Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2012

Những chuyện lạ về Mèo


HỒ ÐINH
Trong tất cả những gia súc gia cầm gần gũi với con người, duy nhất chỉ có mèo là con vật đầy mâu thuẫn, vì nó vừa thân thiết với chủ nhân nhưng cũng không quên đòi hỏi sự tự do độc lập của riêng mình. Ðó là con vật có cuộc sống hai mặt, là một trưởng giả đạo mạo trên ghế cao nệm gấm, đồng thời cũng là một tên sát thủ ghê gớm trong bóng tối hay góc vườn. Nó luôn che giấu bộ mặt thật của mình nên họa hoằn lắm mới đem con mồi bắt được vào nhà hành hạ một cách độc ác trước khi phanh thây xơi tái.

Có một thắc mắc mà ai cũng muốn biết là tại sao loài mèo dù nhỏ hay lớn cũng đều muốn được chủ mình ve vuốt thương yêu ? Theo Desmond Morris giải thích, đó là tình mẫu tử bởi vì ngay từ thuở mới lọt lòng, mèo con được mẹ liếm láp hằng ngày. Do đó nó luôn coi mọi người chung quanh đều là mèo mẹ vì đó là sự cần thiết giúp nó sống lại thuở ấu thơ. Về chuyện mèo thích dùng chân cào vào đầu gối chủ. Ðây cũng là tập quán lúc mèo còn bé thường làm như vậy để mèo mẹ tiết sữa cho nó bú.
Còn bí ẩn, tại sao mèo thích thịt chuột, cũng đã được y học dựa theo một vị thuốc có tên “ ngưu hoàng, ngưu hoàng toan “ là những viên sỏi kết tinh bởi dịch mật của trâu, bò và thủy ngưu tiết ra. Ðó là acid mật (đảm toan) mang gốc NH2 chữa được nhiều thứ bệnh và làm tăng thị lực trong đêm. Loài chuột cũng có khả năng sản xuất được chất đảm toan như họ nhà trâu. Mèo là con vật chuyên săn mồi ban đêm rất cần thị lực, nên phải ăn chuột để thay thế chất đảm toan không có trong cơ thể mình.
Là con vật được người thuần dưỡng lâu đời và nuôi nấng sớm nhất khi được sinh ra chẳng bao lâu nên mèo luôn coi mình như con vật có nguồn gốc giữa mèo và người. Nói chung thì chúng luôn coi con người như một thứ cha mẹ nuôi, vì vậy rất trung thành với chủ. Ðiểm này cho thấy mẻo và chó có sự tương đồng vì cả hai đều coi chủ mình như là cha mẹ nuôi. Tuy nhiên tình cảm của chó đối với chủ còn mang ý nghĩa của một vị chúa tể nên hết lòng cung cúc tận tụy dù có phải hy sinh tính mạng để bảo vệ chủ mình. Trái lại mèo chỉ sống cho riêng mình, dù được nuôi nấng trong nhà hay còn sống nơi hoang dã. Ðó cũng là sự khác biệt về tâm lý của người thích nuôi mèo thường là phái nữ, giới nghệ sĩ, kẻ sống cô độc. Trái lại người ưa nuôi chó thường là nam giới, lính tráng, những người ưa hoạt động xã hội, cộng đồng..
Nên chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy các nhà sinh học xếp mèo là loài thú tự tôn và sống theo cá nhân chủ nghĩa. Mèo xuất hiện trên trái đất khoảng 10 triệu năm về trước, tuổi thọ từ 30-38 năm. VN có tới 9 loài mèo nhưng đang trên đà tuyệt chủng vì hiện là món ăn khoái khẩu của Tàu đỏ, Tàu trắng và cả nước.

NHỮNG CON MÈO ÐẶC BIỆT :
Ngày 24/11/1999, mèo Jazz được chào đời tại đại học New Orleans (Hoa Kỳ) bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm như con người. Ðó là con mèo được lai giống từ trứng mèo mẹ Cayenne (loại mèo nhà) và tinh dịch mèo đực hoang dã Phi Châu đang có nguy cơ tuyệt chũng Ðây cũng là kỹ thuật mà mấy năm trước tại vườn thú Cincinnat (Mỹ) đã cho ra đời con mèo NOAH giống mèo sa mạc Ấn Ðộ, sau bốn lần thử nghiệm thất bại.



Mèo Rừng Serval Châu Phi : Có thân mình dẽo và thon với trọng lượng không quá 18 kg, đầu nhỏ, bốn chân dài như đại thử Úc nhưng đôi tai rất to, chuyên săn mồi ban đêm và là con thú duy nhất trên thế giới tóm được chim bằng một thủ thuật chính xác và nhanh nhẹn phi thường. Ðây cũng là một bậc thầy về môn nhảy cao hơn 3m và xa với vận tốc như muốn xé rách không khí chết trong sa mạc. Nó ăn chim, ếch nhái, thằn lằn, sâu bọ và những con linh dương còn nhỏ.

Mèo Serval còn bắt cả khỉ dù con vật này nhanh nhẹn không thua nó. Nhưng nhờ vào tài rùnh rập và vồ mồi tuyệt hảo, sự bén nhạy của tai mắt và lòng nhẫn nại đợi cho con mồi lọt hẳn vào bẩy rập mới ra tay sát kẻ đích. Vì nhỏ nên mèo thường mất sức khi đuổi theo con mồi trên khoảng đường xa, trái lại trên cây hay dưới nước, nó luơn đạt chiến thắng nhờ leo trèo và bơi lội giỏi. Nó có 4 răng hàm và cửa bén như dao dùng để xé thịt con mồi ra từng mãnh vụn trước khi ăn.
Mèo này sống khắp Châu Phi trừ sa mạc Sahara và vùng Tây Nam. Nó phân định địa bàn hoạt động của mình bằng nước tiểu và các dấu cào xé trên các võ thân cây trong khu rừng. Mèo sống cô độc và chỉ cặp đôi trong mùa giao phối diễn ra một lần trong năm. Con cái mang thai từ 67 tới 77 ngày thì sinh mỗi lứa 4 con và nuôi chúng trong vòng 1 năm mới tự đi kiếm mồi. Tuổi thọ của mèo rừng chừng 20 năm nhưng giờ đây chúng đang có nguy cơ tuyệt chũng vì bộ lông đang có giá tại Âu Mỹ và thịt rất được người bản xứ ưa chuộng.



Mèo Giống Nhân Sư : Mèo này có tên Sphynx (tượng đá Ai Cập, có thân sư tử, đầu người), sỡ dĩ mang tên trên vì hình dáng dị kỳ với lớp da nhăn gần như không có lông. Nó có đôi tai lớn như lừa, mắt to như nai và hình dạng cổ quái như con thú Yoda trong bộ phim Star Ware (chiến tranh những vì sao). Riêng vuốt mèo này giống móng gấu trúc sống tại Mỹ.


Mèo Munchkin : Còn có tên khác là Chó Chồn (Dachshund) có thân dài chân ngắn, biến dạng từ sự thay đổi giống của các loại mèo dị dạng.




Mèo Lion King : Ðược gọi là vua sư tử (Lion King) có nguồn gốc từ Ba Tư. Mèo này rất được các người nuôi mèo yêu quí vì bộ dạng lịch sự và lạ mắt. Bộ lông ngắn bó sát thân hình một cách tự nhiên, nên còn được gọi là sư tử trụi. Người ta còn đeo cho nó một vòng chuổi bạc làm bằng xương cá, tăng thêm vẽ thanh lịch của mèo.




Mèo Cornish Rex : Mèo có xuất xứ từ vùng Cornwall (Anh) , có bộ lông dợn sóng và mềm như tơ. Mèo có bụng thon, đuôi dài đặc biệt bốn chân cao nghệu, thêm đôi tai to và mềm như thỏ . Bộ dạng giống như con chó ốm, chạy nhanh chuyên săn mồi .




Mèo Bob Tall Long Hair : Có nguồn gốc từ Nhật Bản, đuôi ngắn có chùm lông xoắn ngộ nghĩnh . Mèo có bộ lông rậm và dài, mịn màng màu trắng sáng.




+ Mèo Tai Cụp : Xuất xứ từ vùng Scotland (Anh) , có đôi tai cụp về phía sau tạo thành một vùng hào quang phản chiếu quanh đầu. Mèo tai cụp nhìn rất dễ thương. Mèo có bộ lông sặc sỡ luôn ánh lên trước mắt mọi người nên rất được ưa thích.



Mèo Ocicat : Có xuất xứ từ giống mèo rừng Nam Mỹ, có bộ lông vàng rực điểm thêm những chấm tròn, nhìn giống như loài mèo Bobcat (mèo lông ngắn_ hat Linh Miêu (Lynx). Ðây là loài mèo tạp chủng được lai giống từ mèo Abysainian, mèo Xiêm và mèo lông ngắn Mỹ, được coi là giống mèo cực quý trong họ nhà mèo.

+ Mèo Xiếc : gồm chin con mèo được huấn luyện từ lúc mới lên hai tháng tuổi. Tất cả được đặt theo tên các tài tử nổi tiếng trên thế giới, trong số này có con mèo cái Madonna tuy còn nhỏ nhưng tài giỏi nhất. Mèo được các sư tập luyện từ nhỏ, nghe được tiếng người và các mệnh lệnh của chủ, có thể nhảy xuyên qua những chiếc vòng nhỏ cao quá đầu người. Những tiết mục độc đáo do các con mèo xiếc biểu diễn tại ngôi chùa Nga Phe Chaung trong vùng rừng núi Miến Ðiện, do ba vị sư trụ trì tài giỏi huấn luyện mà ngay cả những nhà dạy thú tài ba tới nay vẫn chưa đạt được.

2 NHỮNG CHUYỆN LẠ VỀ MÈO :

Ngày nay ai cũng biết chó là con vật luôn trung thành với chủ, còn mèo nổi bật với tính độc lập của mình. Với cặp mắt tinh anh có thể nhìn thủng màn đêm nhưng ít ai biết được loài mèo lại mù màu đỏ, khiến cho chúng đắm chìm trong thế giới của hai màu đen trắng mà thôi
Mèo là loài vật ích kỷ đúng hơn là vô chính phủ. Tập quán trên đã được chứng minh từ khi mèo chưa mở mắt mà đã cố quờ quạng dành cho được núm sửa của mèo mẹ và bám lì nó cho tới khi bỏ bú. Sau đó chúng cũng rời đàn để tự kiếm ăn và bạc bẽo nhất vẫn là những con mèo đực. Ðó là loài vật bảo thủ không muốn bất kỳ ai đụng chạm tới mình, dù đó ghế bành, giường ngủ hay bộ ván gổ. góc vườn, khu rừng.. chỗ nào mèo cũng muốn là giang san riêng của chính mình.
Lịch sử của sự thuần dưỡng mèo của con người chỉ với mục đích gạt bỏ những sự sợ hãi của họ đối với con vật. Mèo nhà được thuần dưỡng chỉ còn mang trong mình 20% tính hoang dã, phần còn lại là ảnh hưởng của môi trường, sự giáo dục của chủ và hoàn cảnh xã hội. Những con mèo nhà hiện diện khắp thế giới ngày nay, không phải là sản phẩm được hình thành từ sự hắt hơi của con cọp như huyền thoại Hồi giáo đã kể. Nó là con cháu của giống mèo rừng Nam Mỹ (Ocelot), của loài mèo Felix Lybica Ai Cập..
Theo Rupert Sbeldrake, một nhà sinh học người Anh thì mèo đặc biệt có thêm giác quan thứ sáu “ thần giao cách cảm “ và thứ bảy là “ khả năng định hướng “ , đã giúp nó băng qua những đoạn đường dài mà không sợ lạc lối như chim và cá (trừ loài bồ câu và cá thiên di).. Hiện các nhà khoa học đã chứng minh được nó có chất kim loại Magnetite chứa sắt rất nhạy cảm với từ trường, ở xoang mặt và sau những sợi lông dài mọc ở chân trước mèo. Ngoài ra nó còn có một trí giác rất mạnh và góc nhìn rộng 187 độ, giúp nó nhớ rõ những nơi chốn đã đi qua một cách chính xác, dù chỉ một lần. Mèo còn có những máy phát sóng nằm dưới chân chuyên sản xuất chất Phéromore là một loại hormone dùng làm vạch mốc khứu giác, đánh dấu các địa điểm đã đi qua.

Còn những tiếng gầm gừ của mèo cũng là tín hiệu cho biết gia đình chúng (mèo mẹ và đám con nhỏ) đang sống hạnh phúc. Việc mèo phi tang “ của quí vừa đại tiện của mình “ không phải chúng sạch sẽ mà đó là bản tính lúc nào cũng muốn che giấu sự thật, để luôn tại hình ảnh tốt trước mặt chủ..


+ Những Bệnh Lạ Do Mèo Gây Ra :

Gần đây người ta phát hiện chứng bệnh viêm loét bao tử là loại bệnh truyền nhiễm, mà nguyên nhân do vi khuẩn H.Pylori gây ra bằng đường tiêu hóa nhưng bệnh này cũng dễ trị nếu biết giữ gìn vệ sinh và uống kháng sinh. Hiện các nhà khoa học ở Lausanne (Thuỵ Sĩ) qua nhiều lần thử nghiệm, đã chứng minh rằng những người thường gần gũi với mèo, đã mất vài dạng bệnh loét bao tử do vi khuẩn H. heilmannil truyền sang từ mèo.

Ít người ngờ tới họ nhà mèo gồm mèo nhà, mèo rừng, báo.. đều có thể mắc bệnh AIDS như người, mà y học gọi là bệnh liệt kháng gây ra bởi vi khuẩn FIV (Feline Immunodeficiency Virus) không ảnh hưởng tới người và các loại động vật khác. Hiện có khoảng 2-7% mèo nhà vùng Bắc Mỹ nhiễm FIV, được phát hiện lần đầu vào năm 1986 tại California. Ðây là loại virus thuộc họ retrovirus tương tự như nhóm HIV gây bệnh AIDS ở người.

FIV có nhiều trong nước bọt mèo gây bệnh qua vết cắn, chứ không phải từ đường máu và sinh hoạt tình dục như ở người. Ngoài ra mèo mẹ lây bệnh sang mèo con qua đường nhau thai. Con đực dễ bị lây bệnh hơn con cái vì hay ra ngoài cắn lộn. Bệnh phát triển chậm ở mèo và trải qua 6 thời kỳ tới giai đoạn chót với các bệnh ung thư hạch và tuỷ xương, co giật, thiếu máu. Năm 2002 các nhà khoa học tại đại học Florida đã thử nghiệm một loại thuốc chũng ngừa bệnh AIDS mèo , tuy nhiên thuốc chỉ có công dụng rất hạn chế . Tóm lại loại virus FIV rất đặc thù, nó chỉ có thể gây bệnh ở họ nhà mèo mà thôi, tuyệt đối không truyền sang cho người được.


+ Mèo Trong Chiến Tranh :

Dù là con vật yếu nhỏ nhưng mèo đã được sử dụng trong chiến tranh từ 2500 trước tây lịch, qua cuộc chiến giữa Ai Cập và Ba Tư. Với người Ai Cập, mèo được coi như một con vật linh thiêng tượng trưng cho thần Pasht , nên ai làm tổn thương mèo sẽ bị xử tử. Dựa vào yếu tố tinh thần đó, người Ba Tư đã đưa mèo ra chiến trường, khiến cho người Ai Cập chỉ còn nước đầu hàng.
Trong thế chiến I, mèo được đưa ra chiến trường để diệt chuột và làm máy dò khí gaz độc và truyền tin tức. Nhưng lạ lùng nhất là việc sử dụng mèo trong thế chiến II của Cục phản gián OSS (tiền thân của CIA ngày nay) đánh bom tàu chiến Ðức quồc xã. Người Mỹ đã lợi dụng tính sợ nước của mèo, gắn vào chúng một quả bom và thả gần tàu đich. Số mèo này vì muốn sống nên đã cố gắng leo lên booing tàu Ðức và bom nổ. Tuy nhiên kế hoạch này đã thất bại vì phần lớn mèo từ máy bay thả xuống nước đã bị ngất xỉu



Năm 1961 thời kỳ chiến tranh lạnh, CIA lại có kế hoạch gọi là “ chiến dịch mèo nghe trộm (operation Acoustic Kitty) sử dụng mèo thành một thiết bị nghe lén, bằng phương pháp giải phẩu mèo, đặt trong cơ thể chúng một thiết bị điện tử nghe lén, còn đuôi là cần ăngten. Dự án tốn hơn 15 triệu USD và mất 5 năm thực hiện, trước khi được sử dụng lần đầu để nghe lén cuộc nói chuyện tại tòa đại sứ Liên Xô ở Hoa Thịnh Ðốn. Tiếc thay con mèo gián điệp đã bị xe cán chết khi băng qua đường, nên CIA dẹp luôn kế hoạch trên.

+ Những Con Mèo Giàu Nhất Thế Giới : Ða số những người giàu trong đó có giới nghệ sĩ đều thích nuôi thú cưng trong nhà như chó, mèo và trước khi chết thường viết di chúc để lại cho chúng tài sản có khi lên tới hàng triệu USD.. Tài sản này được coi sóc bởi những quản gia trung thành với chủ.

Mèo Pepe le Pew và Ani với một con chó giống Chihuahua tên Frankie, cùng làm chủ một biệt thự ở San Diego (California). Ngoài ra chủ còn viết di chúc cho hai con mèo trên 18,5 triệu USD, riêng con chó Frankie 15 triệu USD. Tinker là con mèo mun Anh thuộc giống mèo hoang, được thừa hưởng phần gia tài của bà quả phụ Margaret Layne 800.000 USD và một căn nhà 3 phòng ở Harrow. Cuối cùng là 350 gia súc gồm chó, mèo và cừu trong trại chăn nuôi Aberdeen Angus (khu vực Mey Farm phía bắc nước Anh của mẹ Nữ hoàng Anh Elizabeth II, được thừa hưởng gần 6 triệu USD.

+ Ðảo Mèo Kinh Dị :

Walter William là một nha sĩ trẻ, sống và hành nghề tại thị trấn Saint Thomas, tỉnh Ontario (Canada). Vì có máu giang hồ nên đã từ bỏ cuộc sống sung túc nơi quê nhà, quyết tâm tìm tới một hòn đảo tên Society giữa Thái Bình Dương, theo lời quảng cáo của một công ty du lịch. Và mộng ước của Walter không phải chỉ tới đó để ngắm cảnh rong chơi, mà còn nuôi tham vọng được làm chủ một hòn đảo nho nhỏ, dựng nhà, câu cá, tắm biển.. sống an một đời không màng tới lợi danh phù phiếm.

Ðó là năm 1902 và vùng đất đầu tiên sau chuyến hải trình dịu vợi mà Walter đặt chân tới là kinh đô Papeete của vương quốc Tahiti, một hải đảo thuộc địa của Pháp. Ðể kiếm sống nơi xứ lạ quê người, Walter lại quay về nghề chữa răng cho mọi người trên đảo, bằng bộ đồ nghề đã mang theo với tên mới “ ông đốc Willy “.Và đây cũng là cơ duyên giúp ông ta quen biế với hoàng gia kể cả hoàng đế, qua những lần trồng răng chữa răng miễn phí.

Ðể đền ơn, vua Pomare V đã tặng cho người nha sĩ trẻ tuổi một hoang đảo thuộc lãnh thổ vương triều. Có điều đây là một đảo “ chuột “ vì cư dân trên đảo không phải là người mà toàn là chuột, hàng ngàn, hàng vạn con lúc nhúc hiện diện khắp nơi, từ mặt đất tới cả ngọn cây dừa.. chổ nào cũng có mặt chuột. Không chịu thua trước hoàn cảnh tuyệt vọng, đầu tiên Walter dùng thức ăn trộn thuốc độc để giết chuột nhưng không có hiệu quả.

Sau cùng Walter phải sử dụng tới đạo quân mèo và nhờ đó gần như diệt được loạn chuột đã hùng cứ hằng trăm năm trên đảo, trước sự bất lực của con người. Nhưng chuột đi mà mèo vẫn ở lại trên đảo, hết chuột để ăn, đàn mèo lại sinh tồn bằng cá biển tung tăng khắp bờ và cứ thế không biết từ lúc nào, đảo Tetiaroa đã đổi thành “ đảo mèo “ . Còn chủ nhân ông Walter William không làm gì hơn, ngoài việc thay đổi thần dân của mình “ từ chuột sang mèo “ và trồng thêm thật nhiều dừa và chuối khắp đảo.

Cuối thập niên 60 của thế kỷ XX, người thừa kế “ đảo mèo “ là tài tử Mỹ nổi tiếng Marlon Brando, có tham vọng biến đảo này thành một thiên đường dành cho giới văn nghệ sĩ. Nhưng nơi này không bao giờ có sự yên tĩnh bất cứ một phút giây nào, vì sự cuồng loạn của giặc mèo.
[blue]

Giặc Mèo Ở Nhật :

Trong quá khứ, đảo Ishima của Nhật từng là nạn nhân kinh khiếp của đám giặc chuột trong một thời gian dài. Cảnh tượng trên đảo lúc đó gần như là vườn không nhà trống, vì giặc chuột tới đâu là chúng ngốn hết rau quả, thức ăn, củi gổ luôn đến những gia súc gia cầm. Tới nay chưa có ai xác định được đàn chuột làm sao đến được đảo.
Ðể diệt chuột, người trên đảo đã tìm đủ mọi cách nhưng càng xua đuổi thì chúng lại càng phá phách và sinh sôi thêm đông đảo hơn trước. Cuối cùng chính quyền địa phương kể cả trung ương đã nhập cuộc để chống lại trận giặc chuột dữ tợn này. Và chiến lược cuối cùng vẫn là sử dụng mèo diệt chuột, theo truyền thống ngàn đời của con người.
Thế là hàng vạn con mèo bị bỏ đói nhiều ngày, được tàu chở tới thả lên đảo. Ðang lúc đói lại gặp mồi ngon, nên chỉ trong ngày đầu tiên đàn mèo tranh giành nhau để bắt chuột. Vì thế chỉ trong một tháng, không còn ai thấy bóng một con chuột nào xuất hiện trên đảo.

Nhưng niềm vui chưa được bao lâu thì nổi buồn phiền sợ hãi khác lại xuất hiện. Nguyên do là đàn mèo đông đảo sau khi đã ngốn hết lũ chuột nên không còn cái ăn. Vì vậy chúng phải tự kiếm sống bằng mọi thứ, từ cá thịt hoa quả bày bán ngoài chợ, trong tiệm quán.. cho tới thức ăn đồ uống cất kỷ trong tủ. Trận giắc mèo kỳ này còn ghê gớm gấp trăm lần trần giặc chuột đợt trước, Dân chúng trên đảo trước khổ vì chuột nay lại đau bởi mèo, nhiều gia đình không chịu nổi phải bỏ đảo Ishima tha phương cầu thực. Cuối cùng chính quyền phải sử dụng súng để diệt mèo nhưng không làm sao hạ hết đàn mèo tinh quái.



+ Bảo Tàng Mèo Tại Thành Phố Kuching (Mã Lai) :
Kuching là thủ phủ của bang Sarawak (Mã Lai Á) nổi tiếng nhờ mèo. Ðặc biệt giống mèo ở đây đều có chiếc đuôi xoắn tít hay đuôi cụt như pho tượng mèo được tạc đứng trước chiếc cổng dẫn vào thành phố.
Cho đến nay không ai biết được xuất xứ của những con mèo kỳ lạ này tại Kuching, ngoài việc sự hiện diện đông đảo của chúng khắp thành phố. Có nhiều ý kiến về nguồn gốc của giống mèo này được các thương gia Tàu hoặc Ấn mang tới. Ngoài ra chúng cũng là hậu duệ của mèo rừng và mèo Xiêm tạo ra.

Theo tiếng Mã Lai, Kuching ngoài nghĩa chính là mèo còn dùng để chỉ một loại trái nhỏ giống như trái vải qua tên “ Saungai Mata Kuching “ mà cả người Mã lẫn người Việt đều gọi là mắt mèo, lúc đó mọc đầy hai bên bờ suối Mata Kuching. Năm 1988 Kuching trở thành thủ phủ của bang Sarawak, người dân ở đây đã dựng tượng “ đại miêu “ được coi là lớn nhất thê giới để ăn mừng. Ở đây còn có một bảo tàng mèo đặc biệt, trưng bày nhiều hình ảnh, hiện vật và tài liệu quý giá.. nên thu hút rất nhiều du khách bốn phương. Từ đó ta mới biết được sự tôn thờ mèo như thần thánh củ người cổ Ai Cập Riêng các doanh nghiệp rất thích hai tượng mèo Nhật Bản mang tên Manekineko với ý nghĩa “ chúc mừng thịnh vượng và phát tài “ Ngoài còn có một phòng đặc biệt, trưng bày hình ảnh của những nhân vật nổi danh trên thế giới rất yêu mèo như Victor Hugo, Florence Nightingale, Lincoln, Einstein, Hemingway..

“ Chuột ăn hại, mèo ăn tham “ muôn đời là một chân lý nên người VN xưa đã thâm thúy khi tạo nên bức tranh tết trong làng tranh Ðông Hồ “ đám cưới chuột “ với dụng ý nhân cách hóa con mèo và 12 con chuột trong tranh, trở thành những biểu tượng đại diện cho bọn tham quan ô lại (mèo), bọn con quan quyền quí (ông rễ chuột và đám nịnh thần) cùng với những người dân nghèo cực thấp cổ bé miệng (các chuột khiêng kiệu, vác cờ, thổi kèn, đánh trống). Cái khôi hài đầy châm biếm của bức tranh, là sự hòa họp, hòa giải sống chung hòa bình của “ mèo và chuột “ là hai kẻ thù không đội trời chung nhưng vì mèo tham ô ăn hối lộ (chim bồ câu, cá chép) nên nhắm mắt quên nhiệm vụ tiêu diệt phường ăn hại thối nát là chuột

Từ Xóm Cồn Hạ Uy Di
Tháng Giêng 2011
HỒ ÐINH





Con mèo trong chuyện Ba Giai,Tú Xuất

Sau một chặng vượt đường xa bằng xe "Lô ca chân" (đi bộ),vừa đói, vừa khát lại mỏi mệt, cuối cùng Ba Giai ,Tú Xuất cũng tìm được chỗ dừng chân là cái quán ăn nhỏ ở ngay đầu làng .

Hai anh ngang nhiên vào quán gọi đồ ăn, thức uống phủ phê, trong khi không có một xu dính túi ! Đang khi ăn Tú Xuất lo lắm, cứ nhìn Ba Giai mấy lần dò hỏi "tiền đâu mà trả ?" . Ba Giai vấn an bạn ,vừa ăn vừa nghĩ kế ăn quỵt .

Thời may cô chủ quán còn trẻ, trông cũng tàm tạm được lại có nuôi một con mèo tam thể . Chú mèo cứ lởn vởn quanh bàn Ba Giai,Tú Xuất chực ăn . Ba Giai thấy vậy nói ngay với Tú Xuất :

-" Rồi xong rồi, ăn uống thoải mái đi, tớ đã có cách ?"

Vừa dứt lời với Tú Xuất, Ba Giai buông đũa xuống bàn nói to :

-" Ơ hay, cô chủ quán có nuôi con mèo hay nhể, nó biết nói tiếng người ?"

Cô chủ quán ngạc nhiên trả lời lại :

-"Nhà bác đùa sao ấy ! Con mèo nhà em nuôi nó có biết nói bao giờ đâu ".

Được thể Ba Giai đứng luôn lên nói to với các thực khách đang có mặt trong quán :

-" Tôi bảo con mèo của cô chủ quán nói được tiếng người mà cô ấy không tin .Thôi thì như thế này , nếu tôi làm cho nó nói được tiếng người thì hai anh em chúng tôi ăn uống hôm nay không phải trả tiền, cô có đồng ý không ?"

-"Úi dào ôi ! Em chịu đấy, có các bác có mặt ở đây làm chứng hộ em, nếu con mèo của em không nói được thì hai anh đây phải trả tiền gấp đôi đấy nhá !"

Đám thực khách trong quán lao nhao lên bằnglòng làm trọng tài cho cuộc thách đố này .Cô chủ quán đã trúng kế của hai thằng quỷ xứ nhà giời mà không biết !

Ba Giai liền nắm sau ót của con mèo dơ cao lên và nói to :

-"Cái của cô chủ quán tròn hay méo ?"

Vừa nói xong Ba Giai bấm mạnh vào sau ót con mèo . Bị đau ,mèo ta kêu toáng lên :

-" Méo ...méo ...méo ..."

Tất cả thực khách trong quán đồng loạt phá lên cười, trong lúc cô chủ quán đỏ mặt rút vào bên trong .

(nguồn TGNV.net)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001