Đó đích thực là một câu nói rất... Nguyễn Quang A - cái tên khá quen thuộc trong giới doanh nhân, học giả và bạn đọc.
Họ biết đến ông không phải với tư cách là một kỹ sư, một doanh nhân, như đáng ra phải thế, mà là với tư cách một dịch giả, một nhà báo với những cuốn sách và bài viết khá ấn tượng. Thế giới phẳng, Bằng sức mạnh tư duy, Sự bí ẩn của tư bản, Sự khốn cùng của chủ nghĩa lịch sử, Xã hội mở và những kẻ thù của nó... Đó chỉ là một số trong gần 20 cuốn sách ông đã dịch. Có thể nói thuật ngữ "thế giới phẳng" chỉ xuất hiện một cách phổ biến ở nước ta hiện nay sau khi cuốn The World Is Flat của Thomas L. Freedman được ông chuyển ngữ và cho xuất bản năm 2005. Còn các bài viết của ông trên các báo, các trang mạng bao giờ cũng lôi cuốn bạn đọc ngay từ cách đặt vấn đề rất trúng đến những phản biện đầy thuyết phục để đi đến việc giải quyết vấn đề một cách rốt ráo nhất, hiệu quả nhất.
Sinh năm 1946 tại Bắc Ninh, năm 1965 ông được đi học tại Hungary ngành vô tuyến điện, rồi làm luận án phó tiến sĩ và tiến sĩ cũng ở Hungary. Đã từng làm giáo sư Trường Đại học Bách khoa Budapest - một trường có lịch sử hơn 200 năm; kinh qua các công việc ở Viện Kỹ thuật quân sự, Tổng cục Điện tử Việt Nam... vậy mà cuộc đời lại dẫn dắt ông sang một hướng khác: Đi làm "con buôn" - theo đúng nghĩa, ông nói vậy. Và cuộc trò chuyện giữa chúng tôi được bắt đầu từ chỗ ông thôi làm các công việc kỹ thuật - niềm đam mê bấy lâu của mình - để trở thành "con buôn".
Năm 1987, sau khi làm luận án tiến sĩ khoa học, về nước tôi được phân vào làm ở Tổng cục Điện tử Việt Nam. Ở đó còn một ông tiến sĩ khoa học nữa, nội bộ cơ quan cũng có những bất ổn, bên nào cũng muốn kéo thêm người để "uýnh nhau", thế là tôi lảng. Đúng lúc đó có một anh bạn đang làm ở Sài Gòn rủ tôi vào làm một dự án về phần mềm tin học. Công việc đó nay gọi là thuê ngoài (outsourcing).
Thời năm 1989, thuật ngữ outsourcing chưa ra đời. Công việc cụ thể là hợp tác với một công ty ở bên Pháp để làm phần mềm thuê ngoài, do vậy có thể nói đó là công ty làm outsourcing đầu tiên ở Việt Nam, công ty có tên là Genpacific. Outsourcing tức là mình có người phát triển phần mềm, làm ra phần mềm ấy hay gia công phần mềm của người khác để cung cấp cho khách hàng của người thuê gia công, họ có khách hàng của họ (trong trường hợp này là khách hàng Pháp) - thực sự cũng chỉ là làm thuê thôi. Tôi thấy dự án cũng hay vì phù hợp với những kiến thức mình đã được học và quyết định bỏ Hà Nội vào Sài Gòn.
Hơn nữa, đây là một ý tưởng rất hay, đi trước thời đại (gọi là thế cũng được), vì ý tưởng làm outsourcing chỉ thực sự nở rộ sau năm 2000, khi có sự cố máy tính Y2K toàn cầu thì nhiều công ty Mỹ thuê các công ty Ấn Độ viết phần mềm khắc phục. Chúng tôi có khoảng 25 người lập trình rất giỏi, đại bộ phận là người trước kia làm ở Viện Kỹ thuật quân sự. Chúng tôi cũng "thuê" một người làm phần mềm của Banque Nationale de Paris về Việt Nam để tập huấn về những yêu cầu của khách hàng bên Pháp ra sao... Có thể nói 25 người này đều là những người rất giỏi và hiện đều là những người thành đạt. Thời gian đó, họ đã viết được những phần mềm phục vụ được những nhu cầu của khách hàng Pháp và châu Âu. Nhưng rất đáng tiếc, dự án đó thất bại hoàn toàn.
Tại sao, thưa ông?
Có thể nguyên nhân đầu tiên là chúng tôi hơi hão huyền vì không lường trước được những khó khăn mà mình sẽ gặp phải: Làm thế nào để cung cấp dịch vụ đó cho bên Pháp, bằng cách nào, bằng phương tiện gì? Làm sao đưa được phần mềm và người sang để cài đặt? Hồi đó chưa có internet, điện thoại quốc tế thì vẫn còn lạc hậu. Để gọi một cú điện thoại sang Paris chúng tôi phải nhờ cô nhân viên bưu điện nối điện thoại, đợi có khi cả tiếng đồng hồ thì mới nói được nhưng với một chất lượng rất kém và giá "cắt cổ". Cũng có thể gửi người đi nhưng vô cùng tốn kém. Cũng có thể có cách khác là nhồi chương trình phần mềm vào băng từ rồi nhờ hàng không chuyển, nhưng cũng không thể làm theo cách này được, vì lúc đó mỗi tháng chỉ có hai chuyến Air France... Giá như chúng tôi phát hiện ra những khó khăn ấy sớm thì đã không làm cái việc ấy và chuyển sang làm việc khác từ lâu rồi...
Nhưng sau này, Genpacific vẫn "làm mưa làm gió" với thương hiệu máy tính Bull Micral đấy thôi...
Khi dự án phần mềm bị thất bại thì chúng tôi chuyển sang hướng làm phần cứng: Sản xuất máy vi tính. Chúng tôi làm một dây chuyền lắp ráp máy vi tính với đầy đủ quy trình, thiết bị nhập từ Pháp về tại nhà máy điện tử Bình Hòa, với công suất 4.000 máy tính/năm. Tất nhiên, lúc đó vẫn còn đang cấm vận, nên máy của chúng tôi làm ra được bán với giá rất đắt (khoảng 5.000-6.000 USD/chiếc) với cấu hình mà nói ra bây giờ thì "nực cười", bộ nhớ ổ đĩa là 8MB, RAM giỏi lắm là khoảng 256KB, tốc độ 8MHz. Bây giờ một máy tính vớ vẩn thì các chỉ số ấy cũng phải cao gấp ngàn lần.
"Trong cái rủi có cái may" - Xem chừng, câu cách ngôn này đặc biệt đúng đối với Genpacific...
Đúng thế, Genpacific là công ty liên doanh, vốn chủ yếu là từ Pháp và cũng chỉ là dưới dạng vật tư, thiết bị chứ có đồng tiền mặt nào đâu. Việt Nam có một văn phòng ở 258B Lê Văn Sỹ góp vào làm vốn. Anh em đầu tiên tham gia vào Genpacific rất đói, chúng tôi phải đi lắp ráp thuê đồng hồ điện tử, trong đó có cả Gimiko. Nhưng khi có dây chuyền lắp ráp máy tính nói trên, chúng tôi sản xuất cũng kha khá. Việc bán được hàng lại cũng bắt đầu từ chỗ "không may" của chúng tôi: Có một triển lãm điện tử ở Mông Cổ mà Chính phủ Việt Nam hứa sẽ tham dự, nhưng chắc nghĩ là chẳng có mối lợi gì từ một nước còn lạc hậu như thế nên chẳng đơn vị nào muốn đi, và thế là họ cử chúng tôi đi. Từ đó, chúng tôi đã sang Liên Xô tìm cách bán hàng. Thời đó, bức tường Berlin chưa sụp đổ nên việc bán máy tính sang Nga rất "trúng".
Và ông trở thành "con buôn" chuyên nghiệp nhờ thế?
Thực ra, mới đầu chúng tôi cũng chỉ là lấy công làm lãi trong một hợp đồng tay ba. Hợp đồng đầu tiên tôi ký với khách hàng Liên Xô trị giá 2,7 triệu USD, nhưng theo hình thức: mình giao máy cho Liên Xô, Liên Xô giao phân bón cho Pháp, Pháp lại giao linh kiện cho mình làm... Đại khái là tay ba như thế. Nhưng cuối cùng do đang đổi mới, Liên Xô không thể giao phân bón cho Pháp được. Nhưng hợp đồng thì đã ký nên cuối cùng phía họ phải tìm cách bù bằng một hợp đồng khác: Không phải hàng đổi hàng nữa mà là trả tiền mặt, mở LC đàng hoàng. Thế là từ một anh làm gia công, chúng tôi trở thành một người chủ bán hàng thực sự. Giá trị hợp đồng lúc đó không còn là 2,7 triệu USD nữa mà chỉ còn gần 2 triệu USD, nhưng được trả bằng tiền mặt.
Lúc đó Nga đang rất cần máy tính. Họ hỏi có lấy tiền rúp chuyển nhượng không? Chúng tôi chẳng biết đồng tiền ấy là gì vì không sờ mó được. Hóa ra, họ bán máy móc cho các công trường của Việt Nam ở Quảng Ninh, sông Đà, cầu Thăng Long... và Việt Nam trả lại bằng quần áo, giày dép, nông sản... gì gì đó, tất cả đều tính bằng đồng rúp chuyển nhượng ấy. Bây giờ họ muốn lấy bằng máy tính thì tuyệt quá rồi còn gì. Chúng tôi dùng đồng tiền rúp chuyển nhượng thu được từ việc bán máy tính, nhượng lại cho các ngân hàng để đổi lấy tiền mặt.
Đó có phải là quá trình dẫn dắt ông đến với một lĩnh vực mới: Ngân hàng?
Không. Năm 1993, tôi thôi ở Genpacific, mà nói thẳng ra là bị "đuổi" vì đã phạm một lỗi rất ấu trĩ. Hồi đó, Genpacific có rất nhiều tiền, nhưng về mặt nguyên tắc, không được dùng tiền đó để kinh doanh các lĩnh vực khác. Nhưng tôi đã ký hợp tác kinh doanh với một nhóm "đại gia" tự gọi nhau là G5 đang làm ăn với Liên Xô, cần vốn. Thực chất là cho vay tiền. Nhưng đến kỳ hạn, họ không thanh toán được, thế là tôi đối mặt với khả năng bị hội đồng quản trị "sờ" gáy. Sau khi được các đệ tử (cũng ở Liên Xô) chuyển tiền cho tôi hoàn trả công ty, tôi thoát khỏi việc bị "sờ gáy" và rời Genpacific ra Hà Nội làm. Lúc đó, cụ Hoàng Minh Thắng là Chủ tịch Liên minh Hội đồng các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, cụ cũng khởi xướng lập ra một ngân hàng gọi là Ngân hàng ngoài quốc doanh Việt Nam. Chúng tôi tham gia vào ngân hàng ấy như một sự tình cờ ngẫu nhiên.
Khi đó, ông có kiến thức đặc biệt gì về ngân hàng không?
Chẳng có kiến thức gì cả. Tất cả những người tham gia vào đó không ai có kiến thức gì về ngân hàng mà phần lớn là những người tạm cho là có thành công một ít ở những lĩnh vực khác và có thể nói là hơi hoắng. Lúc đó, chúng tôi nhờ ông Nguyễn Trọng Khánh, cũng đã từng làm ở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và cũng là tiến sĩ kinh tế ở Hungary về, làm tổng giám đốc. Nhưng đáng tiếc là một thời gian ngắn sau anh bị bệnh và mất. Sau đó, chúng tôi cũng thuê một số người ở các ngân hàng quốc doanh sang làm.
Lúc đó, ngân hàng Việt Nam cũng mới chuyển từ hệ thống một cấp sang hai cấp, nghĩa là manh nha có những ngân hàng thương mại. Nhưng phải nói thật họ đều là quan chức nhà nước chứ không có ai là "banker" cả. Họ làm cho chúng tôi một thời gian ngắn rồi cũng chẳng mấy hiệu quả. Hội đồng quản trị can thiệp quá sâu, họ có quyền cho đối tượng nào vay, nhưng phần lớn các đối tượng vay lại là các công ty hoặc của thành viên hội đồng quản trị, hoặc của người thân của hội đồng quản trị, đó là cái lỗi ấu trĩ không thể tưởng tượng được. Tất cả những yếu tố đó đẩy ngân hàng đến bờ vực phá sản: Vốn của VP Bank chỉ có 70 tỉ, trong khi đó, nợ trong nước là khoảng 700 tỉ mà phần lớn là khó đòi; bảo lãnh LC ở nước ngoài là 50 triệu USD.
Lúc đó, tôi cũng là thành viên của hội đồng quản trị nhưng là thành viên chỉ tham dự họp một năm đôi lần. Rồi tôi phải nhận nhiệm vụ bất đắc dĩ là làm chủ tịch hội đồng quản trị một ngân hàng. Tất nhiên, trước đó và cả sau này tôi chưa bao giờ trực tiếp điều hành một ngân hàng nào cả và do đó phải đọc rất nhiều sách về ngân hàng. Sách của Hungary, của Anh... và cái quan trọng lúc ấy là mình phải kiếm người, thuê CEO. Chúng tôi tìm được anh Huỳnh Bửu Sơn, là người đã làm trong ngành ngân hàng từ trước 1975 ở Sài Gòn, được học bài bản về ngân hàng, có kinh nghiệm về ngân hàng thương mại, ra ngoài Hà Nội để làm tổng giám đốc. Anh Huỳnh Bửu Sơn đã có đóng góp đáng kể trong việc khôi phục lại VP Bank.
Bằng cách nào các ông thoát ra được?
Lúc đó tôi không bao giờ dám nói tôi là chủ tịch ngân hàng cả. Chủ nợ của chúng tôi lúc đó chủ yếu là các công ty Hàn Quốc, đơn kiện lên các cấp lãnh đạo ở ta như bươm bướm. Chúng tôi chỉ có kế hoãn binh là phải đàm phán với các chủ nợ, đồng thời lập dự án về việc giãn nợ trình lên Nhà nước và được sự đồng ý thì chúng tôi mới dần dần gỡ những khó khăn. Đến năm 2002 mới giải quyết xong cơ bản về nợ và quay trở lại với việc kinh doanh bình thường. Như vậy là cũng phải là mất năm, sáu năm. Qua năm sáu năm ấy, tôi học được rất, rất nhiều điều mà sách vở hay bất cứ một trường đại học nào đều không thể hướng dẫn đầy đủ cho mình được: Về tài chính, kinh tế, về những vấn đề ứng xử với các cơ quan nhà nước, với chủ nợ, với đủ mọi thứ... Và như thế, công việc cứ dần dần đẩy mình sang, bắt buộc mình phải quan tâm đến các vấn đề khác của cuộc sống như chính trị, xã hội.
Thật hư về câu chuyện ông đề nghị mua lại nợ của Chính phủ Việt Nam cho Chính phủ Liên Xô?
Đấy là chuyện chẳng liên quan gì đến ngân hàng cả. Thực tế, khi vẫn còn Liên Xô, tôi đã đưa ra một phương án mua lại nợ của Chính phủ Việt Nam (khoảng mười mấy tỉ rúp với giá 600 triệu USD), và Chính phủ chỉ phải trả chúng tôi 300 triệu USD sau khi Liên Xô đã ký giấy và trao cho chúng tôi là Việt Nam không còn nợ họ xu nào và chúng tôi đã là chủ nợ mới của Việt Nam, 300 triệu USD còn lại trả mỗi năm 30 triệu trong 10 năm. Phương án được trình bày trước nhiều quan chức cấp cao của các bộ ngành được tổ chức ở Bộ Ngoại thương, mọi người đều nghĩ đó là một phương án hay nhưng không có ai quyết cả. Sau đó một số năm, sau khi Liên Xô tan rã, việc trả nợ đã được Nga và Việt Nam giải quyết trả một phần bằng USD, hình như hơn một tỉ USD, một phần bằng hàng hóa. Lúc đó tôi rất tiếc, vì giá như tôi đưa ra một phương án "mềm" hơn thì đó đã có thể là một vụ làm ăn rất có lợi cho chúng tôi, đồng thời cũng làm uy tín của Việt Nam với Liên Xô và Nga thật khác so với khi vẫn là con nợ của họ.
Ông từng thú nhận là trong lĩnh vực kinh doanh của mình, ông cũng mắc những "tật" rất phổ biến do thiếu chuyên nghiệp: Hão huyền, "hoắng", thậm chí là ấu trĩ do quá tự tin... Vậy, trong cuộc sống thì sao và nó có ảnh hưởng gì đến các mối quan hệ xung quanh?
Trong đời kinh doanh, tôi gặp vô vàn thất bại, nhưng tôi không hề ngại những thất bại đó; trái lại, nhìn lại, tôi thấy đã học được rất nhiều vì đã trải qua những thất bại như thế. Tất nhiên, sau mỗi lần thất bại là buồn, nhưng quan trọng là phải biết nhìn trước, nhìn sau và nhìn lại mình, hay nói cách khác là tự kiểm duyệt mình. Tôi cũng là người luôn may mắn vì sau mỗi lần thất bại thì lại tìm được chính trong sự thất bại ấy một hướng đi mới, đầy khám phá, thử thách và vượt qua được. Trong cuộc sống, đôi khi ta phải biết trân trọng sự "hão huyền" hay "hoắng" mà mình có, bởi ở một góc độ nào đó nó thể hiện sự lãng mạn của tư duy. Không có sự lãng mạn thì cuộc sống sẽ vô cùng tẻ nhạt...
Ông cũng nói rằng hiện ông là con người hoàn toàn tự do, kiên quyết bỏ hết công việc kinh doanh và chỉ làm những công việc mình thích... Vậy việc ông thích làm nhất hiện nay là gì?
Dịch sách. Dịch là để học và chia sẻ. Đó cũng là đam mê của tôi. Những cuốn sách tôi dịch khá kén bạn đọc nhưng tôi nghĩ nó sẽ có ảnh hưởng nhất định trong việc truyền tải kho tàng trí tuệ của nhân loại. Bản thân tôi cũng rất kén chọn khi dịch, có khi đọc đến hàng chục cuốn tôi mới chọn ra được một cuốn để dịch. Tất cả các sách tôi dịch đều có chung một chủ đề: Hệ phần mềm điều hành xã hội - làm thế nào để vận hành xã hội một cách hữu hiệu. Tôi gọi đó là tủ sách SOS2 (có nghĩa là hệ điều hành xã hội): chính sách, thể chế, những kinh nghiệm thất bại và thành công, các lý thuyết, những cách tổ chức sao cho xã hội vận hành suôn sẻ.
Cuốn sách ông đang dịch hiện nay?
Why Nations Fail (Vì sao các quốc gia thất bại) của Daron Acemoglu và James A. Robinson. Đây là một cuốn sách lý thuyết cao siêu nhưng được viết một cách dung dị, dễ hiểu, sáng sủa với những ví dụ lịch sử sinh động từ cách mạng đồ đá mới, cho đến sự sụp đổ của đế chế La Mã, các thành bang Hy Lạp; cho đến Trung Quốc, Nam - Bắc Triều Tiên hiện nay... Tôi hy vọng bản điện tử sẽ hoàn tất vào tháng 6 tới.
Một người được coi là trí thức, theo quan niệm của ông?
Tôi thích cách định nghĩa của Friedrich August von Hayek (nhà kinh tế học người Mỹ gốc Áo, đã sống và viết ở Anh rồi sang Mỹ, đoạt giải Nobel kinh tế năm 1974), về trí thức, đại ý: Trí thức là người bán đồ cũ về tư tưởng (của mình hoặc của người khác) cho những người khác. Và như thế, nhà giáo, nghệ sĩ, nhà báo, những người làm chính trị, làm chính sách, học giả, nông dân... đều có thể coi là trí thức, nếu người đó bán "đồ cũ" là tư tưởng (của mình hay của người khác). Người lao động trí óc nhưng không truyền bá tư tưởng không là trí thức theo cách hiểu của Hayek. Hiểu theo nghĩa rất rộng đó thì sẽ có những trí thức tồi tệ, vụ lợi bên cạnh những trí thức luôn lấy mục tiêu truyền bá kiến thức cho cộng đồng làm mục đích.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Theo Kim Anh/ DNSG cuối tuần
(nguồn vietnamnet)
Sinh năm 1946 tại Bắc Ninh, năm 1965 ông được đi học tại Hungary ngành vô tuyến điện, rồi làm luận án phó tiến sĩ và tiến sĩ cũng ở Hungary. Đã từng làm giáo sư Trường Đại học Bách khoa Budapest - một trường có lịch sử hơn 200 năm; kinh qua các công việc ở Viện Kỹ thuật quân sự, Tổng cục Điện tử Việt Nam... vậy mà cuộc đời lại dẫn dắt ông sang một hướng khác: Đi làm "con buôn" - theo đúng nghĩa, ông nói vậy. Và cuộc trò chuyện giữa chúng tôi được bắt đầu từ chỗ ông thôi làm các công việc kỹ thuật - niềm đam mê bấy lâu của mình - để trở thành "con buôn".
Năm 1987, sau khi làm luận án tiến sĩ khoa học, về nước tôi được phân vào làm ở Tổng cục Điện tử Việt Nam. Ở đó còn một ông tiến sĩ khoa học nữa, nội bộ cơ quan cũng có những bất ổn, bên nào cũng muốn kéo thêm người để "uýnh nhau", thế là tôi lảng. Đúng lúc đó có một anh bạn đang làm ở Sài Gòn rủ tôi vào làm một dự án về phần mềm tin học. Công việc đó nay gọi là thuê ngoài (outsourcing).
Tiến sĩ Nguyễn Quang A. Tranh: Hoàng Tường |
Thời năm 1989, thuật ngữ outsourcing chưa ra đời. Công việc cụ thể là hợp tác với một công ty ở bên Pháp để làm phần mềm thuê ngoài, do vậy có thể nói đó là công ty làm outsourcing đầu tiên ở Việt Nam, công ty có tên là Genpacific. Outsourcing tức là mình có người phát triển phần mềm, làm ra phần mềm ấy hay gia công phần mềm của người khác để cung cấp cho khách hàng của người thuê gia công, họ có khách hàng của họ (trong trường hợp này là khách hàng Pháp) - thực sự cũng chỉ là làm thuê thôi. Tôi thấy dự án cũng hay vì phù hợp với những kiến thức mình đã được học và quyết định bỏ Hà Nội vào Sài Gòn.
Hơn nữa, đây là một ý tưởng rất hay, đi trước thời đại (gọi là thế cũng được), vì ý tưởng làm outsourcing chỉ thực sự nở rộ sau năm 2000, khi có sự cố máy tính Y2K toàn cầu thì nhiều công ty Mỹ thuê các công ty Ấn Độ viết phần mềm khắc phục. Chúng tôi có khoảng 25 người lập trình rất giỏi, đại bộ phận là người trước kia làm ở Viện Kỹ thuật quân sự. Chúng tôi cũng "thuê" một người làm phần mềm của Banque Nationale de Paris về Việt Nam để tập huấn về những yêu cầu của khách hàng bên Pháp ra sao... Có thể nói 25 người này đều là những người rất giỏi và hiện đều là những người thành đạt. Thời gian đó, họ đã viết được những phần mềm phục vụ được những nhu cầu của khách hàng Pháp và châu Âu. Nhưng rất đáng tiếc, dự án đó thất bại hoàn toàn.
Tại sao, thưa ông?
Có thể nguyên nhân đầu tiên là chúng tôi hơi hão huyền vì không lường trước được những khó khăn mà mình sẽ gặp phải: Làm thế nào để cung cấp dịch vụ đó cho bên Pháp, bằng cách nào, bằng phương tiện gì? Làm sao đưa được phần mềm và người sang để cài đặt? Hồi đó chưa có internet, điện thoại quốc tế thì vẫn còn lạc hậu. Để gọi một cú điện thoại sang Paris chúng tôi phải nhờ cô nhân viên bưu điện nối điện thoại, đợi có khi cả tiếng đồng hồ thì mới nói được nhưng với một chất lượng rất kém và giá "cắt cổ". Cũng có thể gửi người đi nhưng vô cùng tốn kém. Cũng có thể có cách khác là nhồi chương trình phần mềm vào băng từ rồi nhờ hàng không chuyển, nhưng cũng không thể làm theo cách này được, vì lúc đó mỗi tháng chỉ có hai chuyến Air France... Giá như chúng tôi phát hiện ra những khó khăn ấy sớm thì đã không làm cái việc ấy và chuyển sang làm việc khác từ lâu rồi...
Nhưng sau này, Genpacific vẫn "làm mưa làm gió" với thương hiệu máy tính Bull Micral đấy thôi...
Khi dự án phần mềm bị thất bại thì chúng tôi chuyển sang hướng làm phần cứng: Sản xuất máy vi tính. Chúng tôi làm một dây chuyền lắp ráp máy vi tính với đầy đủ quy trình, thiết bị nhập từ Pháp về tại nhà máy điện tử Bình Hòa, với công suất 4.000 máy tính/năm. Tất nhiên, lúc đó vẫn còn đang cấm vận, nên máy của chúng tôi làm ra được bán với giá rất đắt (khoảng 5.000-6.000 USD/chiếc) với cấu hình mà nói ra bây giờ thì "nực cười", bộ nhớ ổ đĩa là 8MB, RAM giỏi lắm là khoảng 256KB, tốc độ 8MHz. Bây giờ một máy tính vớ vẩn thì các chỉ số ấy cũng phải cao gấp ngàn lần.
"Trong cái rủi có cái may" - Xem chừng, câu cách ngôn này đặc biệt đúng đối với Genpacific...
Đúng thế, Genpacific là công ty liên doanh, vốn chủ yếu là từ Pháp và cũng chỉ là dưới dạng vật tư, thiết bị chứ có đồng tiền mặt nào đâu. Việt Nam có một văn phòng ở 258B Lê Văn Sỹ góp vào làm vốn. Anh em đầu tiên tham gia vào Genpacific rất đói, chúng tôi phải đi lắp ráp thuê đồng hồ điện tử, trong đó có cả Gimiko. Nhưng khi có dây chuyền lắp ráp máy tính nói trên, chúng tôi sản xuất cũng kha khá. Việc bán được hàng lại cũng bắt đầu từ chỗ "không may" của chúng tôi: Có một triển lãm điện tử ở Mông Cổ mà Chính phủ Việt Nam hứa sẽ tham dự, nhưng chắc nghĩ là chẳng có mối lợi gì từ một nước còn lạc hậu như thế nên chẳng đơn vị nào muốn đi, và thế là họ cử chúng tôi đi. Từ đó, chúng tôi đã sang Liên Xô tìm cách bán hàng. Thời đó, bức tường Berlin chưa sụp đổ nên việc bán máy tính sang Nga rất "trúng".
Và ông trở thành "con buôn" chuyên nghiệp nhờ thế?
Thực ra, mới đầu chúng tôi cũng chỉ là lấy công làm lãi trong một hợp đồng tay ba. Hợp đồng đầu tiên tôi ký với khách hàng Liên Xô trị giá 2,7 triệu USD, nhưng theo hình thức: mình giao máy cho Liên Xô, Liên Xô giao phân bón cho Pháp, Pháp lại giao linh kiện cho mình làm... Đại khái là tay ba như thế. Nhưng cuối cùng do đang đổi mới, Liên Xô không thể giao phân bón cho Pháp được. Nhưng hợp đồng thì đã ký nên cuối cùng phía họ phải tìm cách bù bằng một hợp đồng khác: Không phải hàng đổi hàng nữa mà là trả tiền mặt, mở LC đàng hoàng. Thế là từ một anh làm gia công, chúng tôi trở thành một người chủ bán hàng thực sự. Giá trị hợp đồng lúc đó không còn là 2,7 triệu USD nữa mà chỉ còn gần 2 triệu USD, nhưng được trả bằng tiền mặt.
Lúc đó Nga đang rất cần máy tính. Họ hỏi có lấy tiền rúp chuyển nhượng không? Chúng tôi chẳng biết đồng tiền ấy là gì vì không sờ mó được. Hóa ra, họ bán máy móc cho các công trường của Việt Nam ở Quảng Ninh, sông Đà, cầu Thăng Long... và Việt Nam trả lại bằng quần áo, giày dép, nông sản... gì gì đó, tất cả đều tính bằng đồng rúp chuyển nhượng ấy. Bây giờ họ muốn lấy bằng máy tính thì tuyệt quá rồi còn gì. Chúng tôi dùng đồng tiền rúp chuyển nhượng thu được từ việc bán máy tính, nhượng lại cho các ngân hàng để đổi lấy tiền mặt.
Đó có phải là quá trình dẫn dắt ông đến với một lĩnh vực mới: Ngân hàng?
Không. Năm 1993, tôi thôi ở Genpacific, mà nói thẳng ra là bị "đuổi" vì đã phạm một lỗi rất ấu trĩ. Hồi đó, Genpacific có rất nhiều tiền, nhưng về mặt nguyên tắc, không được dùng tiền đó để kinh doanh các lĩnh vực khác. Nhưng tôi đã ký hợp tác kinh doanh với một nhóm "đại gia" tự gọi nhau là G5 đang làm ăn với Liên Xô, cần vốn. Thực chất là cho vay tiền. Nhưng đến kỳ hạn, họ không thanh toán được, thế là tôi đối mặt với khả năng bị hội đồng quản trị "sờ" gáy. Sau khi được các đệ tử (cũng ở Liên Xô) chuyển tiền cho tôi hoàn trả công ty, tôi thoát khỏi việc bị "sờ gáy" và rời Genpacific ra Hà Nội làm. Lúc đó, cụ Hoàng Minh Thắng là Chủ tịch Liên minh Hội đồng các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, cụ cũng khởi xướng lập ra một ngân hàng gọi là Ngân hàng ngoài quốc doanh Việt Nam. Chúng tôi tham gia vào ngân hàng ấy như một sự tình cờ ngẫu nhiên.
Khi đó, ông có kiến thức đặc biệt gì về ngân hàng không?
Chẳng có kiến thức gì cả. Tất cả những người tham gia vào đó không ai có kiến thức gì về ngân hàng mà phần lớn là những người tạm cho là có thành công một ít ở những lĩnh vực khác và có thể nói là hơi hoắng. Lúc đó, chúng tôi nhờ ông Nguyễn Trọng Khánh, cũng đã từng làm ở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và cũng là tiến sĩ kinh tế ở Hungary về, làm tổng giám đốc. Nhưng đáng tiếc là một thời gian ngắn sau anh bị bệnh và mất. Sau đó, chúng tôi cũng thuê một số người ở các ngân hàng quốc doanh sang làm.
Lúc đó, ngân hàng Việt Nam cũng mới chuyển từ hệ thống một cấp sang hai cấp, nghĩa là manh nha có những ngân hàng thương mại. Nhưng phải nói thật họ đều là quan chức nhà nước chứ không có ai là "banker" cả. Họ làm cho chúng tôi một thời gian ngắn rồi cũng chẳng mấy hiệu quả. Hội đồng quản trị can thiệp quá sâu, họ có quyền cho đối tượng nào vay, nhưng phần lớn các đối tượng vay lại là các công ty hoặc của thành viên hội đồng quản trị, hoặc của người thân của hội đồng quản trị, đó là cái lỗi ấu trĩ không thể tưởng tượng được. Tất cả những yếu tố đó đẩy ngân hàng đến bờ vực phá sản: Vốn của VP Bank chỉ có 70 tỉ, trong khi đó, nợ trong nước là khoảng 700 tỉ mà phần lớn là khó đòi; bảo lãnh LC ở nước ngoài là 50 triệu USD.
Lúc đó, tôi cũng là thành viên của hội đồng quản trị nhưng là thành viên chỉ tham dự họp một năm đôi lần. Rồi tôi phải nhận nhiệm vụ bất đắc dĩ là làm chủ tịch hội đồng quản trị một ngân hàng. Tất nhiên, trước đó và cả sau này tôi chưa bao giờ trực tiếp điều hành một ngân hàng nào cả và do đó phải đọc rất nhiều sách về ngân hàng. Sách của Hungary, của Anh... và cái quan trọng lúc ấy là mình phải kiếm người, thuê CEO. Chúng tôi tìm được anh Huỳnh Bửu Sơn, là người đã làm trong ngành ngân hàng từ trước 1975 ở Sài Gòn, được học bài bản về ngân hàng, có kinh nghiệm về ngân hàng thương mại, ra ngoài Hà Nội để làm tổng giám đốc. Anh Huỳnh Bửu Sơn đã có đóng góp đáng kể trong việc khôi phục lại VP Bank.
Bằng cách nào các ông thoát ra được?
Lúc đó tôi không bao giờ dám nói tôi là chủ tịch ngân hàng cả. Chủ nợ của chúng tôi lúc đó chủ yếu là các công ty Hàn Quốc, đơn kiện lên các cấp lãnh đạo ở ta như bươm bướm. Chúng tôi chỉ có kế hoãn binh là phải đàm phán với các chủ nợ, đồng thời lập dự án về việc giãn nợ trình lên Nhà nước và được sự đồng ý thì chúng tôi mới dần dần gỡ những khó khăn. Đến năm 2002 mới giải quyết xong cơ bản về nợ và quay trở lại với việc kinh doanh bình thường. Như vậy là cũng phải là mất năm, sáu năm. Qua năm sáu năm ấy, tôi học được rất, rất nhiều điều mà sách vở hay bất cứ một trường đại học nào đều không thể hướng dẫn đầy đủ cho mình được: Về tài chính, kinh tế, về những vấn đề ứng xử với các cơ quan nhà nước, với chủ nợ, với đủ mọi thứ... Và như thế, công việc cứ dần dần đẩy mình sang, bắt buộc mình phải quan tâm đến các vấn đề khác của cuộc sống như chính trị, xã hội.
Thật hư về câu chuyện ông đề nghị mua lại nợ của Chính phủ Việt Nam cho Chính phủ Liên Xô?
Đấy là chuyện chẳng liên quan gì đến ngân hàng cả. Thực tế, khi vẫn còn Liên Xô, tôi đã đưa ra một phương án mua lại nợ của Chính phủ Việt Nam (khoảng mười mấy tỉ rúp với giá 600 triệu USD), và Chính phủ chỉ phải trả chúng tôi 300 triệu USD sau khi Liên Xô đã ký giấy và trao cho chúng tôi là Việt Nam không còn nợ họ xu nào và chúng tôi đã là chủ nợ mới của Việt Nam, 300 triệu USD còn lại trả mỗi năm 30 triệu trong 10 năm. Phương án được trình bày trước nhiều quan chức cấp cao của các bộ ngành được tổ chức ở Bộ Ngoại thương, mọi người đều nghĩ đó là một phương án hay nhưng không có ai quyết cả. Sau đó một số năm, sau khi Liên Xô tan rã, việc trả nợ đã được Nga và Việt Nam giải quyết trả một phần bằng USD, hình như hơn một tỉ USD, một phần bằng hàng hóa. Lúc đó tôi rất tiếc, vì giá như tôi đưa ra một phương án "mềm" hơn thì đó đã có thể là một vụ làm ăn rất có lợi cho chúng tôi, đồng thời cũng làm uy tín của Việt Nam với Liên Xô và Nga thật khác so với khi vẫn là con nợ của họ.
Ông từng thú nhận là trong lĩnh vực kinh doanh của mình, ông cũng mắc những "tật" rất phổ biến do thiếu chuyên nghiệp: Hão huyền, "hoắng", thậm chí là ấu trĩ do quá tự tin... Vậy, trong cuộc sống thì sao và nó có ảnh hưởng gì đến các mối quan hệ xung quanh?
Trong đời kinh doanh, tôi gặp vô vàn thất bại, nhưng tôi không hề ngại những thất bại đó; trái lại, nhìn lại, tôi thấy đã học được rất nhiều vì đã trải qua những thất bại như thế. Tất nhiên, sau mỗi lần thất bại là buồn, nhưng quan trọng là phải biết nhìn trước, nhìn sau và nhìn lại mình, hay nói cách khác là tự kiểm duyệt mình. Tôi cũng là người luôn may mắn vì sau mỗi lần thất bại thì lại tìm được chính trong sự thất bại ấy một hướng đi mới, đầy khám phá, thử thách và vượt qua được. Trong cuộc sống, đôi khi ta phải biết trân trọng sự "hão huyền" hay "hoắng" mà mình có, bởi ở một góc độ nào đó nó thể hiện sự lãng mạn của tư duy. Không có sự lãng mạn thì cuộc sống sẽ vô cùng tẻ nhạt...
Ông cũng nói rằng hiện ông là con người hoàn toàn tự do, kiên quyết bỏ hết công việc kinh doanh và chỉ làm những công việc mình thích... Vậy việc ông thích làm nhất hiện nay là gì?
Dịch sách. Dịch là để học và chia sẻ. Đó cũng là đam mê của tôi. Những cuốn sách tôi dịch khá kén bạn đọc nhưng tôi nghĩ nó sẽ có ảnh hưởng nhất định trong việc truyền tải kho tàng trí tuệ của nhân loại. Bản thân tôi cũng rất kén chọn khi dịch, có khi đọc đến hàng chục cuốn tôi mới chọn ra được một cuốn để dịch. Tất cả các sách tôi dịch đều có chung một chủ đề: Hệ phần mềm điều hành xã hội - làm thế nào để vận hành xã hội một cách hữu hiệu. Tôi gọi đó là tủ sách SOS2 (có nghĩa là hệ điều hành xã hội): chính sách, thể chế, những kinh nghiệm thất bại và thành công, các lý thuyết, những cách tổ chức sao cho xã hội vận hành suôn sẻ.
Cuốn sách ông đang dịch hiện nay?
Why Nations Fail (Vì sao các quốc gia thất bại) của Daron Acemoglu và James A. Robinson. Đây là một cuốn sách lý thuyết cao siêu nhưng được viết một cách dung dị, dễ hiểu, sáng sủa với những ví dụ lịch sử sinh động từ cách mạng đồ đá mới, cho đến sự sụp đổ của đế chế La Mã, các thành bang Hy Lạp; cho đến Trung Quốc, Nam - Bắc Triều Tiên hiện nay... Tôi hy vọng bản điện tử sẽ hoàn tất vào tháng 6 tới.
Một người được coi là trí thức, theo quan niệm của ông?
Tôi thích cách định nghĩa của Friedrich August von Hayek (nhà kinh tế học người Mỹ gốc Áo, đã sống và viết ở Anh rồi sang Mỹ, đoạt giải Nobel kinh tế năm 1974), về trí thức, đại ý: Trí thức là người bán đồ cũ về tư tưởng (của mình hoặc của người khác) cho những người khác. Và như thế, nhà giáo, nghệ sĩ, nhà báo, những người làm chính trị, làm chính sách, học giả, nông dân... đều có thể coi là trí thức, nếu người đó bán "đồ cũ" là tư tưởng (của mình hay của người khác). Người lao động trí óc nhưng không truyền bá tư tưởng không là trí thức theo cách hiểu của Hayek. Hiểu theo nghĩa rất rộng đó thì sẽ có những trí thức tồi tệ, vụ lợi bên cạnh những trí thức luôn lấy mục tiêu truyền bá kiến thức cho cộng đồng làm mục đích.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Theo Kim Anh/ DNSG cuối tuần
(nguồn vietnamnet)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001