Thứ Hai, 14 tháng 5, 2012

Bùi Công Tự: MẤY BÀI BÁO VÀ THƠ HAY, VIẾT VỀ LỰC LƯỢNG CAND


Mấy bài báo và thơ hay
viết về lực lượng công an nhân dân
Bùi Công Tự

Ngành Công An nước ta có một đội ngũ báo chí và văn học nghệ thuật hùng hậu, ăn nên làm ra, nhiều ông phát quan lớn. Có hai nhà văn Công an mang hàm cấp Tướng là ngài Trung tướng nhà văn Hữu Ước và ngài Thiếu tướng nhà thơ Khổng Minh Dụ. Còn các vị hàm đại tá, thượng tá là nhà văn, nhà báo mặc sắc phục công an như các ông Nguyễn Như Phong, Hồng Thanh Quang, … thì nhiều không đếm xuể. Cho nên văn chương, báo chí viết về ngành Công an rất “phong phú” và có nhiều độc giả.

Mấy ngày gần đây chỉ kể riêng những bài viết phản ánh hoạt động của ngành công an trong vụ cưỡng chế giải tỏa đất đai ở Văn Giang (24/04/2012) tôi đã thống kê được khoảng 100 bài (chủ yếu trên báo mạng).

Dưới đây tôi xin điểm vài bài về đề tài trên mà tôi tâm đắc của các tác giả Minh Đoàn, Mai Thanh Hải và Lê Hoài Nguyên.


Trong bài “Nghĩ về ngành Công an từ vụ hai nhà báo bị đánh ở Văn Giang” tác giả Minh Đoàn nêu vấn đề “thái độ của các Công an viên trong việc đánh người”. Theo tác giả họ đã xuống tay một cách tàn bạo trong khi nạn nhân không có biểu hiện gì sai trái, không hề chống cự. Tác giả phân tích: Họ đánh không vì quyền lợi cá nhân của họ, cũng không phải nhiệm vụ cụ thể được giao, vả lại cho dù có phong bao thì cũng không đến lượt những anh lính này. Thế thì những hành động côn đồ ấy do đâu mà ra? Tác giả Minh Đoàn đặt câu hỏi và cũng là câu trả lời thật đáng sợ:

“Phải chăng thói quen bạo hành, trấn áp, đánh người đã trở nên quen tay, trở thành nhu cầu, trở thành thành tích của không ít Công an viên khiến họ không còn phân biệt được đâu là dân (phải kính trọng lễ phép) và đâu là kẻ địch (phải kiên quyết khôn khéo) như lời Cụ Hồ từng căn dặn.

Nhà báo Mai Thanh Hải có bài “Công an ở Hưng Yên” rất hay thì cho rằng chuyện Công an Hưng Yên “đánh dân, ném quả nổ nghiệp vụ rầm rầm và ào ào vào đập phá, đẩy đuổi dân” chắc chắn được quán triệt, chỉ đạo rất kỹ và “bật đèn xanh sáng quắc” kiểu như “thoải mái đánh, thoải mái bắt”. Nếu không, “bố thằng nào dám mạnh tay như thế?”

Ngòi bút Mai Thanh Hải với bản lĩnh cứng cỏi, thẳng thắn, pha chút châm biếm đã không cần rào đón: “Cái gọi là biện pháp nghiệp vụ của ngành Công an nói thẳng ra là … đánh người. Nhiều chú giỏi nghiệp vụ này đến mức có thể nói là đã “ăn vào trong máu”, lâu lâu không được đánh người là … nhơ nhớ” (!).

Về thái độ của những người ở cương vị chỉ đạo, tác giả nhận xét: “những việc làm sai lè, có khi phạm pháp của Công an khi bị phát hiện thì thường xử sự theo kiểu lấp liếm, chối bỏ, bưng bít, bao che.” Họ không biết rằng họ đã “tạo hận thù cho bao người, làm mất uy tín của cả một lực lượng và bêu xấu hình ảnh của cả một chế độ”.

Ngòi bút của Mai Thanh Hải không chỉ “đâm mấy thằng gian” như thế, anh còn khái quát những dòng xác đáng sau đây:

“Một ngành mà cứ nói đến là có chuyện xấu. Một ngành không thể bảo vệ được mình trước những luồng dư luận ngoài xã hội. Một ngành mà khi nói đến, người dân ác cảm trong từng lời nói, hành động”.

Những lời này chính là thuốc đắng giã tật cho ngành công an.

Nói đến thuốc đắng lại nhớ ngày còn bé mẹ tôi cho tôi uống những viên thuốc đắng bằng cách nhét nó vào miếng chuối ngọt. Hôm nay đọc Quê Choa blog tôi thấy cựu đại tá Công an nhà văn Lê Hoài Nguyên lại nhét những viên thuốc đắng (dành cho ngành Công an) vào trong một bài thơ không ngọt chút nào. Đó là bài “Cái giây phút ấy”.

Cái giây phút ấy chính là lúc các chiến sĩ Công an nhân dân hành xử với dân:

“Xông vào đánh hội đồng
Như một bầy chó dữ”

Vì sao những người đáng lẽ phải “vì nước quên thân, vì dân phục vụ” lại có hành động ngu ngốc như thế?

Nhà thơ lý giải những nguyên nhân:

“Có thể chúng ngu xuẩn, mù quáng vì đức tin cũ rích
Có thể chúng đang được giáo dục chó hóa dần
Làm tay sai cho những kẻ lắm tiền
Sẵn sàng nhảy vào cấu xé nhân dân.”

Liệu những “chiến sĩ” chỉ quen đàn áp nhân dân như kẻ thù ấy có tỉnh ngộ ra khi đọc những dòng thơ nói đến sự ô nhục không thể tha thứ:

“Cái giây phút ấy
Vợ con chúng sẽ xấu hổ
Dòng họ chúng sẽ xấu hổ
Cả dân tộc xấu hổ
Rồi một ngày chúng cũng xấu hổ
Khi lịch sử vứt lũ chúng ra lề đường.”

Xin nhớ tác giả của những câu thơ trên là một cựu đại tá Công an, cũng là một nhà báo đã từng quay phim, viết bài ca ngợi những đồng đội Công an hi sinh vì đất nước, vì nhân dân.

Còn ngày hôm nay với mái tóc bạc trắng ông Lê Hoài Nguyên viết rằng ông đang chịu đựng “một nỗi đau nhục nhã”.

Cũng được biết nhà thơ Lê Hoài Nguyên là người đã có nhiều bài nghiên cứu giá trị làm sáng tỏ vụ Nhân văn – Giai phẩm. Hiện ông đang là Ủy viên BCH chi hội nhà văn Công an khóa IV (2010-2015).

B.C.T
TP Hồ Chí Minh, 13/05/2012.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001