Hoa Kỳ và khu vực châu Á Thái Bình Dương
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vừa công bố bài xã luận phản ánh quan điểm chính thức về quan hệ giữa Hoa Kỳ và khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vừa công bố bài xã luận phản ánh quan điểm chính thức về quan hệ giữa Hoa Kỳ và khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Ngoại trưởng Clinton nói tương lai của nền kinh tế toàn cầu và tiến triển của dân chủ, nhân quyền dựa phần lớn vào những gì xảy ra tại vùng châu Á-Thái Bình Dương
Mới đây tại Trường Hải quân Hoa Kỳ ở Maryland, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton nói: “Tương lai của nền kinh tế toàn cầu, tiến triển của dân chủ, nhân quyền, và hy vọng của chúng ta về một thế kỷ 21 ít đổ máu hơn thế kỷ 20, tất cả đều dựa phần lớn vào những gì xảy ra tại vùng châu Á-Thái Bình Dương.”
Bà Clinton nói tiếp: “Hiện nay, không có một đế quốc chuyên chế nào đe dọa thế giới. Nhưng những nước tham gia cuộc chơi mới đang ngày càng có nhiều ảnh hưởng trong các vấn đề quốc tế, hậu quả là cơ cấu sau thế chiến cần có một số cải tiến.”
Trong những năm sau Thế chiến Thứ hai, Hoa Kỳ và các đối tác của mình xây dựng một trật tự thế giới mới - một kiến trúc về định chế, chuẩn mực, và những liên minh đưa đến hòa bình và thịnh vượng trên toàn Thế giới Tự do.
Sự hội nhập kinh tế ngày càng tăng đã nâng mức sống của con người, trong lúc những quyền tự do căn bản được bảo vệ trong luật quốc tế, dân chủ bám rễ và lớn mạnh.
Tuy nhiên những vùng mới trỗi dậy, đặc biệt là khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đã trở thành những lực đẩy chính của chính trị và kinh tế toàn cầu. Giữa tất cả những thay đổi này, hai điều căn bản vẫn còn.
Ngoại trưởng Clinton nói: “Thứ nhất, vẫn cần có một trật tự thế giới bền vững, cởi mở và công chính để tăng tiến hòa bình và thịnh vượng trên toàn thế giới. Và thứ hai là trong khi các thế lực ảnh hưởng toàn cầu có thể đã thay đổi, sự lãnh đạo của Hoa Kỳ vẫn cần hơn bao giờ hết.”
Khu vực châu Á-Thái Bình Dương, từ Ấn Độ Dương cho đến bờ biển phía tây của châu Mỹ, là nơi cư ngụ của một nửa dân số thế giới, có một số đồng minh tin cậy nhất của nước Mỹ, có những cường quốc kinh tế mới trổi dậy--như Trung Quốc, Ấn Độ, và Indonesia--có nhiều tuyến đường mậu dịch và năng lượng năng động nhất trên thế giới.
Ngoại trưởng Clinton nói tiếp: “Mục đích của chúng ta là xây dựng những định chế trưởng thành và hữu hiệu có thể động viên những hành động chung và giải quyết hòa bình những tranh chấp, soạn ra những qui luật và chuẩn mực giúp quản lý những mối liên hệ giữa con người, thị trường, quốc gia, và thiết lập những thỏa thuận an ninh giúp ổn định và xây dựng niềm tin.”
Bà Clinton kết luận:
“Tuy nhiên có những nguyên tắc phổ quát và cần phải được bảo vệ: các quyền tự do căn bản, phẩm giá con người, hệ thống kinh tế cởi mở, tự do, minh bạch và công bằng; giải quyết hòa bình những tranh chấp, và tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia.
Đây là những chuẩn mực có lợi cho tất cả mọi người và giúp tất cả dân chúng và quốc gia duy trì cuộc sống và giao thương trong hòa bình. Hệ thống quốc tế căn cứ trên những nguyên tắc này giúp thúc đẩy chứ không phá hoại sự lớn mạnh của Trung Quốc và những cường quốc mới trổi dậy khác, như Ấn Độ và Indonesia.”
* Bài xã luận "Hoa Kỳ và khu vực châu Á Thái Bình Dương" phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ
(nguồn TGNV.net)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001