Thứ Ba, 15 tháng 5, 2012

GIÁ THỊ TRƯỜNG CÓ ĐỊNH HƯỚNG?


"Thị trường" miền núi không định hướng...

Mấy hôm nay báo chí lại xôn xao về dự án CNH-HĐH của Bộ GTVT. Tất nhiên dư luận tập chung vào con số 12.000 tỷ đồng sẽ đầu tư xây dựng trụ sở mới. Tiền đâu ra giữa lúc lạm phát cao và sâu thế này? Tiền kiếm đâu giữa lúc Ủy ban Kinh tế-Xã hội châu Á-Thái Bình Dương của Liên Hiệp Quốc (ESCAP) cảnh báo: Nguy cơ nghèo đói gia tăng ở Việt Nam. Cũng theo đánh giá của tổ chức này thì: “Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 và tháng 4 giảm, có vẻ là một điều lạ lùng và khiến nhiều người mừng vui. Nhưng một số nhà kinh tế quan ngại, cho rằng CPI giảm nhanh như vậy mặc dù giá của một số loại nguyên vật liệu đầu vào chính vẫn tăng cho thấy có lẽ DN đã…chết gần hết rồi, chết rất nhiều, nếu không ứng cứu nhanh thì chết hết”…
Một bức tranh kinh tế, xã hội ảm đảm đến mức khó ảm đảm hơn. Giữa lúc như vậy Bộ GTVT đưa ra đề án CNH-HĐH thì chả khác gì đổ xăng vào lửa để đập dám cháy?


Tiền đâu để Bộ GTVT đưa ra dự thảo này? Mình đọc báo thấy viết như sau: “Bộ GTVT cho biết: “Đề án CNH-HĐH Bộ GTVT là định hướng chung về CHN-HĐH cho các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị thuộc Bộ GTVT được xây dựng trên cơ sở định hướng cho cả quá trình trong giai đoạn dài đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, không phải tiến hành ngay trong thời điểm hiện nay. Từ định hướng của Đề án, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xây dựng đề án chi tiết của mình một cách phù hợp, đáp ứng yêu cầu trước mắt cũng như lâu dài.
Nguồn kinh phí được dự kiến chủ yếu trên cơ sở nguồn vốn ngoài ngân sách, nguồn vốn ngân sách chỉ là một phần rất nhỏ (khoảng 8,9%) trong tổng nguồn vốn hơn 223 nghìn tỉ đồng triển khai thực hiện Đề án CNH-HĐH. Và nguồn vốn ngân sách được cấp theo kế hoạch, được cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.
Số tiền còn lại, các doanh nghiệp chủ động trong việc bố trí và trong nguồn vốn tự có, vốn vay...đặc biệt thu lại từ việc thoái vốn liên danh, liên kết trong việc đầu tư để thực hiện mục tiêu và các nội dung CNH - HĐH, nguồn vốn ngoài ngân sách này chiếm khoảng 91,1%”.
Đưa ra ý kiến về khoản tiền dành để xây dựng trụ sở Bộ, Bộ GTVT cho biết: “Riêng trụ sở mới của Bộ GTVT, trên cở sở Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, theo đó, định hướng “Di dời trụ sở Bộ ngành ra khỏi khu vực nội đô lịch sử về các khu vực Tây Hồ Tây và Mễ Trì theo hướng hình thành khu vực hành chính tập trung”, Bộ GTVT đã xây dựng phương án và ý kiến của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, UBND TP. Hà Nội.
Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo đồng ý về nguyên tắc cho phép Bộ GTVT được mua trụ sở làm việc và bán chỉ định tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất do Bộ GTVT đang quản lý tại 80 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội theo giá thị trường, đúng quy định của pháp luật để lấy kinh phí đầu tư trụ sở mới trên cơ sở quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc tại các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp đảm bảo nguyên tắc giá trị mua trụ sở mới không lớn hơn giá trị bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất do Bộ GTVT đang quản lý tại 80 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội”.

Bộ GTVT khẳng định: “Mọi thủ tục triển khai trụ sở mới của Bộ GTVT hiện nay đang thực hiện đúng quy định pháp luật". (hết trích)
Tự sản tự tiêu
Thôi thì nhiều người viết về cái sự quá lố của dự án này rồi, không bàn thêm. Mình chỉ thắc mắc về cái giá thị trường khi Bộ GTVT bán trụ sở 80 Trần Hưng Đạo là một biệt thự thời Pháp để lấy vốn xây dựng trụ sở mới. Nói đến biệt thự thời Pháp thì biết ngay giá cả là thế nào? Tất nhiên là theo giá thị trường. Nhưng vì là thị trường nên mua rẻ - bán đắt hay bán rẻ - mua đắt là do hai bên bán - mua với nhau tự biết, cụ thể hơn là chỉ vài người đứng ra bán biết, chứ cán bộ Bộ GTVT làm sao mà biết được? Ai dám minh bạch số tiền mua bán biệt thự này? Giá cả mua bán co dãn như bã kẹo cao su, biết đâu mà lần và có "định hướng" không? Nhưng hai bên mua - bán có câu thần chú làm bùa hộ mệnh là “Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo đồng ý về nguyên tắc” và “đúng quy định của pháp luật”.
Chợt muốn hỏi nhưng chả biết hỏi ai:
-Trụ sở của nhà nước thì được bán theo giá thị trường. Tại sao đất của dân lại bán với giá trời ơi đất hỡi khiến bất cứ ở đâu có thu hồi đất thì ở đó có khiếu kiện ròng rã nhiều năm trời? Và kết cục thường phải dùng đến bịên pháp cưỡng chế bằng bạo lực? Thử đền bù theo giá thị trường xem dân phản ứng thế nào? Ngôi biệt thự ấy khác gì “bờ xôi, ruộng mật” của nông dân mà được ưu tiên hưởng giá trị thị trường, còn đất đền bù thì phải "định hướng" giá bèo rẻ mạt? Còn nữa, mảnh đất bờ xôi ruộng mật ấy đang bảo đảm cuộc sống hàng ngày của nhiều mảnh đời, chứ ngôi biệt thự ấy chỉ là nơi kê những chiếc ghế ngôi, ghế nhỏ to khác nhau…? Nơi chỉ để kê ghế thì phàm cứ có nhà là kê ngồi được, đâu cần lắm những ngôi nhà hiện đại tốn tiền khi đang còn nghèo? Chỉ cần bảo đảm "công bằng, văn minh" như khẩu hiệu là ổn?
-Vinashin cũng được Thủ tướng Chính phủ quản lý, chỉ đạo đấy thôi…Nhưng giờ thì sao nhỉ?
-Ban cưỡng chế đất ở Văn Giang, Vụ Bản cũng nói là làm đúng theo pháp luật đấy nhé.
-Sử dụng bạo lực trong cưỡng chế đất đai, đánh người là cũng được pháp lụât bảo trợ đấy nhé. Bằng chứng là đánh người như thế mà có ai bị ra toà đâu? Trong khi năm ngoái cô gái tát CSGT một cái mà bị tù đâu như 6 tháng?
Tự cung tự cấp...
Và tóm lại, giá thị trường là áp dụng khi nào? Bao giờ? Với ai? Còn với ai là áp dụng “giá thị trường theo định hướng XHCN”?
Ai trả lời giúp mình với?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001