Thứ Hai, 28 tháng 5, 2012

Phạm Thành: Hậu Chí Phèo và Dư luận, Phần III: Ám ảnh một dòng sông (tiếp theo phần II).

Ám ảnh một dòng sông

Cầu Hàm Rồng trên sông Vũ Đại

Dòng người, dòng người, hai mắt đỏ hoe, môi mím chặt, chân bước nhẹ nhàng, lặng lẽ đi vòng quanh quan tài người anh hùng vừa tạ thế. Trong dòng người dài dằng dặc đó, không ai nghĩ đến ai. Tất cả đang hướng tâm linh đến người vừa tạ thế: thành kính, trang nghiêm. Bỗng, một người ngã sấp mặt xuống quan tài. Công an bảo vệ nhận ra người đó trong đoàn đại biểu giới Phật giáo, bởi bộ quần áo nâu sòng mặc trên người, và cái khăn cũng nâu sòng quấn trên đầu rất chặt. Thấy người bị nạn, theo phản xạ tự nhiên, đoàn đại biểu Phật giáo hình như có ngập ngừng nửa bước. Và trong khi chưa ai kịp cúi xuống nâng người bất hạnh dậy, thì công an ra hiệu: “Cứ đi”. Ba người công an khác nhanh nhẹn xốc nách người bị ngất dậy và dùng cáng đưa ra khỏi khu vực tang lễ.

Trông đôi lông mày rậm, nước da bờn bợt, đôi mắt to và cái đầu cắt trọc, khó phân biệt được người bị ngất là nam hay nữ. Động tác cấp cứu cần thiết của bác sĩ đã xác nhận cho công an, đó là một ni cô, tuổi khoảng ba lăm.

Cô vẫn như tỉnh, như mơ. Tỉnh, với kích thích của thuốc trợ lực, cô thấy đầu óc minh mẫn, sáng suốt tới tận chân tơ kẽ tóc. Oan ức cuộc đời hiện lên. Sự bế tắc bất ngờ dâng ngập tâm trí cô. Sự tỉnh táo làm cô đau đớn dữ dội. Nước mắt cô ứa ra. Cô gào lên thảm thiết:

- Bác Chí ơi! Bác chết, nỗi oan nghiệp của con, ai giải cho con?

Thời ấy, đem bác Chí ra để khóc, hoặc ngược lại đều là chuyện tày đình, sởn gai ốc. Thấy chuyện lạ, mang màu sắc nghi vấn, công an bảo vệ điện báo lên cấp trên. Mười phút sau, một chiếc xe xít-đờ-ca ba bánh phóng tới.

Họ chăm chú quan sát bộ mặt cô gái. Họ thấy mặt cô gái có cái gì đó, ngờ ngợ, nghi ngờ. Họ nháy mắt và kéo nhau đi tới một gốc cây liễu hội ý. Sau đó, một người nào vào phòng gọi điện thoại. Cô gái nằm trên giường cấp cứu vẫn kêu oan thảm thiết:

- Bác Chí ơi! Bác chết, nỗi oan ai giải cho con?

Khoảng năm phút sau, một xít-đờ-ca khác lại phóng tới. Họ mở ảnh đối chiếu. Họ bàn tán xì xào. Kẻ lắc đầu, người gật đầu. Tất cả cùng nhìn với cái nhìn nghiêm trang, sắc lạnh về người phụ nữ. Sau đó họ tiến sát đến cô. Cô gái vẫn mải mê gào khóc:

- Bác Chí ơi!!!…

Một công an vỗ vỗ vào trán cô gái, hỏi:

- Cô tên gì?

Cô gái:

- Cúc.

Công an:

- Địa phương nào?

Cô gái lắp bắp:

- Xã…, huyện…, tỉnh…

Công an nghe xong, đứng bật dậy. Họ ra lệnh bắt Cúc ngay.

Khi bị trói, Cúc không phản ứng gì. Hình như cô không có cảm giác cái khóa số tám đang khóa chặt đôi tay yếu ớt của cô.

Một đồng chí công an giải thích:

- Đây là con Võ Thị Cúc, con ông Võ Đức Nội, gián điệp Mỹ, đội lốt thầy tu mà ngành công an ta đã tìm kiếm mấy năm, nay mới thấy.

Cúc bị ném lên xít-đờ-ca, có công an áp tải, phóng đi. Từ đó, Cúc hầu như bị mất tích trên cõi đời này.

Tới nay, dân làng Vũ Đại vẫn còn kể:

Cách đây mấy năm, có thấy một người con gái, trạc bốn lăm tuổi thường xuất hiện bên cầu Rồng, bắc qua sông Ngựa. Vào những ngày nắng to như ngày mùng 3 mùng 4 tháng 4 năm 1964, cô gái một mình leo lên đỉnh núi Ngọc. Quần áo cô rách bươm. Ngang bụng cô luôn có một sợi dây thừng quấn quanh, chéo qua vai là một chiếc gậy tre, tựa như khẩu súng trường dài. Trông cô giống cô dân quân chiến đấu thời máy bay Mỹ leo thang bắn phá cây cầu này.

Ngày ngày, cô vẫn thường leo lên đỉnh núi Ngọc, núi Rồng.

Tại đây, cô thường chĩa gậy lên trời, miệng thét lớn, đến khản cổ: “Bắn… Bắn… Bắn…”. Sau đó, cô lại dùng gậy làm đạo cụ múa may, quay cuồng. Vừa múa, cô vừa hát vang những bài ca chiến tranh với giọng khản đặc, ồm ồm, không phân biệt là giọng nam, hay nữ.

Lại có những ngày, cô gái ôm một cây chuối trôi xuôi dòng Vũ Đại. Khi đến chân cầu Rồng, cô buộc cây chuối vào trụ cầu. Một tay bám vào trụ cầu, một tay giương gậy làm súng, nhằm vào cầu Rồng, miệng cô lại thét vang: “Bắn… Bắn… Bắn”.

Hết hô bắn, cô lại nhào mình xuống nước, ôm lấy cây chuối ngụp lặn như đang chiến đấu một sống, một chết với kẻ thù – nước. Trông cô cứ như một con điên.

Dân vùng này cũng kể lại rằng: Thời chiến tranh có một chiếc máy bay Mỹ, cả gan bay chui qua gầm cầu. Thế mà nó không bị bắn rụng! Thằng cha lái mới gan dạ làm sao. Dân làng Vũ Đại đến nay, thỉnh thoảng vẫn còn tức!.

Hiện nay, cô gái đã chết. Có người nói: Một hôm, cô đang vùng vẫy dưới gầm cầu Rồng thì bất ngờ lũ từ thượng nguồn đổ xuống cuốn cô về với biển cả.

Có người nói không phải vậy. Cô ta chết vào một ngày nắng đẹp, trời trong. Chẳng phải tai nạn gì, mà do trẻ con thấy lạ đã từ trên cầu ném đá xuống. Không may có hòn đá trúng phải cô.

Lại có người nói: Hiện nay cô vẫn sống. Đấy như tiếng hát, tiếng gào của cô dân làng Vũ Đại vẫn thường nghe mỗi khi gặp hôm nắng đẹp, trời trong, hay gặp hôm mưa phùn, gió bấc.

Dân làng vẫn còn xì xào: Oan hồn cô Cúc về đòi nợ làng đấy. Nhiều người đã thắp hương giải oan cho cô. Nhưng Cúc vẫn chưa chịu yên.

Làng nợ gì cô Cúc? Làng Vũ Đại nói: Chính hắn còn sống đấy. Cứ đến thẳng nhà hắn mà đòi có hơn không? Hãy đến đúng nơi gieo mầm tai họa cho cô.

Núi Ngọc, núi Rồng là một địa danh của làng Vũ Đại. Lách mình qua hai khe núi là dòng sông Ngựa. Chéo qua hai kẽ núi là cầu Rồng, một tuyến giao thông huyết quản, người, xe qua lại suốt ngày đêm.

Sông Ngựa chảy xiết như ngựa phi. Nếu không có cầu, người có thể bơi qua, nhưng xe pháo thì không. Chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ tràn qua khắp làng. Cầu Rồng được Mỹ chọn là điểm đánh phá, hủy diệt đầu tiên. Mấy trận địa pháo bảo vệ cầu đã bị hủy diệt. Và chúng đã trả giá bằng hơn sáu mươi máy bay phản lực bị bộ đội, dân quân ta bắn hạ.

Khi chiến tranh dội quả bom đầu tiên xuống cầu, thì Cúc đang độ xuân thì. Dù phải thử thách với máu lửa, với túi bụi công việc đồng quê, sức vóc cô vẫn tràn ra khắp bắp chân, bắp tay và tấm thân tròn lẳn.

Làng Vũ Đại được lệnh sơ tán người. Cúc kiên quyết xin ở lại chiến đấu. Cúc trở thành dân quân trực chiến và tham gia chiến đấu bên sông Ngựa.

Chiến tranh ngày một ác liệt, thử thách ngày một quyết liệt hơn, thì gan dạ, dũng cảm của Cúc như hoa hướng dương ngày càng thêm lộ rõ dưới ánh sáng mặt trời.

Làng Vũ Đại kính trọng cô. Bộ đội yêu quý cô. Thế mà họ Chí làng Vũ Đại lại không bằng lòng với chuyện này. Cúc không thuộc họ nhà Chí. Họ Chí có tiếng là vũ dũng. Ấy mà tại sao người dũng cảm, gan dạ có tiếng lại không phải là người họ Chí nhà lão? Khi Cúc được giới thiệu đi học lớp đối tượng Đảng thì tay Chí đã tìm lý do ngăn cản.

Cúc Ch nói:

- Lý lịch nhà cô Cúc có vấn đề. Họ nhà cô Cúc có người đi về phía Nam” “Dòng họ với nhau thì có liên quan. Biết đâu, có ngày, chính người nhà cô Cúc lại dẫn quân về phá hoại cách mạng. Ai dám bảo đảm, cô Cúc vì cách mạng mà tố cáo người nhà làm giặc?

Cũng may, bên chân cầu Rồng, núi Ngọc bộ đội bảo vệ cầu có nhiều. Ảnh hưởng của bộ đội đối với Đảng làng Vũ Đại rất lớn. Bởi vậy, Cúc vẫn cứ được đi học đối tượng Đảng. Sau đó, tại trận địa, cả bộ đội, cả làng Vũ Đại kết nạp cô vào Đảng.

Tôi không thể kể đầy đủ những ngày cô dân quân Cúc dũng cảm cùng bộ đội chiến đấu bảo vệ cầu như thế nào? Chỉ có thể ghi chép đôi dòng sơ lược qua lời kể của những người sống cùng thời với cô rằng: Cúc là một phụ nữ mẫu mực, giỏi việc nước, đảm việc nhà, gan dạ khó ai bì kịp. Sáng tinh mơ đã thấy Cúc, có khi một mình, với cây nứa trên tay, thoăn thoắt dập bèo hoa dâu. Đến trưa lại thấy Cúc trong đội quân chống hạn, hai tay quai gầu giai, nhịp nhàng, bền bỉ. Tối, dưới ánh trăng, Cúc là người có mặt sớm ở chân núi Rồng, núi Ngọc chuẩn bị công sự cho ngày chiến đấu tiếp theo. Trong chiến đấu, Cúc thoăn thoắt như con thoi tải thương, vác đạn. Chính trong một ngày chiến đấu ác liệt, Cúc đã làm nên kỳ tích.

Hôm ấy, cả trăm máy bay Mỹ quần đảo trên cầu, thi nhau trút bom, bắn đạn xuống sông, xuống cầu. Bắn liên tục, nhiều khẩu pháo trên trận địa hết đạn. Không thể tiếp đạn bằng tàu thuyền, Cúc, dưới mưa bom, bão đạn một mình vác hai hòm đạn nặng gấp hai lần trọng lượng cơ thể cô, băng qua dòng sông tiếp đạn cho pháo cao xạ trên tàu chiến. Noi gương Cúc, nhiều dân quân khác làm theo. Nhờ được tiếp đạn kịp thời, cầu Rồng lần ấy lại trụ được. Thành tích của Cúc đã được cả làng, cả quốc tế biết tới. Cúc trở thành điển hình của tinh thần quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược. Cúc được đi báo cáo điển hình ở trong làng và ra cả ngoài quốc tế. Bấy giờ, lẽ ra Cúc có thể sẽ trở thành cán bộ bự, nếu như thời kỳ đó, Cúc ở lại học tập và công tác ở trung ương làng Vũ Đại.

Nhưng Cúc đã không có số phận vậy, vì chiến đấu và nhịp điệu chiến đấu đã “ăn” vào cô. Bom, đạn và không khí chiến đấu lúc nào cũng ám ảnh tâm trí cô. Cô không thể chịu nổi một chiều Hồ Gươm tơ liễu, óng ánh, nghiêng nghiêng; không chịu đựng nổi sự yên thân, thanh bình. Tuổi trẻ của cô muốn được giải tỏa trí lực. Ở đâu trí lực được giải tỏa hơn chiến trận, phải đối mặt với cái sống, cái chết từng giây, từng giờ? Hơn nữa, chiến trận là nơi mà tình yêu của Cúc với một pháo thủ đang độ nở. Cúc trở lại sống và chiến đấu ở cầu Rồng.

Tình yêu của Cúc với anh pháo thủ có mê ly không? Dân làng Vũ Đại ít người dám kể. Họ sợ hồn tình thiêng hơn hồn đời. Bởi thế, họ cứ kể dấn vào lịch sử làng Vũ Đại thời chiến tranh.

Kỳ Đại hội Đảng làng Vũ Đại trong chiến tranh. Phe bộ đội muốn làng Vũ Đại trở thành một điển hình đánh Mỹ tươi trẻ, muốn đưa cô Cúc lên làm bí thư thay một người trong dòng họ Chí đang giữ chức này. Phe Cụ Chí và Cụ Chí không tán thành. Họ muốn giữ người của họ Cụ Chí lên thay. Chí họ Cụ, còn Cúc lại họ Võ. Từ xưa, hai họ đã có hiềm khích với nhau. Hồi năm sáu mươi, họ Cụ đã kéo sang phá đổ nhà thờ họ Võ. Họ Võ đến bây giờ vẫn còn ấm ức. Cụ Chí nói:

- Con Cúc họ Võ giữ chức vụ lớn. Họ Cụ ta, phe Cụ Chí ta hẳn sẽ bị trả thù.

Phe Cụ Chí nhất định phải tìm người thay thế trong họ Cụ. Cụ Chí chọn Cường. Nhưng Cường đã nói với cụ Chí:

- Thưa Cụ, nếu bầu mà không có chỉ đạo chặt chẽ thế nào cháu cũng trượt. Con Cúc được bộ đội che chở, nâng đỡ, lại được làng yêu quý, phong trào chú ý, báo chí thỉnh thoảng lại viết bài ca ngợi. Cái lý lịch có người đi về phía Nam của nhà nó có đáng trọng gì. Mà thực ra, nó có biết mặt người nhà đi Nam của nhà nó là đâu.

Cụ Chí vểnh râu lên, tủm tĩn cười:

- Anh sợ đảm nhận chức vụ đó thì gian khổ, vất vả, có thể dễ bị toi mạng vì bom đạn Mỹ, chứ gì? Hèn lắm! Mà ai đã yêu cầu anh cứ phải lăn xả vào chiến đấu. Cụ anh đây, bom bỏ thì ở trong hầm, đánh trận bằng ống nhòm, hết bom rơi, đạn nổ mới vọt lên, xà cột bên hông lũng lẵng, chạy lên xóm trên một tý, xóm dưới một tẹo, vẫn được tiếng là chỉ huy dũng cảm. Có ai dám chê Cụ Chí nhà anh hèn đâu. Họ Cụ nhà ta mới lãnh đạo cách mạng được có một mùa. Anh không thể cắt cụt ngọn con đường cách mạng của họ Cụ nhà ta được.

- Nhưng…

- Không có nhưng gì hết. Làng đang trong chiến tranh, phải biết lợi dụng bom đạn mà tiến thân chứ!

Đại hội làng Vũ Đại chưa kịp họp thì bom đánh cầu, đánh làng Vũ Đại lại rộ lên.

Một bận, Cụ Chí vừa từ trong hầm tránh bom. Đạn chui ra, đã nghe tiếng la hét ầm ĩ, tiếng bước chân chạy rầm rập dội vào tai. Thấy Cường hớt hải chạy tới, lắp bắp:

- Báo cáo Cụ, trận địa pháo bị trúng bom.

- Có thiệt hại gì không?

- Hình như bị hủy duyệt hoàn toàn.

Cả hai vội vã choàng sắc cốt, ra khỏi hầm, hớt hải chạy đến trận địa pháo.

Đúng. Một trận địa pháo bị trúng bom, tan tành. Những khẩu pháo bị bật khỏi công sự, cháy đen. Pháo thủ không còn một ai. Tất cả đều tan nát. Có chiến sĩ thân thêr chỉ còn là một búi thịt bầy nhầy. Có chiến sĩ chỉ còn là một cục than cháy xém, bốc khói. Lẩn trong mui khét tanh nồng mùi thịt người, máu người bị cháy, là tiếng nhiều người gào thét thảm thiết. Trong số đó, Cụ Chí và Cường thấy Cúc. Chí, Cường nhìn nhau, thì thào:

- Người yêu của nó ở đây à?

- Có lẽ? Nó gào khóc mới ghê làm sao!

Thực ra, Cụ Chí và Cụ Cường cũng không thể cầm lòng. Nhưng, trong đau lại có một thỏa mãn nho nhỏ trong họ:

“Chẳng lẽ con Cúc lúc nào cũng gặp may”.

Sóc lại cái sà cột, cả hai Cụ cùng tiến lại gần Cúc.

Cúc như không biết gì, vẫn vật vã bên một cái xác đã cháy xém.

Trong lúc Cúc đang vật vã, bất ngờ cái gương nhỏ trong túi áo Cúc rơi ra.

Như mắt cú vọ trong đêm rình chuột, trong đầu Cụ Chí chợt lóe lên một ý nghĩ hiểm độc.

Cụ Chí tiến nhanh lại gần xác chết, nơi Cúc đang vật vã, như tiện chân, Cụ dẫm lên cái gương của Cúc vừa rơi ra.

Sau trận bom khốc hại đó, quân báo về kiểm tra trận địa. Làng Vũ Đại cũng vào đợt học tập: “Nâng cao cảnh giác, phát giác kẻ thù”.

Mấy anh quân báo kể chuyện: “Bọn gián điệp Mỹ tàng hình bằng nhiều cách. Ở bên trái làng Vũ Đại có đứa giả thành người điên; bên phải làng Vũ Đại có đứa giả làm thợ cắt tóc; ở phía cạnh làng Vũ Đại có đứa dùng gương, cặp tóc làm mật hiệu, chỉ điểm cho máy bay đến ném bom.

Trong một cuộc họp với dân, một anh quân báo tiện mồm nói ra:

- Làng ta đã mất trắng mấy trận địa pháo. Có thể có gián điệp nằm vùng, lảng vảng quanh đây.

Cụ Chí đế vào:

- Tôi nghĩ quanh ta có gián điệp. Làng ta tề ngụy ngày xưa nhiều. Thế nào chẳng có đứa liên hệ, liên quan với nhau.

Tuy Cúc không biết mặt, nhưng lại biết trong họ nhà mình có người đi Nam. Cụ Chí nói, “làng ta tề, ngụy ngày xưa nhiều, thế nào chẳng có đứa liên hệ, liên quan”, hẳn là Cụ ám chỉ họ nhà mình đây. Sau phát biểu của Cụ Chí, Cúc nhận thấy, cả làng nhìn dồn vào mình. Cúc tỏ ra lúng túng. Sau đó, cô được bộ đội mời phát biểu về an ninh. Lời cô nói loạc choạc, khó hiểu. Có lẽ cô sợ. Làng Vũ Đại đã bỏ tù nhiều người chỉ vì trong họ có người đi Nam.

Sau cuộc họp, làng Vũ Đại vào kỳ phát động tố giác. Có người tố:

- Một con trâu lạc ngơ ngác, xồng xộc từ núi Ngọc phóng xuống. Trên trán nó dán một lá cờ đỏ sao vàng bằng giấy. Bọn gián điệp dụng ý chê ta: Trong nhà có kẻ gian mà không biết. Ngu như bò.

Cụ Cường bổ sung:

- Đúng rồi. Hôm qua, lúc chập tối, tôi thấy có người đóng giả đàn ông, từ thôn ta, đi vào núi Ngọc. Nó đi vội vã, nghi nghi. Tôi đoán là người làng ta. Tại sao lại đi một mình vào rừng núi trong đêm tối?

Làng Vũ Đại có thể có gián điệp nằm vùng. Thường vụ Đảng ủy Vũ Đại cùng quân báo họp kín mấy tối thì dư luận làng Vũ Đại rộ lên: Cô Cúc làm gián điệp Mỹ, ém gương trên các trận địa pháo, chỉ điểm cho máy bay ném bom. Công an kéo về xác minh. Tang chứng Cụ Chí đưa ra rành rành. Kèm theo cái gương, Cụ Chí còn đưa ra bức ảnh chụp Cúc đang lăn lóc bên người vừa hy sinh. Cụ Chí giải thích:

- Nhà nó có người đi Nam. Lại có bức ảnh này nữa. Đấy mọi người xem đi… Chẳng phải nó thương xót bộ đội ta đâu. Tóc nó rũ ra, mặt nó tái đi, nó lo sợ chưa tìm ra ám hiệu đấy.

Làng Vũ Đại thêm một phen ngơ ngác nữa. Lo sợ về chết chóc trùm lên. Có người tin Cúc làm gián điệp. Có người không tin. Có người phân vân, lấp lửng:

- Cái máu địa chủ nhà nó có đánh chết cái nết cũng không chừa.

Nghe thế, Cúc sợ run lên. Ngoài hai mươi tuổi, cô còn non trẻ lắm.

Thế rồi, chính quyền có lệnh bắt Cúc.

Nhưng khi lệnh tới nhà Cúc, thì Cúc đã biệt tích. Dư luận càng được dịp rộ lên: “Đúng quá. Cháy nhà mới ra mặt chuột”. Không bắt được Cúc. Lệnh truy nã tìm bắt Cúc ban ra. Làng Vũ Đại lại hồi hộp, chờ xem một cuộc xử án mới.

Là người chứng kiến cảnh Cúc bị bắt, nghe lời kêu than lúc Cúc bị bắt, tôi cũng đợi một phiên tòa xử án Cúc. Nhưng đợi mãi mà vẫn không thấy. Tôi đành đến chùa Q. ở làng Vũ Đại, nơi Cúc lẩn trốn để tìm căn nguyên. Hỏi người trụ trì chùa về Cúc, nhà sư đưa tôi xem bảng thông báo giờ đã nhàu bẩn: “Võ Thị Cúc, phần tử phản động, đội lốt tăng ni, đã có lệnh truy nã từ nhiều năm nay, đến nay mới bắt được. Vậy nhà chức trách chính quyền thông báo cho chùa được biết. Mô phật!”.

Nhà sư phân bua thêm: “Nhà sư không biết cô Cúc ở vùng nào, nghe qua giọng thì đoán ra. Vào chùa tu với lý do không rõ ràng, nhưng là người biết giữ phép chùa nghiêm túc. Đạo của chùa là hướng con người thoát tục, đưa tới niềm cực lạc. Chúng tôi không có khuyết điểm. Mô phật!”.

Tôi không tin một người như cô Cúc lại có thể làm gián điệp Mỹ. Bất giác, tôi nhớ người làng Vũ Đại nói: “Chính hắn còn sống đấy. Cứ đến thẳng nhà hắn mà đòi có hơn không? Hãy đến nhà nó mà xem”.

Tôi đến nhà hắn. Dưới mơ màng khói hương, hắn đang quỳ mọp dưới bàn thờ cầu khấn. Mắt hắn mở thao láo nhìn trừng trừng vào làn khói hương. Tôi nhớ lời người Vũ Đại nói: “Mấy mươi năm nay, chưa đêm nào hắn dám nhắm mắt. Hắn sợ”. Đuungs thật, tôi thấy miệng hắn đang phập phồng như miệng ếch gặp nắng to. Hắn đang thành tâm. Đôi má gầy gò, đen sạm của hắn tái đi. Tấm thân gầy còm của hắn đang vặn vẹo đau khổ như một con rắn độc sắp tới thời kỳ lột xác. Cái mũ cát trắng đội trên đầu hắn đã thâm xì. Dân làng Vũ Đại nói: “Nó cũng thỉnh thoảng lang thang đầu đường, xó chợ như một thằng ma xó. Gặp ai là lạ, hay một vật gì là lạ, nó quỳ sụp xuống, bái liền, rồi có khi hắn con dùng bùn làm mức vẽ lên tâm bia nọ, chùa kia.

Dân làng Vũ Đại có người thương nó, than: Sao hắn không chết đi cho hết chuyện? Cho hết tức mắt người làng Vũ Đại. Cho lịch sử làng Vũ Đại chuyển sang trang khác? Nhưng người già và các vị chân nhaancuar lang lại nói khác: Hắn cần phải sống để trả hết cái nợ đời mà hắn đã gây ra. Chỉ sợ hắn bỗng dưng lăn đùng ra mà chết, lôi thôi to cho làng Vũ Đại chứ lại.

Tôi hỏi hắn:

- Cô Cúc đâu?

Cánh tay đen đủi, loằng ngoằng của hắn yếu ớt chỉ lên bàn thờ đang tỏa khói hương. Bàn thờ cổ nhà hắn ngập mấy tầng tàn hương. Theo tay hắn chỉ, tôi chợt thấy một cái gương tròn. Tang chứng chăng? Lòng tôi chộn rộn. Tôi hỏi hắn mà như quát:

- Cô Cúc đâu?

Hắn lại chỉ tay lên bàn thờ.

Cái gương. Tôi thấy cái gương. Tôi trịnh trọng đưa tay cầm chiếc gương xuống.

Hắn không dám nhìn vào tay tôi, ú ớ mấy tiếng gì đó, rồi mở rộng miệng ra đớp đớp. Những làn khói hương đen kéo lại, tuồn tuột cuốn vào miệng hắn. Hắn nuốt khói say sưa. Khói hương đen bao vây, quấn quýt bên cằm râu bạc ám khói của hắn.

Tôi chăm chú quan sát gương. Một cái gương tròn ngoại, mang hiệu Phơ-rang-xe. Phía sau gương có khắc năm chữ cái: C.Y.A-K.N. Không thấy có gì đặc biệt.

C.Y.A. Từ khi có quốc ngữ chữ, C.Y.A lúc nào cũng có thể dịch là: Cúc yêu anh. Còn K.N là kỷ niệm. Năm chữ cái C.Y.A-K.N, là: Cúc yêu anh, kỷ niệm. Nhưng thời phải cảnh giác, C.Y.A, lại bị dân Vũ Đại dịch thành: Cơ quan gián điệp Mỹ; còn K.N, thì dịch thành kùng nhau. C.Y.A-K.N là cùng nhau làm gián điệp Mỹ.

Ối trời!

Chuyện dài dòng hóa ra chỉ có thế. Thế mà…

Tôi đưa mắt nhìn hắn. Thấy hắn vẫn mê muội. Tôi lẳng lặng đi ra. Tôi mới bước một chân qua bậu cửa, hắn đứng phắt dậy, chồm lên theo như một thằng điên. Tôi quay người lại. Hắn chụp ngay xuống chân tôi, cầu xin:

- Hãy giết tôi đi. Hãy đem gương xuống dòng sông Ngựa trả em.

Hắn bám chặt vào đùi tôi. Tôi đặt tay lên đỉnh đầu hắn. Đầu hắn lạnh như đồng. Có thể hồn hắn đã lìa khỏi xác hắn. Lời cầu xin của hắn nghe như mộ lời thành tâm. Có thể hắn không phải là kẻ có dã tâm ác độc. Nhưng thời đó, con người còn mông muội. Cái gì không cùng ta, khác ta đều là kẻ thù. Bởi vậy mới đẻ ra nhiều oan trái. Tôi cũng thầm mong cho hắn được chết đi…

Lại chợt nhớ câu dân làng Vũ Đại nói: “Khi nào gương của hắn soi lên dòng sông Vũ Đại không thấy cô Cúc hiện về thì hắn mới nhắm mắt được. Còn không, hắn cứ phải sống.

Bởi vậy, vào những ngày nắng đẹp, trời trong hoặc mưa phùn gió bấc, đem gương ấy ra soi trên dòng sông Vũ Đại cuộn xiết, vẫn thấy người con gái ấy hiện về. Và từ dòng sông, tiếng kêu cứu vẫn vang lên:

- Bác Chí ơi! Bác chết, nỗi oan của con ai giải cho?

Người kể chuyện sử làng Vũ Đại than thở:

-Thương cô Cúc quá, ông nhỉ? Đến tận bây giờ mà vẫn còn tấm tức kêu oan. Kiếp nạn. Đúng, kiếp nạn, chứ không thì là cái gì? 

(Hết phần III).


Phạm Thành: Hậu Chí Phèo và Dư luận, phần IV: Mộ tổ làng Vũ Đại ( tiếp theo phần III)


Mộ tổ làng Vũ Đại

Lăng Hồ Chí Minh tại Hà Nội. Ảnh: Tư liệu Google.

Cứ khói hương từ bàn thờ tỏa lan ngào ngạt trong nhà là Chí Lê Cường muốn điên lên, muốn đập phá…, muốn hết thảy mọi chuyện đều tung lên, phơi ra dưới ánh sáng mặt trời, dù là ẩm ướt. Da anh vốn đen đúa, lại được hun khói ở chiến trường đánh Mỹ, cơn tức từ ruột gan theo máu chạy lên mặt, biến ra tái tím. Mắt Chí Lê Cường vốn to, cơn tức kéo lên làm mí mắt anh căng ra, đôi con người đồng thau được dịp chồi ra như hai con ốc bươu vàng. Tóc Lê Chí Cường đen nhánh, cơn tức dội lên óc, dựng ngược cả lên, có cảm giác như nghìn mũi kim tủa lên, sắc nhọn…


Hương khói thực tình chỉ ngào ngạt, thơm lựng. Vào ngày giỗ, có mùi của đĩa xôi gạo mới, quyện với mùi thơm của hương, ngửi mà thấy thanh khiết, thanh tao. Mũi Chí Lê Cường chưa bao giờ bị bệnh, và dứt khoát không có triệu chứng viêm xoang, hẳn Chí Lê Cường cũng nhận rõ cái hương vị quyến rũ lòng người này. Nhưng đã trót có đớn đau trong lòng, ăn ớt không biết rằng cay, ăn muối không biết rằng mặn nên lẫn trong mùi hương, Chí Lê Cường còn nhận ra cái mùi tanh tưởi nào đấy, đại để như mùi của chú chuột đồng chết đang độ rữa ra, chẳng hạn.

Không hận thù sao đặng? Đồng Cồn là nơi cụ tổ họ Cụ Chí, người đầu tiên khai phá. Giữa đồng Cồn có gò Cồn, là nơi vùi thịt da, xương cốt của cụ tổ Cụ Chí nhà anh. Qua biết bao sự thay đổi của lòng người và đất đai, gò Cồn vẫn là nơi thiêng liêng, chưa ai dám san bằng để cấy trồng. Thời nào thì thời, con người không thể sống thiếu tổ tông được. Ấy mà họ Võ Đức ngang nhiên đến xây mộ tổ của nhà hắn lên đó. Sao họ Võ Đức biết tôn trọng tổ tông, còn cái họ Chí nhà mình lại không? Thiếu gì đất mà họ Võ Đức lại xây mộ cụ tổ nhà nó đè lên phần xương thịt của cụ tổ nhà mình? Tổ tông đã bị đè, con cháu không ngóc đầu lên được là điều hiển nhiên.

Đúng quá! Óc Chí Lê Cường chợt lóe lên một thực cảnh: Cha ông dạy: "Có thờ có thiêng, có kiêng có lành". Cụ tổ họ Chí Lê Cường chết, theo gia phả để lại, do bị ngập ở đồng Cồn vào một ngày giá rét khi vua đi kinh lý qua làng. Đám tang cụ tổ nhà họ Chí không kèn, không trống, không hòm ván và không ai được khóc. Đã thế, nắm xương tàn nằm lại đồng Cồn cũng không được yên linh. Thế thì lấy đâu ra thiêng, ra lành? Họ Chí từ xưa vẫn lấy ngạch võ làm đường tiến thân, nên trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc, có bao nhiêu đàn ông trai tráng, họ Chí đều động viên ra mặt trận hết. Bao nhiêu người hy sinh, bao nhiêu bảng vàng danh dự mà tiến thân của con em trong họ, chỉ đến cấp đại úy rồi lục tục về vườn. Họ Võ Đức xưa nay theo dòng văn. Hai cuộc kháng chiến, con em của họ lẩn như trạch, có kẻ còn theo giặc, chỉ lèo tèo dăm ba đứa vào quân ngũ, ấy mà có đứa leo lên đến đại tá. Sao lại đảo ngược quy tắc truyền thống như vậy? Phải chăng, do họ Võ Đức xây mộ đè lên xương thịt họ Chí? Họ thờ mấy chục năm trên đó, biết đâu cái khí thiêng thượng võ của họ Chí, cái lộc để lại của họ Chí, do họ Võ Đức vừa đè lên, vừa thờ phụng cầu xin đã đi vào họ Võ Đức? Có thể lắm! Mà có thể gì nữa? Cứ nhìn cái thực cảnh cũng đã thấy quá đúng .

Không ngủ được, Chí Lê Cường tung chăn, rút bàn tay ra khỏi bàn tay vợ, vùng dậy, anh lần tay xuống gầm giường, với cái điếu cày lên, nhồi thuốc lào vào nõ điếu, bật lửa, rít. Hút một lúc ba điếu liền, anh mới hạ chân xuống đất, nhẹ nhàng đi tới bàn thờ, đốt đèn lên, thành kính thắp nén nhang.

Đêm mùa xuân tĩnh lặng. Chỉ nghe gió đông đầu mùa xuân thổi vù vù. Ngọn đèn dầu, sau mấy cái nổ "lép bép" cũng sung sức nhồi ngọn lên đỏ lét. Không ai thấy, theo khói hương bay, mặt Chí Lê Cường đang tái tím dần, đôi con mắt đồng thau ốc bươu vàng cố mở ra, và tóc đen cứng như nghìn kim dài dựng ngược.

- Phải giết thêm một con lợn nữa. - Chí Lê Cường đập tay xuống bàn thờ quả quyết.

Vợ Chí Lê Cường lúc này cũng không ngủ. Nàng cũng đang thao thức nghe gió đông đầu mùa xuân thổi vù vù, rít qua phên vách. Quen với tính chồng, đã quyết thì làm, nàng không mấy khi to tiếng. Nhưng con lợn đã gần một tạ, công sức chắt bóp bao ngày vất vả bỗng dưng đem cúng cho cả họ, nàng không thể không xót. Nàng thủ thỉ, thuyết phục chồng:

- Em tính, ta cứ đem bán quách nó đi. Con lợn này bụng to, bán thì dôi cân, làm thịt hao lắm. Bán quách nó đi, lên chợ mua cái thủ với vài cân mỡ, vài bó măng, vài nải chuối xanh, làm vài mâm cúng các cụ là được. Năm ngoái đã làm lớn, năm nay làm thế là vừa. Mình còn khó khăn, các cụ thông cảm.

Lại biết vợ đang tính toán thiệt hơn đồng tiền, lợi thêm vài cân hơi, cũng được chục ngàn đồng, cũng có thể sắm cho con cái một vài bộ quần áo. Nhưng làm thế, e mất tiếng, mất thể diện. Giỗ chạp mà không có lợn réo, gà kêu, không có dao thớt chạm vào nhau kêu chan chát, bát nồi va chạm vào nhau loảng xoảng, thì còn ra cái thể thống gì? Họ Chí to, vài cân mỡ với cái thủ thì ai ăn, ai mời? Hơn nữa, giỗ họ thỉnh thoảng mới làm. Chiều phụ nữ mà để mất tổ tông, họ hàng à? Hơn nữa, từ thời khoán mười đến nay, có đứt bữa nào đâu mà lo. Chí Lê Cường dỗ dành vợ:

- Biết là tốn. Mình là trưởng họ, làm khác đi, ai người ta còn phục, còn nể! Họ nhà mình mấy chục năm nay theo văn hóa mới, bỏ giỗ chạp, vài năm nay mới làm lại, có đâu mà nhiều, mà tốn. Nhân giỗ chạp, tập trung con em lại để giáo dục tinh thần đoàn kết, kể cũng còn ít. Thời buổi khác rồi, anh em không đoàn kết, dễ lép với thiên hạ lắm.

Không thấy vợ nói gì. Chí Lê Cường chỉ nghe tiếng vạc giường chạm nhau đôm đốp. Nàng đang cựa mình. Chí Lê Cường đưa tay với cái điếu cày, lại nhồi thuốc, châm lửa, rít.

- Thì tôi cũng tính vậy - Nàng nói - Chứ nhà này có cái gì mà ông chả quyết.

- Thì đã - Chí Lê Cường dứt khoát - Tôi quyết, nhưng lợn, công khó nhọc là của mình. Phải thuận vợ, thuận chồng, ngày mai còn lo.

Cả hai cùng im lặng. Chỉ có gió đông đầu mùa xuân vẫn đập thình thịch ngoài phên vách. Một lúc sau, vợ Chí Lê Cường lại lên tiếng:

- Thầy nó ạ.

- Hử?

- Họ nhà người ta cũng không phải tay vừa đâu. Tôi chỉ sợ lợn mất, rồi tật mang, khổ con, khổ vợ suốt đời.

Chí Lê Cường đắng mồm, cứng lưỡi, vì những lời của vợ gợi những khó khăn triền miên trong gia đình anh. Anh chợt rùng mình. Trời đã nhá nhem sáng.

Họ Chí đến giỗ tổ đông đủ hơn lúc nào hết. Họ ngồi trật tự, phát biểu có tổ chức, có nội dung hơn bất kỳ cuộc họp xã viên nào. Nhờ các cụ kể lại, Chí Lê Cường biết rằng, cụ tổ họ Võ Đức không phải là người bản địa. Họ mới đến ngụ cư ở đây từ thời Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa. Và nghe đâu, cụ tổ họ Võ Đức theo Lê Lợi, giữ chức quan coi phần giáo huấn trong quân ngũ và chết mất xác ở tận đẩu tận đâu. Thế thì nhất định họ Võ Đức không có mộ tổ thật. Mộ tổ họ Võ Đức xây ở gò Cồn chỉ là xây hờ, thờ phụng hờ mà thôi. Trong mộ nhất định không có hài cốt.

Lê Chí Cường mừng rơn. Để giấu niềm vui và chứng tỏ tư cách một tay trưởng họ, Chí Lê Cường cứ thong thả hút hết điếu thuốc lào này đến điếu thuốc lào khác. Khói thuốc lào từ miệng Chí Lê Cường thả ra, tỏa kín cả gian nhà rộng. Cả gian nhà đầy một mùi khen khét, khê khê, nồng nồng. Chí Lê Cường "phản biện" lại các cụ:

- Lấy gì làm bằng chứng, các cụ?

Một cụ già đứng lên nói:

- Anh cũng là người từng đi chiến trận. Anh biết xác người trong cuộc chiến thất bại như thế nào rồi. Cụ Lê Lợi nhà ta, thuở còn khởi nghĩa, có biết bao nhiêu phen lâm cảnh khốn cùng: "Khi Lương (Linh) Sơn lương hết mấy tuần. Lúc Khôi Huyện quân không một đội". Lại còn, “máu chảy thành sông, tanh hôi vạn dặm”. Xác chết nhiều đến nỗi, nước sông Ngựa sông Trâu tắc nghẽn, còn bị quạ tha, diều rỉa, như thế còn phân biệt được nổi ai là xác ai? Lại, người chết trận, kẻ cụt đầu, người cụt chân, tay, lại toàn mặc một kiểu quần áo, mặt lại còn hóa trang, thì rất khó mà xác định? Do thế, họ Võ Đức tài thánh cũng không tìm được cụ tổ chết trận nằm ở đâu. Ấy là chưa nói thời ấy, còn có tin đồn, cụ tổ họ Võ Đức thấy nguy, định phản bội nữa.

Mấy cụ nữa cũng phát biểu với nội dung tương tự và đều khăng khăng rằng, cụ tổ họ Võ Đức mất xác, biệt vô âm tín. Cái gò Cồn, từ khi cụ tổ họ Chí vùi xác ở đó mới thành thiêng. Họ Võ Đức chơi cái trò láu cá. Biết thời buổi đang chiến tranh, tiến thân bằng văn nghiệp sẽ khó khăn, nên đã lừa lúc con em họ Chí đi vắng, xây đè mộ tổ nhà họ lên mộ tổ nhà họ Chí, nhằm ăn cái lộc thượng võ của họ nhà Chí ta. Và cũng như uất hận của Chí Lê Cường, họ Chí lại đem cái không tiến thân được bằng binh nghiệp của họ nhà mình so sánh với họ Võ Đức. Đến thế thì niềm đắng cay không chỉ có ở những gia đình họ Chí có con em đi bộ đội mà lan ra sôi sục ở mọi gia đình họ Chí. Không khí cuối buổi giỗ tổ, mỗi người một niềm căm tức đã hợp thành ý chí của cả trăm người. Họ Chí nhất quyết, lập tức phải san bằng cái mộ hờ trái phép của họ Võ Đức đi.

Một cụ khác nói:

- Họ ta xưa nay vẫn quen giải quyết công việc bằng vũ lực. Sinh nghệ, tử nghệ, ta không ngán. Nhưng đó là cách của thời trước, của bọn già tôi, cái bọn không có chữ nghĩa gì. Bây giờ, anh Cường, các anh, các chú đều là những người có học, lại đang có dân chủ, đổi mới, ta cứ làm đơn kiện gửi cho các cấp thử xem. Án tại hồ sơ. Gia phả họ ta còn, Đảng và chính quyền cũng phải chấp nhận.

Cả họ Chí xôn xao:

- Được thế thì tốt quá! Họ Võ Đức cũng là họ to, xưa nay có nhiều mưu kế hiểm, có Đảng, chính quyền hỗ trợ, cũng không thừa.

Viết đơn kiện, cả họ Chí đồng tình.

Thắp thêm tuần nhang nữa, cả họ Chí cụm đầu vào thảo đơn kiện. Loay hoay một lúc mới viết được mỗi câu: "Kính gửi Uỷ ban các cấp, từ trung ương đến địa phương!". Đi vào nội dung, có người muốn phải bắt đầu từ việc kể lịch sử gò Cồn; có người lại kiên quyết phải bắt đầu từ việc kể tội họ Võ Đức; có người lại sụt sùi khấn vái mà rằng: phải bắt đầu từ nỗi oan ức bị trù dập của họ Chí… Mỗi người một ý. Chẳng ai chịu ai. Qua mấy tiếng đồng hồ mà đơn kiện vẫn chưa hạ được chữ nào cho đúng ý mọi người. Lại còn cãi nhau om sòm.

Họ Chí xưa nay chưa từng thảo đơn kiện bao giờ. Chí Lê Cường là người chấp bút cũng lúng túng. Tuy là đại úy về vườn, nhưng suốt mười năm trong quân ngũ và giữ chức đại đội trưởng, anh cũng chưa hề qua một lớp học tập, huấn luyện sơ cấp nào. Lên tới cấp đại úy là do thành tích trận mạc. Bực với lời đi tiếng lại nhức cả óc, lại trong đầu không bật lên một chữ nghĩa nào khả dĩ có thể làm hài lòng cả họ, Chí Lê Cường bỏ bút, đứng lên:

- Tôi cũng không quen cái nghề cạo giấy, thưa các cụ.

Một cụ nói:

- Anh là người có cấp bậc cao nhất trong họ, lại cũng có học cao nhất, anh không viết thì còn ai viết được.

Chí Lê Cường trồi đôi con mắt đồng thau ốc bươu vàng, nhìn chằm chằm vào anh em, dòng họ. Những khi giáp trận, cái chết kề cái sống, Chí Lê Cường thường có biểu hiện như vậy. Tuy lúc này không phải là chiến trận, cái sống kề cái chết, nhưng lại là biểu hiện của sự bức bối cao độ. Chợt, Chí Lê Cường nhớ tới cái mũi lê nhọn hoắt và đôi tay rắn chắc của anh xỉa vào ngực kẻ thù. Đồng đội có nhiều người bảo anh liều, nhưng anh đã không chết. Khối thằng có tiếng là khôn ngoan, ấy mà lại bỏ xác ở chiến trường. Cứ phải liều, phải tới…

Chí Lê Cường đứng phắt dậy, tay vỗ "bồm bộp" mấy cái có ý ra lệnh cho mọi người trong họ im lặng, rồi nói dứt khoát:

- Dứt khoát không có kiện. Ta tìm lại xương cốt của cụ tổ nhà ta, nếu các cụ có thiêng, sẽ không chấp nhận cách giải quyết theo cái dấu đỏ của chính quyền đâu. Khí chất của cụ tổ nhà ta không đến mức mềm yếu như vậy. Họ Võ Đức, ngày trước xây mộ trên mộ tổ nhà ta, chúng nó có bàn bạc với ai đâu? Bất ngờ, một đêm chúng nó xây xong. Cách làm của chúng nó nhất định được cụ tổ nhà ta chấp nhận. Bởi thế, họ Võ Đức mới giành được lộc của nhà ta. Tôi tính, xưa cụ thế nào thì con cháu ngày nay cứ theo tính của cụ mà làm. Vấn đề cũng phải xong trong một đêm.

Có lý quá! Họ Chí lại một lần nữa tán thành. Và để cho ý kiến của Chí Lê Cường thêm sức nặng, một cụ bổ sung thêm:

- Ấy. Tôi nhớ các cụ kể lại: Cụ tổ nhà ta theo Lê Lợi làm quan tới chức… tóm lại là rất to. To hơn cụ tổ họ Võ Đức nhiều và được Lê Lợi sủng ái hơn. Thế mà, khi thái bình hưởng lạc, Lê Lợi chỉ tuyên dương công trạng có một lần, cụ nhà ta bỏ phẩm hàm về quê liền. Thế mà Lê Lợi không dám ghép vào tội khi quân. Lê lợi còn mò từ kinh thành về đây để… như bây giờ gọi là xin lỗi. Cụ tổ nhà ta vẫn không thèm tiếp, đánh trâu ra đồng Cồn, rồi uất mà chết ở đó. Cụ dặn, không được kèn trống, hòm ván gì cả, cứ để xương cốt tan vào đồng Cồn. Hồi xưa, khi chưa có cách mạng, có ai dám trồng trọt gì ở trên đó mà có thu hoạch đâu? Anh Cường nói, chỉ có một đêm, tôi tán thành. Như thế mới đúng ý nguyện của cụ.

Mồ mả ở quê hiện vẫn còn thiêng lắm! Bình thường, có thể để cỏ mọc um tùm lên, trâu bò dẫm lên, thậm chí còn "bậy" cả lên, không sao. Nhưng nếu là người, đặc biệt là khác họ, lâu nay có hiềm thù với nhau vô tình hay cố ý như bò dẫm lên, thì xương máu dễ chảy ra lắm. Cụ tổ hai họ chết từ thời Lê Lợi, không biết có còn tý xương vụn nào không, nhưng để bảo vệ cần phải hy sinh xương máu của người sống cũng phải làm. Đó là trách nhiệm đời đời của con cháu, dòng tộc. Tinh thần này có từ thời cụ Trần Hưng Đạo truyền qua bài "Hịch tướng sĩ" mà ra.

Họ Chí giết lợn, họp họ ồn ào có cái gì mà kín được. Sau cuộc họp của họ Chí, họ Võ Đức thấy rằng phần mộ của nhà mình đang bị đe dọa, lập tức có kế hoạch phòng thủ. Bằng chứng, trên mộ tổ nhà họ Võ Đứcở bốn góc có bốn thanh gươm bằng gỗ cắm ngượclên. Trên bốn mũi gươm cắm bốn cái đầu lâu làm bằng củ chuối. Rễ chuối được họ Võ Đức cố ý để lại và bôi mực đỏ, mực đen. Những đêm trăng, từ xa nhìn lại, thấy củ chuối và rễ chuối như đầu lâu vừa chém xong, máu còn chảy ròng ròng.

Kèm với biểu tượng chiến đấu, trẻ con nhà họ Võ Đức, đứa nào cũng thuộc và réo ầm ĩ khắp cả làng: "Chẳng những mồ mả của ta bị tan, mà gia quyến nhà người cũng tan nát".

Có những ngày, không khí cuộc sống ở làng sôi sục như hồi chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ.

Thấy "chiến sự" như xảy ra đến nơi, lập tức bí thư Đảng ủy triệu tập đương sự họp ngay. Đảng ủy cho Chí Lê Cường phát biểu trước.

Chí Lê Cường:
- Thưa đồng chí chủ tịch, thưa đồng chí bí thư, tôi nghĩ, đời nào con người cũng phải có tổ tông. Tổ tông mà bị đè thì con cháu không ngóc đầu lên được...

Ông bí thư nghe thấy Chí Lê Cường nói những điều đảng viên không được nói, vội đứng đậy cản lời Chí Lê Cường:

- Thôi. Anh Chí Cường im đi. Tôi nói cho anh biết, anh là đảng viên, ăn nói cho có tinh thần Đảng. Cả hai lão cụ tổ chết, đến cái xương vụn cũng chẳng còn. Tổ với chả tông, thiêng với chả liêng cái gì? Anh nói ngay cho Đảng ủy biết, vì sao anh lại họp họ để tổ chức choảng nhau?

Chí Lê Cường như bị dội nước lạnh vào đầu, da mặt đang từ đen nhẻm chuyển sang màu tái tím. Như trong nhiều bận tức giận, con mắt ốc bươu vàng của Chí Lê Cường lại trồi ra. Anh nhìn chằm chằm vào mặt bí thư Đảng ủy. Họng anh, những sợi gân căng to lên như sợi dây thừng buộc trâu bò:

- Vì sao? Vì cái họ Võ Đức mất dạy, xây mộ tổ nhà nó đè lên mộ tổ nhà tôi, nhà anh - Chí Lê Cường hăm hằm.

Bỗng, nghe tiếng đập bàn đánh "rầm", đại biểu họ Võ Đức không kịp xin phép bí thư Đảng ủy, đứng bật dậy, thét lên:

- Cái thằng Cường họ Chí kia, mày bảo ai mất dạy? Hả? Họ tôi biết đếch đâu các cụ nhà tôi xây mộ đè lên mộ tổ nhà các anh? Mà cái họ nhà anh chưa mở miệng ra đã chửi người, có đè lên cũng là phúc cho cả làng này.

Bốp"! Chủ tịch đập bàn ngăn họ Võ Đức lại:

- Các anh định gây sự trước mặt bí thư Đảng ủy phải không? Tôi báo để các anh biết, có dân quân thường trực ở đây, sẽ gô cổ đứa nào gây ẩu đả. Họ Võ Đức cũng vào đề ngay cho. Tại sao các anh lại tổ chức cho bọn trẻ con đứa nào cũng phải học thuộc "Hịch tướng sĩ"? Tại sao?

Đại biểu họ Võ Đức trả lời:
- Tại cái họ Chí nhà anh họp, bàn cách san mộ tổ họ nhà tôi.

- "Bốp" - Chủ tịch đập bàn tiếp - Anh im cái mồm đi. Bằng chứng đâu?

Họ Võ Đức cà kê kể ra nhiều bằng chứng. Nào là họ Chí, năm ngoái giết lợn liên hoan cả họ, ra nghị quyết, thảo đơn kiện. Họ Chí còn vu khống cho họ nhà tôi đã làm cho họ Chí không ngóc đầu lên được. Toàn là những chuyện bịa đặt, bậy bạ.

Chí Lê Cường nghe xong, chẳng chối điều gì. Nhưng xét trên tinh thần Đảng, thì họ Chí không có khuyết điểm "gây chiến". Chí Lê Cường nói:

- Chúng tôi không có vũ khí thị uy. Không có đầu lâu cắm trên mộ. Trẻ con họ Chí không có đứa nào học thuộc "Hịch tướng sĩ".

Tiếng đi, tiếng lại, qua mấy cuộc họp "tràn đầy" căng thẳng, Đảng ủy vẫn không dàn xếp xong. Họ Chí cậy vào gia phả. Họ Võ Đức dựa vào phần mộ tổ đang có. Chẳng bên nào chịu bên nào. Đảng ủy đành bất lực. Bực bõ, Đảng ủy ra nghị quyết, buộc hai họ nộp phạt. Lý do: Hai họ gây mất trận tự an ninh thôn xóm. Cứ gây rắc rối, Đảng ủy tiếp tục phạt. Rút cục chủ tịch cũng như bí thư Đảng ủy chẳng giải quyết được gì.

Nhớ tới con lợn năm ngoái, Chí Lê Cường bần thần cả người.

Quả thực, trông cậy vào Uỷ ban giải quyết để họ Chí cầm cuốc xẻng bứng cái mộ nhà họ Võ Đức đi, hy vọng mong manh lắm! "Mình có lý. Họ cũng có lý. Đến mình là Uỷ ban cũng phải giải quyết theo kiểu "hoãn binh" như vậy. Họ người ta cũng không vừa. Cứ ầm ĩ như con lợn năm ngoái, rồi họ Võ Đức lại cho trẻ con hát ầm "Hịch tướng sĩ"; lại cho cắm đầu lâu trên mộ, Uỷ ban lại họp, lại mất thêm một ít tiền nữa, mà chẳng đi tới đâu. Lợn mất, tiền mất, Đảng ủy lại phê bình. Chi bằng chiều theo ý vợ, vừa tiết kiệm, vừa kín tiếng, họ Võ Đức biết đâu mà lần; còn dôi tiền mua quần áo cho con, cũng hay. Biết đâu, chỉ hết cái thủ với bộ chân giò là xong".

Từ con lợn năm ngoái, ý nghĩ của Chí Lê Cường lại "kéo" về thời chiến tranh.

"Có lần cấp trên quán triệt tư tưởng, phương án tác chiến, lại còn tổ chức tập chiến đấu giả mấy lần, ấy mà khi đánh lại thua chổng vó. Có lần chỉ sơ sài, xem đánh trận như đi dạo chơi, lại thắng to. “Ôi! Những trận chiến… Mìn nổ, bộc phá liên hoàn nổ… Những bùng nhùng thép gai tung lên. Tung lên! Tung lên!".

Chí Lê Cường như bị chiến trận thôi miên, miệng hét, người tung lên, rồi nằm sấp, dán mình xuống đất giữa nhà tránh đạn. Đôi mắt ốc bươu vàng của Chí Lê Cường mở rộng hết cỡ, thao láo hướng về phía bàn thờ. Chí Lê Cường chợt nhớ ra điều gì, lẩm bẩm: "Đúng rồi! Mẹ đếch! Hai cân bộc phá mang về dự phòng cất đâu?"

Vẫn nằm dán xuống đất, ngóc đầu hướng lên bàn thờ suy nghĩ, một lúc, chừng như nhớ ra, Chí Lê Cường gục mặt xuống đất. Đất lạnh đêm đông đầu mùa xuân làm bộ nhớ của Chí Lê Cường bừng tỉnh. Anh lầm bầm mà như reo lên: "Dưới gầm giường? Dưới gầm giường chăng? Không. Dưới bàn thờ? Không. Đích là dưới gầm giường hạnh phúc".

Chí Lê Cường bò tới gầm giường. Vợ anh vẫn đang nằm trên giường và đang quay mặt vào bờ vách. Chí Lê Cường đã lần đúng chỗ và đưa lòng bàn tay vỗ "bịch, bịch" xuống mặt đất. Sau đó, anh dùng đèn pin soi, dùng dao cạo mặt đất. Một tảng đất khô hình viên gạch lộ ra. Mìn. Hai cân mìn dự phòng.

Chí Lê Cường tính toán: Gò Cồn chỉ rộng bằng hai mảnh chiếu đôi gộp lại. Mộ họ Võ Đức xây, đầu nằm hướng về phía Đông, chân duỗi hướng về phía Tây. Cả phần mộ lẹm về phía Nam. Đào từ hướng Nam vào, theo kiểu hàm ếch, rộng độ một gang tay rưỡi, sâu vào một mét rưỡi là vừa. Quan trọng là phải không được đào sâu quá để lúc mìn nổ chỉ tung phía trên mà thôi; xương cốt cụ tổ nhà anh ở phía dưới vẫn còn nằm lại. Việc không cần nhiều người. Kể không giỗ tổ lớn cũng được. Trước hết cứ phải bật cái mộ tổ họ Võ Đức đi, rồi tính bài đoàn kết sau cũng chưa muộn.

Chí Lê Cường cầm dao, đứng lên, rồi ngồi xuống giường, nói với vợ:

- Tôi thấy mình nói phải. Ngày mai cứ đem lợn lên chợ mà bán cho dôi cân. Tôi chỉ xin cái thủ với bộ chân giò, nải chuối.

Ngày giỗ tổ họ Chí năm ấy, Chí Lê Cường chỉ mời các cụ đầu ngành trong họ đến dự. Cái thủ với chân giò, vợ anh làm khéo, cũng được năm sáu mâm thịnh soạn. Chí Lê Cường trình bày phương án đánh mìn, các cụ đồng tình cả. Nhờ trí tuệ tập thể mà phương án đánh mìn của Chí Lê Cường được các cụ hoàn thiện thêm. Sau cùng các cụ khuyên:

- Phải biết xóa dấu vết, anh Cường ạ. Tôi tính, khi có mìn nổ, thì ta lập tức phá cống nông giang cho nước chảy xối vào đồng Cồn. Nước ngập mênh mông, họ Võ Đức nhìn trơ mắt ếch ra, chứ làm gì được?

Phá mộ tổ nhà người thật chẳng khó khăn gì mấy. Đêm đông đầu mùa xuân gió rét, lại lâm thâm mưa bay, mấy ai dám ló mặt ra đường? Thế là, vào một buổi sáng khi mặt trời lên tới cây sào, xua tan sương mù mùa xuân, dân làng Vũ Đại nhận ra nước loang trên đồng Cồn. Một số người khó ngủ trong đêm nói: Đêm qua họ nghe thấy một tiếng nổ lớn. Lúc ấy, họ mới để tâm tới gò Cồn. Sau một lúc chỉ chỉ chỏ chỏ, bàn tán, họ kết luận: Gò Cồn không còn nữa.

Đến gần trưa, người ta thấy họ Võ Đức, người đi thuyền, kẻ lội bì bõm, dò dẫm đi tới gò Cồn.
Họ Võ Đức quả thật đã trơ mắt ếch ra nhìn. Chỗ mộ tổ hai họ, bây giờ thành chỗ ngập nước sâu nhất. Họ Võ Đức dùng gậy chọc xuống xem nông sâu, rồi cử người lặn xuống, thả gầu giai xuống. Lùng nhùng một lúc, khi thì căng dây lên, lúc thì chùng dây lại, họ Võ Đức chụm tay vào dây kéo gầu lên. Chẳng thấy một viên gạch hay một mảnh sành vỡ nào đọng trong gầu. Lặn, kéo cho đến gần trưa họ Võ Đức cũng chẳng mò, kéo lên được gì. Cuối cùng, cả họ Võ Đức phải bỏ mộ tổ, bì bõm lội về.

Ít hôm sau, nước đồng Cồn cạn đi, chỗ ấy cũng chỉ là vũng nước sâu nhất. Cách chỗ nước sâu nhất ấy độ vài mét thấy toàn là những gạch vỡ và đất vụn. Họ Võ Đức bao lần cố ra tìm, nhưng cũng không thể nhặt được một mảnh xương con nào.

Năm ấy, lúa ở đồng Cồn bị thối gốc, chết cả.

Họ Võ Đức biết chắc họ Chí phá, nhưng không có bằng chứng, đành nuốt hận, chờ dịp họ Chí xây mộ tổ trên đó để trả hận. Nhưng mấy mùa sau, họ Võ Đức chờ mãi cũng không thấy họ Chí xây mộ. Nghe đâu họ Chí cũng không tìm được một tí hài cốt nào của cụ tổ.

Chuyện này xảy ra hồi tay Chí đã nghỉ hưu danh dự rồi. Biết chính quyền, Đảng ủy, chẳng giải quyết được gì, tay Chí cho là phải lắm. Hắn còn tỏ ra đắc chí: "Tổ với chả tông, dân Vũ Đại mới mình cụ tổ Lạc Long Quân cũng đã quá phức tạp rồi, thêm nữa làm gì cho loạn".

Chỗ đất ấy, bây giờ thành đất canh tác, khi thì lúa xanh, khi thì ngô xanh.

Hai nhà Chí Lê và Võ Đức bây giờ cũng chịu chung số phận: không mộ tổ.

Họ Võ Đức, không chỉ có tá, mới đây còn có người được phong tới cấp tướng. Họ Chí lấy thế làm tức lắm. Và vì vậy, mỗi lần thắp hương, Chí Lê Cường bi phẩn lại uất đầy ruột: "Họ nhà mình chưa thể ngóc đầu lên được". Hương khói thành ra có mùi…

- Hương khói có mùi ư?

- Có thật đấy. Chính trị làng Vũ Đại hay tráo trở lắm. Hương khói có mùi là điều tất nhiên. Đó là truyền thống thăng trầm của dân làng Vũ Đại: chính trị thế nào, thì mùi hương khói ấy!- người kể chuyện sử làng Vũ Đại kết luận.
(Hết phần IV)
(nguồn badamxoe)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001