Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2012

Nhà báo bị ăn đòn, Bộ trưởng Thăng...bao nhiêu tuổi?


(Trái hay phải) - Câu chuyện cưỡng chế thu hồi đất ở Văn Giang mấy hôm nay bỗng dưng lại rẽ sang một hướng khác: Chuyện hai nhà báo bị ăn đòn trong khi đang tác nghiệp.

Các nhà báo của VOV giữa những người xưng là lực lượng cưỡng chế. Ảnh cắt ra từ clip
Các nhà báo của VOV giữa những người xưng là lực lượng cưỡng chế. Ảnh cắt ra từ clip
Trước đó, ngay sau khi vụ cưỡng chế diễn ra hôm 24/4, trên mạng Internet lan truyền một clip về cảnh 2 thanh niên mặc áo sơ mi, đội mũ bảo hiểm bị những người mặc thường phục đeo băng đỏ và cả những người sắc phục công an đánh, đấm, đá liên tiếp. Thông tin trên VnExpress đã xác nhận hai nhân vật bị đánh trong clip ấy là hai nhà báo của VOV đang tác nghiệp.
Diễn biến đáng nhớ tiếp theo trong vụ việc, ấy là chuyện ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Khắc Hào báo cáo Thủ tướng Chính phủ, như sau: "Có sự móc nối chặt chẽ giữa các phần tử chống đối trong và ngoài nước. Các thông tin, thậm chí được tường thuật tại chỗ, từng giờ để tuyên truyền, xuyên tạc, dàn dựng lên các video clip giả để vu khống, bôi nhọ chính quyền".
Mãi đến khi Vnexpress lên tiếng, thiên hạ mới vỡ lẽ 2 thanh niên bị đánh hóa ra là 2 nhà báo, ông Bùi Huy Thanh, Chánh Văn phòng - người phát ngôn của UBND tỉnh Hưng Yên đã nhanh nhẩu “nói lại cho rõ” rằng “anh Hào không khẳng định video clip đánh người là giả, mà chỉ nói là trong hàng loạt video clip tung lên mạng có nhiều cái là giả”.
Phải nói rằng lòng trung thành với cấp trên, sự tận tâm với sự thật của ông Chánh Văn phòng thật đáng khen ngợi, nhất là khi người ta cứ than vãn không ngừng về sự lên ngôi của đồng tiền như thời buổi hiện nay. Ta sẽ thấy rõ hơn nữa lòng trung trinh hiếm có của ông Chánh, nếu ta thử so sánh những lời ông nói với những lời của người được ông “bào chữa”.
Thì đây, cũng báo cáo Thủ tướng, ông Phó Chủ tịch tỉnh đã lên tiếng phàn nàn rằng các cơ quan thông tấn, báo chí chính thức đưa tin tuyên truyền ít, phản ứng chậm", trong khi các mạng xã hội "phản ứng nhanh, đưa tin liên tục" về cuộc cưỡng chế.
Mà thử hỏi có nhà báo nào vội quên được lời dặn dò chí tình chí nghĩa của ông Chánh Văn phòng trong cuộc họp báo trước khi vụ việc xảy ra, rằng các nhà báo tuyệt đối không được có mặt tại khu vực cưỡng chế để “đảm bảo tuyệt đối an toàn”.
Này nhé, chúng tôi đã cảnh báo trước rồi đấy nhé, các vị đừng có mà tơ lơ mơ thơ thẩn đến hiện trường, không ai có thể đảm bảo trước rằng các vị sẽ được yên thân đâu.
Cứ thế mà suy thì thấy rằng ông Chánh Văn phòng Bùi Huy Thanh đã phát ngôn ngược với chủ trương của lãnh đạo Hưng Yên. Ờ, mà cũng có thể nói cách khác như sau: ngài Chánh văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên là người chí tính chí nghĩa với các nhà báo và rất chí tình chí nghĩa với các bạn đồng liêu!
Quân tử nhất ngôn, một lời ông Chánh nói ra bốn ngựa đuổi theo phải bở hơi tai, thảo nào mà hai nhà báo vắt chân lên cổ chạy cũng không kịp!
Dại không để đâu cho hết dại là 2 nhà báo của chúng ta, ông Chánh văn phòng đã dặn trước là báo chí tuyệt đối không nên bén mảng, thế mà các nhà báo còn dõng dạc hô to “tôi là nhà báo” đây, sao trách được người ta chẳng cho no đòn hơn nữa?
Khổ thân cho các nhà báo, khổ thân cho các độc giả mong tin, mà còn khổ thân hơn nữa cho ông Phó Chủ tịch tỉnh. Phải chi hai nhà báo mà chạy được khỏi trận đòn chí tử, thoát thân về đến tòa soạn, thì tin tức về vụ cưỡng chế hẳn sẽ vừa dày dặn, vừa nhanh chóng lại vừa sinh động nữa, cho thỏa lòng ước mong đau đáu của ông Phó Chủ tịch, có đúng không nào, thưa các quý vị?
Giờ mới hiểu sao người dân nhiều nơi chen nhau bẹp ruột để được mua mũ bảo hiểm xịn.
Giờ mới hiểu sao người dân nhiều nơi chen nhau bẹp ruột để được mua mũ bảo hiểm xịn.
Nếu không tin vào giả thiết trên đây, thì xin mời quý vị đọc thử một vài cái tin ngay trên VOV mấy ngày qua: Chuyện nữ sinh đại học chân yếu tay mềm tung chưởng hành hung dã man cảnh sát cơ động, chuyện hàng chục người thờ ơ nhìn côn đồ chém người như phim hành động…
Ai dám bảo các nhà báo không biết đưa tin nhanh, nhất là về những chuyện mà so với tình cảnh của chính 2 nhà báo thì cũng chẳng khác là mấy?
Dĩ nhiên, câu chuyện cần phải được tiếp tục xác minh, điều tra cho rõ ngọn rõ ngành, nhưng dư luận quan tâm tới vụ việc không chỉ vì người bị đánh là 2 nhà báo.
Nhiều người hẳn còn nhớ câu chuyện 2 năm về trước, khi lái xe của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ) cũng bị một sĩ quan công an hành hung tới mức phải nhập viện, mà lý do là vì viên sĩ quan này đã lái xe… đâm phải chiếc xe của Bộ trưởng.
Ông Nguyễn Xuân Phúc khẳng định ông không nặng nề gì chuyện này, nhưng công an mà cư xử với dân như vậy là “không chấp nhận được”. Tương tự, trong vụ việc nói trên, dù người bị đánh là thường dân chăng nữa, thì dư luận và luật pháp cũng “khó chấp nhận được”.
Cuối cùng, xin hỏi độc giả một câu, rằng ai được hưởng lợi nhiều nhất trong vụ việc này? Mỗi người sẽ có một đáp án riêng, riêng cá nhân tác giả thì cho rằng đó là các hãng mũ bảo hiểm. Chẳng cần phải quảng cáo làm gì cho tốn kém, các hãng này từ nay chỉ cần mời 2 nhà báo đi khắp nơi kể lại chuyện Văn Giang, doanh số bán chắc chắn sẽ tăng lên vùn vụt theo cấp số nhân.
Bởi trong khi tường thuật lại vụ việc, chắc chắn họ sẽ không quên một câu lạc quan tếu được nhiều tờ báo giật lên thành tít: “May mà chúng tôi đội mũ bảo hiểm”.
Mà kể ra trên báo chí hôm nay, cũng còn ối chuyện vui khác nữa, mà khuôn khổ bài viết thì có hạn. Để cho bạn đọc bớt căng thẳng, xin phép điểm qua đây 3 bài trên 3 tờ báo khác nhau:
Trong bài “Phút ngẫu hứng của Bộ trưởng Thăng ở Trường Sa”, VietNamNet tường thuật những lời sau đây nói về Bộ trưởng: Nhìn từ xa, trông Bộ trưởng chỉ chừng 37, 38, nay lại gần, ngồi bên thấy cũng khoảng 40 thôi, trẻ trung lắm… Bộ trưởng hát hay nhất. Thưởng một ly…Bộ trưởng mặc áo Trường Sa, chỉ cần gắn sao lên ve áo nữa là thành Tư lệnh Hải quân đấy ạ! - Bộ trưởng là đương kim Tư lệnh ngành Giao thông - Vận tải mà..."
Còn báo Tuổi Trẻ dẫn lời NSND Khải Hưng nói những lời lẽ hết sức nặng nề về phim truyền hình thời nay như sau: Phim ảnh của chúng ta cũng đang thủng lỗ chỗ, vá víu chằng chịt, mạnh ai người đó chạy, thiếu một tầm nhìn, thiếu một chiến lược, hệt như hiện trạng giao thông ngày hôm nay mà thôi! (Bài “Phim ảnh vá víu như giao thông”).
Còn đề cập đến chuyện thực trạng sức khỏe tâm thần tại Việt Nam, báo Giao thông vận tải gọn lỏn: Khi trí thức phát điên.
  • Tam Thái
  • (nguồn phunutoday)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001