Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2012

Sau bảy giờ chỉ còn được phép chết

Phan Ba dịch từ Der Spiegel số 07 năm 1968 (12/02/1968)
Biên tập viên SPIEGEL Siegfried Kogelfranz từ Sài Gòn
Tiếp viên hàng không yêu kiều trong áo dài màu xanh lá mạ đi cùng với hành khách dưới những cái dù khổng lồ xuyên qua cơn mưa như trút nước của miền nhiệt đới vào trong căn nhà của phi trường. Chuyến taxi đi vào thành phố có giá một dollar.
Đó là Sài Gòn trong mùa Hè 1963. Quân cảnh, những vóc người nhỏ có làn da màu ô liu dưới chiếc nón to, đứng canh cổng phi trường. Chuyến taxi đi vào thành phố có giá một dollar.
Sài Gòn trong Tết Mậu Thân
Sài Gòn trong Tết Mậu Thân. Ảnh: The Vietnam Center and Archive
Đó là Sài Gòn trong mùa Xuân 1965. Quanh căn nhà trông có vẻ ngày một tồi tàn hơn, công binh đã đổ bê tông hàng chục kilômét đường bay và khiến cho Airport Tân Sơn Nhứt của Sài Gòn trở thành cảng hàng không nhộn nhịp nhất của thế giới. Chuyến taxi đi vào thành phố có giá mười dollar.
Đó là Sài Gòn trong năm 1967, thủ đô của một nước mà trong lúc đấy cường quốc thế giới Hoa Kỳ đang bảo vệ nó với 400.000 người lính chống lại du kích quân đỏ.
Trong tháng 2 năm 1968, chuyến taxi đi vào thành phố không mất tiền – trong một chiếc xe buýt quân đội màu xanh giữa hai chiếc Jeep với nhóm ba người trên mỗi một chiếc xe, cạnh cây súng máy sẵn sàng bắn. Nhiều lắm là nó có giá một mạng sống.
Vì sau năm năm giao tranh nhỏ trong rừng rậm, chiến tranh cũng đã đi vào thủ đô, cảng hàng không và trung tâm thành phố nằm trong tầm bắn của du kích Việt Cộng, không một máy bay dân sự nào còn đáp xuống Tân Sơn Nhất từ gần hai tuần nay.
Thành phố ba triệu dân, tổng hành dinh cho nửa triệu lính của quyền lực quân sự hùng mạnh nhất thế giới, nằm trong tình trạng thiết quân luật. Sài Gòn 1968 giống như Budapest 1956 hay như Madrid 1937: một thành phố bị bao vây trong cơn hấp hối.
Rào cản bằng bao cát với lính canh sẵn sàng bắn dọc theo đường phố, Jeep với lính đội nón sắt và áo chống đạn (lúc nào cũng đi hai chiếc xe với nhau), nhà cửa đã cháy rụi, mồ chôn tập thể vừa mới được lấp lại, khói, tiếng súng bắn, mùi cháy và chết chóc, cửa chớp được hạ xuống ở các cửa hiệu, tất cả những người sống trong đó đã bỏ đi.
Vào ngày kế cuối của tháng 1, cuộc chiến đã đến quá bất chợt với thành phố của những người hưởng lợi từ chiến tranh. Ở phía sau là chùa Ấn Quang. Chỉ qua một đêm, một vài ngàn du kích quân đã quét phăng đi hòn đảo của kinh doanh và giải trí ở giữa một cuộc chiến tranh bẩn thỉu. Con buôn chợ đen và ma cô đã biến mất. Một lệnh giới nghiêm, cái lúc đầu có hiệu lực 24 giờ trong ngày và cho đến ngày hôm nay vẫn còn có hiệu lực trong một phần của thành phố từ hai giờ trưa cho tới tám giờ sáng, làm tê liệt mọi cuộc sống.
Sau bảy giờ tối chỉ còn được phép chết trong Sài Gòn: vì bắt đầu từ bảy giờ, đô thị này là cái mà trước đây hai tuần chỉ có những tỉnh hẻo lánh mới là – “free strike zone”. Tất cà mọi thứ chuyển động đều sẽ bị bắn mà không được cảnh báo trước.
Thành phố bị cô lập, không còn rau cải đến từ đồng bằng sông Cửu Long nữa, không có trái cây từ Đà Lạt. Giá cả tăng vọt. Nằm trong Bưu điện trung tâm là 4000 bức điện tín không giao được, trên đường phố là những đống rác cao nửa mét.
Chính phủ đã ra lệnh đốt rác. Và vì than đá – chất đốt truyền thống của người Việt – khan hiếm nên người dân trong Sài Gòn thường hay nấu những bữa ăn đạm bạc của họ trên rác đang cháy.
Họ chờ đợi trận tấn công kế tiếp của Mặt trận Giải phóng và tránh không đến gần những người Mỹ bảo vệ họ – vì điều đó có thể chết người.
Cảnh sát Quốc gia VNCH kiểm tra nam thanh niên Việt Nam trong Tết Mậu Thân. Ảnh: Vietnam Center and Archive
Cảnh sát Quốc gia VNCH kiểm tra nam thanh niên Việt Nam trong Tết Mậu Thân. Ảnh: Vietnam Center and Archive
Người Mỹ đã tăng cườnng các biện pháp an ninh của họ. Trong Trung tâm Thông tin của Hoa Kỳ, trước cuộc “briefing” hàng ngày, các nhà báo bị kiểm tra hai lần – và được cung cấp thông tin.
Thông tin tất nhiên giống như không thuộc trên Trái Đất này: trong khi nước Mỹ có thể tiếp tục thất bại trong một trận đánh chỉ cách đấy vài con đường hay rơi vào một cuộc chiến tranh nguyên tử cách đấy vài trăm kilômét về phía Bắc ở căn cứ Khe Sanh đang bị bao vây, giới công khai của thế giới biết được từ cửa miệng của một vị tướng và một viên đại tá, rằng
  • nhân viên nhà nước đã bán 160 tấn gạo theo giá chính thức ở tại bảy nơi trong thành phố ba triệu dân này,
  • giờ giới nghiêm trong một phần ba vẫn đang còn bị đe dọa của thành phố được bắt đầu muộn hơn một giờ, chuyển từ 14 sang 15 giờ,
  • cảnh sát người Việt đã tịch thu được hai súng chống tăng B-40 và một khẩu súng máy và
  • lần đầu tiên kể từ ngày 29 tháng 1, lại có xe đi hốt rác – chính xác là 17 chiếc, ngày mai sã là 42, nếu như người ta tìm được đủ tài xế.
Trong số khoảng 60 câu hỏi của nhà báo có 50 câu không được trả lời. Không ai có thể – hay muốn – nói
  • có bao nhiêu thường dân đã chết vì các cuộc giao tranh trong thành phố
  • con số người chạy nạn là bao nhiêu
  • khi nào thì các cơ quan nhà nước lại làm việc.
Bù vào đấy, người Mỹ biết rất chính xác, rằng cho tới nay Việt Cộng đã có 24 662 người chết trong cuộc tấn công này. Và khi họ đưa ra con số này, họ đã thừa nhận một mạch, rằng nói chung là vẫn hoàn toàn không có thông tin từ nhiều quận.
Nếu đã quen biết trò chơi với những con số của Chiến tranh Việt Nam, người ta có thể đọc được từ con số vũ khí thu được rằng số liệu về người chết của quân địch hoặc là cao gấp bốn lần hoặc là thường dân bị giết chết đã bị xếp vào hàng ngũ Việt Cộng sau khi tử nạn để cho bức tranh được tốt hơn.
Cùng với hoàng hôn, từ những cuộc chạm súng nhỏ trên đường phố lại trở thành chiến tranh. Trong khi một diều hâu Mỹ đang trình bày, rằng cuối cùng bây giờ người ta sẽ cho “gooks” biết mặt, thì cửa cái và cửa sổ đã bật ra dưới sức ép của bom.
Cũng như trong lúc sấm chớp, người ta có thể đếm bắt đầu từ tia chớp cho tới tiếng nổ để đo số kilômét. Nó là hai.
Lúc đầu ở phía Đông Nam, rồi trong Tây Bắc thủ đô, những đám cháy trên diện rộng bùng lên, bị át đi bởi những quả cầu chiếu sáng khổng lồ mà máy bay Mỹ ném liên tục từ trên trời xuống, ở giữa đấy là những dấu vết của súng đại bác.
Vào sáng ngày hôm sau Sài Gòn có thêm một vài ngàn người Sài Gòn vô gia cư nữa.
Xe tải quân đội mang quan tài đến cho những người lính đã chết, thường dân chết được thân quyến quấn vào trong chiếu và chở đi trên xe xích lô. Một chiếc xe ủi đẩy Việt Cộng chết và những xác chết không ai quan tâm đến vào trong một mồ chôn tập thể mới.
Phan Ba dịch từ Der Spiegel 07 / 1968
http://www.spiegel.de/spiegel/print/d-46135626.html
(nguồn phanba's blog)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001