Thứ Hai, 28 tháng 5, 2012

Quốc hội đã cắm mũi khoan vào hòn đá tảng


Bản cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng cộng sản Việt Namkhẳng định rằng “Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Trong các bài nói gần đây nhất tại trường Đảng cao cấp Cuba và tại hội nghị TW 5 (khóa XXI), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục khẳng định tính đúng đắn của luận điểm nói trên. Theo ông, đó là một trong những luận điểm được nêu lên qua kết quả của quá trình “trăn trở, suy nghĩ, tìm tòi, đúc kết từ thực tiễn đổi mới thành công của ViệtNam”.
Không hiểu cái “thực tiễn” mà TBT Nguyễn Phú Trọng “đúc kết” là thực tiễn nào? Còn cái thực tiễn sờ sờ trước mắt mọi người những năm vừa qua là hiện thực yếu kém, sai phạm đến trở thành tội đồ, trở thành quốc nạn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, gọi chung là doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Các DNNN được chính phủ đầu tư (cấp vốn) tới 34% GDP, sử dụng tới 65% tổng số tín dụng, được ưu đãi nhiều về đất đai và các lợi thế khác. Nhưng kết quả sản xuất kinh doanh thì 9-10 đồng vốn mới làm ra được 1 đồng lãi, thua hẳn DN tư nhân và DN FDI. Những sai lầm như đầu tư tràn lan, buông lỏng quản lí, thiếu trách nhiệm, tham ô, lãng phí, giả dối, lạm quyền, cưỡng chế đất đai… đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Điển hình là tập đoàn Vinashin đã làm thất thoát tới 86.000 tỷ đồng và để lại món nợ khổng lồ mất khả năng hoàn trả. Tập đoàn điện lực độc quyền trong khi không cung cấp đủ điện cho đất nước (thiếu hụt 25%) mà vẫn đầu tư ra ngoài ngành, chỉ riêng đầu tư vào viễn thông đã thua lỗ hơn chục ngàn tỷ. Ngành dầu khí với lợi thế “trời cho” cũng sai phạm 18.000 tỷ. Theo thông tin từ Thanh tra chính phủ, các tập đoàn khác như Than – Khoáng sản, Sông Đà, Vietel… cũng sai phạm tương tự. Gần đây nhất làm nóng nghị trường là vụ bê bối mang tên Vinalines, “đổ cả ngàn tỷ xuống sông xuống biển cứ như đùa” (Nguyễn Bá Thanh).
Không chỉ sản xuất kinh doanh tồi tệ, một số “ông chủ” DNNN còn có dấu hiệu câu kết với những đối tượng thoái hóa, biến chất trong các cơ quan công quyền ở TW và địa phương, tạo nên các “nhóm lợi ích” bí hiểm, thâu tóm, chi phối nền kinh tế quốc dân. Khi lòng tham của họ không có giới hạn thì nguy cơ đẩy đất nước vào hiểm họa.
Về nguyên nhân, chúng ta có thể kể đến những bất cập trong thể chế, pháp luật như giao cho DNNN quá nhiều quyền, quá nhiều ưu ái. Chế độ thanh tra, kiểm tra, giám sát thiếu nghiêm minh dẫn đến sự không minh bạch kéo dài hết năm này qua năm khác. Đặc biệt là khuyết điểm trong tuyển dụng, đề bạt cán bộ, mua quan bán chức, loại bỏ người tài, dung dưỡng kẻ bất nhân.
Những sự cố ở các công trình lớn mà báo chí liên tiếp đưa tin (lọc dầu Dung Quất, thủy điện Sông Tranh 2, các công trình giao thông, tàu Hoa Sen, ụ nổi 26 triệu đô…) đã vẽ lên bộ mặt DNNN. Vậy thì với bộ mặt “đẹp” ấy, các DNNN liệu có thể giữ được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân?
Thế nhưng trong các diễn văn, văn kiện, DNNN vẫn được thổi lên mây xanh, nào là quả đấm thép, công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô, công cụ ổn định giá, nào là xương sống của nền kinh tế… Người nói cứ nói, người viết cứ viết lấy được mà chẳng cần biết thực tế như thế nào!
Ông Nguyễn Quang A gọi DNNN với nhiều yếu kém, sai phạm là “những đứa con hư”. Kinh tế của một gia đình mà để cho “những đứa con hư” giữ vai trò chủ đạo thì điều gì đến ắt sẽ đến.
Nhiều nhà kinh tế đã nói thẳng ra rằng luận điểm “Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” là không chuẩn. Theo họ, trong nền kinh tế thị trường mọi thành phần kinh tế phải bình đẳng, tự do cạnh tranh chính đáng. DNNN chỉ nên tập trung vào những lĩnh vực đặc biệt (quốc phòng, công ích) mà tư nhân không làm được hoặc không muốn làm.
Hãy nghe TS Lê Đăng Doanh phản bác:
“Khái niệm được sử dụng là kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, nhưng kinh tế Nhà nước ở đây là bao gồm tài sản quốc gia, dự trữ quốc gia, tài nguyên rừng biển và doanh nghiệp Nhà nước. Như vậy, nó là một khái niệm kinh tế hết sức là hỗn độn, chứ không phải là một khái niệm chuyên môn. Trong cái kinh tế Nhà nước có rất nhiều phạm trù sở hữu khác nhau, các loại hình tư bản khác nhau, thể hiện bằng tiền, bằng tài sản, bằng tài nguyên, v. v. Khái niệm kinh tế Nhà nước như vậy rất là trừu tượng và không có ý nghĩa gì lắm trong điều hành kinh tế. Trong khi đó thì doanh nghiệp Nhà nước vẫn được đề cao, các tập đoàn Nhà nước vẫn được coi là quả đấm mạnh, là xương sống của nền kinh tế. Nhưng quả đấm ấy có thật mạnh hay không, đó là một vấn đề cần phải được xem xét từ thực tế, chứ không phải được xác định như là tín điều. Thứ hai, chính phủ cứ nói rằng các doanh nghiệp Nhà nước là công cụ để điều tiết kinh tế vĩ mô và ổn định thị trường. Cho đến nay, lý thuyết kinh tế và thực tế không chứng minh điều này”.
“Như vậy chúng ta phải coi doanh nghiệp Nhà nước như là những doanh nghiệp hoạt động vì lợi nhuận và theo mục tiêu nhất định do Nhà nước định ra, bởi đấy là vốn của Nhà nước và vì vậy phải hạn chế việc các doanh nghiệp Nhà nước đa dạng hóa kinh doanh. Ví dụ như tập đoàn điện lực nay kinh doanh cả khách sạn, chứng khoán, trong khi việc chính là cung ứng điện thì lại không làm tròn. Nhiều tập đoàn cũng đang kinh doanh như vậy, ví dụ như tập đoàn dầu khí có ít nhất 2 hay 3 công ty tài chính chứng khoán và 2 hay 3 công ty đầu tư bất động sản”.
Có một thông tin rất thời sự là:
Theo www.sgtt.com.vn ngày 23/5/2012, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã gửi một bản báo cáo cho các đại biểu Quốc hội về những quan điểm, ý kiến của ủy ban này trong việc tái cấu trúc DNNN. Báo cáo có những yêu cầu đối với Chính phủ đáng chú ý như: “Không điều tiết nền kinh tế bằng các DNNN mà phải bằng các chính sách tài khóa, tiền tệ; thu hẹp phạm vị hoạt động của DNNN, DNNN chỉ hoạt động trong những ngành nghề mà kinh tế tư nhân không thể làm; tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN”.
Trả lời phỏng vẫn báo SGTT, ông Nguyễn Đức Kiên – Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nói: “Can thiệp, điều tiết bằng các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ làm méo mó thị trường”.
Như vậy là Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã nhận thức rằng: Kinh tế nhà nước không thể giữ vai trò chủ đạo và thực tế nó không làm được điều đó. Điều này phù hợp với ý kiến của TS Lê Đăng Doanh và nhiều nhà nghiên cứu khác.
Các nhà lý luận Mác-xít Made inVietnamthường gọi những luận điểm cơ bản của Đảng là những hòn đá tảng. Vậy thì với bản báo cáo nói trên, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã cắm một mũi khoan vào hòn đá tảng. Mà là mũi khoan phá đá của thợ mỏ hoặc mũi khoan thăm dò địa chất chứ không phải mũi khoan của bác thợ mộc lưng gù đâu nhé.
Sài Gòn, 27/05/2012
B.C.T.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
(nguồn boxitvn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001