nay đang còn thiếu điện, mùa hè đang tới, nhu cầu về điện cần nhiều hơn mà ngày 5/5/2012 vừa rồi vẫn quyết định đóng cửa lò điện hạt nhận cuối cùng (trong số 54 lò của Nhật) mà ta lại hoan hỷ rước về thì có nên không?
Cũng xin thủ tướng cho biết ý kiến (cả trên phương diện cá nhân và trên cương vị thủ tướng) việc làm đúng sai của những người tự xưng thương binh, không hề biết internet hay bờ lốc bờ leo lại ngang nhiên xông vào cơ quan nhà nước (Viện Hán Nôm) trong giờ hành chính với cử chỉ và lời nói năng thô tục để bắt một công chức (TS Nguyễn Xuân Diện) đang làm việc phải gỡ bỏ lá thư sẽ gửi đối tác của ông (TT Nhật Yoshihiko Noda) để phản đối cái dự án mà ông tin là “an toàn nhất” bên trên?
Để kết cho entry này, tôi chỉ xin chép lại một đoạn trong Châm Cảnh của cụLê Qúi Đôn:
“Người nông phu lười biếng làm hỏng ruộng đất
Người lái buôn gian dối làm hỏng thịtrường
Người độc phu tàn bạo làm nhiễu loạnđất nước”
Vậy không biết đằng sau những người thương binh“Ủng hộ chính sách của nhà nước” (cuuchienbinh.com) theo kiểu xã hội đen ở Viện Hán Nôm vào sáng ngày 18/5/2012 có liên quan gì đến miếng ăn miếng uống của vị (hay nhóm) độc phu tàn bạo nào hay không?(nguồn gocomay blog)
Ai thông tỏ, xin chỉ giáo dùm!
Gocomay (*) Thủ tướng Nhật Bản xác nhận tiến bộ hạt nhân với Việt Nam - http://www.voanews.com/vietnamese/news/vietnam/japan-vietnam-nuclear-04-23-2012-148501735.html
(**) Thảm hoạ ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima - http://anonymouse.org/cgi-bin/anon-www.cgi/http://www.diendan.org/khoa-hoc-ky-thuat/tham-hoa-fukushima/
(***) Việt Nam 'nên tránh điện hạt nhân' - http://www.bbc.co.uk/vietnamese/multimedia/2012/03/120314_nuclear_takahashi.shtml
(****) Bài học từ thảm họa Fukushima- http://www.bbc.co.uk/vietnamese/multimedia/2012/03/120324_funabashi_chathamhouse.shtml
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001