Thứ Bảy, 19 tháng 5, 2012

BÙI MINH QUỐC: NHÌN LẠI VÀ SUY NGẪM VÀ…



Quantcast

BÙI MINH QUỐC
PHONG TRÀO YÊU NƯỚC CỦA THANH NIÊN, HỌC SINH, SINH VIÊN ĐÔ THỊ MIỀN NAM GIAI ĐỌAN 1954 – 1975
NHÌN LẠI, SUY NGẪM, CHIÊM NGHIỆM VÀ PHÁT HUY
Đối với tôi, các bạn thanh niên, học sinh, sinh viên tham gia phong trào tranh đấu trong lòng các đô thị miền Nam thời kỳ 1954 – 1975 (TN-HS-SV MN) luôn là những đồng đội gần gũi thân thiết đáng ngưỡng mộ.
Đáng ngưỡng mộ trước hết vì phần lớn những người tham gia đều đang sống trong một hoàn cảnh tương đối an bình đủ ăn đủ mặc, hàng ngày cắp sách đến trường trau dồi kiến thức để hướng đến một sự thành đạt nào đó nhờ học vấn, nhưng lại tự giác tự nguyện lựa chọn một con đường sống đầy chông gai mà tuổi trẻ thời ấy tự thấy cần phải lựa chọn bởi sự thôi thúc của một ngọn lửa lý tưởng luôn rực cháy trong tim mọi thế hệ trẻ Việt Nam – ngọn lửa của tình yêu Tổ Quốc và Tự do. Và không chỉ tình yêu. Đó còn là ngọn lửa sáng ngời ý thức trách nhiệm của người thanh niên trước số phận bi thảm của đất nước và nhân dân.Tình yêu và ý thức trách nhiệm ấy đã nung nấu hòa quyện trong từng tế bào từng giọt máu và trở thành một ý chí rất mạnh mẽ rất bền bỉ, quyết sống một cuộc sống cho ra tư cách một con người, quyết chiến đấu để có hòa bình độc lập thống nhất cho Tổ Quốc Việt Nam và Tự do cho mỗi con người Việt Nam. Đây là cuộc chiến đấu của những người tay không, dùng vũ khí của tiếng nói dấy lên sức mạnh khôn lường của những người tay không, lấy đại nghĩa thắng hung tàn, bất chấp hiểm nguy đương đầu trực diện với một bộ máy chiến tranh xâm lược khổng lồ vũ trang đến tận răng từ pháo đài bay B52 đến pháo tầm xa tầm gần chất độc hóa học và còng sắt dùi cui ma-trắc, lựu đạn cay, phi tiễn…
Con sẽ vót nhọn thơ thành chông
Xuyên vào gan lũ giặc
Con sẽ mài thơ như kiếm sắcChặt đầu văn nghệ tay sai
Những câu thơ vừa dẫn trên trích từ bài “Thưa Mẹ, trái tim” của nhà thơ Trần Quang Long – một tiếng thơ quen thuộc trong lực lượng trẻ dấn thân thời ấy – mà tôi cùng các bạn mình Chu Cẩm Phong, Cao Duy Thảo được đọc vào một ngày gần cuối tháng 8 năm 1967 giữa rừng hậu cứ Khu 5 qua một bản in rô-nê-ô gửi từ nội thành ra, dường như đã nói thay cho tấm lòng và ý chí của toàn thể lực lượng TN-HS-SV tranh đấu. Tôi xin phép được nhấn mạnh : đây là tiếng nói nhiệt thành của một lựa chọn tự giác, tự nguyện. Tôi ngưỡng mộ các đồng đội tôi trước hết là ngưỡng mộ cái chất tự giác tự nguyện ấy. Đã có cả một bài ca trầm lắng mà sôi động mà thấm thía mang tên “Tự nguyện” của nhạc sĩ sinh viên Trương Quốc Khánh suốt bao năm vang lên vượt khỏi tiếng gầm thét man rợ của chiến tranh truyền tỏa khắp đất nước và toàn thế giới.
“(Nếu) là người, tôi sẽ chết cho quê hương”
Trương Quốc Khánh đã hát lên như thế. Và hàng vạn hàng vạn bạn trẻ các đô thị miềnNam đã siết tay nhau cùng hát vang lời nguyện ấy trong sân trường những đêm không ngủ, trên đường phố trong những cuộc xuống đường rầm rộ.
Tự nguyện, tự nguyện, tự nguyện.
Tự nguyện dâng hiến đời mình cho Tổ Quốc và Tự do với tất cả đắm say chẳng khác gì Bùi Giáng đắm say đến run rẩy phụng hiến hồn thơ tự do của mình cho tình yêu, cái đẹp và sự sống trần gian.
Tôi đã nguyện yêu trần gian nguyên vẹn
Hết tâm hồn và hết cả da xương
Xin yêu mãi yêu và yêu nhau mãi
Trần gian ôi ! cánh bướm cánh chuồn chuồn…
(Bùi Giáng – “Phụng hiến”)
Tôi không bao giờ quên được một buổi sáng mùa hè năm 1962, tôi tới trụ sở báo Văn Học (cũng là trụ sở Hội Nhà văn), một ngôi biệt thự rất đẹp quét vôi màu hồng sẫm ở số 84 phố Nguyễn Du H Nội để nhận nhuận bút và báo biếu. Phòng hành chính ở dãy nhà phụ phía sau. Nhận xong rồi mà không hiểu tại sao tôi chẳng rời bước, cứ đứng vẩn vơ chỗ sân sau. Đây là cái thế giới của những con người mà tôi hằng ngưỡng vọng, thế giới của những tài năng lớn, những tâm hồn lớn, những nhân cách lớn. Cho nên tôi cứ nấn ná, nấn ná, dù chỉ là để hít thở một chút cái không khí riêng biệt chốn này. Ở giữa sân sau, bên gốc cây, có một người vào tuổi sắp ngũ tuần, gày gò lẻo khoẻo, mặc bộ quần áo ta màu gụ đang đập bụi cho chiếc áo bông cũ bẩn vắt trên lưng một cái ghế tựa. Tôi nhận ra đó là nhà văn Nguyên Hồng, vì ông đã từng đến trường tôi nói chuyện về việc ông đã viết “Bỉ vỏ” và “Những ngày thơ ấu” như thế nào. Dù chỉ được nhìn thấy ông một lần đã lâu, tôi cũng không quên được cái dáng gày gò lẻo khoẻo và bộ quần áo nông dân thấm bụi vỉa hè kia. Rồi bỗng từ nhà trên bước xuống một người dáng cao cao vai rộng, mái tóc dày, lông mày đen đậm, nước da ngăm ngăm đen, sống mũi thẳng phảng phất nét Ấn Độ, cặp mắt thăm thẳm thật quyến rũ, tay cầm tờ báo Nhân dân, dừng lại bên gốc cây chăm chú đọc, và nói với nhà văn Nguyên Hồng: “Đây, trí thức Việt Nam đây, khí phách thế chứ, cứ coi thường người ta mãi đi!”. Người vừa nói đó là nhà văn Nguyễn Đình Thi. Hôm nay tôi mới được nhìn ông gần như thế này. Ông giơ cho nhà văn Nguyên Hồng đọc hàng tít lớn trên báo, tôi cũng đọc được. Báo đưa tin về vụ toà án quân sự của chính quyền Si Gịn xử tử hình giáo sư Lê Quang Vịnh. Vụ án chấn động dư luận nhân dân cả nước và thế giới. Ngay hôm sau, báo Nhân dân đăng bài thơ “Tiểu đội mười hai người” của nhà thơ cách mạng Tố Hữu ca ngợi khí phách của Lê Quang Vịnh cùng các đồng đội anh trong vụ án nêu trên, và không lâu sau bọn sinh viên chúng tôi đã nồng nhiệt hát bài hát đầy xúc cảm của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ (tác giả bài “Xa khơi” nổi tiếng) theo giọng hát Quốc Hương không mấy ngày không vang trên đài:”Lê Quang Vịnh người con quang vinh…”.
Tôi cứ nhớ mãi cái câu nhà văn Nguyễn Đình Thi bật ra khi đọc tin về vụ án Lê Quang Vịnh:“Đây, trí thức Việt Nam đây, khí phách thế chứ, cứ coi thường người ta mãi đi!”.
Thời ấy, và ngay cả bây giờ, thật tình tôi chưa dám tự xem mình là trí thức, tôi chỉ tự xác định mình là một chiến sĩ làm thơ chiến đấu cho Độc lập Tự do. Cũng như nhà thơ cách mạng đàn anh Nguyễn Đình Thi, tôi ngưỡng mộ và khâm phục khí phách của Lê Quang Vịnh và các đồng đội của anh biết bao ! Trong hành trang tinh thần của tôi khi vượt Trường Sơn vào trực tiếp tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam, cùng với hình ảnh những Mẹ Suốt, Nguyễn Văn Trỗi, chị Út Tịch… là hình ảnh Lê Quang Vịnh và các đồng đội của anh.
Tôi cũng nhớ mãi buổi sáng một ngày gần cuối tháng 11 năm 1986, trên chuyến máy bay trực thăng từ Vũng Tàu ra Côn đảo, lần đầu tiên tôi được gặp Lê Quang Vịnh. Chúng tôi mau chóng trở nên gần gũi thân tình. Ra đến đảo, ngoài giờ làm việc, Lê Quang Vịnh dành thời gian đưa tôi đi thăm các nhà lao, chỉ cho tôi thấy tận mắt cái hầm đá nhỏ xíu tối tăm lạnh lẽo nơi biệt giam tử tù mà anh đã âm thầm sống suốt mười ba năm (án tử hình sau giảm xuống chung thân) không một chút hy vọng sống sót cho tới ngày 01.05.1975, ngày giải phóng Côn đảo. Có những đêm chúng tôi thức thật khuya, tôi được Lê Quang Vịnh nói cho nghe nội dung kế hoạch xây dựng Côn đảo mà anh chuẩn bị để ra Hà Nội trực tiếp báo cáo với phó chủ tịch hội đồng bộ trưởng Võ Văn Kiệt. Nhất định phải biến hòn “Đảo Tù” này thành “Đảo Ngọc” – Lê Quang Vịnh bảo với tôi thế. Nhưng muốn đưa Côn đảo tiến vào một tương lai rạng rỡ như anh vừa say sưa trình bày, anh phải cắn răng bịt mũi xăn tay áo dọn cho bằng sạch những hôi thối mà cái cấp ủy tiền nhiệm của anh bỏ lại. Anh tin cậy tiết lộ với tôi những vụ việc tiêu cực rùng rợn không thể tưởng tượng nổi gây ra bởi những kẻ mà hiện chúng tôi vẫn buộc phải gọi là đồng chí. Có thể nói Côn đảo từ sau 01.05.1975 bề ngoài được coi là giải phóng đã thoắt biến thành lãnh địa cát cứ của một lũ hải tặc – thẻ đỏ. Đau đớn và đắng cay thế đấy. Có lẽ đau đớn và đắng cay còn ghê gớm khó chịu đựng nổi bội phần so với những năm tháng đòn tra, tù ngục và án tử hình.
Đã 37 năm trôi qua. Hôm nay chúng ta về họp mặt ở đây, nhờ sự nỗ lực tích cực chủ động và năng lực tổ chức tháo vát của đại học tư thục Duy Tân Đà Nẵng, để cùng nhau – như tiêu đề của cuộc hội thảo ghi rõ – nhìn lại PHONG TRÀO YÊU NƯỚC CỦA THANH NIÊN, HỌC SINH, SINH VIÊN ĐÔ THỊ MIỀN NAM GIAI ĐỌAN 1954 – 1975
Nhìn lại để lấy sức mạnh những giá trị của quá khứ nhằm giáo dục nhân văn cho thanh niên hôm nay, như thông báo mời viết tham luận ghi rõ.Một công việc thật nặng nề và khó khăn, vì vậy, tôi nghĩ đây chỉ là bước khởi đầu, và hết sức quan trọng. Tôi rất vui mừng được mời tham dự dù tôi chỉ là một người ngoài cuộc đối với phong trào vì tôi chiến đấu trên một địa bàn khác, và là người ngoại đạo đối với việc nghiên cứu về phong trào. Tuy vậy, với hiểu biết hạn hẹp của mình, xin mạo muội bày tỏ một số ý kiến .
1
Từ sau 1975, việc nhìn lại phong trào tuy có làm nhưng làm rời rạc, phân tán, tự phát, không hệ thống, chủ yếu nặng phần ghi công để tuyên truyền và coi đó là giáo dục truyền thống, phát huy truyền thống. Nguyên nhân trước hết là do không có một chủ trương kế hoạch tiến hành tổng kết công tác đấu tranh chính trị trong đó có tổng kết PHONG TRÀO YÊU NƯỚC CỦA THANH NIÊN, HỌC SINH, SINH VIÊN ĐÔ THỊ MIỀN NAM. Nguyên nhân của nguyên nhân là do trong tư tưởng chỉ đạo có sự xa rời quan điểm chiến tranh nhân dân, coi nhẹ vai trò của đấu tranh chính trị, coi nhẹ vai trò của nhân dân.Bằng chứng : Sau chiến tranh đã lập ngay Ban tổng kết chiến tranh làm nhiệm vụ tổng kết họat động của lực lượng vũ trang (tôi có được tham gia Ban này của Quân khu 5), còn công tác đấu tranh chính trị thì không tổng kết, bao nhiêu tư liệu để đâu không ai biết hoặc cũng có thể còn bỏ lại trên núi, những con người có công lao, có bề dày trải nghiệm về đấu tranh chính trị bị lãng quên. Không cho lập Hội những người Cựu kháng chiến, chỉ lập Hội Cựu chiến binh, danh hiệu anh hùng thì chỉ đặt anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.Thật là gượng ép khi phong bác sĩ Đặng Thùy Trâm, nhà văn Chu Cẩm Phong, nhà thơ Lê Anh Xuân là anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân bởi vì các anh chị ấy không thuộc biên chế lực lượng vũ trang. Phong thành phố Đà Nẵng anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thì nhân dân Đà Nẵng xếp ở đâu ? Xếp ở đâu chiến công của những người tay không từng làm chủ thành phố 76 ngày đêm ? Xếp ở đâu những người dân thường tay không đã đào hơn 300 căn hầm bí mật trong lòng thành phố dày đặc lính Mỹ và nhung nhúc guồng máy cảnh sát nổi chìm, nuôi giấu bao nhiêu cán bộ Đảng suốt mấy chục năm ? Xếp ở đâu ngọn lửa thiêng tự thiêu của đại lão hòa thượng Thích Quảng Đức trọn vẹn hiến mình cho đại nghĩa làm rung chuyển rệu rã chế độ độc tài Ngô Đình Diệm và toàn bộ cỗ máy chiến tranh xâm lược ?
Tôi đề nghị cuộc hội thảo của chúng ta hôm nay nên thông qua một bản kiến nghị với cơ quan lãnh đạo tối cao gấp rút có chủ trương tiến hành tổng kết công tác đấu tranh chính trị, trong đó có tổng kết phong trào yêu nước của TN – HS – SV. Dù muộn nhưng nhất định phải có chủ trương và kế họach tiến hành. Xin dẫn lại mấy ý kiến đặc biệt quan trọng phát biểu trong CUỘC GẶP MẶT CÁN BỘ NHÂN VIÊN BAN THÀNH PHỐ VÀ ĐẤU TRANH CHÍNH TRỊ KHU ỦY 5 LẦN I tại Đà Nẵng, ngày 21.05.1996
- của cố lão thành cách mạng Võ Văn Đặng, nguyên Khu ủy viên, trưởng Ban thành phố và đấu tranh chính trị Khu 5 : “Đấu tranh chính trị chứa đựng bí ẩn của sức mạnh Việt Nam”
- của cố đại tướng Chu Huy Mân, nguyên phó bí thư Khu ủy, chính ủy Quân khu 5:“Tổng kết đấu tranh chính trị không phải chỉ cho lịch sử mà cho hiện tại và tương lai, không ý thức đầy đủ vai trò của nhân dân thì tình hình sẽ xấu chưa biết tới đâu”
Từ ngày đại tướng Chu Huy Mân phát biểu ý kiến trên đây tới nay, tình hình đất nước xấu tới đâu thì mọi người đã rõ. Tôi nghĩ, không một ai trong cơ quan lãnh đạo tối cao hiện nay có thể dám đoan quyết rằng nước ta sẽ không bị xâm lược một lần nữa bởi thế lực bành trướng Bắc kinh và đất nước ta sẽ không bị giặc chiếm một phần hay toàn bộ, thế trận chiến tranh nhân dân với ba mũi giáp công không còn cần thiết nữa trong việc ứng phó với kẻ thù xâm lược mới (mà cũng rất cũ). Không tiến hành tổng kết đấu tranh chính trị là một tội lớn đối với Nhân dân và Tổ Quốc.
2
Muốn nhìn lại cho rõ, cần tổ chức sưu tầm gom góp tối đa mọi nguồn tư liệu, tổ chức ghi chép càng nhiều càng tốt hồi ức của những người trong cuộc nhằm tái hiện chính xác đầy đủ các sự kiện, các nhân vật, cố gắng tiệm cận gần sát nhất với sự thật. Tổ chức họp mặt để phối kiểm các tư liệu từ những góc nhìn khác nhau. Cũng xin dẫn lại ý kiến của cố đại tướng Chu Huy Mân năm 1996 : “Tư liệu sống còn nhiều, động viên các đồng chí trong lực lượng đấu tranh chính trị ghi, nhớ gì ghi nấy, không cầu kỳ, cốt sự việc cho đúng cho rõ”Đã 16 năm trôi qua, nguồn tư liệu sống mà đại tướng nói đó đã hao hụt quá nhiều theo sự ra đi vĩnh viễn của bao nhiêu đồng chí đồng bào, nay ta phải cố gắng gấp rút tom góp những gì còn lại. Tôi nhớ năm 1973 tôi và bạn tôi nhà văn Cao Duy Thảo lần đầu tiên được gặp một người mà chúng tôi rất ngưỡng mộ qua những thông tin mật về một cán bộ trẻ rất tài năng và bản lĩnh lãnh đạo đấu tranh hợp pháp trong nội thành, đó là anh Nguyễn Chính tức Phan Chánh Dinh, cũng là một nhà thơ trẻ với bút danh Phan Duy Nhân rất được chú ý từ đầu những năm sáu mươi thế kỷ 20 tại Sài – gòn. Anh là một trong vài cán bộ của ta tham gia trụ cột trong chính quyền tự quản 76 ngày đêm tại Đà Nẵng. Anh bị bắn bị thương và bị bắt trong cuộc xuống đường đầu xuân Mậu Thân 1968 tại Đà nẵng, bị đầy ra Côn đảo, mãi năm 1973 mới được trao trả.Tôi nhớ sau năm 1975 anh có cho tôi đọc một báo cáo khá dày do anh viết về sự kiện nhân dân làm chủ Đà Nẵng 76 ngày đêm, tôi chờ đợi công trình quan trọng này của anh sẽ sớm được công bố, nhưng cho đến nay vẫn còn nằm trong ngăn kéo, hy vọng sau cuộc hội thảo này công trình của anh sẽ sớm được công bố.
3
Tôi rất hoan nghênh Ban tổ chức hội thảo nêu mục đích lấy sức mạnh phong trào yêu nước của tuổi trẻ trong quá khứ để giáo dục nhân văn cho thế hệ trẻ hôm nay. Đây là việc làm hết sức cần thiết vừa cơ bản vừa cấp bách. Tình hình một bộ phận khá đông thanh niên, học sinh, sinh viên hiện nay đang lâm vào trạng thái khủng hoảng lý tưởng, khủng hoảng lẽ sống là rất đáng lo ngại. Không lo ngại sao được khi kế tiếp một thế hệ trẻ tự nguyện dâng hiến cuộc đời cho Tổ Quốc và Tự do thì lại sinh ra một thế hệ trẻ suốt ngày ngồi thở than rên rỉ về thân phận nhược tiểu và kiếp người rong rêu ! Nhiều thanh niên hướng đến sự giầu có về vật chất (tuy rất nên, và tất nhiên phải bằng cách chính đáng) nhưng chỉ dừng lại ở vật chất hơn là cũng phải đồng thời hướng đến sự giầu có về trí tuệ, về tâm hồn và nhân cách. Một trong những nguyên nhân của sự khủng hoảng này là do nhiều người trong lớp già từng có một đoạn tuổi trẻ hăng say trong sáng trong thời chiến lại tự sống ngược lại trong thời bình, không còn xứng đáng với ngay chính tuổi trẻ của bản thân mình, từ chỗ hiến dâng cuộc đời cho lẽ sống “không có gì quý hơn Độc lập Tự do” chuyển thành lẽ sống “không có gì quý hơn chiếc ghế quan to” khiến lớp trẻ nhìn vào thấy thất vọng và chán nản. Tôi vừa đọc trên mạng ý kiến của một nhà nghiên cứu trẻ bày tỏ “Càng hiểu rõ hơn về lớp già càng thêm chán nản”. Tôi nghĩ nội dung nhân văn hàng đầu cần xây dựng cho lớp trẻ là xây dựng con người tự do tự chủ tự lập mà xuất phát điểm là xây dựng ý thức của mỗi con người tự xây dựng, tự xác lập tư chất tư thế tự do tự chủ. Tôi mong các bạn trẻ hôm nay hãy nhìn vào lớp già chúng tôi bằng cặp mắt của con người tự do tự chủ, hãy nhìn cho rõ, suy ngẫm cho sâu, chiêm nghiệm cho thấu đáo về cái hay cái dở của chúng tôi, tiếp nhận và truyền nối những gì đáng tiếp nhận và truyền nối, gạt bỏ và thanh tẩy những gì cần gạt bỏ và thanh tẩy. Tôi tin tưởng sâu sắc rằng con người biết đặt Tổ Quốc lên trên hết, Tự do lên trên hết là một giá trị nhân văn trường tồn. Mỗi con người phải tự mình giành lấy quyền tự do phát triển mọi năng lực cá nhân vừa để tự mình hưởng thụ thành quả của sự phát triển ấy đồng thời dâng hiến nó cho cộng đồng, lấy sự kết hợp hài hòa của niềm vui tự do phát triển năng lực cá nhân với sự dâng hiến cho cộng đồng làm hạnh phúc. Tôi tâm niệm và nguyện suốt đời thực hành cái nguyên lý này của Các Mác : “Sự phát triển tự do của mỗi cá nhân là điều kiện tất yếu (bắt buộc) cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”. Ở nước Mỹ mà bao năm qua (kể từ thời của tôi) học sinh bị nhồi sọ là “nước tư bản dãy chết” lại là đất nước của hàng triệu hàng triệu con người tự do tự chủ tự lập như thế, mà một trong những gương mặt tiêu biểu là Bill Gate. Từ thời trẻ anh đã là một thanh niên say mê sáng tạo, tự tìm mọi cách để tự do phát triển mọi năng lực cá nhân, và với thành quả sáng tạo của mình đã trở thành người giầu nhất thế giới, nhưng sự giầu có ấy không phải là mục tiêu tối hậu của đời anh; Bill Gate dành hơn nửa tài sản để đóng góp vào việc giải quyết những vấn nạn xã hội của nhân loại, và anh làm việc này như một nhu cầu tự thân trên con đường tìm kiếm hạnh phúc đích thực của con người. Tôi ngưỡng mộ những con người như thế và mong muốn thanh niên ta tự xây dựng mình thành con người tự do tự chủ tự lập như thế.
Đất nước đã độc lập thống nhất nhưng chưa toàn vẹn lãnh thổ, đã có hòa bình nhưng là một nền hòa bình không được phép một phút lơ là cảnh giác với kẻ thù bành trướng phương bắc. Cái vị trí địa chính trị của đất nước ta nó buộc mỗi con người Việt Nam ta phải sống như thế, không một ai được phép thờ ơ với hiểm họa luôn đe dọa sự mất còn của Tổ Quốc, không một ai được phép vô cảm với tình cảnh bị cướp lột bị áp bức của đồng bào mình đang diễn ra quanh mình. Có thể nói không ngoa rằng, trên đất nước Việt Nam hôm nay, và chắc cũng còn rất lâu nữa, không thể có một sự hưởng thụ cá nhân dù là chính đáng có được trọn vẹn khoái cảm hưởng thụ, không một miếng ngon nào đưa lên miệng mà không vương nỗi áy náy về bao người còn thiếu đói, không một nhịp thở bình thường nào được hoàn toàn thoải mái trong nỗi xót xa và phẫn nộ về bao người yêu nước bị bóp cổ, bị bịt miệng, bị tống vào ngục tối chỉ vì cất lời hô Hoàng Sa Trường Sa của Việt Nam.Đó là nội dung nhân văn không thể thiếu được trong chương trình giáo dục nhân văn cho thanh niên hôm nay và mai sau.
Năm xưa, Trương Quốc Khánh và cả thế hệ của anh, của tôi hát :
Là người, nguyện một lần khi nằm xuống
Cùng anh em đứng lên phất cao ngọn cờ
Mặc tất cả tình trạng khủng hoảng của một xã hội nhiễu loạn mọi giá trị, mà tính nghiêm trọng bao trùm là sự lấn át dai dẳng của thứ “văn hóa” nói một đằng làm một nẻo ở những người giữ trọng trách gánh vác việc dân việc nước, lời nguyện ấy luôn được truyền nối, đã hiện ra ngày 14 tháng 03 năm 1988 trong hình ảnh bằng xương bằng thịt các chiến sĩ đảo đá Gạc-ma (trong quần đảo Trường Sa) của chúng ta tay không đứng trụ ngập thân trong nước gục chìm dưới làn đạn điên cuồng của kẻ thù bành trướng, và người anh hùng Trần Văn Phương trước phút giây trút hơi thở cuối cùng vẫn không rời lá cờ Tổ Quốc với lời hô bất tử : “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân”
Vậy mà ngày 14.03.2012, trên các báo đài (được nuôi bằng tiền thuế của dân) không một nén hương, không một dòng tưởng niệm. Thậm chí đã xảy ra một sư việc không thể hiểu nổi như sau :
“Trước 14-3-2012 gần 2 tháng, hội Cựu chiến binh ngành Dầu khí VN có kế hoạch hoạch đúng ngày 14-3-2012, sẽ tổ chức lễ vinh danh, tri ân và trao tặng (đợt 1) một số gia đình có thân nhân là Liệt sĩ hy sinh ngày 14-3-1988 ở Trường Sa, hiện có hoàn cảnh khó khăn, tổng số tiền tròn 200 triệu đồng.
Đợt 2 sẽ trao cho các gia đình liệt sĩ 14-3-88 khác, vào 14-3-2013.
Theo kế hoạch phối hợp cùng báo Thanh niên (Văn phòng đại diện tại Nha Trang) và các báo Nông thôn ngày nay, Cựu chiến binh VN … buổi lễ sẽ diễn ra tại trụ sở Vùng 4 hải quân (bán đảo Cam Ranh) – có đơn vị trực thuộc là Lữ đoàn 146 đang trấn giữ Trường Sa.
Được sự thống nhất và hoan nghênh của lãnh đạo bộ Tư lệnh quân chủng Hải quân, đại diện các báo trên đã cấp tốc đến Vùng 4, làm việc với chủ nhiệm Chính trị và trưởng ban Chính sách Vùng 4, bàn kế hoạch phối hợp triển khai khá chi tiết. Theo đó, Vùng 4 lo bố trí, trang trí hội trường buổi lễ, phòng ốc và ăn uống cũng như xe đưa đón đại diện gia đình liệt sĩ từ sân bay Cam Ranh, ga Nha Trang về nhà khách Vùng 4, với chi phí do phía Dầu khí đài thọ (khoảng 140 triệu, ngoài 200 triệu quà trao nói trên), kể cả chi phí khẩu hiệu, phông màn, … Các báo lo liên hệ mời, mua vé phương tiện đưa thân nhân liệt sĩ đến nhà khách Vùng 4.
Biết tin, rất nhiều thân nhân liệt sĩ và cựu chiến binh Trường Sa khấp khởi mong đến ngày lễ đầy ý nghĩa này.
Hỡi ôi! Gần đến 14-3-2012, tin sét đánh: thượng cấp không cho làm!”
(Trích bài của nhà báo VVT viết từ Khánh Hòa)

Tôi xin hỏi các đồng đội của tôi trong phong trào yêu nước của thanh niên, học sinh, sinh viên các đô thị miền Nam giai đoạn 1954 -1975 còn sống hôm nay, chúng ta nói sao về cái lệnh ô nhục như thế phát ra từ một thượng cấp nào đó giấu mặt ở đâu đó ? Nếu chúng ta im lặng, liệu chúng ta có còn xứng đáng với chính tuổi trẻ của chúng ta trước kia hay không ?
Và chúng ta sẽ nói thế nào với thế hệ trẻ hôm nay về lòng yêu nước về trách nhiệm của thanh niên với Tổ Quốc và Nhân dân ?
Không, nhất định chúng ta dứt khoát không cho phép kéo dài mãi tình trạng lợi dụng sự tự nguyện dâng hiến của thế hệ Trần Quang Long, Trương Quốc Khánh , Lê Quang Vịnh, Phan Duy Nhân, Võ Thị Thắng trước kia để đúc nên những chiếc ghế vua quan cách mạng và ngồi đó dung túng cho một thứ “thượng cấp” giấu mặt đâu đó ra những cái lệnh bậy bạ vùi dập phẩm chất anh hùng của thế hệ Lê Đình Chinh, Hoàng Thị Hồng Chiêm,Trần Văn Phương hôm nay.
Không, dứt khoát không !
Đà lạt 30.03.2012
BMQ
(nguồn nguyentrongtao.com)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001