Thứ Hai, 21 tháng 5, 2012

Phim « Thiên đường Tình ái » : Du lịch tình dục ở Kenya
Từ trái qua phải : diễn viên Peter Kazungu - trong vai một beachboy (thứ hai), diễn viên Margarethe Tiesl (thứ ba) và đạo diễn Ulrich Seid
Từ trái qua phải : diễn viên Peter Kazungu - trong vai một beachboy (thứ hai), diễn viên Margarethe Tiesl (thứ ba) và đạo diễn Ulrich Seid
AFP

Trọng Thành
Hôm qua 18/05/2012, tại Cannes, phim « Paradise : Love » (Thiên đường Tình ái) của Ulrich Seidl đã được công chiếu. Thiên đường Tình Ái, phim đầu tiên trong một bộ phim ba tập của đạo diễn người Áo, với những hình ảnh trực diện và trần trụi, đã lột tả một thực tế nhơ nhớp : các thanh niên châu Phi bán dâm cho các phụ nữ châu Âu lớn tuổi để kiếm tiền.

Paradise Love đưa người xem đến với một bãi biển du lịch ở Kenya, nơi vẫn còn hiển hiện các dấu vết của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, với việc bãi tắm được phân thành hai, một bên cho người da trắng, và bên kia cho dân da đen, tách ra bằng một sợi dây với một nhân viên tuần tra.
Chính trong khung cảnh này, đã diễn ra câu chuyện giữa các beachboy người Kenya và một phụ nữ Áo trạc ngũ tuần, thân hình phốp pháp, đi tìm cơ hội thỏa mãn các khao khát thầm kín ở một chân trời xa xôi.
Theo các bình luận gia, đạo diễn Ulrich Seidl đã thành công trong việc tìm ra người đóng vai nhân vật chính Teresa. Margarethe Tiesel - vào vai hết sức tự nhiên và đi đến cùng trong cuộc chơi kinh hoàng của nữ du lịch người Áo -, đã được người xem nồng nhiệt tán thưởng, như ghi nhận của báo giới. Từ chỗ là một phụ nữ đầy mặc cảm và ẩn ức, đi tìm một tình yêu, Teresa đã trở thành một « sugar mama » (tạm dịch là « máy bay bà già ») không còn biết hổ thẹn, sẵn sàng trả tiền để được thỏa mãn và chỉ thỏa mãn khi bỏ tiền ra để trả cho các thú vui của mình.
Các nhân vật beachboy trong phim là « những người thực, việc thực », do chính các thanh niên đã từng kiếm tiền từ các sugar mama đóng. Một trong số các beachboy đã từng sống ở Đức cùng với một sugar mama trong bốn năm trời. Các beachboy không phải chỉ là nạn nhân, chính họ cũng lợi dụng một cách tối đa các « con mồi » nữ. Tuy nhiên, theo một số bình luận gia, chính ở đây mà bộ phim đã vấp phải một hạn chế, đó là việc nhấn mạnh thái quá đến thái độ lạm dụng của một số thanh niên Kenya đối với các nữ du khách, một điều khiến bộ phim gây phản cảm.
Đạo diễn Ulrich Seidl là tác giả của phim Dog Days, giải sư tử vàng Liên hoan Venise 2001, và bộ phim Import/Export của ông đã tham gia tranh giải Cannes năm 2007. Trong các bộ phim nổi tiếng kể trên, đạo diễn Ulrich Seidl thường gắn chặt các nhân vật với những cảnh ngộ tối tăm và cùng quẫn. Trong khi đó, vẫn tiếp tục mối quan tâm chủ đạo là sự mua bán xác thịt và tâm hồn, phim « Paradise : Love » đã đưa thêm một cái nhìn khác.
Trả lời phỏng vấn của Le Monde, đạo diễn của "Thiên đường Tình ái" tâm sự, trong bộ phim này, ông quan tâm đến cảm giác đơn độc tột cùng trong đời sống nội tâm của con người, cảm giác mà ai ai cũng đều nhận biết khi đối diện với chính mình, nhưng không muốn thừa nhận. Ông đặc biệt quan tâm đến khát khao ghê gớm và không bao giờ có thể thỏa mãn được : nhu cầu được bảo vệ, được yêu mến. Nhưng đây lại là điều mà, theo ông, tất cả mọi người đều che giấu. Đạo diễn người Áo bộc lộ rõ sự đồng cảm của ông với nữ nhân vật chính, trong cuộc tìm kiếm sự thỏa mãn các nhu cầu xúc cảm và tình dục, mà bản thân xã hội của bà đã không thể mang lại được cho bà.
(nguồn RFI)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001