Hoàng Thanh Trúc (Danlambao) - "…Tại sao họ lại sợ nhân dân tham dự phiên tòa đến thế? Nếu việc làm của họ là quang minh chính trực, đúng pháp luật ? Suy cho cùng chỉ có bản chất cái cây bị cong queo khuyết tật, ruỗng mục nên mới sợ chết đứng mà thôi !...".
Dưới cái nắng nung người, dòng xe kẹt cứng giữa ngã tư, cả đám đông lúc nhúc như đàn ong ruồi bò quanh chiếc tổ. Tiếng kèn xe hơi cứ tin tin phía sau thúc hối. Cô gái chạy chiếc Vespa Piaggio khó chịu quay lại nhìn mấy lần. Bất giác cửa xe hé mở, viên chức lái xe mặt áo công an lách ra chen người đến gần cô gái nói như hét: "Lỗ tai điếc hả? Nghe tiếng kèn không? Tránh ra cho xe cảnh sát đi!". Cô gái điềm nhiên quay lại kéo khẩu trang che miệng: "Tôi không điếc! Mắt ông đui thì có, ông nhìn thấy xung quanh không? Cảnh sát thì mặc kệ ông, xe ưu tiên phải có còi hụ, đèn báo, còn không cứ bò chung như mọi người. Sao ông dở hơi thế, cứ mặc áo công an là ưu tiên à, luật nào thế? Đồ…không giống ai" – Đám đông chăm chú nhìn cô gái, dù đang khổ sở vì kẹt xe nhưng nhiều người cũng tủm tỉm cười vì cái từ ngữ "không giống ai" của cô gái. Viên công an cụp mắt, tẽn tò, chui lại vào xe, đập tay lên vô lăng miệng lép nhép chửi đổng .
"Không giống ai" cái cụm từ thông thường như bao từ ngữ khác trong ngôn ngữ Việt. Dù có ai lỡ thất học nhưng cũng hiểu được cái nghĩa của nó khi nghe nói tới. Tuy nhiên mấy năm gần đây theo cái đà "biến tấu" của xã hội XHCN cụm từ tưởng như là dung dị trong đời thường này trở nên phổ biến để ẩn dụ cho nghĩa bóng. Theo sau cụm từ "không giống ai" ấy là sự lập dị hợm hĩnh, ngu xuẩn rất xấu hổ hay đáng khinh bỉ nào đó theo phạm trù nhân cách. Bởi không nói ra nhưng nhiều người cùng ngầm hiểu "không giống ai" cũng có nghĩa không ai giống mình dù là cùng đồng loại. Mà không giống đồng loại thì giống… cái giống gì?
Trong xã hội, tuỳ thuộc lối sống, mọi người có những sở thích khác biệt tất yếu rất riêng tư để "không giống ai" vô thưởng vô phạt không nhất thiết phải lạm bàn.
Nhưng nhà nước hay chính quyền trong điều hành guồng máy xã hội, thực thi pháp luật, mà có những hành vi không giống ai thì không thể chấp nhận được. Nếu không muốn nói cho chính xác là lạm quyền, là phạm pháp, bởi sự "không giống ai" của cơ quan nhà nước cũng có nghĩa là tuỳ tiện không theo qui định, không theo pháp luật. Đơn cử như trường hợp này, sau mấy tháng bắt bớ giam cầm theo hình thức bắt cóc khủng bố trái qui định của nhà cầm quyền CSVN tại Nghệ An. Hôm 24/5/2012, việc nhà cầm quyền Nghệ An đưa 4 thanh niên sinh viên Công giáo ra "xét xử" tại toà án nhân dân tỉnh Nghệ An rất "không giống ai" chút nào.
Cơ sở này chắc chắn không phải của nhà cầm quyền và đảng CSVN.
Nhìn hình ảnh trên, ai dám nói đây không phải là tài sản từ nhân dân, của nhân dân mà ra? Cái bảng hiệu của nó cũng nói rõ đây là pháp đình, là nơi công khai xét xử, thực thi công lý của nhân dân. Nơi mà hầu hết các quốc gia tự do dân chủ trên thế giới, luôn luôn để cửa rộng mở cho mọi người dân tự do vào tham dự. Ngoài sự giám sát thực thi công lý từ chính quyền, cơ quan tư pháp, tự nó cũng cho phép người dân tiếp cận nhiều loại án hình sự khác nhau nâng cao tính giáo dục cho mọi người trong khái niệm "thượng tôn pháp luật". Thì ở đây ngược lại, chính quyền này, nhà nước này biến một nơi cần "nhĩ mục quan chiêm" thành một pháo đài bất khả xâm phạm của riêng họ khi đưa ra xét xử 4 thanh niên sinh viên Công giáo bất đồng chính kiến với nhà cầm quyền. Họ bị xét xử với tội "tuyên truyền chống phá chế độ" nhưng lại bị cô lập tuyệt đối. Những người dân khác không được tham dự dù họ - toà án xét xử - thông báo là "xét xử công khai"? Sự nghịch lý tự nó che đậy nhiều góc khuất tối tăm của pháp luật.
Rất "hài hước" công bố "xét xử công khai, nhưng "công khai" cấm nhân dân tham dự ?
Nơi của dân đóng thuế xây dựng, buổi xét xử trên danh nghĩa vì quyền lợi của nhân dân, nhưng nhân dân không được phép tiếp cận. Nó không giống bất cứ nguyên tắc tố tụng nào trong pháp chế của cộng đồng các quốc gia ASEAN và toàn thế giới ngoại trừ vài nước cộng sản độc tài lúc nào cũng nơm nớp lo sợ nhân dân lật đổ. Và vì vậy nó khác biệt hoàn toàn, có thể nói là không giống ai chút nào.
Nhìn các CA viên trẻ thi hành mệnh lệnh mà lòng người dân cũng ngán ngại giùm khi phải phục vụ một chế độ mà sự quang minh chính đại mong manh như tơ trời, luôn phải lấp liếm với lời nói không đi đôi với việc làm. Nói rằng xét xử những kẻ xấu, phản động âm mưu chống phá lật đổ chính quyền của nhân dân nhưng nhân dân muốn trực tiếp vào toà xem cái mặt dày mặt mỏng ấy ra sao, xem chúng phải trả lời với công lý như thế nào thì không được phép. Trong khi đó Hiến pháp và pháp luật không cấm việc này. Một phiên toà xét xử 4 sinh viên phạm tội bằng mồm, bằng chữ viết mà phải cần tới một lực lượng an ninh chìm nổi hùng hậu để cô lập, cản chân không cho nhân dân vào pháp đình chứng kiến 4 bị can, luật sư và quan toà tranh tụng. Trong lúc đây lại là điều quan trọng để công luận định chuẩn cho cán cân công lý. Trong khi bên ngoài người dân đưa cao băng rôn khẳng định các bị cáo là vô tội, thì hành vi ngăn cấm của cơ quan an ninh nó "không giống ai" giữa thời đại văn minh dân chủ này.
Tại sao họ lại sợ nhân dân tham dự phiên tòa đến thế? Nếu việc làm của họ là quang minh chính trực, đúng pháp luật? Suy cho cùng chỉ có bản chất cái cây bị cong queo khuyết tật mục ruổng nên mới sợ chết đứng mà thôi!
Nhìn hoạt cảnh thực thi pháp chế XHCN ấy mà không thể không nhắc đến ông TBT với tư duy nhà nước pháp quyền phát biểu mới đây.
Một hiểu biết rất sơ đẳng trong hệ thống chính trị dân chủ đa nguyên là: Nhà nước pháp quyền phải được tổ chức theo nguyên tắc "tam quyền phân lập": Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp. Ba cơ quan cần phải độc lập tuyệt đối để kiểm tra lẫn nhau trong hoạt động và đó là bản chất là nguyên tắc bất di bất dịch không thể nào thay đổi khác hơn. Nhưng ông TBT "đảng ta" (Tiến sĩ xây dựng đảng) thì lập luận rất quái đản về tam quyền như thế này:
"…Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền XHCN - Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan duy nhất do cử tri cả nước bầu ra và có quyền lập hiến lập pháp. Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp . Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp …Dưới sự lãnh đạo duy nhất của đảng CSVN…" - (Nguyễn Phú Trọng)
Vậy là lịch sử xã hội loài người đã từng có nhà nước chiếm hữu nô lệ, nhà nước phong kiến, nhà nước tư sản, thì bây giờ ngài TBT đảng CSVN cho ra đời thêm một nhà nước "tam quyền" do đảng ta lãnh đạo để thay thế nhà nước XHCN? Vui thật, cũng có đủ tam quyền cho màu mè hoa lá cành, che đậy bớt cái thòng lọng "đảng ta lãnh đạo" để xiết cổ cả 3 lại cho nó "độc lập" không trật mối nào cho nó chắc ăn, dù nó rất là " không giống ai". Không biết đó có phải là rút ra từ luận án tốt nghiệp "tiến sĩ xây dựng đảng" của ngài không?
Nhiều khi, người Việt Nam ta cứ phải tự vấn tại sao đảng CS và Nhà nước VN có quá nhiều cái "không giống ai" đến thế, không giống ai tới cái độ phải khinh bỉ vì tởm lợm bởi sự biện minh cho những cái tại sao ấy.
Để xơi tô phở ngon thì dù đường có xa các sếp lãnh đạo vẫn cố đưa vợ con ra khu phố có nhiều cửa hàng phở. Sếp lập luận, ở đó tập trung cạnh tranh nhau thì bát phở mới nhiều chất lượng và đón đưa khách mới ân cần, lễ phép và tươm tất. Nhưng vào cơ quan hay chốn nghị trường nghe ai đề cập "phải đa đảng có cạnh tranh mới mong giảm bớt tham nhũng" thì các sếp cứ gạt phăng đi với lập luận: "Việt Nam ta chưa cần thiết, vì không có nhu cầu". Rất "không giống ai", nếu có, chỉ giống phường bịp bợm.
Để tậu cái xe con chất lượng cao sếp sẵn sàng trả tiền cho nhà tư vấn để biết chính xác tại Việt Nam hay trên thế giới đa số người tiêu dùng chọn loại xe nào nhiều nhất để sếp ăn theo đa số ấy mà "com,măng" xe cho tốt cho bền. Nhưng khi có người hỏi: Đa số, 90% các nước CS/XHCN đã chọn đa nguyên dân chủ, tư bản để đổi mới mình rồi thì Việt Nam tại sao không theo đa số ấy? Sếp chỉ lấm lét ậm ừ trả lời không giống ai như sau: "Cái này Bác và đảng ta đã nhất trí chọn rồi" ??? Nghe mà thấy lợm giọng buồn nôn.
Đi cùng trời cuối đất trên thế giới này gần hai trăm quốc gia (trừ 4 nước CS còn sót lại trong đó có "đảng ta" ), hiến pháp mọi quốc gia đều qui định toàn thể nhân dân mới là tập thể duy nhất có quyền lực chọn lựa hướng đi (chế độ chính trị) cho quốc gia. Đảng phái chỉ là người thừa hành làm cho con đường đi đó thông thoáng êm ái hay ngắn lại để đi nhanh hơn chứ tuyệt đối không có quyền thay hay đổi hướng đi. Còn đảng CSVN lại "không giống ai". Chỉ một nhóm người bắt cả dân tộc hơn tám mươi triệu phải nhắm mắt đi theo họ trên con đường mà họ chọn có cái tên XHCN mà hơn nữa thế kỷ bạn bè lớn nhỏ của họ đã từng đi qua. Tất cả đều lọt xuống hầm túng thiếu nghèo khó phải nhờ nhân dân hay cầu cứu tư bản phương Tây vớt lên. Mà họ, những người CSVN cứ nói đó là "khát vọng của toàn dân ta"? Đã vậy họ (CSVN) còn lập nên một hệ thống cai quản như một nhà nước từ trung ương tới địa phương mà chính phủ là Bộ Chính trị 14 tên, và hội đồng bộ trưởng là ủy viên ban chấp hành 200 tên (bí thư các tỉnh/thành phố), tiêu tốn ngân sách (là bí mật quốc gia chưa bao giờ được phép công bố ), dự đoán tương đương bằng 60% ngân sách nhà nước. Còn láu cá, giang hồ và trịch thượng "không giống ai" hơn nữa là bắt quân đội phải thuộc lòng cái khẩu hiệu trung thành với đảng trước rồi mới trả hiếu cho cha mẹ sau (Trung với đảng - Hiếu với dân) và lực lượng mang danh hiệu "Công An Nhân Dân" nhưng duy nhất "chỉ biết còn đảng, còn mình" ngoài ra không còn biết ai hết, dù rằng chính nhân dân mang nặng đẻ đau nuôi cho khôn lớn. Và chỉ nửa năm thôi dân không nuôi (toàn dân đồng loạt không ai chịu đóng thuế) là cả hai lực lượng này và cả "đảng ta" nữa cũng chết đói nhăn răng. (Nguyên lý là vậy, ai có thể đói cơm gạo chứ lãnh đạo đảng ta nếu có đói thì đói yến sào với nhân sâm thôi).
Vô số cái "không giống ai" nói không hết, tuy nhiên có những cái không giống ai mà không thể không nhắc bởi từ cổ chí kim chắc không ai có can đảm thực hiện cho giống như những người CSVN đó là: 30/1/1950 đích thân "Bác" qua Bắc Kinh nhận chỉ tiêu từ Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai một con số cụ thể rồi về VN lấy đó làm cơ sở để phấn đấu trong đấu tố cải cách ruộng đất, giết hại hàng trăm ngàn nông dân như gà vịt cho đủ số chỉ tiêu "địa chủ" để báo công thành tích với quốc tế CS trong đấu tranh giai cấp .
.
"Bác" và Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai sau khi rượu thịt hả hê.
Và cũng tuyệt đối "không giống ai" khi mọi quốc gia thành viên Liên hiệp quốc đều độc lập trong chủ quyền, không phân biệt giàu nghèo, diện tích và dân số. 195 chiếc ghế trong đại sảnh đường LHQ giống hệt nhau và 195 lá cờ tung bay trước tiền sảnh LHQ kích cỡ cũng đều bằng nhau. Thì hà cớ gì một quốc gia tự hào là độc lập lại tự động lấy ngôi sao biểu tượng trên quốc kỳ nước mình gắn thêm vào lá cờ nước láng giềng như minh danh tự nguyện đó là dân tộc mình khi đón tiếp lãnh đạo nước ấy?
Một hành vi mạt hạng của nhược tiểu đới hèn chưa hề có tiền lệ trong lịch sử oai hùng 4000 năm lập quốc kiên cường và bất khuất của quốc gia dân tộc Việt Nam.
Có giống ai không?
Rõ ràng là "không giống ai" có nghĩa không ai hành xử giống như vậy. Nó chỉ duy nhất giống cái búa và lưỡi liềm đẫm một màu máu trên nền cờ đỏ của đảng CSVN.
(nguồn danlambao)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001