Thứ Hai, 28 tháng 5, 2012

Một cái tát đau đớn!

Nguyễn Đăng Hưng

Nhân câu trả lời của Thủ tướng Áo Werner Faymann
Tại sao các nước không tổ chức một chiến dịch bài bản mời mọc Đức Đạt Lai Lạt Ma viếng thăm có định kỳ?
Đã từ lâu, từ ngày Trung Quốc xua quân xâm chiếm Tây Tạng năm 1959, từ ngày Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 của Tây Tạng phải sống lưu vong tại Ấn Độ cho đến nay, Trung Quốc luôn luôn dằn mặt các nước khi nguyên thủ nước đó có nhã ý tiếp kiến vị lãnh đạo tinh thần đáng kính này.
Chính quyền Bắc Kinh đã tỏ ra hết sức phẫn nộ sau cuộc gặp gỡ mới đây giữa Đức Đạt Lai Lạt Ma và Thủ tướng Anh David Cameron. Bắc Kinh đã nổi giận và không ngần ngại dùng những lời lẽ gay gắt lên án Luân Đôn đã có hành động “sỉ nhục đối với dân tộc Trung Quốc” và đã chính thức phản đối Luân Đôn về sự kiện này. Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc đã quyết định hủy bỏ chuyến công du Anh Quốc dự trù vào tháng Năm này!
Hôm 25/5/2012, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đến Vienna và ngày 26/5 khoảng 10 ngàn người đã tập hợp ở quảng trường chính tại thủ đô Vienna, Áo, để bày tỏ sự ủng hộ đối với nhân dân Tây Tạng và nghe phát biểu của Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Điệp khúc bực tức cố hữu của giới chính quyền Bắc Kinh đã lại được tấu lên như Trung Quốc tự cho mình cái quyền bắt người khác phải tuân lịnh:
Nào là chính phủ Áo đã «can thiệp vào công việc nội bộ» của Trung Quốc, nào là “quan hệ giữa hai nước sẽ tổn hại” nếu Áo vẫn tiếp đón nhà lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng.
Câu trả lời của Thủ tướng Áo Werner Faymann là một cái tát đau đớn cho giới lãnh đạo Trung Quốc:
“Tự tôi trả lời câu hỏi tôi gặp ai. Áo là một quốc gia luôn thể hiện sự ủng hộ đối với nhân quyền và chỉ có tôi mới có quyền quyết định lịch trình của mình”.
Không phải lần đầu tiên mà giọng điệu cao ngạo kẻ cả của giới cầm quyền Trung Quốc gây sốc cho toàn thế giới. Không phải lần đầu tiên mà mỗi chuyến đi của Đức Đạt Lai Lạt Ma làm cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc mất ăn mất ngủ.
Tôi vẫn hằng cầu Trời, niệm Phật mong mỏi nhà lãnh đạo tinh thần của dân tộc Tây Tạng sống lâu trăm tuổi. Ngài đi thật nhiều, thăm thường xuyên các nước. Các chuyến đi của Ngài, các lời thuyết giảng minh triết thâm trầm của Ngài không những là phương thuốc quý an thần cho thế giới hiện đại mà còn làm cho những con cú vọ diều hâu thâm hiễm tàn ác tổn thọ, hụt hơi!
Và tôi tự hỏi tại sao các nước không tổ chức một chiến dịch bài bản mời mọc Đức Đạt Lai Lạt Ma viếng thăm có định kỳ? Đó cũng là cách phản ứng thâm hậu đối với mưu đồ bành trướng, hung hăng hiếu chiến của một thế lực tham tàn bậc nhất thời hiện đại.
Sài gòn ngày 27/5/2012
N.Đ.H.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
(nguồn boxitvn) 

1 nhận xét:

  1. Thưa với TS Nguyễn Đăng Hưng
    Nếu D8u7c1 Đạt lai Lạt ma đi nhiều như thế e rằng điều đó sẽ trở thanh nhàm chán, mất dần ý nghĩa.
    Tôi thấy rằng Ngài cứ vài tháng du hành một lần, đến nhiều nước càng tốt, khi ấy mới thấy cái tác dụng đấu tranh cho một Tây Tạng độc lập thoát khỏi sự chiếm đóng của bọn bá quyền tham lam.

    TH

    Trả lờiXóa

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001