Posted on 05.06.2012 by nguyentrongtao
VĂN CẦM HẢI
Từ rất xanh. Không vì vời xa trên núi Nojin Kangsa. Không thấp thoáng. Rất xanh và rõ ràng. Từ những ngọn rau ngủ chín màu mỡ trâu Yak. Như có ai gọi tên mình tỉnh dậy giữa bữa cơm trưa cao nhất tôi có trong đời mình! Bát cơm rệu rã! Hạt cơm im bặt. Hoang tàn từng mảnh nơ ron hoa trắng quán Tsangfu. Cái quán cơm nhỏ như chiếc túi vải của người đàn bà xứ Tạng mang bên hông thị trấn Langkhatzi. Dọc hai bên con đường đi qua thị trấn, những liếp nhà đắp bằng đất nằm kề bên nhau như bầy dê núi ngủ trưa dưới hiên nhà Himalaya.
Mây khước từ mặt trời. Con đường vẫn trong suốt ánh sáng hắt ra từ những ngọn núi tuyết. Tôi như chuỗi tràng hạt đứt tung trên con đường đất mềm và sáng hơn cổ tay người con gái Tây Tạng buông dọc thị trấn Langkhatzi.
Hơn nửa ngày trời lênh đênh giữa không gian cao hơn 5000 m, khi sa sả vực mây, lúc ngược ngàn núi tuyết tôi theo đó mà hư hao cho đến khi đổ gục trong quán Tsangfu. Máu tê dại khuôn mặt. Tôi không còn nhận ra cảm giác trên mười đầu ngón tay. Bát cơm nặng trĩu. Bất lực và vô cảm rơi xuống mặt bàn.
Nơi này không có hoa Chantai cho tôi vịn đứng lên. Nơi này không có một vị Lama nào điểm đạo cho tôi vượt qua mê lộ đau đớn. Nơi này không có một dòng khí ô xy sung mãn cho máu tôi được tươi mới giây lát.
Miệng khô hơn ngậm mặt trời tìm nước. Tất cả chai nước trong quán Tsangfu đều quá hạn sử dụng hơn một năm! Tôi muốn ngã lưng đâu đó trong nhà dân vậy mà cả thị trấn Langkhatzi đều không hiểu tôi muốn gì vì không ai biết tiếng phổ thông. Tôi trở thành con cá nhỏ, từ đáy sâu đại dương, đang khô dần trên cao nguyên Tây Tạng
Nhưng người đàn bà chủ quán Tsangfu lại không ngừng nghỉ ngơi nụ cười. Tay chuyền thức ăn, mắt nâu rói, miệng rộng mở, bước chân nhanh nhẹn từ bếp ra bàn, từ bàn ra bếp um khói, người đàn bà dọn thức ăn không khác gì con dê cái cho bầy dê con bú!
Những món ăn lầy lụa mỡ. Ngọn rau cải xào trên dĩa như được lớn lên từ vùng đất dày mỡ hoặc khi đương là hạt, người ta đã dầm nó vào mỡ rồi! Tôi không thoát khỏi ánh mắt mỡ trong những bữa cơm Namninh, Thành Đô và bây giờ là Tây Tạng. Buổi sáng, cháo trắng và trứng. Không biết một buổi sáng, trên đất nước Trung Quốc có mấy tỷ quả trứng bị đập vỡ! Trưa đến, chiều đi là những bữa cơm mỡ! Có cảm tưởng, bát chè ngọt người Trung quốc cũng nấu bằng mỡ!
Bửa cơm trưa cao nhất đời tôi vẫn có thịt, rau cải, gà xào, canh ngọt và có cả cá nữa! Tôi đói cơm nhưng không dám ngước mặt nhìn cơm. Tôi ước sao có một mâm cơm mặn cay xứ Huế, hoặc cơm người Tạng cũng được. Chỉ cần ít bột mì và rau quả, cốc rượu tsampa hay trà mặn là đủ no miễn sao đừng mỡ!
Sau cùng, con dê cái Tsangfu cũng dừng lại trước khuôn mặt tím đen của tôi. Chị ta hát ra một thứ âm thanh xa lạ. Tôi ụp mặt xuống bàn gỗ. Mùi mỡ ngấm cả ngàn năm trong từng thớ gỗ bốc lên, xuyên qua lớp da đông cứng máu, phả vào huyết quản tôi những cơn ói chực chờ.
Người đàn bà nói như hát. Tôi vẫn ụp mặt. Dốc mọi sức tàn còn lại chống chọi từng đợt sóng trào lên mắt môi. Người đàn bà nói như hát. Thổ ngữ chảy ra ào ạt như một dòng suối trên đỉnh núi Nojin Kangsa chảy xuống quán Tsangfu. Trên dòng suối âm thanh ấy, tôi nhìn tôi, con cá nhỏ vi vảy vào đại dương vô tận, ở nơi đó tôi cảm nhận được vị ngọt ngào của nước, vị sáng thanh tao của ánh binh minh bơi sâu vào lòng biển rộng!
Không đẹp nhưng đôi mắt phi thời gian cứ thản nhiên không có tuổi trên đôi gò má cao rám nắng nhìn sâu vào đuôi tim tôi. Người đàn bà vẫn nói như hát.
Người đàn bà này là ai? Từ nơi nào, từ bộ tộc nào người đàn bà đã đến đây dựng quán bán cơm cho những lữ khách mạo hiểm như tôi? Lạc Ba hay Môn Ba, Hạ Nhỉ Ba hay Bác Ba, hay Đăng? Tôi chỉ biết đây là một người sinh ra trong một bộ tộc làm nghề chăn nuôi trên cao nguyên Tây Tạng. Thân hình mạnh mẽ trong lớp áo lót đủ màu sắc hoa văn và chiếc áo lông dê viền đen khoác ngoài, dây thắt lưng buông thả xuống đất, người đàn bà như bình gốm cổ kính dốc rượu tsampa vào tai tôi. Thi thoảng, cái “bang thế”- tạp dề đeo bên hông cọ vào người tôi. Thi thoảng hai bím tóc và nhúm tóc dài quấn trong lớp vãi bố thành khung hình ba cạnh đeo đá tùng nhỉ khẻ chạm lên vai. Nghiêng nghiêng trên sườn vú, trong chiếc “ca ô”, bức tượng Phật và cũng có thể là một di vật lama nào đang kêu lên khe khẻ theo nhịp rung chuyển của ngữ điệu nói như hát!
Đôi mắt người đàn bà chủ quán Tsangfu, dường như tôi đã gặp trên một chuyến tàu từ miền Tây sang miền Đông nước Đức. Đó là đôi mắt của Marina, một người đàn bà phù thủy phương Tây. Suốt hành trình, từ buổi ban mai cho đến khi chiều hôm buông xuống trên thảo nguyên xanh miền Đông nước Đức, Marina không buông bàn tay áp trên ngực tôi cùng với những lời cầu nguyện rầm rì. Marina, đôi mắt sâu thẳm, nói với tôi rằng, Chúa Trời đã nghe và Ngài đang đến trong lời cầu nguyện cầu nguyện của bà. Marina nhắc nhở, nếu tôi mong ước gì hãy nói ngay trong lúc này. Tạ ơn Marina, mong sao bàn tay bà hãy buông ra khỏi ngực tôi! Phúc cho những ai không thấy mà tin! Ngay sau lời mong cầu âm thầm, Marina liền buông tay! Có lẽ, tay mỏi hoặc Marina đã đọc được ý nghĩ trong mắt tôi. Cho đến lúc chia tay ở nhà ga Halle, người đàn bà phù thủy Do Thái ấy mới cho tôi hay: Chúa nói với tôi rằng, anh là người không thích ai nguyện cầu thay cho mình!
Bây giờ đây, người đàn bà xứ Tạng nguyện cầu cho tôi chăng? Trong thân hình đang đứng trước mặt tôi, ngày xưa có ẩn chứa một thời thanh xuân cao nguyên buông lơi điệu múa Guoxie trong ánh sáng tinh khiết và nồng ấm của mặt trời và tuyết hòa quyện trên những bản làng xa xôi hay là một thời thanh xuân kinh kệ trong các hang động trên dãy tuyết sơn! Cái thuở chưa chồng, tóc mới một bím, bên hông chưa đeo “bang thế”, chân mềm dày “tùng ba”, người con gái Tây Tạng trước mặt tôi đã sống ra sao khi đêm và ngày chỉ có trăng sao, gió núi và tuyết sáng! Đời người như một nhát gõ enter trên bàn phím vi tính, lỡ tay là xóa hết dữ liệu nhưng đôi khi, cũng vì lỡ tay mà mọc lên một hàng chữ thiên thần! Liệu trên vùng đất sông sâu ngàn mét, núi cao ngửa mặt này, có ô đất nào thăng bằng đôi chân cho nàng nhảy dây, cho bàn tay nàng chơi trò ô ăn quan như dưới kia đồng bằng phì nhiêu nước Việt? Cho đến hôm nay, khi nhân loại đã chăm sóc bầu trời bằng sóng điện tử thì trên những vùng núi Tây Tạng, tôi lang thang nhìn những đứa trẻ Tạng chăn dê bằng đá!
Trên cổ chúng quấn một sợi dây bện bằng lông dê tưởng là khăn quàng lạnh nhưng hóa ra đó là thứ chúng buộc đá để chăn dê, muốn bầy dê đi về phía phải thì ném bên trái và ngược lại! Cùng với sợi dây len, người Tạng còn dựa vào màu sắc ánh sáng để dạy cho dê biết nơi nào có cỏ nơi nào không!
Dải thắt lưng của người đàn bà trước mặt tôi, có lẽ khi cần cũng trở thành một dụng cụ buộc đá chăn dê không chừng!
Người đàn vẫn nói như hát!
Hay bà đã đang chữa bệnh cho tôỉ
Khi người cùng chung với phòng của tôi bị ốm. Một bác sỹ quân y đến khám. Sau một hồi rà soát thân thể, người bác sỹ kia phán rằng, muốn lành bệnh ông ta phải làm tình! Phải đến hơn ba lần hỏi , tôi mới xác định ông bác sỹ không đùa! Còn người bệnh, một ông già hơn sáu mươi sức đang tàn hơi đang kiệt lo vỡ mạch máu ấy gần như đổ xuống giường bất lực!
Tôi bây giờ chẳng ai khuyên làm tình!
Tôi bây giờ chỉ nghe người đàn bàn nói như hát! Ngoài kia con đường vẫn sáng mặc kệ mây lạnh phủ kín. Xa xa những cánh đồng Tsampa vào mùa gặt, vàng mơ từng hạt tuyết lấm tấm. Trời mây khói. Núi tuyết. Lúa Tsampa. Và bộ áo quần hoa văn của người đàn bà đã làm nên một lễ hội màu sắc trong mắt tôi.
Tôi vẫn bình tĩnh để biết, chắc rằng bà không phải là một vị Bồ Tát, một nữ thần Tara hiện ra giữa thị trấn xa xôi này để cứu tôi. Và bà cũng không phải Vũ công trên không gian -Yeshe Tsogyel, người đã biến hóa tan hòa vào khối tinh thể của vũ trụ để thấm nhuần đặc tính linh huyền của chân Không Diệu Hữu, đạt được khả năng tuyệt đối ứng xử mọi diệu dụng của chư Phật. Sinh 757 sau Công Nguyên, Yeshe Tsogyel là người phụ nữ huyền thoại của xứ Tạng. Chối từ mọi lời cầu hôn để yêu với một tình yêu tối thượng tâm linh với Padmasambhava, người đầu tiên truyền Phật giáo vào Tây Tạng.
Sau khi được Padmasambhava chỉ lý nhân quả, vượt qua bao thăng trầm thử thách, Yeshe Tsogyel đã trở thành Phật, nàng hóa thân và hiện hữu khắp nơi, che chở xứ Tây Tạng bằng tấm lòng từ bi, trí tuệ và quyền năng vô lượng chiến đấu với các pháp sư đạo Bon trong tư thế ngồi kiết già trên hoa sen bay giữa không gian, lửa phun ra từ mười ngón tay, vẽ nên những sợi mềm như bơ và sau cùng phóng thành tia sét tiêu diệt đám phù thủy. Nàng mang lòng cảm hóa kẻ xấu thành người tốt và nàng cũng như đức Phật bị ma nữ quấy rỗi khi Ngài ngồi dưới bóng cây Bồ đê, nàng thú nhận nàng cũng bị hình ảnh những chàng trai tuấn tú và cường tráng cám dỗ.
Tôi bây giờ chỉ là một xác tàn hoang dại, nhẹ hơn kiếp lá có gì đâu mà cám dỗ?
Hay người đàn bà Tây Tạng này là một tín đồ của nữ anh hùng Machig Lapdron sống từ 1055 đến 1145 sau công nguyên, người đã khai sinh ra một trong những pháp môn quan trọng nhất của Phật giáo Tây Tạng và còn được lưu truyền cho đến những ngày hôm nay. Đó là Chođ pháp quán máu trong tử thi đông đặc lại!
Những người tu theo pháp môn Chod, đêm đêm đi tìm kiếm xác chết để quán chiếu từng bộ phận của xác thân con người bị xẻ ra, nhưng không phải cho chim ăn mà họ lại bỏ vào nồi ninh nhừ rồi đem cho loài thú hoang ăn! Phía sau câu chuyện rùng rợn kia là một tâm linh huyền bí với ý nghĩa khi hành động như vậy, vị hành giả sẽ từ bỏ được những tham chấp bấu víu nơi thân xác, không còn bị thân xác sai khiến, con người không trở thành nô lệ của chính xác thân. Một hành động Xả Kỷ, Phá Chấp triệt để, từ bỏ thân xác để bước lên tầng tu thượng thừa hơn nữa!
Người đàn bà nói như hát!
Tôi vẫn ngồi im lặng. Tôi chưa chết cho bà xẻ xác nấu chín cho thú hoang. Ngược lại, tùy theo tiết điệu lúc nhanh lúc chậm, khi cứng khi mềm, len lỏi vào thân thể làm những sợi dây thần kinh tím ngắt lần hồi chuyển màu.
Lẽ nào người đàn bà là một nữ phù thủy của đạo Bon đang trình diễn huyền thuật trong quán Tsangfu
Mặc dù xứ Tạng là xứ Mẫu hệ, một người đàn bà có thể lấy nhiều chồng, một người đàn bà có thể lấy hai anh em nhưng tôi biết trong mắt tăng lữ, các nữ tu bị xem thường. Theo quan niệm, phụ nữ ” thân bất tịnh” bởi thời kỳ kinh nguyệt nên người phụ nữ không được bước vào chốn thiêng liêng. Ngay cả một người từ bi vô lượng như Phật cũng không cho phụ nữ làm Chuyển Luân Thánh Vương, thậm chí là Ma vương, làm ma cũng không được! ” Khi người phụ nữ có kinh nguyệt thì bị đau đớn, dơ bẩn, hôi hám và những triệu chứng đó gây ra những trạng thái bất thường hay bất ổn tâm lý cho người nữ. Vì thế người nữ không tập trung thiền định, hay mất cân bằng tâm trí. Đó là một trong nhiều trở ngại lớn của người nữ trong công cuộc thăng hoa tâm linh!
Như con sóng đầu nguồn suối theo âm thanh kia về với biển cả. Tôi đã tỉnh dậy. Dòng máu trên khuôn mặt tan chảy. Sự thê thảm trong ánh nhìn đã xanh hơn. Và tôi tiếp tục bưng bát cơm lên ăn hết phần còn lạị
Tôi nhớ tiếng hát cô Yêm, người y tá săn sóc tôi. Hai mươi năm đã qua, nhưng tôi vẫn nhớ lời những bài hát, giai điệu âm thanh, tiếng thở lấy giọng của ngời nữ y sỹ đã dùng tiếng hát băng bó tâm hồn đau đớn của tôi.
Nhưng người đàn bà không hát, chỉ nói như hát!
Người đàn bà bước vào bếp. Trên tay bưng một cốc sữa. Sữa không khói nhưng sao ấm bàn tay. Cái cốc sữa làm tôi nhớ một đêm xa bên bờ sông Hương, trong cơn sốt quằn quại, Thanh-một kỷ nữ vĩa hè đã trao cho tôi. Thanh bây giờ đã chết. Chồng Thanh bắt Thanh phải đi đêm. Thanh nhục. Thanh tự tử. Mộ Thanh xanh từ lâu trên núi Ngự Bình.
Tôi nâng ly sữa nhấp môi lần thứ nhất. Bisaso! Trời ơi! Mùi sữa thơm da thịt người! Nhưng không thể dừng tay! Tôi lại nhấp lần thứ hai theo đúng lễ nghi trước khi uống cạn. Sữa chảy đến đâu tâm thế tôi tươi xanh tới đó. Tựa cây khô thay hoa ra lá khi mùa xuân đến.
Tôi ngước mắt nhìn cảm ơn người đàn bà Tây Tạng. Người đàn bà mỉm cười. Trước khi chị quay vào bếp tôi vừa kịp nhìn thấy, trên ngực áo khoác lông dê đẩm ướt bầu vú cao!
Sữa, thức ăn đầu tiên của một đời người, theo ngôn ngữ Mật tông, sữa là là bođhicita, là ý nghĩ vừa là tinh khí vươn đến tâm điểm rốn. Tôi đã đọc được ý nghĩ của sữa, dòng tinh khi tuôn chảy vào lòng tôi! Và tôi đi tìm cội nguồn sinh ra dòng sữa tươi đang miên mãn máu xương tôi.
Nồng nàn khói phân dê. Đôi vú người đàn bà Tây Tạng nhô cao bầu trời! Một bầu trời đầy đặn ánh sáng soi sáng góc bếp. Những giọt sữa trắng như hoa tuyết trên cánh đồng Tsampa vương đọng trên môi đứa bé vài ba tháng tuổi.
Vú là tiếng nói của tình yêu thương. Nhìn vào vú, người ta có thể biết tính cách một dân tộc
Vú có quan hệ với bản nguyên nữ, có sự chừng mực trong giới hạn, vú phải tượng trưng cho mặt trời vú trái tượng trưng cho mặt trăng. Là nơi cho thân phận ẩn náu ngay khi vừa ra đời, là sự hứa hẹn tái sinh của nhân loạị
Tôi đã đi qua bao nền văn minh vú.
Vú Trung Đông huyền bí, hai nhũ hoa cô đơn như hai con mắt sa mạc xa xăm. Vú Nam Âu nồng ấm, không sáng lạnh như vú Bắc Âu, rất mềm mại nhưng khó nâng trên tay vì tính buông thả. Vú Trung Mỹ hồn nhiên, biến tất cả trở thành con trẻ trước khuôn ngực mênh mông. Vú Digan nồng nàn mà u sầu, từng đường cơ khi nằm hay lúc ngồi, vú đều cong lên chờ đợi. Vú châu Phi, dù đến kiếp sau vẫn không chừa tính khiêu khích, nó ngược lại với sự khiêm tốn, hai bầu vú ẩn kín nội lực sung mãn trong tư thế thiền định trên ngực con gái châu á.
Bao nhiêu miền vú bao nhiêu miền tính cách nhưng không thể, không bao giờ có một đôi vú kỳ diệu và lạ lùng như vú Himalaya. Rất tự do, như người đàn bà Tạng vào mùa nóng hồn nhiên tụt áo xuống mông, lộ mình trần mà đi chăn dê, đôi vú không hề ưu t trước mắt kẻ lạ! Nó mang đến một trạng thái hồn nhiên bao la cho thế giới. Nó làm cho trái đất lịm tắt tiếng súng. Nó gội sạch mùi bom đạn vốn hòa tan trong dòng sữa Mẹ năm xưa tựa vào vách hầm chữ A nuôi nấng tiếng khóc đầu tiên của tôi vươn qua từng đêm chiến tranh.
Lần đầu tiên tôi thấy Qomolangma hoang mang. Trước bầu vú, nó không còn là những đỉnh cao nhất trên trái đất này.
Như biết tôi đang say sưa. Người đàn bà kéo rộng vạt áo lông dê. Cả khuôn ngực hiện ra vời vợi. Hai bầu vú sung mãn, nguồn sữa nhân loại dường như xuất lộ từ đây. Sữa đầy nhưng bầu vú không ngã nhoài mà tự tin đến ngạo nghễ vươn lên. Uống dòng sữa này, trong giống người hiện đại- Homo sapiens, ngoài đức tính khôn ngoan còn có ngây thơ! Tôi muốn làm con trâu Yak ngây thơ cọ quàng nhặt sữa dưới bóng trời Tsangfu!
Bởi trước khi thành Phật, đôi môi Milarepa, cũng như tôi và nhân loại đã bay lên từ loài trời vời vợi tình yêu thương này!
Âm thanh từ đôi vú màu mật ong lại ngân dài qua da thịt như hát trong vòm bếp ám khói. Những nồi chảo úp lên tường đất giống đám vú bám lên vách đá. Người đàn bà có giống vị lama đầu bếp giác ngộ, truyền sức mạnh tâm linh vào từng hạt cơm miếng canh tôi ăn.
Chảy trong mình dòng sữa thơm của người đàn bà Tây Tạng, tôi chợt hiểu Phật đã nhầm vì trong mắt tôi người đàn bà chủ quán Tsangfu đã thành Phật trong hình tướng một người nữ! Nếu không, bà sẽ không bao giờ luyện được phép trị bệnh bằng âm thanh câu thần chú linh thiêng nhất xứ sở Tây Tạng mà tôi đã nghe thấy hơn một năm về trước trong buổi hoàng hôn cuối cùng Hilversum, trước khi chia tay Hà Lan!
ĐỌC THÊM KÝ VÀ TẢN MẠN CỦA VĂN CẦM HẢI
Đi Với Tang, Dưới Mưa Lhasa! *.Những Con Ong Mật Như Lai.
Nơi Nietzsche Sinh Ra Để Trở Thành Bất Tử.
Sợi lông nách của hành tinh xanh
Tiếng Hát Bất Tử Trên Himalaya
(nguồn nguyentrongtao.com)
------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để
xả stress
Sẽ xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001