Thứ Hai, 21 tháng 5, 2012


Những chuyện ít được kể về Phong trào đấu tranh ở đô thị miền Nam 1954-1975

Sau nhiều năm chờ đợi, tập hợp các công trình nghiên cứu, ghi chép của các nhà nghiên cứu, người trong cuộc, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước... một hội thảo quy mô lớn nhằm tái hiện tầm vóc và ý nghĩa của phong trào đấu tranh của sinh viên - học sinh, trí thức, văn nghệ sĩ... tại các đô thị miền Nam giai đoạn 1954-1975 được tổ chức tại Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) trong hai ngày 17 và 18-5-2012.

TTCT trích đăng một vài tư liệu, hồi ức và nhận định.
Không hổ thẹn về một thời trai trẻ (*)
TTCT - Đó là lời kết trong bài viết của một nhóm cựu sinh viên từng tham gia phong trào sinh viên học sinh Huế - một trong hai trung tâm của phong trào đấu tranh đô thị miền Nam thời chống Mỹ (cùng với Sài Gòn) với hồi ức về giai đoạn 1971-1972 - cao điểm của phong trào.
Biểu tình rầm rộ trên đường phố Huế năm 1971- Ảnh tư liệu do Nguyễn Duy Hiền cung cấp
Vào đầu thập niên 1970, chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ đã bị phá sản. Tranh thủ tình thế đó, Tổng hội sinh viên (THSV) Huế đã đẩy phong trào đấu tranh đô thị thành cao trào, tạo sự bất ổn thường xuyên trong lòng địch, làm suy giảm thế chính trị của chế độ Nguyễn Văn Thiệu, bóc trần dã tâm xâm lược Việt Nam của đế quốc Mỹ.
Giai đoạn này có ba sự kiện nổi bật: đại hội sinh viên học sinh miền Nam (kỳ III) tại Huế ngày 28-7-1971, cuộc “biểu tình thầm lặng” ngày 18-8-1971 và cuộc đấu tranh chống trò hề bầu cử “độc diễn” của Nguyễn Văn Thiệu tháng 10-1971. Trong đó, cuộc đấu tranh vào những ngày tháng 10-1972 là hình ảnh trẻ trung, hào hùng không thể nào quên.
Chống trò hề bầu cử “độc diễn”
“Bức tranh đầy màu sắc của phong trào đấu tranh của thanh niên, học sinh, sinh viên ở các đô thị miền Nam mang những đặc điểm đậm nét và rất độc đáo vào toàn cảnh chiến trường miền Nam, như một bộ phận không tách rời, góp phần làm nổi bật vai trò, vị trí của một trong ba vùng chiến lược (vùng nông thôn, vùng đô thị, vùng rừng núi) và ba mũi giáp công (chính trị, vũ trang, binh vận) theo đường lối của Đảng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.
(Trích “Một số suy nghĩ về đặc điểm và tính chất phong trào thanh niên sinh viên học sinh các đô thị miền Nam thời chống Mỹ” - PHẠM CHÁNH TRỰC)
Để duy trì Nguyễn Văn Thiệu, Mỹ đã giúp Thiệu loại bỏ các đối thủ và bày ra cuộc bầu cử “độc diễn” để tiếp tục “hợp thức hóa” vai trò tổng thống của Thiệu. Âm mưu này hết sức nguy hiểm vì “Thiệu còn, chiến tranh còn” nên THSV Huế đã phát động cuộc đấu tranh cương quyết tẩy chay cuộc bầu cử bịp bợm này trước và sau ngày 3-10-1971.

Cuối tháng 9 đầu tháng 10-1971, một “trạm chỉ huy” tạm thời của THSV Huế đã được thiết lập trên sân thượng Trường đại học Văn khoa, nhìn ra ngã tư đường Lê Lợi - Duy Tân (nay là Hùng Vương). Tại trạm chỉ huy có đặt một loa phát thanh lớn hướng về phía cầu Trường Tiền và chợ Đông Ba. Một bộ phận thường trực 24/24 giờ, viết bài và cho phát thanh qua loa tăng âm các nội dung chống Mỹ - Thiệu, đặc biệt lên án gay gắt cuộc bầu cử dối trá của Nguyễn Văn Thiệu cho công chúng nghe, nhất là vào giờ tan sở, công chức, người lao động, sinh viên, học sinh... đi về rất đông.
Hoàng Thị Thọ (nữ sinh Trường Đồng Khánh) được phân công đọc bài trong các buổi phát thanh với giọng đọc y hệt giọng của phát thanh viên Đài Tiếng nói Việt Nam (Hà Nội). Vì vậy, trong các báo cáo trình chỉ huy, mật vụ cho rằng “sinh viên mở đài Việt cộng cho đồng bào nghe”.
Ngày 1-10-1973, cả thành phố dậy sóng sau khi một biểu ngữ màu đỏ dài 50m mang dòng chữ “3/10 nhân dân Huế nhất định đập tan âm mưu của Mỹ duy trì Thiệu kéo dài chiến tranh” được căng lên trước bao lơn của Trường đại học Văn khoa Huế, nơi được chọn làm căn cứ chỉ huy cuộc đấu tranh. Cả một góc phố ở ngã tư Lê Lợi - Duy Tân đông nghịt đồng bào và học sinh, sinh viên. Nhiều cuộc biểu tình, mittinh trước và sau ngày 3-10-1971, do THSV tổ chức, chống bầu cử và phủ nhận kết quả bầu cử, nhất là sau khi Thiệu trơ trẽn tuyên bố “đắc cử”, đã làm mọi sinh hoạt của thành phố gần như bị tê liệt.
Khi sự phẫn nộ của sinh viên, học sinh và đồng bào Huế lên cao trào, trước nguy cơ bị dư luận thế giới lên án trò hề bầu cử, chính quyền bấy giờ quyết định phản công phong trào đấu tranh bằng vũ lực. Họ cho cảnh sát dã chiến tấn công “căn cứ chỉ huy” cuộc đấu tranh ở sân thượng tiền sảnh Trường đại học Văn khoa bằng lựu đạn cay, vây bắt và truy đuổi các sinh viên, học sinh đang “trực chiến” ở đó, đồng thời đàn áp mạnh tay các cuộc biểu tình.
Trước tình thế nguy cấp đó, THSV phải cho dừng các hoạt động đấu tranh, Ban chấp hành THSV và các sinh viên, học sinh chủ chốt của phong trào tạm thời rút lui “lánh nạn” ở các chùa Linh Quang, Vạn Phước, Tường Vân và tu viện Thiên An. Anh em được các nhà sư và linh mục che giấu, nuôi ăn một thời gian ngắn. Các lực lượng khác cũng tạm thời “án binh bất động” để tránh tổn thất về con người cho phong trào.
Khẩu hiệu chống Mỹ, chống bầu cử độc diễn của Nguyễn Văn Thiệu trên tường Đại học Văn khoa và Đại học Khoa học Huế (nay là khách sạn Morin) - Ảnh tư liệu
Tuy cuộc đấu tranh chống bầu cử độc diễn của Nguyễn Văn Thiệu bị dập tắt nhưng đã góp phần không nhỏ làm cho đông đảo cử tri tỉnh Thừa Thiên tỏ thái độ tẩy chay cuộc bầu cử. Mặt khác, đối với dư luận tiến bộ và các phong trào phản chiến trên thế giới lúc đó càng nhận diện rõ hơn thái độ ngoan cố của đế quốc Mỹ và tư cách hèn mạt của Nguyễn Văn Thiệu trong âm mưu kéo dài chiến tranh Việt Nam.
NHÓM TÁC GIẢ
“...Chỉ có văn nghệ học sinh, sinh viên các đô thị mới biểu trưng nổi cho một khí thế chưa từng xảy ra ở các đô thị bị chiếm, văn nghệ được nâng thành một phong trào hẳn hoi cho quần chúng trẻ tuổi, một phong trào mang sức nặng và trang bị độ sắc nhọn đủ tự thân là phong trào cách mạng, một hình thái chiến đấu, một lực lượng đông đúc, rất khó tìm “đối tác” với phong trào văn nghệ học sinh, sinh viên các đô thị miền Nam thời đánh Mỹ ở các quốc gia bị chiếm đóng...
Văn nghệ học sinh, sinh viên các đô thị miền Nam thời chống Mỹ là một mắt xích trong tổng thể nền văn nghệ dân tộc Việt Nam. Nó xứng đáng ở vị trí ấy bởi vì nó đã chứng minh và nâng cao tâm hồn Việt Nam trong một giai đoạn, bởi nó thừa kế tinh anh của những người đi trước, của chiều dày văn hóa của tổ tiên và trên tất cả, bởi nó là Việt Nam, là hơi thở của lớp trẻ Việt Nam... Nó là lịch sử. Do là lịch sử, nó có sức sống riêng. Một thời và mãi mãi...”.
(Một thời và mãi mãi - TRẦN BẠCH ĐẰNG. Trích cuốn sách Tiếng hát những người đi tới do báo Thanh Niên - báo Tuổi Trẻ - NXB Trẻ hợp tác xuất bản năm 1993)
Nhóm Tìm hiểu văn sử - một tổ chức công khai, mang tính học thuật - đã tìm nhiều cách khai thác các đề tài về lịch sử và văn học để quảng bá tinh thần yêu nước, đấu tranh chống ngoại xâm, động viên giới trí thức hướng đến lý tưởng bảo vệ độc lập dân tộc, hưởng ứng công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam Việt Nam. Một cuộc triển lãm, một buổi diễn thuyết và phát hành tập san kỷ niệm 48 năm húy nhật nhà cách mạng Phan Chu Trinh đã mở đầu cho hoạt động của nhóm.
Anh chị em đã sưu tầm trên 100 ảnh và thư với chủ đề Phan Chu Trinh, trong đó giới thiệu hai bộ ảnh Bộ ảnh thứ nhất Tình cảnh nô lệ của đất nước thời kỳ Phan Chu Trinh thể hiện hình ảnh đói khổ của nhân dân, cảnh sĩ phu Cần Vương, Văn Thân mang gông cùm, bị hành quyết, cảnh nô lệ tủi nhục với những dòng ghi chú kích động, nói nửa xưa nửa nay. Bộ ảnh thứ hai là cảnh các tầng lớp nhân dân biểu tình trong lễ tang, lễ truy điệu Phan Chu Trinh, gợi lên sức mạnh của quần chúng xuống đường với biểu ngữ chống thực dân, với rừng người trùng điệp.
Đặc biệt là Trần Viết Ngạc đã sưu tầm được bức thư của Nguyễn Tất Thành gửi Phan Chu Trinh được lưu giữ tại gia đình cụ Phan ở Đà Nẵng. Thư được phóng lớn, treo ở vị trí trang trọng với lời chú thích công khai “Thư của Nguyễn Tất Thành gởi Phan Chu Trinh”. Điều thú vị là cảnh sát Sài Gòn vẫn không phát hiện Nguyễn Tất Thành là Bác Hồ. Ngược lại, trí thức và sinh viên, học sinh Huế đã được rỉ tai đến Trung tâm văn hóa Liễu Quán để xem bút tích của Bác Hồ thời còn trẻ.
Tác dụng của việc triển lãm bức thư Bác Hồ gửi Phan Chu Trinh đã góp phần giải tỏa một quan điểm được gieo rắc nhiều năm ở miền Nam là Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh là những nhà cách mạng quốc gia, Hồ Chí Minh là cộng sản, hai thế lực đối lập như nước và lửa.
(trích tham luận của ông NGUYỄN XUÂN HOA, nguyên phó bí thư Ban cán sự Giáo chức và trí thức giải phóng Huế)__________
(*) Tựa do tòa soạn đặt.
__________
Cuộc họp mặt “có một không hai”
Đó là cuộc họp mặt vẻn vẹn trong 24 giờ nhưng đã tạo nên tiếng vang lớn của sinh viên Việt Nam và Hoa Kỳ cùng nhiều nước khác tại Sài Gòn tháng 7-1970.
Phong trào sinh viên, học sinh Sài Gòn đấu tranh chống Mỹ - Diệm - Ảnh tư liệu
Những vụ bắt bớ, tra tấn sinh viên để buộc tội của cảnh sát và phong trào tuyệt thực, bãi khóa, biểu tình của nhiều trường đòi trả tự do cho học sinh, sinh viên bị bắt nổ ra rộng khắp ở Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đà Lạt, Vạn Hạnh... kéo dài hơn ba tháng (tháng 3 đến tháng 6-1970) tác động mạnh mẽ đến trí thức sinh viên Việt kiều, trí thức sinh viên các nước trên thế giới, trong đó có trí thức sinh viên Mỹ. Chủ tịch Tổng hội sinh viên (THSV) Hoa Kỳ và các nước New Zealand, Hà Lan, Bỉ đã quyết định bí mật đến Sài Gòn bằng đường du lịch.
Sáng sớm 10-7-1970, cô Vũ Thị Dung - ủy viên liên lạc của Ủy ban liên lạc hải ngoại của THSV Sài Gòn - báo tin có phái đoàn sinh viên quốc tế đến Sài Gòn, đang ở khách sạn Continental. Lập tức phái đoàn THSV Sài Gòn gồm Huỳnh Tấn Mẫm, Nguyễn Thị Yến, Nguyễn Hoàng Trúc, Phan Công Trinh... đến gặp và họp bàn ngay về chương trình làm việc. Hai bên thống nhất kế hoạch: tối hôm đó tổ chức ngay hội thảo với chủ đề “Sinh viên thế giới và hòa bình Việt Nam” tại chùa Ấn Quang, sáng hôm sau mở Đại hội sinh viên thế giới kỳ I tại Đại học Nông lâm súc, sau đó tuần hành đến tòa Đại sứ Mỹ trên đường Thống Nhất, trao tuyên bố chung của đại hội.
Đêm hội thảo tại chùa Ấn Quang quy tụ hàng ngàn sinh viên, học sinh và đồng bào đầy kín hội trường. Nhiều đại biểu bạn và Việt Nam lên diễn đàn phản đối chiến tranh, đòi hòa bình tức khắc, đả đảo Nixon, đòi Thiệu từ chức, hòa giải hòa hợp dân tộc. Đại diện sinh viên Mỹ đốt thẻ trưng binh và đại diện sinh viên, học sinh Việt Nam trao tặng một cây tầm vông vạt nhọn sơn hai màu xanh đỏ (màu cờ giải phóng).
Trong hội trường có nhiều đại biểu Phật giáo, Thiên Chúa giáo, các trí thức, sinh viên học sinh, các ba má phong trào. Đặc biệt, một trong ba bà cụ ngoài 80 tuổi từng đi đầu trong các cuộc biểu tình là cụ Diệu Nhàn, đại diện các bà mẹ Việt Nam lên diễn đàn phát biểu đòi Mỹ rút quân, đòi Thiệu từ chức khiến đoàn sinh viên và trí thức nước ngoài rất xúc động. Phái đoàn sinh viên Hoa Kỳ rời đại hội giữa những tràng vỗ tay hoan hô nhiệt liệt.
Sáng hôm sau, ngày 11-7-1970, lúc 7g, hàng ngàn sinh viên học sinh, tôn giáo, trí thức, đồng bào, các ba má phong trào sinh viên, học sinh đã có mặt trong và ngoài hội trường Đại học Nông lâm súc. Trên bàn chủ tọa Đại hội sinh viên thế giới kỳ I, về phía quốc tế có Charles Palmer - chủ tịch THSV Hoa Kỳ và các chủ tịch THSV Úc, New Zealand, Hà Lan và GS George Wald (ĐH Harvard, Nobel y khoa vật lý năm 1967).
Phía Việt Nam có Nguyễn Văn Quỳ - cựu chủ tịch THSV Sài Gòn, Huỳnh Tấn Mẫm - chủ tịch THSV Sài Gòn, Nguyễn Hoàng Trúc - phó tổng thư ký THSV Sài Gòn, Hạ Đình Nguyên - chủ tịch Ủy ban phối hợp hành động sinh viên, học sinh miền Nam, Lê Văn Nuôi - chủ tịch Tổng đoàn Học sinh Sài Gòn. Chủ tịch Huỳnh Tấn Mẫm đọc diễn văn khai mạc, sau đó đại diện sinh viên Mỹ, Úc, New Zealand, Hà Lan lần lượt lên phát biểu. Tất cả đều nhất trí đòi hòa bình tức khắc, quân đội Mỹ và đồng minh của Mỹ phải rút ngay ra khỏi miền Nam Việt Nam, đòi Nixon không ủng hộ Nguyễn Văn Thiệu.
Vừa chấm dứt phần phát biểu ngắn gọn, cả hội trường hô to vang dội các khẩu hiệu: Hòa bình ngay bây giờ (Peace now), Quân đội Mỹ cút về nước (US go home), Đả đảo Nixon! (Down with Nixon), Đả đảo Bunker (Down with Bunker). Sau đó, họ đồng thanh hát bài Dậy mà đi rồi cùng nhau rầm rập xuống đường.
Hơn 5.000 người xuống đường vừa hát vừa hô to khẩu hiệu với khí thế mạnh mẽ chưa từng có. Vừa ra khỏi trường, đoàn biểu tình chia làm hai cánh. Cánh thứ nhất rẽ phải đi về phía ngã tư đường Cường Để (nay là Đinh Tiên Hoàng) - Thống Nhất (bây giờ là Lê Duẩn), mang theo một quan tài màu đỏ (với ý nghĩa là người Việt Nam chết vì chiến tranh) do hai sinh viên Úc và New Zealand khiêng, trên đó có ghi dòng chữ “Căm hờn lại giục căm hờn. Máu kêu trả máu, đầu kêu trả đầu!”.
Hai chủ tịch sinh viên Hoa Kỳ và Việt Nam đi bên cạnh chiếc quan tài, cầm bản tuyên bố chung dự định đến trao cho đại sứ Mỹ Bunker. Cánh thứ hai đi về phía ngã tư Cường Để - Hồng Thập Tự (nay là Nguyễn Thị Minh Khai). Cánh thứ nhất khi tới bên hông Trường ĐH Dược và cánh thứ hai qua khỏi ngã tư vào đường Hồng Thập Tự thì cảnh sát dã chiến Sài Gòn đàn áp thẳng tay. Họ bắn thẳng vào đoàn sinh viên, học sinh đủ loại phi tiễn, lựu đạn cay, lựu đạn ói mửa, xịt vòi rồng nước bẩn và dùng máy bay trực thăng bắn lựu đạn lửa gây phỏng cho nhiều người.
Không lâu sau đó, cảnh sát tấn công vào Trường Dược và Trường Nông lâm súc bắt hết các đại diện sinh viên và trí thức nước ngoài khác cùng với Charles Palmer và trục xuất về nước ngay chiều hôm đó. Họ bị buộc rời Việt Nam, nhưng vẫn mang được về nước cây tầm vông vạt nhọn sơn màu cờ giải phóng...
HUỲNH TẤN MẪM
(nguồn tuoitre cuoituan)


"Không hổ thẹn về một thời trai trẻ" - Có suy tư, trăn trở khi chớm già?

"Không hổ thẹn về một thời trai trẻ" - (Tựa của Báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần)
Có suy tư, trăn trở khi chớm già ? - (Tựa chấp bút theo của người viết)
Hoàng Thanh Trúc (Danlambao) - Trên trang đầu số báo Tuổi Trẻ cuối tuần TP/HCM ngày 20/5 nhiều người đọc bất ngờ chạm một bài viết mà toà soạn tự đặt tựa như trên (tác giả là ai thì không được biết, toà soạn chỉ ghi là của một “Nhóm Tác Giả” ?) Nội dung... “ đó là lời kết trong bài viết của một nhóm cựu sinh viên từng tham gia phong trào sinh viên học sinh Huế – một trong hai trung tâm của phong trào đấu tranh đô thị miền Nam thời chống Mỹ (cùng với Sài Gòn) với hồi ức về giai đoạn 1971-1972 – cao điểm của phong trào...” (lời mở đầu của bài báo).

Thường thì mỗi người, nếu không thiểu năng trí tuệ, thì khi lớn khôn, trong một góc tim hay “bộ nhớ” chính mình ai cũng có “lưu trữ” không nhiều thì ít những hồi ức hoặc ký ức của một thời tuổi thơ trai trẻ, dù dữ liệu có xấu hay tốt, êm đềm hay giông bão nhưng đều phảng phất sót lại những nét chấm phá dấu vết của một thời “xốc nỗi” hay “nông nỗi” vụng dại, mà mặc định về tư duy của nó rất hiển nhiên, bởi tuổi thơ thường “ăn chưa no lo chưa tới”. Thích lãng mạn, thích làm “anh hùng rơm” nên dễ bị dụ dỗ và lường gạt lắm! Để lúc trưởng thành và hôm nay tóc chớm bạc khi nhìn ánh tà dương thấp thoáng ở cuối chân trời của đời người và của vật đổi sao dời biến thiên xã hội, không biết trong “nhóm tác giả” viết bài ấy, có ai trung thực với chính lòng mình để tự nhủ: Đúng là bầu trời thực tế bao la vô tận chứ không như là “cái nia tròn trịa của miệng giếng tuổi thơ” ngày nào mà ta là chú ếch con ngâm mình dưới đó để tha hồ dệt mộng trong tưởng tượng.

Hình như cái cách nghĩ đó nó gần giống như vậy trong đoạn văn của bài viết… “Vào đầu thập niên 1970, chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ đã bị phá sản. Tranh thủ tình thế đó, Tổng hội sinh viên (THSV) Huế đã đẩy phong trào đấu tranh đô thị thành cao trào, tạo sự bất ổn thường xuyên trong lòng địch, làm suy giảm kinh tế chính trị của chế độ Nguyễn Văn Thiệu, bóc trần dã tâm xâm lược Việt Nam của đế quốc Mỹ....”

Thật lòng mà nói, đọc đoạn văn, chắc không nhà mô phạm, giáo sư hay giảng viên đại học nào dám khẳng định đó là một trong những “giáo khoa” của sinh viên, học sinh thuần tuý, mà nó chỉ có thể là giáo án của một “Tổng Hội” đặc công hay an ninh, quân sự “nằm vùng” chuyên nghiệp giật dây trong bộ phận học sinh – sinh viên của CSVN mà thôi, bởi việc học là sự khai phá tìm tòi tích luỹ tinh hoa tri thức của nhân loại mang đến cái chân thiện mỹ cho từng con người để hoàn thiện mình và phụng sự quốc gia dân tộc. Sân giảng đường, lớp học, trường học, đâu thể nào là chiến trường để “đấu tranh trong lòng địch” hay “tạo sự bất ổn thường xuyên cho xã hội”. Miền Nam lúc bấy giờ, đang cần một sự yên bình để phát triển như Singapore, Đài Loan, Thái Lan hay Hàn Quốc…

Rất tiếc, nếu “thế giới quan” của “nhóm tác giả” bài viết chịu thức tỉnh, rộng mở, thông thoáng hơn trong thời trai trẻ lúc bấy giờ để biết rằng trước thời điểm đó vào năm 1953, không xa Việt Nam lắm – Chiến tranh Nam Bắc trên bán đảo Triều Tiên chấm dứt – Tình cảnh Nam và Bắc Hàn cũng chia đôi đất nước vì ý thức hệ chủ nghĩa y hệt như Việt Nam và lúc này tại miền Bắc VN (1953) là cao trào của “cải cách ruộng đất” đẫm máu và nước mắt bước vào đỉnh điểm thì tại Hàn Quốc sau khi phân chia giới tuyến, nửa triệu thanh niên nam nữ đã cởi bỏ chinh y tạm biệt vũ khí ào ạt xuất dương qua Nhật, Hoa Kỳ, Anh, Pháp du học hoặc chấp nhận lương thấp để làm công nhân kỹ thuật cao…. Và hơn 10 năm sau tại Việt Nam, thời điểm 1971-1972 ở phía Nam vĩ tuyến 17, khi mà quí vị trong “Nhóm Tác Giả” cựu sinh viên trong Tổng hội SV Huế nói trên đang thi thố tài năng góp phần quấy rối tàn phá đất nước bằng cách “đẩy phong trào đấu tranh đô thị thành cao trào, tạo sự bất ổn thường xuyên trong lòng địch (miền Nam), làm suy giảm kinh tế chính trị của chế độ Nguyễn Văn Thiệu, bóc trần dã tâm xâm lược Việt Nam của đế quốc Mỹ....” thì tại Nam Hàn ( Hàn Quốc ) từng đoàn sinh viên sau thời gian du học tích luỹ khoa học kỹ thuật từ Mỹ, Nhật, Châu Âu trở về đã khởi đầu bắt tay xây dựng một nền công nghiệp tiên tiến hùng mạnh cho quê hương miền Nam Hàn Quốc của mình tạo nên một “Kỳ Tích Sông Hàn” mà cả thế giới đều ngưỡng mộ. Cộng sản Bắc Hàn phải ganh tị không sánh nổi với những đại công ty công nghiệp mà kỹ thuật ngang hàng với Nhật, Mỹ và Châu Âu như: Hyundai Heavy Industries, Samsung Heavy Industries, Kia Automotive Group, Deawoo, LG….

Ngày nay, trên lãnh thổ VN có khá nhiều nhà máy vệ tinh của các công ty nói trên hoạt động mà công nhân làm thuê là thanh niên nam nữ VN, đôi khi có thể có cả con cháu của quí vị trong “nhóm tác giả” nói trên cũng không chừng. Và hiện tại với GDP thu nhập đầu người Hàn Quốc 25.000 usd/năm (2007) trong khi Việt Nam 1300 usd/năm (2011). Nếu nền kinh tế Hàn Quốc chịu đứng yên tại chổ thì hàng thế kỷ nữa VN cũng không thể bắt kịp khi cứ tiếp tục theo đà của nền kinh tế CS/XHCN với cái đuôi định hướng “tham nhũng” như hiện nay.

Và đến đây thì phần nào quí vị trong “nhóm tác giả” có thể hiểu được giá trị khi nào cần và khi nào là chưa cần, của sự thống nhất đất nước. Khi mà sự thống nhất vội vã chưa bức thiết ấy đã đốt cháy mọi cơ hội phát triển của quốc gia, hy sinh quá nhiều máu xương đồng bào và làm thất thoát một phần lãnh thổ đất trời biển đảo của cha ông, điều ấy chắc chắn không phải là công lao mà chính là có tội với tổ quốc và nhân dân. Trong đó sự thật là xét một cách trực tiếp hay gián tiếp “nhóm tác giả” những cựu SV “không hổ thẹn về một thời trai trẻ” cũng đã có “góp công” ?.

Còn về cái “…bóc trần dã tâm xâm lược Việt Nam của đế quốc Mỹ....” thì thú thật không biết có nên cười ra nước mắt? Khi không cần thiết phải tốn quá nhiều xương máu (gần 4 triệu) của nhân dân hai miền Nam Bắc đã nằm xuống, để những người CSVN cố mà “bóc” thì tự nó đã “trần trụi” cho tất cả mọi người CSVN hôm nay nhìn thấy tận xương tủy rồi .

Việt Nam sau gần 100 năm đô hộ bị rút rỉa bởi thực dân Pháp thì “màu mỡ” có còn gì để hơn được Hàn Quốc và Nhật Bản? Trong lúc đó “đế quốc Mỹ” có hàng trăm ngàn quân lính đang ăn ngủ trên lãnh thổ hai quốc gia này hơn 2/3 thế kỷ, kể từ sau đệ II thế chiến, lúc cả hai nước ấy còn điêu tàn đổ nát đói khổ sau chiến tranh. Nhưng hiện nay thì cả hai nước này đang có nền kinh tế hùng mạnh ở tóp hàng đầu của thế giới và nhân dân Hàn – Nhật đều vui vẻ chấp thuận cho chính phủ nước mình chi trả mọi chi phí hàng năm để níu chân quân lính Mỹ lưu lại trên đất nước mình. Vì vậy không biết có quí vị nào trong “nhóm tác giả” có thể vui lòng “không hổ thẹn về một thời trai trẻ” mà diễn giải cho thoả đáng hiện tượng kỳ lạ về “đế quốc Mỹ xâm lược” ấy trên trang web, blog này không? Nếu có thì cũng vui lòng định nghĩa giùm cái danh từ “xâm lược” là gì? Và chỉ luôn cho mọi người thấy “đế quốc Mỹ” có xâm lược 1cm2 đất đai ở đâu, của quốc gia nào trên thế giới này chưa ? Hay chính là “bạn quí 4 tốt, 16 vàng ròng” Tàu Cộng mới đích thực là kẻ cần cho (nhóm tác giả) “… bóc trần dã tâm xâm lược Việt Nam...”

Và cũng không thể không nhắc tới cụm từ tiếp theo được đề cập trong bài viết của “nhóm tác giả” này “…cuộc đấu tranh chống trò hề bầu cử “độc diễn” của Nguyễn Văn Thiệu tháng 10-1971…” Lạ thật! Một cá nhân ứng cử tổng thống có nhiệm kỳ 4 năm đưa ra cho đồng bào phúc quyết bằng lá phiếu thì gọi là “trò hề độc diễn” còn một cái đảng từ chủ tịch nước (tổng thống) cho tới người đứng đầu hội đồng bộ trưởng (thủ tướng) đều được chỉ định đưa ra cho cái QH gần như 100% là đảng viên CS giơ tay, gật đầu từ 1946 tới nay là hơn 2/3 thế kỷ thì phải gọi nó là “trò gì”? Và hơn thế nữa một cái đảng mà không cần ai phúc quyết vẫn tự đóng đinh vào Hiến pháp trong điều 4 qui định tự cho mình cái quyền ngồi trên đầu trên cổ (lãnh đạo) nhân dân QH suốt gần 70 năm… vẫn không từ bỏ thì gọi đó là “trò gì” thêm nữa?

“Nhóm tác giả” cũng đưa ra một tấm ảnh sinh viên, học sinh đàng hoàng xuống đường biểu tình, như chứng minh cho chống “độc tài, độc diễn”. Rất thú vị , bởi nó cũng chứng minh cho công luận hiện nay thấy rằng chính quyền miền Nam VN lúc bấy giờ hơn hẳn chế độ CS miền Bắc trong tôn trọng nhân quyền của người dân như thế nào và so với hiện nay (40 năm sau) người dân Việt Nam biểu tình chống Trung Quốc xâm lược biển đảo VN ngay tại Hà Nội và Sài Gòn.

Rầm rộ, thoải mái, tự do trên đường phố Huế năm 1971- Ảnh Nguyễn Duy Hiền

Tàn bạo, đau thương, nhục nhã vì yêu nước giữa thủ đô Hà Nội và Sài Gòn năm 2011

Và để kết thúc, bài viết có đoạn… “ đối với dư luận tiến bộ và các phong trào phản chiến trên thế giới lúc đó càng nhận diện rõ hơn thái độ ngoan cố của đế quốc Mỹ và tư cách hèn mạt của Nguyễn Văn Thiệu trong âm mưu kéo dài chiến tranh Việt Nam …” Vâng! Giờ thì Mỹ nó hết ngoan cố rồi, nó đã ra đi cho biển Đông trống trải, không còn ai canh giữ, cho “cái lưỡi chín đoạn con bò điên Trung Quốc” liếm dần những đảo biển quê hương, cho “đảng ta” lực bất tòng tâm, bó gối ngồi nhìn than thở sao “tàu lạ” cứ hành hạ bắt giữ đánh đập khủng bố ngư dân ta hàng ngày. Vâng! Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cũng đã về với cát bụi nhưng ông ấy đã để lại cho nhân dân VN câu nói bất hủ “Đừng nghe những gì Cộng sản nói – Mà hãy nhìn kỹ những gì Cộng sản làm”!

Thưa quí vị “nhóm tác giả” có thể quý vị chưa nhìn, thì hãy nghe tướng Nguyễn Trọng Vĩnh đã nhìn, hành vi những người CS đã làm gì để nói cho chúng ta nghe…. “Sáng ngày 9/5/2012 Chính quyền huy động công cụ bạo lực, khoảng 300 người có dùi cui, súng, chó béc - giê xông vào đánh dân tới tấp. Có chị phụ nữ bị đá vào ngực, có chị bị kéo lê trên đường. Có bà cụ 80 tuổi người thôn Cao Phương xã Liên Bảo bị bóp cổ, bẻ quặt tay ra sau. Bà cụ Đạt 70 tuổi bị vụt gậy và đấm đá sưng húp mặt mày, ngất tại chỗ và bị quăng ra đường 10 phơi nắng, và nhiều người khác bị đánh túi bụi. Tiếng kêu la thảm thiết vang cả cánh đồng. Những người bị bắt không biết ra sao? không biết có ai bị đánh chết tại trụ sở công an như đã từng xảy ra ở một số nơi không? Sao mà chính quyền bất nhân, vô đạo đức đến thế? Sao công an tàn ác dã man thế, đánh dân như kẻ thù? Chỉ 3 tháng gần đây liên tiếp 3 cuộc cưỡng chế tàn khốc (Tiên Lãng Hải Phòng, Văn Giang - Hưng Yên và Vụ Bản - Nam Định), bắt bớ đánh đập tàn ác dã man, tước đoạt nguồn sống của họ. Chưa bao giờ nông dân oan ức khổ nhục như bây giờ, các đảng viên cộng sản chân chính, mọi người dân lương thiện rất đau lòng! Thương thay! Nông dân đổ máu xương ở chiến trường, góp công sức cho đất nước,cho chính quyền này, nuôi dưỡng chính phủ này mà họ đánh đập tàn nhẫn, tướt đoạt dã man nhà cửa tan nát . Hãy dừng lại những chủ trương và hành động tội ác!”

(Nguyên văn bài viết từ bức xúc nội tâm của Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh qua các sự việc mới đây nhà cầm quyền CSVN đàn áp nông dân cưỡng chế thu hồi đất đai)

Nhân tiện cũng mời quí vị trong “nhóm tác giả” đọc lại lời của nữ tài tử Mỹ Jane Fonda (nữ hoàng phản chiến) bạn nước ngoài “tiến bộ” thân thiết của nhà cầm quyền CSVN một thời. Một trong những “tiếng sấm” tuyên truyền vĩ đại của Hà Nội ở thập niên 70 là việc nữ tài tử Mỹ, Jane Fonda viếng thăm Hà Nội vào năm 1972 và đã chụp một tấm hình nổi tiếng gây ồn ào trong dư luận Mỹ. "Chị Jane" (nói theo giọng lưỡi thân mật của báo Hà Nội) đội nón cối, ngồi trên một khẩu súng cao xạ phòng không nhắm bắn vào máy bay Mỹ. Chị cũng đã lên đài phát thanh Hà Nội kêu gọi Mỹ rút quân. Chị cũng vào" Hanoi Hilton" để thăm tù binh Mỹ. Khi những tù binh nhân chứng sống này kể lại chuyện tra tấn thì Chị tuyên bố trên báo The New York Times rằng "họ đạo đức giả và láo khoét", "không hề có chuyện tù binh bị tra tấn hay tẩy não", làm cho mọi người phẫn nộ, trong đó có cả cựu tù binh là Thượng nghị sĩ John Mc Cain, ứng cử viên Tổng Thống Mỹ năm 2008.

Cho tới năm 1988, khi nhận diện rõ bộ mặt thật của cộng sản VN, Jane Fonda mới hối hận và thông qua hệ thống truyền thông nước Mỹ xin lỗi mọi người dân Mỹ thân nhân gia đình các cựu binh về những gì đã nói và đã làm trước đây. Jane Fonda đã nói trong tận cùng của sám hối: " Sao tôi có thể làm những việc ghê tởm như vậy, thật là rồ dại không biết suy nghĩ, cho tới khi đưa tôi ra huyệt mộ, tôi vẫn còn ân hận về tấm hình tôi đã chụp khi ngồi trên súng cao xạ ở HàNội..." và thú nhận trong cuốn tự truyện viết năm 2005 là đã bị cộng sản VN lợi dụng để tuyên truyền.

Jane Fonda cũng như mọi người đã mở mắt. Thế giới bây giờ đã thấy được bộ mặt thật của CS Việt Nam. Ông Hồ Chí Minh không còn là thần tượng của bà Jan Fonda và những người phản chiến nước ngoài nữa.

Dù CS Việt Nam bưng bít thế nào đi nữa, láo khoét mãi với thế giới loài người bên ngoài, để đày đọa người dân trong nước, thì bây giờ cũng không còn giấu diếm được nữa. Thế giới của những nhà độc tài đã lần lần bị thoái hóa, và bị tiêu diệt bởi ánh sáng văn minh tiến bộ bên ngoài hay chính nó, bởi “Anh có thể lừa vài người trong vài lúc, anh cũng có thể lừa mọi người trong mọi lúc, nhưng anh không thể lừa tất cả mọi người mãi mãi”(A.Lincoln).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001