Quê nội mình ở Nam
Định. Huyện Mỹ Lộc, xã Mỹ Tiến. Tên làng hay bắt đầu bằng chữ La. Làng mình là
La Xá. Mỹ Lộc cùng với các huyện Vụ Bản, Ý Yên, Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường
nằm trong vùng đồng bằng thấp trũng. Không hiểu sao đến giờ mình vẫn nhớ hình
ảnh lúc 3, 4 tuổi mặc váy trắng về thăm quê vào mùa nước. Nước ngập úng làng,
úng đồng nên cả nhà phải lên thuyền nan để bơi từ quốc lộ vào làng. Mình đang
ngủ dở giấc trên ô tô thì bố đánh thức dậy. Mình ngước nhìn ra thấy thuyền nan
đã dậu sát bên cạnh và cánh đồng nước mênh mông nên thích thú vô cùng, tỉnh cả
ngủ. Trên thuyền từ quốc lộ vào làng mình thò tay vớt nước đồng lên chơi. Nhớ
như in nước ngấp nghé mạn thuyền…Không biết vì lẽ gì mình nhớ hình ảnh đó đến
lúc này? Cả vệt nắng nhạt hôm đó. Nước mênh mông, váy trắng, tay té nước…Giống
như phim âm bản sắc nét. Chỉ thế thôi cũng đủ chạm khắc vào kí ức mình bức tranh
đồng chiêm trũng quê nội. Sau này thì hay đùa, mình là dân cầu tõm. Quả thật
làng mình nhiều ao vô kể. Đi đến đâu cũng gặp ao là ao. Từ nhà này sang nhà kia
men theo các bờ ao như lối nhỏ. Niềm hạnh phúc của mình mỗi khi về quê là được
cầm cần câu ra bờ ao cạnh nhà bà mà bố mình gọi là dì ngồi bên gốc sung. Có khi
cả ngày chỉ câu được hai, ba con cá rô ron nấu canh rau ngót hái vườn nhà mà
thích như ăn đại tiệc. Rảnh hơn thì được theo ông ra trại chăn nuôi hợp tác xã
xem lợn, bò, hái chuối, tắm ao…Sáng ngủ dậy bao giờ bên hiên nhà cũng có mẹt
khoai luộc và ấm tích chè xanh hãm sẵn. Thời đó nghèo, ăn khoai sáng và cơm gạo
mới đãi khách thủ đô vào trưa chiều mà như thể cổ tích với đám trẻ tụi mình.
Chạy loăng quăng, hò hét với đám trẻ, cả chửi tục nữa rồi về nhà bà được ăn thịt
gà, canh rau ngót nấu rô ron…Không thể kiếm được ngoài Hà Nội cảm xúc dạt dào
đó.
Bố mình mồ côi cha mẹ
từ sớm và chả còn đất hương hoả nên mỗi lần về chỉ ở nhà mấy ông bà, chú thím họ
hàng bên nội, ngoại của bố. Thời ấy về quê, mình vẫn còn thấy lớp học xiêu vẹo
đầu làng mà bố học lúc còn nhỏ, dưới gốc đa. Giờ cây đa đã chết, lớp học cũng đổ
nát từ bao giờ…Cây hồng mà bố bảo hay trèo ăn khi đói cũng đã chết già. Đình
làng giờ sửa sang như mới. Bố bảo cụ kỵ gì của bố được ghi danh trên cột đá ở
đình. Bố có vẻ tự hào về chuyện đó lắm. Hỏi thêm thì chả biết. Nhưng lòng tự hào
thì không suy suyển. Mình cứ hay trêu bố về chuyện này. Nhưng giờ có tuổi mình
mới hiểu…
Ngôi nhà cũ người đã đi xa... |
Bố chỉ có một người em
trai. Trong một entry mình có kể việc chú đi bộ đội và hy sinh. Chính xác là
ngay trên cánh đồng Vụ Bản năm 1947 vào mùa nước úng. Những người bà con còn
sống kể là chú cao 1,80 mét, tóc hoe, da trắng bóc, mũi lõ nên người làng gọi
chú là tây lai. Sau này mộ chú chìm trong đất và nước nên không tìm được. Chả
biết mộ chú có nằm trong khu vực vừa bị cưỡng chế không nhỉ? Hy vọng là
không…Trong nghĩa trang xã có mộ gió của chú mà lần nào về quê cũng ra đấy thắp
hương khấn vái thành tâm lắm tuy dưới lòng đất chả có gì. Lại nói về nghĩa trang
xã, những người hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, Mỹ thì được ghi rành mạch,
còn hy sinh từ năm 1978 trở đi thì chỉ ghi vì “xây dựng và bảo vệ tổ
quốc”…
Phía tây và nam của Mỹ
Lộc đều tiếp giáp với Vụ Bản. Có lẽ vì thế mà mình hay nghe bố nhắc đến Vụ Bản.
Lúc bố còn sống chả mấy khi để ý Vụ Bản ở đâu, thế nào? Nhưng giờ bỗng chuyện
xưa cũ của bố bỗng vọt ra khỏi kí ức: nào là ngày trước tên huỵên là Thiên Bản.
Huyện này có nhiều danh nhân nổi tiếng như trạng nguyên Lương Thế Vinh, nhà thơ
Nguyễn Bính, nhạc sỹ Văn Cao…Kể tân những danh nhân này, bố tự hào như thể là họ
hàng của bố. Gần đây thì rộ chuyện lễ bái nên Vụ Bản càng nổi tiếng với Phủ Dầy
(từ mùng 1 đến 10 tháng 3 âm lịch, chính hội vào tối mùng 5); chở Viềng (đêm 7
và ngày mùng 8 tết)…Giờ bố không còn nên chả hỏi được những chuyện sống men theo
trí nhớ con người, mà anh Gúc gồ danh tiếng lừng lẫy cũng chịu thua. Hoá ra Vụ
Bản có từ thời Hùng Vương, huyện tên Bình Chương thuộc bộ Lục Hải. Thời Hán
thuộc quận Giao Chỉ. Trước thời Lý - Trần, đất này nằm trong huyện Hiển Khánh.
Thời Lý huyện Thiên Bản nằm trong phủ Ứng Phong. Đời Trần huyện Thiên Bản thuộc
phủ Kiến Hưng. Năm Vĩnh Lạc thứ năm (1407), nhà Minh đổi thành huyện Yên Bản
thuộc phủ Kiến Bình. Đến đời Lê Thánh Tông lại đổi thành huyện Thiên Bản. Cũng
dưới thời Lê Hồng Đức, huyện Thiên Bản thuộc phủ Nghĩa Hưng. Đến thời Nguyễn, Tự
Đắc năm thứ 14 (1861) đổi tên thành huyện Vụ Bản và giữ cho đến ngày nay. Huyện
Vụ Bản nằm về phía bắc Nam Định, thuộc vùng đất cổ. Đất đai tương đối ổn
định.
Đình làng |
Dọc phía tây có các
dãy núi đất lẫn đá chạy từ bắc xuống nam với sáu ngọn: núi Ngăm, núi Tiên Hương,
núi Báng, núi Lê, núi Gôi và núi Hổ. Dấu vết người nguyên thuỷ tìm thấy tại các
khu vực núi này minh chứng Vụ Bản là một trong những cái nôi sinh ngụ của người
Việt cổ. Vụ Bản nằm kẹp giữa sông Đào và sông Sắt. Sông Đào một đầu nối với Sông
Hồng, đầu kia đổ ra sông Đáy. Sông Sắt nối liền sông Châu với sông Đáy. Mảnh đất
này chính là do phù sa sông Hồng và sông Đáy bồi tụ nên. Huyện Vụ Bản là vùng
đất có truyền thống hiếu học, nhiều người đã đỗ đạt cao, có danh vọng, đóng góp
vào kho tàng văn hoá của dân tộc. Trong suốt thời kỳ khoa cử của chế độ phong
kiến Việt Nam, Vụ Bản có 16 vị đỗ Tiến sĩ, Thám hoa, Bảng nhã, Trạng nguyên…Lừng
lẫy thế mà…
Mái tranh ơi hỡi mái tranh/Trải bao mưa nắng mà thành quê hương (Trần Đăng Khoa) |
Vậy là sau sự kiện
Tiên Lãng chưa lâu, đã có thêm hai nơi cưỡng chế khiến dư luận nổi giận là Văn
Giang và Vụ Bản. Ừ, nhưng rồi tự hỏi: ai người ta quan tâm đến sự nổi giận này?
Ở Tiên Lãng khi cưỡng chế chưa có đánh hội đồng, chỉ vì phẫn uất không biết kêu
đâu cho thấu oan ức nên anh Vươn đã nổ súng. Tiếng súng của người nông dân dũng
cảm, yêu đất đai đến mức dám hy sinh bản thân mình. Giờ không biết ngồi trong
nhà lao anh Vươn có ân hận về việc này không? Hy vọng là không…Còn những người
nông dân Văn Giang và Vụ Bản thì đã không dám (không thể) nổ súng thì phải ăn
đòn gậy. Đây là bạo lực cách mạng? Là mâu thuẫn giai cấp? Là cách giải quyết mối
quan hệ búa-liềm, nòng cốt của cách mạng như thế này sao?
Mình lo cho quê mình vì Mỹ Lộc rất gần thành phố Nam
Định như Vụ Bản. Vụ Bản bị lấy đất thì Mỹ Lộc có thể trong tương lai gần? Từ
thời bố mình lớn lên thì nhà mình đã không còn đất đai ở quê, chỉ duy nhất khu
mộ các cụ, ông bà là nguyên cớ để con cháu dắt díu về quê thăm viếng hằng năm.
Những ngôi mộ sẽ bị lật tung phơi xương trắng đồng như ở Văn Giang chăng? Không
biết nữa…Đã nghe hơi kim tiền, hơi đạn cay, mùi thuốc súng đâu đây vì những cánh
đồng ngút ngàn bên đường quốc lộ rất tiện giao thông. Nhà đầu tư chả mất công
làm đường và có ngay hạ tầng tiện cho sản xuất, chi phí thấp nhất, lãi nhiều
nhất. Và mình còn biết một điều nông dân nơi này chỉ trông vào cánh đồng, dù là
chiêm trũng để kiếm ăn bao đời, ngoài ra không có nghề phụ nào khác. Quê mình
bao năm vẫn nghèo nhưng không chết đói vì còn đất đai. Giờ mất đất thì thành dân
đói là không thể tránh. Sẽ vài người giàu, rất giàu. Và rất nhiều nông dân
nghèo, rất nghèo, bần cùng, khốn nạn…Sẽ nhiều anh Pha, chị Dậu trong nay mai. Và
như thế sẽ có sự phản kháng trong tương lai gần cũng là tất yếu.
Bởi miếng ăn cũng
khiến người ta có thể chối bỏ một chính thể đã bạo ngược tước đi công cụ kiếm
sống của họ. Chính quyền đã biến rất nhiều nông dân thành mồ côi vì với họ đất
đai là Mẹ. Giờ người Mẹ đó đã bị cưỡng chế buộc rời khỏi đứa con luôn cần sự lo
toan, chăm sóc, bú mớm của Bà nên những đứa con đó thành mồ côi đói ăn, đói mặc,
khéo hoá ra ăn mày hết cả. Hơn thế dùi cui, súng đạn, bạo lực đã vụt tan nát và
dày xéo miền kí ức của rất nhiều người dân sống đời kiếp gắn bó với vùng quê họ.
Vết thương này mới thực sự lâu lành vì nó ở sâu lắm trong tiềm thức. Quê hương,
rộng hơn là tình yêu đất nước có khi chỉ bắt đầu từ kỉ niệm vào cái ngày ngồi
thuyền về quê chơi mùa úng lụt như mình. Có khi chỉ từ niềm tự hào mơ hồ nhưng
sâu đậm với cái tên cũng mơ hồ không kém đục trên bia đá đình làng như bố mình.
Giờ thì miền kí ức bất khả xâm phạm ấy của rất nhiều người gắn bó với ruộng đồng
đã bị bắn phá tan hoang. Đã đến tới hạn của sự chịu đựng chưa
nhỉ?
Ăn mày khổ lắm ai
ơi!
Đói cơm, rách áo
hoá ra ăn mày.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001