Thứ Ba, 19 tháng 6, 2012

Coi ảnh báo chí để minh họa là tư duy ấu trĩ


18/06/201211:59:41
Cái tên Na Sơn đã không còn xa lạ với số đông những người hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh. Hiện đang làm việc cho hãng thông tấn AP (Mỹ), anh nằm trong số không nhiều những tay máy người Việt đã từng có mặt ở những điểm nóng xung đột trên thế giới.
TIN LIÊN QUAN

Ngoài việc cộng tác với các tờ báo và tạp chí hàng đầu trong nước, nhiều tác phẩm ảnh của Na Sơn đã từng được đăng tải trên các tờ báo và tạp chí danh tiếng thế giới như USA Today, Washington Post, BBC, Seattle Times, The Guardian…

Thẳng thắn và cởi mở, Na Sơn đã chia sẻ những suy nghĩ của anh về công việc của người làm ảnh báo chí nhân dịp ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6).

ds
Nhiếp ảnh gia Na Sơn

Anh đánh giá thế nào về vai trò của ảnh báo chí trong thời đại truyền thông ngày nay?

Xã hội càng phát triển, nhịp sống càng nhanh hơn thì nhu cầu “nhìn” càng nhiều. Bây giờ mở báo ra, người ta xem ảnh nhiều hơn là đọc chữ. Chính vì thế, người phóng viên ảnh bây giờ phải đảm đương nhiệm vụ nặng nề hơn trước rất nhiều.

Đó cũng là xu thế chung trên thế giới mà các phóng viên ảnh đã và đang phải thay đổi rất nhiều trong cách tư duy, cách chụp cho phù hợp với sự phát triển ấy.

Ảnh hiện nay, cảm xúc nhiều hơn, thông tin nhiều hơn, thông điệp cũng nhiều hơn trước. Chưa kể đến sự phát triển của multimedia- truyền thông đa phương tiện- khiến nhiều tòa soạn trên thế giới hiện nay đòi hỏi phóng viên ảnh cần có thêm kỹ năng tổng hợp của người viết, người chụp, người quay video, dựng clip… nhằm cung cấp tối đa thông tin cho người xem. Đây thực sự là điều thách thức cho phóng viên ảnh, những người vốn quen với ảnh tĩnh (still photography).

e
Ảnh: Na Sơn

Vậy, những yếu tố nào của một người phóng viên ảnh được anh đánh giá cao, và theo anh yếu tố nào còn thiếu ở đa phần các phóng viên ảnh Việt Nam hiện nay?

Tư duy nhạy bén, sắc sảo; sự say mê nghề nghiệp và dám dấn thân cũng như sự chuyên nghiệp là những yếu tố tôi nghĩ là quan trọng nhất đối với một người phóng viên ảnh.

Có một thực tế là rất nhiều phóng viên ảnh ở Việt Nam đang thiếu đi cả 3 điều đó. Cái nhìn trong ảnh của họ nhiều khi đơn giản và dễ dãi quá. Ngay chính bản thân người chụp ảnh còn chưa hiểu biết rõ ràng, sâu sắc về vấn đề mình đang phải làm thì rất khó có được những bức ảnh tốt. Thứ 2, tự bản thân họ chưa coi trọng nghề nghiệp của mình một cách xứng đáng để có thể nghiêm túc hơn, khắt khe hơn với chính bản thân mình thì rất khó để họ có thể dấn thân cho ảnh báo chí.

Và điều cuối cùng là sự nghiệp dư trong khi tác nghiệp. Tôi đã gặp những bạn phóng viên ảnh, đến hiện trường rồi mà vẫn không biết sẽ phải chụp những ai, những mục gì, không biết phải mang theo những phương tiện gì cho phù hợp.

Để một bức ảnh có thể đạt đủ những tiêu chuẩn của ảnh báo chí, theo anh cần phải có những yếu tố nào?

Tôi nghĩ rằng ảnh tốt phải hội tụ đủ 3 yếu tố: Thứ nhất, nội dung: thông tin mang đến cho người xem theo đúng tiêu chuẩn báo chí (Ai- cái gì- ở đâu- khi nào- như thế nào). Thứ hai, Ý nghĩa: thông điệp của bức ảnh mang đến cho người xem. Thứ ba, hình thức thể hiện: phải đạt được các tiểu chuẩn về kỹ thuật, mỹ thuật để giúp truyền được 2 yếu tố trên đến với người xem.

Trong thời gian gần đây, ảnh báo chí Việt Nam chưa để lại một tác phẩm lớn, gây ám ảnh và mang hiệu ứng xã hội cao. Theo anh, nguyên nhân là do đâu?

40 năm trước chúng ta có 1 tên tuổi chói sáng, gây tiếng vang khắp Thế giới đó là Nick Út với bức ảnh “Em bé Napalm” đoạt giải World Press Photo và Pulitzer và không còn 1 cái tên Việt Nam nào nữa được niềm vinh quang ấy nữa. Nguyên nhân thì có nhiều.

Cuộc chiến tranh đã qua đi lâu rồi, “hoàn cảnh lý tưởng” cho những tác phẩm ảnh báo chí kiểu ấy không còn nữa. Chụp thời bình khó hơn chụp thời chiến rất nhiều. Khó nhưng không có nghĩa là không thể có được những tác phẩm lớn vì đã có những ảnh chụp của các phóng viên nước ngoài chụp ở Việt Nam vẫn nổi tiếng thế giới.

Vấn đề chính là ở chúng ta thôi. Sự thiếu coi trọng ảnh báo chí trong từng tòa soạn, kinh phí cho công tác ảnh ít ỏi, tư duy ấu trĩ cho rằng ảnh chỉ để minh họa cho bài viết, công tác đào tạo kém, lạc hậu… đã lý giải cho câu hỏi của bạn.

Cả nghìn tờ báo, tạp chí ở Việt Nam hiện nay thì có đúng 1 tờ báo có chức danh biên tập ảnh. Hơn nữa, bạn thử nhìn ba-rem chấm nhuận ảnh cho phóng viên hiện nay thì sẽ rõ. Được trả cao như tôi thì 3 triệu là kịch trần cho một phóng sự ảnh thông thường trong khi phải mất nhiều ngày mới chụp xong được thì hỏi thử có còn đủ nhiệt huyết, sự đầu tư kỹ lưỡng để làm không?

Với mức nhuận ảnh hiện nay khoảng 100 nghìn cho ảnh lẻ, hơn 1 triệu cho phóng sự ảnh thì tất nhiên những sản phẩm làm qua loa cho có là điều dễ hiểu và dễ nhìn thấy nhan nhản trên báo hiện nay.

Có một thực tế, hàng ngày trên báo chí của chúng ta có vô số ảnh được đăng, nhưng lại chẳng có mấy thông tin, nó chỉ mới làm nhiệm vụ minh họa cho bài viết, hoặc để làm “đẹp” cho một tờ báo, làm vui mắt người đọc. Anh nghĩ sao về điều này?

Đó là một thực tế đáng buồn. Và đáng buồn hơn là dường như không có dấu hiệu nào cho thấy điều này được cải thiện trong tương lai gần. Chung quy vì chúng ta dễ dãi quá. Tòa soạn dùng ảnh dễ dãi, phóng viên chụp dễ dãi (vì thế đã đạt yêu cầu rồi). Rốt cuộc chỉ có người đọc, người xem là thiệt thòi thôi.

Là một phóng viên ảnh làm việc cho Hãng thông tấn nổi tiếng thế giới AP, anh có thể chia sẻ gì về sự khắt khe trong việc họ đánh giá, sử dụng một tác phẩm ảnh báo chí?

Làm cho hãng thông tấn bị áp lực và khó khăn hơn làm cho 1 tờ báo nhiều, nhất là hãng thông tấn lớn nhất thế giới như AP vì hàng nghìn tờ báo, tạp chí, tổ chức, kể cả các hãng thông tấn nhỏ hơn mua lại ảnh của họ.

Thế nên chúng tôi phải tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc và đạo đức nghề nghiệp để đảm bảo tính trung thực, khách quan của thông tin cũng như ảnh phải đạt tiêu chuẩn chất lượng. Trên thế giới còn có những hãng lớn khác cạnh tranh với chúng tôi như Reuters, AFP/Getty, EPA... cùng nhau đưa tin, chụp ảnh mọi sự kiện mà khách hàng thì họ được tự do lựa chọn, ảnh mình xấu thì họ chuyển qua mua của hãng khác ngay.

Chưa kể đến yêu cầu của hãng tin là nhanh, kịp thời. Chúng tôi phải chạy đua với thời gian khi chụp xong 1 tấm ảnh: xử lý ảnh, viết chú thích, tin đi kèm, gửi ảnh về các tổng xã phải trong thời gian nhanh nhất có thể.

Nghĩa là ảnh báo chí, sự trung thực của phóng viên, tôn trọng sự thật phải được đặt lên hàng đầu?

Sự chuyên nghiệp, tính trung thực của phóng viên cũng là điều được đòi hỏi rất khắt khe. Bạn không có quyền can thiệp bằng phần mềm xử lý ảnh làm sai lệch sự thật.

Đã có nhiều phóng viên ảnh “trót dại” dùng photoshop để “thêm thắt” cho ảnh của mình được oách hơn. Sự nghiệp chụp ảnh của họ chấm dứt sau khi bị phát hiện, tất cả ảnh chụp của họ cho hãng từ bao nhiêu năm trước bị gỡ bỏ khỏi hệ thống, tên họ được thông báo đến tất cả khách hàng trên toàn thế giới.

Một kết cục mà chắc chắn không ai muốn mình bị rơi vào. Khi đã được làm việc với hãng, bạn sẽ được hỗ trợ tối đa để làm việc và có được sự tin tưởng tuyệt đối của ban biên tập. Văn phòng của các tổng xã nằm rải rác khắp nơi trên Thế giới, họ không có đủ thời gian để kiểm chứng mọi thông tin của bạn mang về, tự bạn phải chịu trách nhiệm với ảnh của mình thế nên tạo được sự tin tưởng là điều phóng viên phải chứng tỏ được.

Đứng trước thực trạng của ảnh báo chí Việt Nam, theo anh có nguyên nhân nào do sự dễ dãi của người đọc?

Do có sự dễ dãi của các tòa soạn, cộng thêm sự coi thường ảnh báo chí của …tất cả mọi người. Ngay cả người đọc, không phải ai cũng có đánh giá đúng về vị trí, vai trò của ảnh báo chí. Họ thích xem những tấm ảnh gái gú, thời trang đèm đẹp hơn ảnh báo chí, thích coi trọng những người chụp ảnh gái gú, thời trang, thương mại hơn phóng viên ảnh trong khi trên thế giới thì ngược lại.

Rất nhiều người biện minh rằng, Việt Nam hiện nay không có những sự kiện nổi trội, nếu phóng viên ảnh Việt Nam không tới được những “điểm nóng” trên thế giới thì chúng ta sẽ không thể có được những tác phẩm ảnh ngang tầm với thế giới. Anh có đồng tình như vậy không?

Justin Maxon, chàng phóng viên ảnh mới 23 tuổi người Mỹ đoạt giải Nhất ảnh đơn hạng mục Ảnh đời thường của World Press Photo 2008 với tấm ảnh “mẹ con chị Mùi” chụp 1 người mẹ tâm thần và đứa con mình đang tắm cùng nhau ở bãi giữa sông Hồng - Hà Nội, hay phóng viên ảnh cũng người Mỹ Ed Kashi (hãng VII) đoạt giải Nhì hạng mục Vấn đề đương đại của World Press Photo 2010 là minh chứng cho việc không phải Việt Nam ta thiếu đề tài, thiếu chất liệu để làm ra những tác phẩm lớn.

Vấn đề nằm ở năng lực của chúng ta thôi. Mặt bằng chung về trình độ của chúng ta còn thấp, đất dụng võ của chúng ta chưa nhiều và chưa được quan tâm thỏa đáng, sự say mê và nghiêm túc cho công việc của chúng ta chưa bằng họ. Phải thẳng thắn mà nhìn nhận thế.

Theo anh, chúng ta có những phóng viên ảnh tài năng hay không?

Thực ra, theo tôi, chưa bao giờ, ảnh báo chí Việt Nam có được một “đội hình” phóng viên ảnh có chuyên môn tốt như thời điểm vài năm gần đây: có trình độ, có kỹ thuật, có phương tiện, có được sự tiếp xúc, giao lưu với ảnh thế giới lại có độ chín về tuổi nghề. Có thể kể đến những cái tên nổi bật như Trần Việt Đức (SGTT), Việt Thanh (Vietnam News), Lê Anh Tuấn, Mai Kỳ, Hải Thanh, Đoàn Kỳ Thanh, Trang Dũng (CAND), Lê Hưng, Thanh Hải (Maika)…

Thế nhưng, đáng buồn là cho tới thời điểm này chính sự thiếu quan tâm đúng mực với ảnh báo chí đã khiến nhiều tay máy bắt đầu nản và rơi rụng dần. Họ dần quay ra những công việc ảnh khác có thể mang lại thu nhập cho mình tốt hơn hay thiếu dần đi chất “lửa” của say nghề. Đó là một điều thực sự xót xa cho những người làm nghề phóng viên ảnh cũng như cho ảnh báo chí Việt Nam hiện nay.

Cám ơn anh về cuộc trò chuyện này!

Theo ANTĐ
nguồn_bee.net.vn:http://bee.net.vn/channel/5421/201206/Coi-anh-bao-chi-de-minh-hoa-la-tu-duy-au-tri-1839446/
---------------------------------------------------------------------------------
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
           Sẽ xóa những comment nói tục
           Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001