TT - Tòa án sơ thẩm thủ đô Kuala Lumpur đã quyết định truy tố hai cảnh sát vì tội tấn công một phóng viên ảnh khi đang tác nghiệp trong cuộc biểu tình đòi cải tổ bầu cử Malaysia tháng trước.
Cảnh sát Malaysia trấn áp một người biểu tình ở Kuala Lumpur hôm 28-4 - Ảnh: Reuters
|
Báo New Straits Times đưa tin mới đây tại tòa sơ thẩm Kuala Lumpur, hai cảnh sát Mohamad Khairul Asri Mohamad Sobri (30 tuổi) và Shahrul Niza Abdul Jalil (24 tuổi) đã bị buộc tội “sử dụng vũ lực phi pháp”.
Nếu bị kết án, hai cảnh sát này có thể phải ngồi tù ba tháng và nộp tiền phạt nặng. Cả hai đều không nhận tội và sẽ tiếp tục ra hầu tòa vào ngày 18-6.
Hai cảnh sát này bị cáo buộc đã đánh đập phóng viên ảnh Wong Onn Kin của tờ báo tiếng Hoa Guang Ming Daily khi anh này chụp ảnh cảnh người biểu tình đụng độ với cảnh sát trong cuộc biểu tình lớn tại Kuala Lumpur hôm 28-4. Theo tòa án, còn hai cảnh sát khác cũng bị tình nghi đã tấn công phóng viên Wong và sẽ sớm bị bắt giữ.
Sức ép từ dư luận và truyền thông
Theo trang Asia News Network, hàng chục nghìn người Malaysia đã đổ ra đường phố thủ đô biểu tình hôm 28-4 đòi chính phủ cải tổ luật bầu cử theo hướng công bằng và trong sạch hơn. Khi người biểu tình vượt qua hàng rào xung quanh một quảng trường ở trung tâm thủ đô, cảnh sát đã phản ứng bằng hơi cay và vòi rồng. Hơn 500 người bị bắt giữ.
Ngay sau đó báo chí lên tiếng, người dân tung lên trang Facebook thông tin về việc cảnh sát hành hung các nhà báo có mặt để đưa tin về cuộc biểu tình bạo động hôm đó. Truyền thông và dư luận điểm ra 12 trường hợp cảnh sát hành hung nhà báo. Phóng viên Radzi Razak của báo The Sun bị bảy cảnh sát đánh đập đến gãy chân. Anh đã đâm đơn kiện.
Phóng viên Wong Onn Kin bị đánh, bị bắt giam dù lúc đó anh hô to mình là nhà báo. Cảnh sát cũng tịch thu luôn máy ảnh của anh. Phóng viên ảnh Koh Jun Lin của báo mạng Malaysiakini cũng bị bắt và bị cảnh sát thu máy ảnh. Ngoài ra, các phóng viên của báo Makkal Osai, Hãng tin Al Jazeera, Hãng Channel News Asia, báo mạng Merdeka Review, Malaysian Insider, nhật báo The Star cũng bị tấn công.
Lập tức, các hiệp hội báo chí, câu lạc bộ phóng viên Malaysia đồng loạt lên tiếng bày tỏ sự phẫn nộ và đòi Thủ tướng Najib Razak phải mở cuộc điều tra. Các tổ chức này yêu cầu chính phủ phải xử lý những cảnh sát hành hung nhà báo và đền bù cho các nạn nhân. Nhân Ngày tự do báo chí thế giới 4-5, tất cả các nhà báo ở Malaysia đều mặc đồ đen đến công sở để thể hiện sự phẫn nộ. Hàng loạt tờ báo Malaysia cũng đồng loạt in trang nhất toàn màu đen trong số ra ngày 4-5.
Theo báo The Sun, ngày 17-5 một nhóm phóng viên các báo đã đâm đơn kiến nghị lên Văn phòng Thủ tướng Najib Razak, đòi ông này phải công khai xin lỗi các nhà báo bị đánh đập và xin lỗi công chúng. Chỉ trong vài ngày qua, đơn kiện mang tựa đề “Đừng đánh nhà báo” đã thu hút được gần 4.000 chữ ký của các phóng viên trên toàn quốc.
Thủ tướng phải xin lỗi
Báo New Straits Times cho biết trước sự phẫn nộ của dư luận và giới truyền thông, cảnh sát Kuala Lumpur vẫn cứng đầu tuyên bố họ không hề phạm tội mà chỉ “làm đúng chức năng”. Tuy nhiên, Chính phủ Malaysia đã phải chịu nhún trước sức ép quá lớn. Bộ trưởng Nội vụ Datuk Seri Hishammuddin Hussein tuyên bố chính phủ đã thành lập một ủy ban độc lập bao gồm sáu thành viên để điều tra cáo buộc cảnh sát hành hung nhà báo và người biểu tình.
“Chúng tôi hiểu rằng các nhà báo chỉ làm công việc của họ trong cuộc biểu tình. Do đó chúng tôi cam kết rằng tất cả những người bị tấn công sẽ giành lại công lý” - Bộ trưởng Hussein cam kết. Theo trang Asia News Network, sau đó đích thân Thủ tướng Najib Razak đã đến gặp riêng phóng viên Radzi Razak của báo The Sun để xin lỗi. Và cuộc điều tra đã dẫn đến việc hai cảnh sát Mohamad Khairul Asri Mohamad Sobri và Shahrul Niza Abdul Jalil bị đưa ra tòa.
Ngoài ra, Ủy ban bầu cử Malaysia cũng cho biết sẽ xem xét các yêu cầu cải tổ bầu cử do công chúng đưa ra, bao gồm việc cho phép quan sát viên nước ngoài đến giám sát bầu cử và cho phép 1 triệu người Malaysia ở nước ngoài bỏ phiếu. Dù vậy, trong những ngày qua báo giới và các tổ chức truyền thông vẫn tiếp tục gây sức ép buộc chính phủ và tòa án phải bắt giữ đưa ra xét xử những cảnh sát đánh nhà báo còn lại.
AFP dẫn lời một số chuyên gia chính trị Malaysia bình luận vụ xìcăngđan cảnh sát hành hung nhà báo và người biểu tình đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh và uy tín của Thủ tướng Najib Razak, người luôn tự khẳng định mình theo xu hướng cải tổ, muốn trao nhiều quyền tự do cho người dân. Dự báo trong các cuộc bầu cử sắp tới, nhiều khả năng tỉ lệ ủng hộ dành cho đảng của ông Razak sẽ sụt giảm đáng kể.
SƠN HÀ
(nguồn tuoitre online)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001