Thứ Năm, 3 tháng 5, 2012

Vấn đề biển Đông: Không phải chỉ là nhận thức mà phải hành động

SGTT.VN – Đó là khẳng định của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại buổi tiếp xúc với cử tri quận 1 (TP.HCM) trước kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII, sáng ngày 2.5.
 Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao đổi với cử tri quận 1 TP.HCM. Ảnh: Đoàn Quý
Tại buổi tiếp xúc, nhiều ý kiến của cử tri cho rằng, đối với diễn biến hiện nay trên biển Đông, Việt Nam cần cương quyết và thực hiện mọi biện pháp để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Trả lời cử tri quận 1, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, vấn đề biển Đông, lập trường trước sau như một của Việt Nam là bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước, vùng biển, vùng trời. Vấn đề biển Đông, không phải chỉ là nhận thức mà phải hành động. Tức là phải xác lập quyền. Đặc biệt là về pháp lý, phải có hệ thống luật quốc nội đầy đủ để khẳng định chủ quyền và quyền chủ quyền mình trên biển đảo.
“Có lẽ một trong những văn bản để hoàn chỉnh cuối cùng là Luật biển Việt Nam. Chúng tôi cũng tự phê bình làm như thế là chậm. Ban hành luật này chắc là các nước trên thế giới hoan nghênh, cũng có người phản đối nhưng là thiểu số thôi. Như thế chúng ta đi đúng đường...”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Cũng theo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, vấn đề chủ quyền biển đảo là vấn đề tự nhiên không có gì bàn cãi. Chúng ta định hình theo luật pháp quốc tế, nói về biển thì là công ước năm 1982 của Liên Hợp Quốc. Sau đó là các nước ASEAN cũng như Trung Quốc thống nhất với nhau là mọi chuyện phải giải quyết bằng hòa bình, bằng ngoại giao, bằng qui định ghi trong DOC”.
“Về mặt xác lập chủ quyền lịch sử, Việt Nam có đầy đủ chứng cứ để khẳng định ông bà, cha mẹ, tổ tiên ta đã khai mở vùng biển. Cuối cùng là xác lập vùng biển trên thực tế, nhưng phải thông qua con đường đấu tranh ngoại giao, thương lượng hòa bình chứ không dùng vũ lực”, Chủ tịch nước cho biết.
Ngoài vấn đề biển Đông, tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri cũng bày tỏ lo ngại về vấn đề người đứng đầu cơ quan phòng chống tham nhũng (PCTN). Cử tri bày tỏ quan điểm là không nên để người đứng đầu cơ quan công quyền làm Trưởng ban chỉ đạo PCTN, vì chẳng ai tự đi “chặt tay mình”. Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay tình trạng nhũng nhiễu diễn ra quá nhiều nhiều trong cơ quan nhà nước, làm cho người dân phải suy nghĩ rằng ”đến đây phải biết điều”.
Cũng tại buổi tiếp xúc nhiều ý kiến cử tri cho rằng, cần đa dạng hóa về sở hữu đất đai. “Bộ Chính trị, Chính phủ cần nghiên cứu, nhưng theo tôi xu hướng là cần chấp nhận sở hữu tư nhân về đất đai đồng thời với việc xác lập sở hữu nhà nước và sở hữu tập thể về đất đai. Đặc biệt là cần bỏ hạn điền, bỏ thời hạn giao đất để người dân an tâm sản xuất”, cử tri Lê Văn Minh kiến nghị.
Theo cử tri Bùi Đức Tráng (phường Phạm Ngũ Lão), để chống tham nhũng, thứ nhất cần phải tạo cơ chế để làm sao người ta “không muốn tham nhũng”, nghĩa là những người làm trong bộ máy công quyền phải được đào tạo, chắt lọc, có ý thức trách nhiệm, có biết xấu hổ và phải được trả công xứng đáng; thứ hai là làm thế nào để họ “không thể tham nhũng”, nghĩa là toàn bộ hoạt động của bộ máy chính quyền phải công khai, minh bạch, nhưng hiện nay vấn đề này chúng ta chưa làm được; thứ ba là làm sao để người ta “không dám tham nhũng”, để làm được vấn đề này thì luật pháp phải nghiêm minh và giám sát phải chặt chẽ và phải có cơ chế cho người dân tố cáo và bất tín nhiệm với người tham nhũng...
Theo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, hiện có nhiều ý kiến xung quanh vấn đề người đứng đầu cơ quan PCTN. Có ý thì muốn giữ nguyên như hiện nay nhưng có tăng cường quyền lực, quyền hạn thêm. Nhiều ý kiến cho rằng vấn đề PCTN là nên trực thuộc Quốc hội hoặc giao cho Đảng, hoặc thành lập một ủy ban độc lập đủ quyền lực. Nhưng quyết định cuối cùng thì Quốc hội cũng phải có ý kiến về vấn đề này trong kỳ họp sắp tới.
Đoàn Quý
(nguồn SGTT)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001