Thứ Ba, 1 tháng 5, 2012

:::Thanh Trang:::
Về bài "Gởi Gió Cho Mây Ngàn Bay"

Những bài hát của Đoàn Chuẩn & Từ Linh mà thính già VN vẫn thường nghe trước năm 75 là : Tình nghệ sĩ, Lá thư, Lá đổ muôn chiều, Cánh hoa duyên kiếp, Chuyển bến, Tà áo xanh (Dang dở), Gửi gió cho mây ngàn bay, Đường về miền Bắc, Thu quyến rũ.Cũng trước 75, thình thỏang trong Ban ” Tiếng Nhạc Tâm Tình” của Anh Ngọc cũng có cho phát bài “Ánh trăng mùa Thu”. Sau năm 75 ta thấy các ca sĩ - mới cũng như cũ- theo nhau hát bài “Gửi người em gái”. Sau đấy thì lại xuất hiện bài“Màu nắng có bao giờ phai” và một vài bài khác. Lần đấu tiên tôi nghe bài GNEG là do Ánh Tuyết bên VN hát (không phải “Ánh Tuyết ngày xưa”, trước 75 ở miền Nam ).

Bài MNCBGP thì tôi nghe ai đấy hát trên CD nhưng nghe qua một lần thì tôi ít còn thích nghe lại. Có cái gì đó mà khi nghe những bài như GNEG hoặc MNCBGP tôi cảm thấy như không có cái “chất” của ĐC trước kia. Tất nhiên đây là cảm nhận chủquan. Cách đây mấy năm, có lần nam danh ca Anh Ngọc ( một người xưa kia từng hát không thiếu một bài nào của ĐC & TL ) ông ấy hỏi tôi:”Anh nghĩ thế nào vềbài “Gửi người em gái” ?” Tôi trả lời ông như tôi vừa viết ở trên. Điều đó có nghĩa là ông cũng thấy “có cái gì đấy” khi ông nghe bài hát đó, tuy ít lâu sau thì ông hát bài này ở một trong những CD cuối đời của ông.

Những bài hát của Đoàn Chuẩn & Từ Linh (người viết lời hát) mà tôi nghe trước năm 75 thì bài nào tôi cũng đều thích. Giai điệu bài nào cũng mượt mà, trữtình, đặc biệt gợi cảm. Qua những tháng năm trong đời, những lúc hứng khởi thì tôi vẫn hát một đọan này hay một đọan nọ của các bài đã nêu. Còn đàn thì tôi vẫn thường xuyên đàn những giai điệu ấy vào những lúc rảnh rỗi. Người thích nghe những bài hát của ĐC & TL sẽ để ý thấy điều này: Những bài hát của ông, mà phần lời của Từ Linh thể hiện rất hợp ý tình xuất phát từ giai điệu, thì thường đều có âm hưởng như một cuộc tả tình, một thứ tâm sự với một người bạn thân hay một người yêu. Cách ông triển khai giai điệu tất nhiên vẫn theo cung cách chung là có đọan trầm, có đọan bổng, có đọan “chuẩn bị”, có đọan “cao điểm” của tình cảm và cảm xúc, thể hiện ở những nốt cao nhất nơi bài hát, thế nhưng cách làm của ông rất chừng mực. Ví dụ: Bài “Tình nghệ sĩ”, giai điệu thật đẹp, nguyên tác theo âm giai Re-Trưởng, nhưng âm vực chỉ nằm trong ranh giới của nốt thấp nhất là nốt La và cao nhất là nốt Si .

Bài “Tà áo xanh”, “Lá thư”, cả hai đều ở âm giai Do-Trưởng, thì có âm vực rộng hơn, từ nốt thấp nhất là Sol (Lá thư) và cao nhất là Mi ( cả hai bài TAX và LT ) và ở đọan kết thì ông cho giai điệu kết thúc ở nốt “Do cao” . Còn hầu hết những bài khác thì đều có khuynh hướng kết thúc với nốt chủ âm thấp nhất . Do đó mà người hát ở các buổi phát thanh khi xưa hoặc trong các băng nhạc vẫn có thể tôn trọng cách kết thúc giai điệu của tác giả, nhưng khi ra hát trước công chúng, về mặt“trình diễn”, người ta cần kết cao hơn một bát độ so với nguyên tác. Nhưng làm như thế thì có tí vấn đề ! Chẳng hạn như bài “Gửi gió cho mây ngàn bay”; tác giảkết thúc bằng hai nốt Sol và Do thấp nhất trong khóa Sol (“..về đây với Thu trần gian ..”) thì người hát thường có khuynh hướng đưa hai nốt kết đó lên bát độnhưng không phải cải sửa lời hát. Riêng bài “Thu quyến rũ”, cũng vì muốn giải quyết cái mục đích “trình diễn” đó mà người ta đưa hai nốt kết lên bát độ, nhưng buộc lòng phải đổi hai chữ trong lời ca: Thay vì “.. người mơ không đến bao giờ..”thì ngừơi ta hát “..người mơ không đến cùng tôi !” Về mặt văn chương chữ nghĩa mà nói thì hai câu đó có ý nghĩa rất khác nhau ! Quan trọng hơn nữa: nếu chỉchú ý đến ý tình của phần nhạc mà thôi thì người am hiểu về nhạc tính của những bài hát sẽ nhận thấy ngay là cách kết thúc bài hát ở nốt thấp hay nốt cao đều có ý nghĩa khác nhau hoàn toàn. Mà trong hai bài TQR và GGCMNB mà tôi đơn cửlàm ví dụ thì ý tình khi kết bằng “người mơ không đến bao giờ” hoặc “Về đây với Thu trần gian” ở nốt chủ âm thấp có ý nghĩa như một tiếng thở dài nhẹ nhàng, như phần kết thúc của một mẩu tự tình hay tâm sự.

Khi hát bài “Gửi gió cho mây ngàn bay” , tôi theo đúng nguyên tác, và ngay khi sửdụng cái Saxo để kết thì trong phần hoà âm tôi cũng giữ nguyên nốt thấp, chỉ sửdụng dàn vĩ cầm ở phần nhạc nền để “lôi” nó lên bát độ ; “gọi là cho có tí khởi sắc khi kết” !

Thanh Trang
Nam Cali, Thu 2004
(H.t mail)

Khánh Ly:
Tuấn Ngọc:

Những bài viết » Quanh đĩa nhạc Đoàn Chuẩn đầu tiên chơi bằng guitar Hawaii...

 
TP - Lần đầu tiên, Việt Nam có đĩa song tấu guitar Hawaii (hạ uy cầm) và saxophone, với âm nhạc của Đoàn Chuẩn - nghệ sĩ vang danh với ngón hạ uy cầm điêu luyện một thời.
Người chơi guitar Hawaii trong đĩa không ai khác là con trai Đoàn Chuẩn, Đoàn Đính - nguyên huấn luyện viên trưởng đội tuyển Billard-Snooker quốc gia, Tổng Thư ký Liên đoàn Billard-Snooker Hà Nội.

Gửi người em gái miền Nam được thực hiện chỉ trong bốn tháng để ra đúng dịp sinh nhật (15/6) của Đoàn Chuẩn. Thoạt đầu, Đoàn Đính chỉ định mời Phan Anh Dũng biên tập và phối khí nhưng, nghĩ thế nào, lại rủ Dũng vào thổi saxophone luôn.
Phan Anh Dũng khá thành công trong dòng nhạc trữ tình - đã phát hành năm album với ba vạn bản bán ra. Hai anh từng chơi nhạc tiền chiến rất ăn ý trong các buổi sinh nhật và giỗ Đoàn Chuẩn (1924 - 2002). Thậm chí, người con trai thứ của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn còn khẳng định: “Nếu không có Phan Anh Dũng, tôi chẳng bao giờ ra đĩa”.
Đĩa ra cũng thể theo nguyện vọng của giới chơi guitar Hawaii ở Hà Nội - còn khoảng chục người đều ở tuổi 60 - 70, đang muốn vực dậy phong trào.
Đoàn Đính cũng đang kiếm một vị trí trung tâm Hà Nội để mở quán chơi nhạc tiền chiến, ban ngày là nơi dạy guitar Hawaii và saxophone - riêng đàn Hawaii dạy miễn phí. “Lực có, thế có, chỉ cần tìm địa điểm,” anh Đính tuyên bố.
Trả lại tên cho Người em gái…
Không tình cờ mà Gửi người em gái miền Nam có chín bài. Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn - ở số 9 Cao Bá Quát, Hà Nội - thích số chín đến mức ngày nào cũng mua vài chục vé xổ số có số này. “Bao giờ trúng độc đắc số chín thì bố mới chết” - ông nói với các con.
Đoàn Đính tiết lộ. “Cuối cùng cụ mất đi để lại cho mình gia tài là số chín”. Nên giờ chơi gì tôi cũng chơi số chín, xổ số mua số chín, đi nước ngoài chơi rolex cũng chín. Nhiều lần số chín đã cứu tôi trong các cuộc chơi vui vẻ”.
Đĩa xuất hiện một bài lạ hoắc: Ánh trăng mùa thu. Bản in bài hát lần đầu và cũng là duy nhất vào 1947 được Nguyễn Ngọc Khôi là học trò của Đoàn Chính (con trai cả của Đoàn Chuẩn hiện định cư tại Canada) từ TPHCM gửi tặng gia đình nhạc sĩ năm 2002.
Lúc đó, anh Đính mới biết bố mình có bài này. Đằng sau bản nhạc, có đăng quảng cáo hãng nước mắm Vạn Vân của gia đình nhạc sĩ với đại lý ở Paris.
Đây chính là sáng tác đầu tay của Đoàn Chuẩn, chứ không phải Tình nghệ sĩ (1948). Nhưng, dường như tác giả không muốn công bố rộng rãi bài hát này.
Trong các tập ca khúc do ông chép tay sau này, Ánh trăng mùa thu đều bị loại. Đoàn Đính kể: “Hồi ông ở Canada (1992), bằng trí nhớ ông có thể chép lại 18 ca khúc của mình đúng từng nốt nhạc, từng dấu chấm dấu phẩy.
Không có chuyện ông quên Ánh trăng mùa thu. Có thể ông muốn giữ một kỷ niệm nào đó, đã hứa tặng ai đó, nên không tái bản”. Anh Đính khẳng định, bố mình phải còn đến 4 - 5 bài hát không chịu công bố như vậy.
Sau khi nhạc sĩ mất, bản in Ánh trăng mùa thu đã xuất hiện trên một tờ báo của người Việt ở nước ngoài. Anh Đính thuật lại lời người viết báo: “Tôi xin thắp một nén nhang xin lỗi nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đưa bài Ánh trăng mùa thu ra cho mọi người biết. Mai này, tôi mất đi không ai đưa ra, sợ thất lạc”.
Phan Anh Dũng định lấy Ánh trăng mùa thu làm tên cho đĩa nhưng Đoàn Đính can: “Bài hát còn quá lạ”. Còn một bài rất nổi tiếng là Gửi người em gái miền Nam lại chưa ai dùng đến - trong khi hầu hết các bài hit khác của Đoàn Chuẩn đều được các ca sĩ lấy làm tên đĩa. Nhân đây, Đoàn Đính cũng muốn trả lại tên đầy đủ cho bài hát.
Anh cho hay, từ thời đất nước chia hai miền, trong Sài Gòn khi in ấn hay biểu diễn bài hát, người ta đều chỉ lấy tên Gửi người em gái. “Tôi trực tiếp xem cụ (nhạc sĩ Đoàn Chuẩn - PV) sáng tác Gửi người em gái miền Nam. Khi đó, tôi 10 tuổi” - anh Đính kể.
“Tại rạp Đại Đồng, cụ ngồi trên ghế cao. Trước mặt có một máy ghi âm bằng dây sắt cụ mua bên Pháp. Trên đùi để đàn guitar Hawaii, cụ sáng tác lời và nhạc cùng một lúc”.
Về bài hát mùa xuân duy nhất của Đoàn Chuẩn, Đoàn Đính kể lại giai thoại mà anh biết qua báo chí. Nhân vật trong bài là con gái một người làm hỏa xa gốc Hà Nội, năm 12 tuổi chạy ra vùng tản cư. Lúc trở về Hà Nội, đã là một cô gái đẹp.
Được một nhạc sĩ phát hiện, cô lập tức đoạt giải nhất cuộc thi hát của đài Pháp Á, đồng thời được mệnh danh là hoa khôi của đài. Đoàn Chuẩn đem lòng quý mến, đưa cô hát những Lá thư, Chuyển bến, Tình nghệ sĩ...
Trước giờ chiếu phim ở rạp Đại Đồng của gia đình Đoàn Chuẩn, bao giờ cũng có 15 - 30 phút ca nhạc mà cô tham gia phần nhiều, có khi hát cả chương trình.
Sau đó, ông chú đón cô ra vùng tự do chịu tang cha. Biệt tăm một thời gian, giải phóng Hà Nội, cô trở về gặp Đoàn Chuẩn, chưa được bao lâu lại di cư vào Nam cùng gia đình. Đây là lúc Đoàn Chuẩn viết Gửi người em gái miền Nam.
“Mỗi một bản nhạc của ông cụ đều thấp thoáng một bóng hồng- phải có thực sự mới sáng tác được”. Đoàn Đính khẳng định.
Hạ uy cầm - thời vang bóng
Năm 1958, Hà Nội râm ran chuyện Đoàn Chuẩn đổi cả chiếc xe Ford (loại xe mà cả nước chỉ có hai chiếc, chiếc kia là của vị Thủ hiến Bắc Kỳ) lấy cây đàn Hawaii ba cần sản xuất tại Tiệp Khắc. Trước đó, ông dùng cây đàn hai cần hiệu Nhạc Sơn, cùng amply mua ở Pháp.
“Cụ chơi ngông thế này”, Đoàn Đính kể. “Rạp Đại Đồng có hai cái loa to nhất để thuyết minh. Cụ tháo một loa ra lắp vào amly riêng để chơi đàn. Vậy là khán giả đến rạp nghe bị một loa to loa nhỏ”.
Từ nhỏ, Đoàn Đính bị nhiễm tiếng đàn Hawaii. Duy nhất anh, một trong năm người con của Đoàn Chuẩn, được bố dạy đàn từ năm lên chín. Sau một tháng, Đoàn Chuẩn cho Đính sang học Lương Ngọc Liễn - tức nhạc sĩ Hoàng Vân - ở Cửa Nam.
“Anh Hoàng Vân thuộc lứa trò đầu tiên của cụ, và có lẽ người đánh hay nhất và giống tiếng đàn của cụ nhất”. Học hết một năm cơ bản, Đoàn Đính mới quay về học cha. “Bị ăn đòn bao nhiêu vào cái tay này”, anh khoe.
“Bằng thước kẻ sắt, vì đánh sai nhịp. Có một bài tôi phát khóc, không đánh được là Hilo March với thế đánh giật dây. Cụ nhốt vào buồng bảy tiếng đồng hồ, bảo chơi được mới cho ra ăn cơm”.
Đoàn Đính nhớ mãi câu khen bố dành cho mình cũng chỉ là “Con đánh khá hơn trước rồi”. Nhưng mấy đứa con giai học lớp mấy cụ không biết”, con trai nhạc sĩ kể.
“Nhiều khi mình cũng thấy lạ, cụ đúng là nghệ sĩ - sống buông thả theo kiểu chỉ chú trọng về âm nhạc thôi. Còn cơm áo gạo tiền ở nhà, hay nuôi dạy con cái một tay cụ bà quán xuyến”.
Nửa cuối những năm 1950, Đoàn Chuẩn có độ hai nghìn đĩa guitar Hawaii mua ở nước ngoài. Anh Đính nhớ: “Sáng mở mắt dậy, cụ chơi đàn, mình cứ tưởng cụ mở đĩa”.
Gia đình còn giữ quyển sổ Đoàn Chuẩn chép các bản nhạc từ đĩa. Phong trào học guitar Hawaii hồi ấy đang nở rộ. Ban đêm, Đoàn Chuẩn bắt đài của Philippines, Indonesia nghe, và chép lại bằng phương pháp tốc ký - vì đài không thể nghe lại như đĩa. Sáng hôm sau đã có bản nhạc chi tiết dạy cho học trò.
Trong bốn năm dạy guitar Hawaii (1954 - 1958), ông công nhận khoảng năm chục học trò (là những người chơi khá hơn cả), trong đó chục người là nữ.
Thời chiến, tiếng guitar Hawaii bị cho là ủy mị. Trường nhạc Đoàn Chuẩn mở ở số 9 Cao Bá Quát lúc ấy trực thuộc Sở VHTT Hà Nội. Có chuyện ông giáo vụ treo bảng học trò guitar Hawaii đông lắm rồi, không nhận nữa; trong khi Đoàn Chuẩn không có học trò. Ông phải chuyển sang dạy guitar.
Khi Sở VHTT ra quy định người dạy nhạc phải biết hòa thanh và viết đệm mới, Đoàn Chuẩn được đề nghị bổ túc các môn này cho các giáo viên tại các trường nhạc dân lập ở Hà Nội một thời gian.
Được biết, nhạc sĩ từng có hơn một năm tu nghiệp âm nhạc tại Pháp vào khoảng 1949, sau khi sáng tác Đường về Việt Bắc.
Một số ý kiến cho rằng, chính nhờ chơi đàn Hawaii mà Đoàn Chuẩn viết được những giai điệu với vẻ đẹp riêng có.
Âm thanh du dương đặc trưng của hạ uy cầm được tạo nên bởi các bồi âm khi người chơi di chuyển một khối (block) kim loại - được coi như phím đàn di động - trên cần đàn.
Hạ-uy cầm có tới 18 loại dây, mỗi loại lại có âm thanh vị trí bấm khác nhau đòi hỏi người chơi phải nhớ chính xác.
Theo Đoàn Đính, một nghệ sĩ tên Tâm, tuổi chừng 35, ở Đà Nẵng, sáng chế ra đàn guitar Hawaii có tới sáu cần với 36 dây. Đoàn Đính cũng đánh giá cao tiếng đàn Hawaii mang phong cách country (đồng quê) và flamenco của nghệ sĩ này.
 (nguồn dzungsaxo.com)

1 nhận xét:

  1. Một bài hát có quá nhiều éo le
    Bị cấm hoặc sửa lời ở cả 2 miền Nam Bắc
    Làm nhạc nói riêng và làm Văn nghệ nói chung là thế đó.

    Trả lờiXóa

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001