Thứ Hai, 28 tháng 5, 2012

Nguyễn Thông - Đừng thờ ơ với những "cốt mốc sống" ở biển Hoàng Sa
Nguyễn Thông
Báo chí mấy tuần nay bận bịu chuyện thông tin về họp quốc hội, về vụ tham nhũng cộm tại Vinalines, về lạm phát giảm phát… toàn chuyện lớn, dường như quên hay ít để ý một chuyện tưởng chừng nhỏ nhưng thực chất còn lớn hơn nhiều điều: Tàu cá của ngư dân Việt Nam ra vùng biển khu vực đảo Hoàng Sa đánh bắt bị tàu hải giám, hải quân Trung Quốc xua đuổi, bắt bớ, ngược đãi, giam tàu giam người; tài sản, số phận sống chết không biết thế nào. Ngư dân đang chới với, kêu gọi, cầu cứu chính quyền giúp đỡ. Vụ mới nhất là tàu cá của ông Nguyễn Thành Nhất (xã Bình Châu, H.Bình Sơn, Quảng Ngãi) bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, bắt ngay tại vùng biển Hoàng Sa ngày 16.5, đến nay chúng vẫn cầm giữ tàu, không chịu trả.
Hoàng Sa, về bản chất, thuộc chủ quyền thiêng liêng bất di bất dịch của Việt Nam. Đó là điều không thể tranh cãi. Còn trên thực tế, hiện toàn bộ quần đảo Hoàng Sa do Trung Quốc chiếm đóng, sau cuộc cưỡng chiếm phi pháp phi nhân của nhà cầm quyền Trung Quốc năm 1974. Việt Nam có bằng chứng lịch sử, còn Trung Quốc tạm có vật chất biển đảo cụ thể. Hai bên tranh qua cãi lại, chỉ riêng ngư dân Việt Nam chịu thiệt.
Ngày 14.5, Cục ngư chính Trung Quốc ngỗ ngược ban bố lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông. Năm nào họ cũng cấm, năm nào người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng lên tiếng phản đối, rằng “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng và cơ sở pháp lý về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, lệnh cấm là vô giá trị”. Đồng thời với sự khẳng định hùng hồn đanh thép ấy là việc động viên ngư dân Việt tiếp tục ra Hoàng Sa đánh bắt hải sản, vừa làm kinh tế, vừa thành cột mốc sống khẳng định chủ quyền trên biển. Chỉ tiếc rằng lời động viên ấy chưa kèm theo sự đảm bảo hữu hiệu. Bất chấp sự phản đối của ta, nhà cầm quyền Trung Quốc vẫn ngang ngược xua đuổi tàu Việt Nam, tịch thu ngư cụ, bắt bớ ngư dân Việt Nam.




Đã là ngư dân thì phải ra biển để mưu sinh. Họ đánh bắt cá trước hết vì cuộc sống của mình và gia đình
mình, sau nữa là những điều khác. Nếu đã khẳng định vùng biển khu vực quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam và động viên họ ra đó hành nghề thì nhà nước cần có kế hoạch, lực lượng bảo vệ ngư dân mình. Biển Hoàng Sa cực kỳ nguy hiểm, nguy cơ tai họa do Trung Quốc gây ra lớn gấp trăm lần thiên tai, đừng chỉ đẩy bà con ra khơi rồi bỏ mặc, giống như đem con bỏ chợ.
Nếu đã xác định mỗi ngư dân Việt là cột mốc chủ quyền sống trên biển đảo Hoàng Sa thì nhà nước phải có trách nhiệm trong những việc cụ thể. Tạo điều kiện cho bà con vay vốn lãi suất ưu đãi để đóng tàu, mua sắm ngư cụ, xăng dầu… là đương nhiên, nhưng ngay cả trường hợp tàu bè, ngư cụ của họ bị Trung Quốc tịch thu, rồi đẩy họ về tay không thì nhà nước cũng cần có sự hỗ trợ kịp thời: hoặc giúp dân đòi lại tài sản, hoặc chia sẻ, gánh một phần thiệt hại với dân. Khi dân đã có trách nhiệm với đất nước thì nhà nước cũng cần tỏ trách nhiệm với dân, đừng nên chỉ từ một phía. Ngoài ra, các cơ quan có trách nhiệm của Việt Nam, nhất là Bộ Ngoại giao, cần hành động rốt ráo, khẩn trương khi xảy ra vụ việc, không chỉ bảo vệ tính mạng, tài sản của ngư dân mà còn sớm đưa người dân từ nơi bị giam giữ trái phép trở về, đừng nên để chậm trễ, kéo dài như nhiều trường hợp vừa rồi.
Theo PGS Trần Ngọc Vương, không nên lợi dụng nhu cầu sinh tồn của ngư dân (về thì đâm đầu vào đâu - tình huống điển hình mà chị Dậu lâm phải) để hô hào suông; nhất thiết chính quyền phải có những chính sách và biện pháp gì đó lúc này để ít ra là hỗ trợ cho họ có hiệu quả.
Thời gian gần đây, chính quyền tổ chức nhiều đoàn quân dân chính đảng từ các cơ quan, đoàn thể, địa phương liên tục đi thăm hỏi, động viên cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ ở Trường Sa, ở các giàn DK, đem đến cho anh em nhiều giá trị vật chất và tinh thần. Với người lính giữ biển đảo, sự ủng hộ bao nhiêu cũng không đủ so với những hy sinh, đóng góp của anh em. Nhưng còn những người lính không mặc áo lính ngày đêm bám biển cùng cả nước bảo vệ chủ quyền, liệu chúng ta đã quan tâm đầy đủ chưa? Trong lúc quần đảo Hoàng Sa chưa thực sự thuộc lại quyền kiểm soát của nhà nước Việt Nam thì có thể coi bà con là những người dân binh Việt ở Hoàng Sa hiện thời. Không phải ai khác, chính ngư dân là những người xác nhận, chứng minh cụ thể chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam lúc này. Họ là những “nghĩa sĩ Cần Giuộc” trên biển. Không cần phải tổ chức đoàn này đoàn nọ đi thăm hỏi, ủy lạo họ, bởi vì hình thức như thế chỉ mang tính nhất thời, không bền vững, mà hãy giao cho các chính quyền địa phương nhiệm vụ chăm sóc, đảm bảo tối đa nhất cuộc sống của ngư dân và gia đình những người đánh bắt hải sản trên biển Hoàng Sa.
Hậu phương có vững vàng, dân binh mới có thể yên tâm nơi đầu sóng ngọn gió.
27.5.2012
Nguyễn Thông
(nguồn danluan) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001