Hoàng Nhất Phương
Nói đến điện ảnh, người ta không thể nào quên bộ phim kinh điển “Mother India,” nguyên tác “Bharat Mata” của đạo diễn Mehboob Khan dàn dựng năm 1957. Là một trong những kiệt tác không chỉ của Bollywood mà còn của cả thế giới, “Mother India” được xem là “Gone With The Wind - Cuốn Theo Chiều Gió” của Ấn Độ. Nữ tài tử huyền thoại Nargis đóng vai Radha, một phụ nữ nông thôn bình thường đã vượt qua nhiều nghịch cảnh có trong đời, trở thành nguồn động lực thôi thúc dân làng chiến đấu bảo vệ mảnh đất của họ. Radha và được tôn xưng là Bà Mẹ Ấn Độ, biểu tượng vô cùng tự hào của đất nước Hindu. “Mother India” là cây cầu giới thiệu với thế giới nền văn hóa cổ xưa, và tinh thần dân chủ mới của người Ấn Độ.
“Mother India”mở đầu bằng hình ảnh tươi mát đầy sức sống của con kênh nước ngọt tuôn chảy khắp thôn quê. Dân làng trân trọng mời bà Radha, bà mẹ tôn quý của họ đến chủ tọa nghi thức khai trương đập nước. Ngắm nhìn màu đỏ phù sa (hay là màu máu lệ) hòa nhập làm một với giòng nước trắng ngần, quá khứ bi thương hiển hiện trong ký ức của Radha. Bà nhớ lại thời con gái, nhớ lại ngày chồng bà là ông Shamu (Raaj Kumar) đón bà về nhà bằng một hôn lễ linh đình, sang trọng. Ngay trong ngày cưới cô dâu Radha đã biết để có thể tổ chức bữa tiệc lớn như vậy, mẹ chồng cô phải mượn tiền của người chuyên cho nặng lãi Sukhilala. Hy vọng sớm trả dứt nợ, Radha và Shamu cố gắng làm việc rất vất vả. Chẳng may khi đang cày xới canh tác, đôi bàn tay của Shamu bị tảng đá nghiền nát. Mặc cảm là người tàn tật ăn bám, Shamu ra đi biệt tích, bỏ lại Radha và ba đứa con thơ dại.
Radha cắn răng chịu đựng mọi khốn khó, một mình xoay sở nuôi ba đứa con trong cảnh khó nghèo. Sukhilala say mê Radha đem gạo tiền dụ dỗ, nhưng cô từ chối “bán mình.” Một trận bão kinh hoàng phá hủy mùa màng, cuốn phăng làng xóm, khiến nhiều người phải chết trong đó có cả đứa con trai nhỏ của Radha. Đứng trước đống đổ nát, Radha kêu gọi mọi người bình tâm xây dựng lại nơi ăn chốn ở. Cùng với dân làng, gia đình Radha sống sót sau khi trải qua muôn vàn thống khổ. Hai đứa con trai của bà trưởng thành, tâm tính hoàn toàn trái ngược. Ramu (Rajendra Kumar) ngoan ngoãn hiền lành đã lập gia đình. Birju (Sunil Dutt) ngang tàng, bướng bỉnh, hay trêu ghẹo các cô gái, và là một kẻ liều lĩnh nguy hiểm. Ngày con gái của Sukhilala lấy chồng, Birju giết chết ông ta cướp cô dâu mang đi. Radha đã hứa không để Birju làm hại cô gái, chính bà bắn Birju. Chàng trai ngã xuống đất, chết trong vòng tay của mẹ…!
Sinh ra và lớn lên trong ngôi làng nhỏ có truyền thống văn hóa tốt đẹp, đồng thời cũng có nhiều luật lệ nghiệt ngã tạo ra khoảng cách xa vời vợi giữa người giàu và người nghèo, giữa người dân hiền lành và các địa chủ độc tài cay nghiệt, đạo diễn Mehboob Khan có dư đầy kinh nghiệm để tái tạo lại một làng quê Ấn Độ thật như sự thật trên màn bạc, bằng tài năng của riêng ông khi sử dụng những kỹ thuật chuyên môn của ngành điện ảnh. Khan đã cải biến bộ phim đầu tiên “Aurat (1940)” không mấy thành công của mình, thành bộ phim sử thi tuyệt tác “Mother India.” Người dân của sông Hằng tự hào vì “Bà Mẹ Ấn Độ” vừa là biểu tượng của văn hóa Ấn Độ, vừa là biểu tượng của nền điện ảnh Bollywood. “Mother India” được trao giải thưởng “Nation Film Award for Third Best Feature Film” năm 1958, và cũng là bộ phim đầu tiên của Ấn Độ được trao giải đề cử phim nước ngoài hay nhất “Academy Award for Best Foreign Language Film” cũng trong năm 1958.
Thời gian đi không đợi, 55 năm đã trôi qua nhưng “Mother India” vẫn khiến khán giả phải rơi lệ, khi xem lại bộ phim trình chiếu cuộc đời đau khổ của mẹ Radha. Hình ảnh Radha ngâm mình dưới giòng nước đầy rắn rết, đội trên đầu mảnh ván có ba đứa con, cố giữ cho con của mình không bị giông tố cuốn đi là hình ảnh bất hủ của tình mẫu tử. Hình ảnh Radha cào cấu bùn đất, bi lụy thống thiết bất lực nhìn các con đói khát, là hình ảnh đẫm lệ của lòng mẹ tha thiết yêu thương con. Hình ảnh Radha đói cơm rách áo vẫn một lòng khước từ sự quyến rũ của giàu sang phú qúy, là hình ảnh cao khiết trung trinh của tâm hồn mẹ. Thật phải thán phục một phụ nữ hiền lành thùy mị sống trong đất nước trọng nam khinh nữ, lớn lên trong cảnh khó nghèo như Radha, lại có thể kiên định và tự tin đến như vậy, khi cương quyết bảo vệ sự thanh bạch và độc lập của bản thân mình nói riêng, của làng quê nói chung.
Đức hạnh cao quý của Radha không chỉ giúp bà vượt qua nghịch cảnh, mà còn khích lệ dân làng sống và vui sống với ý niệm “lá lành đùm lá rách, đói cho sạch rách cho thơm.” Là người có nhan sắc, Radha có thể lấy Sukhilala hay “bán mình" để hưởng vinh hoa phú qúy, để không phải chân lấm tay bùi, nhưng bà đã khước từ. Bởi vì bà không muốn tự do tư tưởng, tự do sinh sống, tự do tình cảm của bà bị áp chế. Điều này thể hiện nhân sinh quan rất mới của người dân Ấn, muốn từ bỏ nếp sống bị lệ thuộc vào thực dân Anh, muốn thể hiện chủ quyền của bản thân nói riêng, và của đất nước nói chung. Khán giả có thể nhận ra phong cách canh tân phảng phất hương đồng gió nội Ý Đại Lợi trong “Mother India.” Đồng thời khán giả cũng đặc biệt cảm nghiệm rằng, nhạc sĩ thiên tài Naushad Ali đã thổi vào bộ phim “Bà Mẹ Ấn Độ” linh hồn huyền bí của sông Hằng, qua những vũ khúc và những bài hát trữ tình, lãng mạn thể hiện bằng âm nhạc cổ điển Ấn.
Trong đau khổ và bất hạnh, lòng mẹ từ nhân đã giúp Radha nuôi con khôn lớn. Trong đau khổ và bất hạnh, sự cương nghị và lòng tự tin của bà là động lực quy tụ dân làng thành một khối, chống lại luật lệ cay nghiệt của những ông chủ gian tham, keo kiệt, độc ác như Sukhilala. Trong đau khổ và bất hạnh, bà đã bắn chết con để bảo vệ cô gái vô tội, cho dẫu cô gái ấy là con của kẻ đã đưa gia đình bà vào bước đường cùng của sinh ly tử biệt. Giòng sông tình yêu trong lòng mẹ Radha cuồn cuộn trào dâng như giông tố, như mùa bão nổi làm thành cơn đại hồng thủy tuôn chảy trên thi hài của Birju, cũng là cơn đại hồng thủy rửa sạch mọi vết nhơ sân hận giữa con trai của bà với cõi đời này. “Mother India - Bà Mẹ Ấn Độ” xứng đáng là một trong số những bộ phim Châu Á hay nhất của mọi thời đại, đúng như sự đánh giá của đài truyền hình CNN ngày 23-09-2008. (“Pick the best Asian films of all time.”By CNN’s Mairi Mackay).
Hoàng Nhất Phương
Hồ Gươm gửi hôm Thứ Bảy, 19/05/2012
(nguồn danluan)
|
Bác Dzinh về và góp ý giúp nha!
Trả lờiXóahttp://matphaimattrai.blogspot.com/2012/05/ngang-nhien-thach-thuc-luat-phap-cong.html