Thứ Ba, 1 tháng 5, 2012

đào trung đąo
Thông Din Lun
Martin Heidegger
(61)
Karl-Otto Apel: Jürgen Habemas (sinh năm 1929) và Karl-Otto Apel (sinh năm 1922) là hai triết gia Đức nổi bật nhất từ thập niên 70s. Cả hai triết gia Đức này có thể được coi là đại diện cho trào lưu khởi đầu bắc nhịp cầu giữa nền triết học đại lục Âu châu với nền triết học phân tích và thực dụng luận Anh-Mỹ từ sau bước ngoặt ngữ học (linguistic turn). Trong khi Habermas được chú ý nhiều ở những xứ dùng Anh ngữ thì Apel lại có ảnh hưởng lớn ở Âu-châu và Châu Mỹ La-tinh. Tác phẩm quan trọng nhất của Apel, magnum opus Transformation der Philosophie/Chuyển hóa Triết học cho đến nay chưa có bản dịch toàn bộ sang Anh ngữ, bản dịch Pháp ngữ Transformation de la philosophie mới được xuất bản năm 2007. Một trong những lý do Habermas được biết đến nhiều ở Mỹ vì số đông những giáo sư đại học Mỹ có khuynh hướng thiên tả. Hơn nữa sách của Apel nặng tính chất hàn lâm, là tổng hợp của ba nguồn: triết học Tây-Âu (nhất là tư tưởng của Heidegger), triết học phân tích (Wittgenstein), chủ thuyết thực dụng Mỹ (C.S. Peirce), và phần nào triết học trường phái Franfurt của Adorno và Horkheimer nên khó nắm bắt. Thời gian cùng giảng dạy ở đại học Franfurt am Main Habermas và Apel đã từng hợp tác trong dự án hình thành một lý thuyết về hành động thông giao (communicative action) và đạo đức tranh biện (discourse ethics) nhưng sau đó có sự bất đồng quan điểm về cơ sở của thông giao (communication) nên Habermas tách rời và đi theo đường riêng.
Apel chịu ảnh hưởng Heidegger nhưng ảnh hưởng này có tính chất đối thoại, phản biện và tổng hợp trong suốt nhiều thập niên từ năm 1950 khi Apel viết luận án tiến sĩ với đề tài Dasein und Erkennen. Ein erkenntnistheorische Interpretaiton der Philosophie Martin Heidegger/Tại thể và tri thức. Một diễn giải tri thức luận về triết lý của Martin Heidegger. Luận án này không bao giờ được Apel cho xuất bản. Quyết định không xuất bản luận án thời trẻ này của Apel xét ra là một quyết định đúng đắn vì nếu càng đọc kỹ Heidegger ta càng thấy rõ Heidegger không phải là một triết gia của nhận thức/tri thức như chính lời Heidegger đã nói với Richard E. Palmer sau khi nghe buổi thuyết trình cuối cùng Von Hegel bis Heidegger của Gadamer năm 1962. Từ sau luận án tiến sĩ Apel không viết riêng một quyển sách nào về Heidegger mà chỉ trình bày cũng như phản biện tư tưởng của Heidegger (cũng như Wittgenstein) trong khung khổ dự án đầy tham vọng biến đổi, chuyển hóa triết học trình bày trong Transformation der Philosophie cho nên để hiểu rõ ý kiến của Apel về tư tưởng Heidegger chúng ta cần biết sơ lược dư án này của Apel như thế nào.
Một cách khái quát, dự án chuyển hóa/biến đổi triết học của Apel gồm hai giai đoạn. Trong giai đoạn thứ nhất là chuyển hóa triết học theo đường hướng của thuyết thực dụng siêu nghiệm. Giai đoạn thứ nhì là ứng dụng khuôn thức siêu nghiệm này để triển khai một đạo đức học mới dưới hình thức một đạo đức học về tranh biện và một đạo đức học về trách nhiệm. Tuy nhiên như trong bài Tựa của Transformation der Philosophie Apel cũng đã lưu ý nguời đọc rằng cụm từ “chuyển hóa triết học” có chứa đựng một sự hàm hỗn vì cụm từ này một mặt đặt tên cho một sự chuyển biến xảy ra trong sự phát triển của triết học, nhưng mặt khác lại cũng để chỉ cái dự án có tính chất hệ thống của ông (Apel). Như vậy, tựa đề tác phẩm này chỉ ra, trong toàn cảnh lịch sử triết học, sự biến đổi đã được nhận ra trong triết học thế kỷ XX ở việc đặt chủ điểm trên ngôn ngữ. Trong tác phẩm này Apel tập trung vào ba trào lưu với ba đại diện là Wittgenstein, Heidegger, và Pierce. Về Wittgenstein, Apel xét giai đoạn đầu với tác phảm Tractatus khai nguồn cho triết học phân tích Wittgenstein đã cho ngôn ngữ chức năng sản xuất ra cấu trúc luận lý của thế giới, ở giai đoạn hai với Investigations philosophiques Wittgenstein đưa ra lý thuyết về trò chơi ngôn ngữ, việc sử dụng ngôn ngữ được coi như đan kết với những dạng thức của đời sống. Heidegger tiêu biểu cho trào lưu thứ nhì: tái tạo diện mạo triết học dưới hình thức một thông diễn luận triệt để qua ngả biến đổi hiện tượng luận hợp cùng thông diễn luận truyền thống. Apel căn cứ nhiều đến Sein und Zeit đã chỉ ra phóng chiếu của con người là khả hữu nhờ tiền am hiểu/nhận thức nằm trong diễn ngôn. Tuy nhiện, từ sau Sein und Zeit, Heidegger đã đào xâu suy tưởng về truyền thống triết học cổ Hy Lạp và về cội nguồn của ngôn ngữ nhất là ngôn ngữ thơ. Trào lưu thứ ba với Charles Sanders Peirce, người sáng lập ra chủ thuyết thực dụng Mỹ, đặt trọng tâm nghiên cứu trên mối liên hệ trung gian (médiation) không thể tránh khỏi giữa những dấu chỉ (signes) và mở đường cho một triết học ký hiệu (philosophie sémiotique). Theo Apel, chính chủ thuyết thực dụng của Peirce đã cho phép ta theo một cách thức nào đó thiết lập được mối tương quan giữa triết học phân tích của Wittgenstein với triết học của Heidegger, chứng cứ ta có thể tìm thấy ảnh hưởng của ba trào lưu này trong triết học của Richard Rorty và Thomas Kuhn vào những năm 70s. Chuyển hóa triết học của Apel nói chung là một làm mới nghiên cứu triết học theo hướng ký hiệu học siêu nghiệm. Theo gót Heidegger, Apel làm một cuộc duyệt xét lịch sử triết học để chỉ ra rằng tư tưởng triết học luôn giả thiết những qui tắc có trước sự am hiểu triết gia có về điều mình suy nghĩ và muốn phát biểu. Thế nên, đúng như Heidegger thường nhấn mạnh, cần hòa điệu những quan điểm triết học khác nhau với tất cả những công trình của con người có bản chất thông diễn. Việc duyệt xét những triết gia chính yếu trong lịch sử triết học của Apel vừa có tính lịch sử vừa có tính hệ thống để tìm ra những quan điểm của riêng mình được Apel đặt tên là “tái tạo”: đọc các triết gia đi trước không để bình luận hay phê bình, nhưng đọc để tìm ra chỉ dẫn có tính chất ký hiệu – Heidegger gọi là chỉ dẫn hình thức - của những triết gia quan trọng trong lịch sử triết học.
Chúng ta sẽ đọc Apel nói về những đóng góp của Heidegger cho triết học qua những bài viết sua đây: Wittgenstein và Heidegger: vấn đề ý nghĩa của hữu và mối nghi ngờ về sự vô nghĩa nhằm chống lại mọi siêu hình học Apel đọc ở đại học Kiel năm 1962, Heidegger: việc triệt để hóa triết học của “thông diễn luận” và vấn đề “tiêu chí ý nghĩa của ngôn ngữ” viết năm 1968, Chủ nghĩa duy khoa học hay thông diễn luận siêu nghiệm? Vấn đề chủ thể của diễn giải những dấu hiệu trong khoa ký hiệu học của thuyết thực dụng, Apel đọc tại hội nghị triết học Bắc Âu năm 1969, Việc tạo dựng ý nghĩa và việc biện chính tính chất giá trị vững chắc: Heidegger và vấn đề triết học siêu nghiệm viết năm 1989, và sau hết là bài So sánh giữa Wittgenstein và Heidegger: tổng phê bình và phụ lục viết năm 1991. Tất cả những bài này đều được thu tập trong bộ Transformation der Philosophie quyển II. Như trên đã nói tuy Apel coi Sein und Zeit là tác phẩm chính trong việc đọc và phê bình Heidegger nhưng cứ nhìn niên biểu và trích dẩn của những bài viết kể trên ta cũng có thể nhận ra không phải Apel đã bỏ sót những tác phẩm giai đoạn Heidegger II. Chỉ có điều đáng chú ý là quyển Beiträge zur Philosophie (Vom Ereignis) – tác phẩm được coi là quan trọng thứ nhì sau Sein und Zeit của Heidegger– mãi năm 1989 (một trăm năm sau ngày sinh của Heidegger, 50 năm sau khi tác phẩm được hoàn tất) mới được xuất bản trong bộ Gesamtausgabe và hầu như không thấy Apel nhắc tới hay trích dẫn Beiträge ngay cả trong bài So sánh giữa Wittgenstein và Heidegger: tổng phê bình và phụ lục viết năm 1991.
(còn tiếp)
đào trung đąo

Links các phần tiếp theo:

(62)
http://www.gio-o.com/DaoTrungDao/DaoTrungDaoHeideggerTDL62.htm
(63)
http://www.gio-o.com/DaoTrungDao/DaoTrungDaoHeideggerTDL63.htm
(64)
http://www.gio-o.com/DaoTrungDao/DaoTrungDaoHeideggerTDL64.htm
(65)
http://www.gio-o.com/DaoTrungDao/DaoTrungDaoHeideggerTDL65.htm
(nguồn ©gio-o.com 2012)

1 nhận xét:

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001