Thứ Bảy, 26 tháng 5, 2012

LỘC!
(Tamnhin.net) - LỘC! Vâng, tôi đang muốn nói đến vấn đề “nhạy cảm” ấy – LỘC!

Mỗi năm Việt Nam có tới 8902 lễ hội


Lộc là danh từ, có 3 nghĩa. Nghĩa thứ nhất là chồi non của cây. Giờ giao thừa bước sang năm mới, dân ta có phong tục đi hái một ít chồi non – gọi là “hái lộc”, rồi mang về bầy ở nhà trong mấy ngày Tết, với hy vọng, năm mới sẽ có nhiều LỘC – cái chồi non của cây trở thành biểu tượng của tiền của, thứ mà ai ai cũng khao khát, ai ai cũng vất vả lao động ngày đêm để kiếm bằng được nó! Nghĩa thứ hai là “bổng” của các vị quan chức – gọi là “bổng lộc”. Loại “lộc” này lớn, nhỏ tùy thuộc vào chức tước, gọi là “lộc tước”. Thông thường, chức tước càng cao, lộc càng lớn (Lương cao lộc hậu). Lộc này cũng được cân đong bằng tiền, vàng, bằng xe hơi, bằng máy bay và bằng những dinh cơ sang trọng xây dựng nơi đắc địa, nơi tấc đất có giá hàng trăm, ngàn tấc vàng…
Nghĩa thứ ba của LỘC là “vật chất có giá trị do đấng linh thiêng ban cho” – Lộc Trời! Đấy là ý nghĩa tâm linh của danh từ Lộc.
Xưa nay, LỘC hầu như không bỗng dưng mà đến với ta. Muốn được LỘC, con người cần biết cầu xin. Cầu xin ai? – Đương nhiên là cầu xin BỀ TRÊN và THÁNH THẦN rồi. Không thế, chẳng nhẽ lại đi cầu xin mấy ông bà nông dân, công nhân (là “chủ nhân ông đất nước” thật đấy, nhưng lấy đâu ra của mà phát lộc)?!. Bề trên thường ban lộc bằng chức bằng tước chứ ít khi bằng tiền của – Có chức có tước đương nhiên là có bổng, có lộc, có tiền, có vàng… rồi! Thánh Thần ban lộc bằng việc cho tín chủ “buôn một bán mười”, bằng cho “con nhang” được “nhất bản vạn lợi” và bằng cả việc cho “đệ tử” luôn “thăng quan tiến chức” nữa! Lòng tham con người vốn vô hạn, “chin đụn, muốn đụn nữa là mười”. Cho nên Thánh Thần cũng rất chều lòng. Chả thế mà các đình chùa ngày càng có nhiều người đến cầu xin, càng kẻ giầu sang càng hay cầu xin (xưa, các cụ nói rồi: “phú quý sinh lễ nghĩa”),.. Không tin, Tết này quý vị cứ thử đến chùa, đền, đặc biệt là đến những nơi được đồn đại là linh thiêng, mà xem. Chắc chắn sẽ thấy số người có của, có chức đông hơn ngàn lần dân thường. Có nơi ban tổ chức “lễ hội” còn phát phù hiệu mầu đỏ, mầu vàng theo chức sắc, để ngăn những người thường không được tự tiện nữa kia!.. Dân nghèo không có tiền xắm lễ, đành lê la ngoài cổng, cầu xin người đi lễ rủ lòng thương vậy. Mà ai chứ các phu nhân đi lễ, thường hay làm việc thiện lắm, thích thể hiện mình là người nhân đức mà! Vậy là người ăn xin cũng rất hiểu tâm lý các bậc phu nhân, phải không?
Đã nói đến chuyện cầu xin, lại là xin lộc, thì “lễ” phải lớn. Lễ lớn thì lộc lớn, kinh nghiệm thế. Lễ với bề trên cũng vậy, lễ với Thánh Thần càng vậy (thì vẫn chả nghe nói “trần sao âm vậy” sao?). Trên trần thì dùng “tiền thật, thóc tươi”, ngoại tệ mạnh càng tốt. Cõi âm thì dùng vàng mã, tiền âm phủ. Tại dinh thự bề trên dịp lễ tết, xe con đủ chủng loại vào ra tấp nập. Phong bi phong bao rút ra cười nói rôm rả từ sáng tới khuya. Tại các đền chùa thì lò hóa vàng mã lúc nào cũng rừng rực lửa. Con nhang đệ tử chen vai thích cánh khấn vái xì xụp. Vài chục năm gần đây, người ta còn “phát minh” ra cách mới, không phải chỉ “xin” mà còn “vay” lộc nữa (vay của thánh thần thì có lẽ chỉ người Việt mình dám làm thế, chứ chắc chả nước nào trên thế gian này cả gan như vậy?). Nhưng người Việt ta cũng biết trọng chữ “tín” lắm, năm trước vay, năm sau làm ăn khấm khá, lại lên “lễ tạ” và “trả nợ”. Rồi lại xin vay tiếp! Có người sợ không có trả, thi không vay mà chỉ khấn xin “nhặt nhạnh chút đồng rơi đồng vãi” của Thánh Thần (đôi khi không phải chỉ vì lo không có trả, mà còn là... tiếc không muốn trả, nên nói tránh đi thế!).
Xin Thánh Thần thì có thể đàng hoàng, công khai (kể cả công khai nhờ thầy cúng làm sớ cầu khấn hộ). Nhưng xin bề trên thì không. Phải “tế nhị”, phải qua “trung gian”, phải “đi cửa sau”, phải cậy nhờ “phu nhân” (khi bề trên là nam) hoặc “phu quân” (nếu bề trên là nữ). Lại còn phải biết lựa “thời điểm”, không thể bạ lúc nào cũng… xin. Dịp Tết nhất như thế này mà làm việc đó là thuận lợi và hợp thời nhất, lại dễ đạt nguyện vọng nhất. Ngoài ra, cũng có thể chọn những dịp gia đình bề trên có những sự kiện hệ trọng như có việc hiếu, việc hỷ hoặc có người đau yếu… (mà đôi khi chính một số bề trên cũng hay “bầy đặt” ra các lễ nghi kiểu này, để tạo “điều kiện” giúp kẻ dưới có dịp bầy tỏ, đồng thời giúp bề trên kiểm tra lòng trung thành cũng như sự biết ơn của kẻ dưới!). Đã có những “nguyên mẫu” dùng kế mượn cái chết của… bố nuôi (cái sự “nuôi” này cũng là mượn!). Lại có “nguyên mẫu” khi sắp về hưu, liền dùng kế cho phu nhân đóng vai ốm, nằm bệnh viện như thật, thậm chí còn thân chinh đặt phu nhân lên xe lăn và tự tay mình đẩy chiếc xe đó nữa – một màn kịch rất hoàn hảo, không thể chê vào đâu được! Để làm gì? Thưa, để làm chuyến “tầu vét” của biếu của thiên hạ! Cao thủ chửa?!.
LỘC là thứ “bất khả tận hưởng”. Kinh nghiệm nhiều đời chỉ bảo thế. Vậy cho nên, phu nhân các bề trên cũng hay đi làm từ thiện lắm. Nhờ thế mà các cháu con nhà nghèo khó, đôi khi cũng được “mở mày mở mặt” nhờ nhận được ít “đồng rơi đồng vãi” đó.
Đánh vào tâm lý khát khao cầu tài cầu lộc ấy của một “bộ phận không nhỏ” chúng dân, một số đình chùa còn “sang tác” ra nhiều thứ “lễ hội” mới. Chỉ căn cứ vào con số thống kê của Cục Văn hóa thông tin cơ sở, Bộ Văn hóa Thông tin vừa công bố, mỗi năm nước ta có tới 8.902 lễ hội - ấy là thống kê năm 2004, chứ nay chắc còn phải nhiều hơn nữa. Có những “lễ hội ăn khách”, địa phương này làm, địa phương khác cũng bắt chước làm theo, mặc dù xưa nay không hề có lễ hội đó (“máu tham hễ thấy hơi đồng là mê”) – Đó là sự tham dẫn đến trò lừa bịp. Chưa hết. Ăn theo lễ hội còn là nạn trộm cắp, cướp giật; nạn “chặt chém” khách thập phương bằng những “dịch vụ” như ăn uống, nghỉ trọ, trông coi xe… đã thừa dịp móc túi một cách tàn bạo – Cái này chính là sự tham gắn với ác! Kẻ cùng đinh ác và người giầu sang cũng ác. Càng muốn mau thỏa mãn lòng tham, càng phải tàn ác!
LỘC tồn tại thất thường. Với người này thì hưởng cả đời, với kẻ kia lại chỉ được có một thời gian ngắn thì… “hết lộc”. Người ta bảo đó là do “hồng phúc” nhà ấy quyết định. Người hiền lành có lộc, thì lý giải là nhờ “tu nhân tích đức”. Kẻ sống thất đức mà vẫn có lộc, thì bảo nhờ kiếp trước sống nhân từ, nên kiếp này hưởng! Căn cứ vào những lý giải ấy, có thể suy ra: Vậy thì những kẻ hiện thời sống thất đức, lợi dụng quyền chức vơ vét hết lộc của dân, thì kiếp sau họ sẽ phải “trả”, trả rất đắt, đúng không ?
Hết lộc !

TRẦN HUY THUẬN
(nguồn tamnhin.net)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001