Posted on 12.05.2012 by nguyentrongtao
LÂM BÍCH THỦY
Năm 1964 trường Học Sinh Miền Nam phải giảm bớt học sinh có cha mẹ đang sống và làm việc trên đất Bắc, để nhận mới con em liệt sĩ, cán bộ đang hoạt động ở Nam vừa chuyển ra. Thế là kể từ đây, tôi phải rời mái trường HSMN thân yêu. Về với cha mẹ ở 37 Phố Hàng Quạt-Hà Nội, tôi vào học lớp 10H tại Trường Chu Văn An.
Thời gian này, hệ thống giáo dục của ta áp dụng thang điểm của Liên Xô cũ. Điểm cao nhất là 5, thấp nhất là 1. Thầy Nguyễn Văn Phước dạy văn lớp tôi nổi tiếng văn hay; còn tôi là học sinh kém văn nhất lớp. Tôi luôn xơi no ngỗng (điểm 2) của thầy.
Một hôm, kiểm tra bảng điểm học tập của tôi, thấy môn văn toàn điểm 2, ba tôi (nhà thơ Yến Lan) lắc đầu, vẻ không bằng lòng, chê: Mang tiếng con nhà thơ sao học văn kém thế này hả con?.
Trời ! Ba không biết đấy chứ, con cố gắng lắm mà sao vẫn xơi ngỗng hoài – Tôi chống chế. Nhân dịp hôm đó, thầy Phước cho bài về nhà làm, tôi có cơ hội nhờ ba giúp; liền khẩn khoản cầu cứu:
- Ba ơi! Con có bài văn, thầy cho về nhà làm, ngày kia nộp; ba làm giúp con với.
Ba tôi chúa ghét tính ỉ lại của con cái. Ông im lặng một lát, chắc vì thương hại tôi nên bảo:
- Ừ, cũng được, nhưng chỉ lần này để làm đà vươn lên thôi đấy nhé.
Bài văn ba làm hộ tôi thật dài. Theo tôi thì hay lắm; tôi hớn hở đem tới lớp nộp thầy, trong bụng khấp khởi mừng thầm “Chà, lần này mình sẽ được điểm cao đây. Nhà thơ tầm cỡ như ba làm văn cho con chứ phải thường đâu! Thế nào thầy cũng chọn để đọc trước lớp”. Ông già tôi ở nhà cũng chờ đợi xem bài mình làm hộ con kết quả đến đâu.
Đến ngày trả bài, bạn cán sự thay mặt thầy phát bài cho lớp. Khi đến chỗ tôi, bạn đăm đăm nhìn vào mắt tôi, rồi úp bài kiểm tra xuống bàn, và đi phát tiếp. Trong cái nhìn của bạn, tôi có ý nghĩ rất tích cực là mình được điểm tốt, nên chưa vội xem, vì để thưởng thức cái cảm giác được điểm cao văn như thế nào thêm lát nữa. Và rồi, tôi cầm bài kiểm tra lên xem. Trời ! Tôi không thể tin ở mắt mình. Bài văn do nhà thơ làm đà vươn lên cho con, được một con 2 to tướng !?
Chiều về, ba tôi nôn nóng muốn biết thành quả “làm đà vươn lên cho con”. Tôi ra vẻ bí mật, sau đó, vẻ đắc chí chìa cho ông xem con ngỗng của ông. Con 2 của bài văn do mình làm khiến ba tôi không nói nên lời! Còn tôi được thể chứng minh cho ông thấy, việc tôi cố gắng hết mức vẫn không vượt lên chính mình. Tôi bèn chê lại ông:
- Con nhà thơ ăn ngỗng là chuyện bình thường, chứ nhà thơ mà ăn ngỗng thì sao hả ba?” Ông già – nhà thơ im lặng….!
Nhưng có một điều rất lạ, đến tận bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn chưa thôi thắc mắc. Học thầy Phước nói riêng và môn văn nói chung, chưa bao giờ tôi được điểm 3. Vậy mà không hiểu tại sao, kỳ thi tốt nghiệp phổ thông của năm 1965, đúng lúc Ngành Giáo dục thay đổi cách chấm thi. Các giáo viên của trường này đi chấm thi cho trường khác. Dịp đó, bỗng dưng tôi được điểm 4+ tương đương điểm 9 ở ta. Và người báo tin vui cho tôi là thầy Phước (lúc đó thầy xuống Hải Phòng chấm cho trường HSMN số 6, trường mà trước đây tôi đã học .
Khi báo kết quả cho tôi, thầy Phước cũng nhìn chằm chằm vào mắt tôi. Qua cặp kính cận dày cộp, tôi nhận ra ánh mắt rất khó hiểu của thầy, khiến tôi áy náy, hình như thầy đang nghĩ tới cái gì đó chưa từng thấy bao giờ, rằng tôi sao có thể làm văn được tới điểm 4?
Đó là điểm cao nhất môn văn đầu tiên và cũng là cuối cùng của đời học sinh mà tôi có được, do tự chính sự suy nghĩ của tôi chứ không nhờ vả hay coppy ai cả.
Filed under: Bài của bạn, Làng văn Thẻ: | LÂM BÍCH THỦY
(nguồn nguyentrongtao.com)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001