Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2012

Ông Hà Minh Huệ nên khẩn trương từ chức.
Posted by badamxoe on 10/05/2012

Nhà báo Nguyễn Đình Ấm


Nhà báo Nguyễn Đình Ấm

Đây là lần đầu tiên trong đời tôi phải dùng từ ngỗ ngược như thế với một con người, một “đồng nghiệp” bởi nghe câu nói “bất hủ” của ông khi hai nhà báo Ngọc Năm và Phi Long bị đánh dã man trong lúc tác nghiệp ở Văn Giang ngày 24/4/2012: “Cũng cần phải xem xét hai nhà báo của đài VOV hoạt động nghề nghiệp có đúng quy định hay không”( Bà Đầm Xòe ngày 9/5/2012).

Nếu đúng là ông Huệ nói câu này thì việc ông còn mang danh nhà báo lại là người đại diện cho quyền lợi của giới báo chí Việt Nam là một sự sỉ nhục cho những người làm báo.

Đã đành, lâu nay cái gọi là hội nhà báo ở ta cũng như các đoàn thể khác trong “hệ thống chính trị-xã hội” hầu như chẳng có tác dụng là bao so với chức năng danh nghĩa của nó. Cơ bản nó chỉ mang tính chất trang trí cho xã hội “dân chủ” mà thôi.

Nói “cơ bản” vì nó cũng làm một số việc như: Hợp tác với các tổ chức đồng nghiệp quốc tế xin ít tiền cho một số hội viên (“cánh hẩu”) đi tu nghiệp nước nọ, nước kia; phổ biến các chế độ chính sách, thỉnh thoảng tổ chức lớp học “quán triệt” do đảng yêu cầu; tổng kết hoạt động của báo giới Việt Nam hàng năm, vài năm, tổ chức xem xét giải thưởng cho các tác phẩm báo chí….


Ông Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam

Riêng chức năng bảo vệ quyền lợi hội viên thì (theo kinh nghiệm bản thân và quan sát thấy) họ cũng làm nhưng chỉ khi nào việc đó không động chạm đến các thế lực có khả năng uy hiếp cái ghế của họ. Giả thử chính quyền một xã, phường, huyện cản trở, đánh nhà báo mà nếu lãnh đạo ở đây không có ô dù lớn thì họ sẽ có ý kiến phản đối “mạnh mẽ”. Nếu việc kia diễn ra thuộc cấp huyện, (quận) tỉnh (Văn Giang chẳng hạn) thì họ phải sử dụng hết tài “linh cảm”, điều tra…xem lãnh đạo ở kia thế, lực như thế nào, có ô dù ở TƯ không, có ủng hộ họ khi bênh nhà báo bị đánh hay không…

Tức là, mỗi hành vi khi bảo vệ lợi ích đồng nghiệp của họ đều phải được tính toán chi ly, cặn kẽ lợi, hại…

Việc cả 10 ngày sau đồng nghiệp bị đánh dã man ở Văn Giang, nơi chỉ cách trụ sở HNB có hơn chục km, mà họ vẫn “chưa có thông tin” và khi có thông tin ở BBC rồi thì ông Huệ “xử lý theo cách riêng”; khi VOV tuyên bố các thông tin và biết chính thức việc này thì ông Huệ phán một câu, vô pháp luật, vô lương tâm, vô trách nhiệm không thể có ở một người trưởng thành, một nhà báo, một đại diện của người làm báo: Cũng cần phải xem xét hai nhà báo của đài VOV hoạt động nghề nghiệp có đúng quy định hay không?”.

Có thể khẳng định, đây là vụ được ô dù cỡ bự che đậy. Việc động trời như thế mà báo lề phải hầu như im thít, thì không cần xem xét gì kẻ cơ hội cũng biết thừa là phải đánh bài lảng dù cho trách nhiệm không được “lờ”.

Nay chỉ xin hỏi ông PCT: Thế nếu hai PV kia hoạt động “không đúng quy định” thì công an có quyền truy sát, đánh đập, còng tay và lấy cả khẩu cung của người ta ư? Hoặc thường dân làm viẹc không “đúng quy định” thì công an cũng có quyền đánh đập người ta à?…Vậy “Quy định” của Hội như thế nào để Nhag báo và công dân cung cấp thông tin cho báo chí không bị công an đánh?

Đã đành, ngồi vào cái ghế phó chủ tịch thường trực (bổng lộc cũng chỉ “phần thừa”) thì phải khôn ngoan để không bị lung lay ghế rồi leo cao, nhưng ứng xử, ăn nói như thế với đồng nghiệp hoạn nạn thì có nên không?

Tốt nhất ông Huệ nên khẩn trương từ chức chứ đừng để đồng nghiệp “buồn nôn” khi nghĩ đến hoặc gặp ông trên TV, ngoài đường ( ảnh ông trên mạng rõ lắm).

Nhà báo Nguyễn Đình Ấm

(nguồn badamxoe)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001