Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2012

Phiên âm tiếng nước ngoài kiểu gì cũng được ?

 [Vào lúc : 15:32 - 12/05/2012 | Chuyện mục : Ý kiến - đối thoại
Sự phiên âm kỳ lạ với dấu gạch nối không phải không có nguyên nhân. Trước đây, giai đoạn ban đầu của chữ quốc ngữ, chúng ta phiên âm các danh từ riêng đến từ ngoài lãnh thổ theo kiểu bị tác động không ít bởi tư duy Hán tự. Ví dụ, Washington gọi là Hoa Thịnh Đốn, New York gọi là Nữu Ước, Argentina gọi là Á Căn Đình. Sau cách mạng tháng 8- 1945, quyết tâm thực hiện “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”, chúng ta đã phiên âm các danh từ riêng theo kiểu Việt Nam hóa và quần chúng hóa. Vì vậy, có thể hiểu cách phiên âm có dấu gạch nối là di chứng của một giai đoạn quá khứ kéo dài đến hôm nay. Bây giờ, đã qua thời cả nước phải xóa mù chữ, hầu hết người Việt Nam đều có thể đọc danh từ riêng nước ngoài nên có lẽ phải ngừng cách phiên âm cũ.

PHIÊN ÂM TIẾNG NGƯỚC NGOÀI KIỂU GÌ CŨNG ĐƯỢC?

TUY HÒA

Quá trình phát triển của xã hội, không thể không tính đến sự thay đổi của ngôn ngữ. Qua những công trình nghiên cứu công phu, các nhà khoa học hàng đầu thế giới đã chỉ ra một cách rành mạch, chính sự hình thành hoặc biến mất của ngôn ngữ đã tác động trực tiếp đến bộ mặt văn minh của nhân loại. Hiện tại, quá trình quốc tế hóa đang đe dọa nhiều ngôn ngữ ít người sử dụng.

Tiếng Việt hiện nay có khoảng 90 triệu người dùng, hoàn toàn có thể tự hào trong bảng xếp hạng các ngôn ngữ bền vững trên hành tinh. Tuy nhiên, quá trình hội nhập lại đặt ra cho chúng ta nhiều thách thức, nhất là chuyện phiên âm. Gần đây, ở vài diễn đàn thiện chí, nhiều ý kiến tâm huyết đã thẳng thắn vạch rõ sự bất cập về cách phiên âm trong sách giáo khoa lẫn trong đời sống truyền thông.

Ví dụ, trong sách giáo khoa, vẫn chưa thống nhất về cách phiên âm bằng dấu gạch nối. Sách giáo khoa lớp 11 viết tên các quốc gia láng giềng của chúng ta là Ma-lai-xi-a, Cam-pu-chia... nhưng sách giáo khoa lớp 12 lại viết thành Malaysia, Campuchia... Cách nhau có một lớp học còn khác biệt như vậy, thì không thể trách học sinh lớp 3 học môn Tiếng Việt đọc tên bác sĩ Y-éc-xanh khi ra phố bỗng thấy tên đường Yersin, nên cứ phân vân không biết hai ông ấy có dây mơ rễ má gì với nhau không!?

Nếu thở dài tiếc nuối cho sự phiên âm trong sách giáo khoa thì càng bất ngờ khi chứng kiến báo chí vẫn duy trì cách phiên âm khá khó hiểu. Chẳng hạn, khi Chủ tịch Quốc hội Thái Lan - Somsak Kiatsuranont sang thăm Việt Nam thì tên vị chính khách nước bạn được viết thành Sổm-sặc Kiệt-sụ-ra-nôn. Chưa hết, Tổng thống Hàn Quốc- Lee Myung Bak được phiên âm thành Li Miêng Pắc mang cho độc giả cảm giác ngồ ngộ đến mức buồn cười.

Tất nhiên, sự phiên âm kỳ lạ nói trên không phải không có nguyên nhân. Trước đây, giai đoạn ban đầu của chữ quốc ngữ, chúng ta phiên âm các danh từ riêng đến từ ngoài lãnh thổ theo kiểu bị tác động không ít bởi tư duy Hán tự. Ví dụ, Washington gọi là Hoa Thịnh Đốn, New York gọi là Nữu Ước, Argentina gọi là Á Căn Đình. Sau cách mạng tháng 8- 1945, quyết tâm thực hiện “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”, chúng ta đã phiên âm các danh từ riêng theo kiểu Việt Nam hóa và quần chúng hóa. Vì vậy, có thể hiểu cách phiên âm có dấu gạch nối là di chứng của một giai đoạn quá khứ kéo dài đến hôm nay.

Bây giờ, đã qua thời cả nước phải xóa mù chữ, hầu hết người Việt Nam đều có thể đọc danh từ riêng nước ngoài nên có lẽ phải ngừng cách phiên âm cũ. Bây giờ không còn phù hợp để cùng cách phiên âm Mi-kha-in Xa-a-xvi-li mà viết tên ông Mikhail Saakashvili. Tuy nhiên, để chuẩn mực cách phiên âm cần có văn bản pháp quy cụ thể và rõ ràng. Những từ tiếng Anh nên để nguyên gốc. Những ngôn ngữ có cách viết và cách đọc hoàn toàn khác chúng ta như Nga, Bồ Đào Nha hay Trung Quốc, Nhật Bản thì cần phiên âm theo cách đọc của họ.

Không thể xem thường chuyện phiên âm, vì cách sử dụng ngôn ngữ sẽ phản ánh trình độ hội nhập của người Việt Nam!
(nguồn blog lethieunhon)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001