Chủ Nhật, 10 tháng 6, 2012

Đằng sau chuyến thăm Việt Nam và Ấn Độ của bộ trưởng Quốc phòng Mỹ


SGTT.VN - Sau hai chuyến thăm Việt Nam và Ấn Độ của bộ trưởng bộ Quốc phòng Mỹ Leon Panetta, có thể nói nước Mỹ đã thành công khi tạo được một thế đứng quân sự cộng với một “trợ lưng” về pháp lý. Đây có vẻ như là bàn đạp hữu hiệu nhất để bảo đảm hoà bình và ổn định ở Biển Đông từ góc nhìn của Mỹ, lẫn từ Việt Nam và Ấn Độ.

Ông Leon Panetta, bộ trưởng bộ Quốc phòng Mỹ tại Ấn Độ. Ảnh: TL


Sau khi dừng chân ở Việt Nam, ngày 5.6 ông Panetta đã đến Ấn Độ. Tại đây ông đã có cuộc gặp với Thủ tướng Manmohan Singh, cố vấn an ninh quốc gia Shiv Shankar Menon và bộ trưởng Quốc phòng A. K. Anthony. Đồng thời, Leon Panetta có buổi nói chuyện tại viện Nghiên cứu và phân tích quốc phòng Ấn Độ. Theo lời các quan chức của bộ Quốc phòng Mỹ, chuyến đi của bộ trưởng Panetta có ba chủ đề chính.
Thứ nhất, ông nhấn mạnh việc tái cân bằng sức mạnh quân sự của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương. Panetta thay mặt nước Mỹ tỏ ra mình là một đối tác có trách nhiệm, sau khi công bố chiến lược của mình rộng rãi liền đi thăm một vài quốc gia để nhấn mạnh và giải thích kỹ càng hơn.
Thứ hai, Panetta đến đây vì vị trí đặc biệt của Ấn Độ. Nằm ở vị trí cầu nối, giao lộ giữa Đông Á và Tây Á, Ấn Độ trở nên quan trọng không chỉ vì là đối tác xây dựng ổn định và thịnh vượng ở khu vực Đông Á, mà còn trong việc tái thiết một Afghanistan ổn định nói riêng và khu vực Nam Á hoà bình nói chung.
Thứ ba, chuyến đi này còn nhằm thắt chặt mối quan hệ quốc phòng song phương Mỹ – Ấn.
10 năm qua, quan hệ này đã phát triển nhanh chóng. Quân đội hai bên giờ đây thường xuyên tổ chức tập trận với quy mô và tính chất ngày càng tăng.
Cuối cùng, một trong những vấn đề quan trọng nhất là quan điểm của các bên, vấn đề tự do hàng hải. Về phía Ấn Độ, tại Đối thoại Shangri-La 2012, bộ trưởng Quốc phòng A. K. Anthony phát biểu: “Trong lĩnh vực hàng hải, chúng ta cần cân bằng quyền của các quốc gia với quyền của cộng đồng thế giới. Cũng giống như các quyền tự do cá nhân, quyền tự do hàng hải chỉ được trọn vẹn khi mọi nước, bất luận lớn hay nhỏ, đều sẵn lòng tuân thủ những luật lệ và nguyên tắc đã được mọi người chấp nhận”.
Đối với Việt Nam, trong phát biểu của mình tại WEF 2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã nhấn mạnh rằng tự do hàng hải là “điều kiện tiên quyết và lợi ích chung của khu vực”.
Những quan điểm trên đây cũng chính là quan điểm mà tuyên bố chung của hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần thứ 6 (ADMM-6) tại Campuchia ngày 29.5 đề cập, cụ thể “Nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải ở Biển Đông và tự do bay qua Biển Đông theo các nguyên tắc luật quốc tế đã được thừa nhận rộng rãi, trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển (UNCLOS)”.
Điều này có sự tương đồng với quan điểm của Mỹ, nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì quyền tự do hàng hải tại Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế và các nguyên tắc chung. Sự đồng thuận quan điểm này cho thấy sự cần thiết của việc phê chuẩn UNCLOS đối với Mỹ. Vì đó là nền tảng pháp lý để Mỹ liên kết không chỉ với Ấn Độ, Việt Nam mà còn với các nước trong khu vực ASEAN trong vấn đề giải quyết tranh chấp trên Biển Đông.
GIANG PHẠM – NGUYỄN THẾ PHƯƠNG

(NGUỒN_sgtt)http://sgtt.vn/Quoc-te/164860/Dang-sau-chuyen-tham-Viet-Nam-va-An-Do-cua-bo-truong-Quoc-phong-My.html
---------------------------------------------------------------------------------
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
           Sẽ xóa những comment nói tục
           Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001