Thứ Ba, 1 tháng 5, 2012


H Đình Nghiêm
BA MƯƠI, GIỌT NƯỚC CUỐI
tản mạn
Ba mươi. Còn đêm nào vui hơn đêm 30? Thơ ấy nói tới đêm trừ tịch, giao thừa.
Tam thập nhi lập. Lời kia xúi: Ba chục tuổi rồi, lấy vợ đi cha!
Dách dật xám xập mánh. Tiếng Quảng-đông: một ngày ba chục bạc. Lương mạt hạng chủ Hồng-kông trả cho tị nạn Duỵt nàm dành ngày tan nát cũ.
Ba mươi, ngày cuối tháng. Mỗi năm mười hai tháng, mười một tháng không sao, cứ hễ đụng tới tháng Tư là y như rằng… mỗi năm đến hè lòng man mác buồn. Hè đâu sớm vậy cha, vừa lập xuân có mấy ngày chớ mấy! Lập xuân kiểu gì kì dậy ông nội, sáng nay Montréal có tuyết mỏng nhẹ bay, mũi miệng thở ra khói và mắt mờ hoen lệ, nói láo xe cán. Ậy, trời đất vô tri sao? Cũng biết kháu ó nhác chơi chớ, cũng kinh nguyệt sồi trụt như ai kia! Đâu dễ hô phong hoán vũ đúng hạn kì! Tin tức cho tàu chạy ven biển là thứ đáng ngờ. Mua bãi rồi, chồng 5 lạng vàng mỗi đầu người rồi, thầm thụt xuống bến kẻ trước người sau ngậm tăm nín khe cũng bị chui vào rọ là lẽ thường tình. Trời không tha đất không dung và biển thì hằng cửu bạc ác. Còn lòng người? Mô Phật! Con đâu dám trách cứ một ai! Ăn hiền ở lành, trời đãi kẻ khù khờ. Lạy Chúa! Hổng tin đâu. Không dám đâu.
Ba mươi tháng tư năm Ất mẹo một-chín-bảy-lăm rơi vào ngày thứ tư, tờ lịch còn chú thích nhằm ngày 19 âm lịch, mình ở Sài-gòn và sáng ấy âm u. Mình từ miền Trung chết bỏ bể bỏ lăn xả vào thành phố chưa đổi tên đã được hai tuần, sức mẻ chút đỉnh chạy bay tóc trán ghé trường Luật trình thẻ sinh viên ngoài nớ và được phát cho hai nghìn đồng tiền ủy lạo “lá lành đùm lá rách”. Bạn hiền phóng Honda từ Phú-nhuận đèo tới cà phê vỉa hè trước thư viện quốc gia ngóng cổ ngồi hóng chuyện. Huế mất rồi, Đà-nẵng tiêu tùng, Nha-trang hỗn loạn, vĩ tuyến 17 có thể di dời vào tận Phan-thiết miền Nam co cụm… Cà phê bụi như phòng thông tin tải quá mức tin buồn, điểm hẹn vô tình để hay biết ai còn ai mất. Máy xe Honda bỏng khét chạy thất thần giữa Sài-gòn ngàn lẻ một phố phường, phim Qủy Ám sắp trình chiếu đã bày poster. Và rồi súng nổ thật gần, đứt phim. Mậu thân 68, rạp Châu Tinh ở Huế chiếu tết phim cao bồi viễn tây với tựa đề “Cuộc trả thù tàn độc”. Giờ đây là “Qủy ám”, như tái lập một lời nguyền chẳng thể minh giải, đôi co. Anh là kẻ bại trận, lấy tư cách gì dùng chữ bàng giao lại cho chúng tôi? Ê chề chưa? Đắng cay chăng? Tủi nhục không? Hề, như tạt một gáo cường toan!
Bạn mình nói, ít nhiều thành thật: Mày là nhà văn thì đáng cúi mặt. Mình hỏi: Cớ sao? Nó bảo: Mày viết thiên kinh vạn quyển cũng chả ai gợn lòng nhớ tới một chữ, trong khi câu ông Thiệu nói thì được mọi người nhớ đời: Đừng nghe những gì Cọng sản nói mà hãy nhìn những gì Cọng sản làm! Mình đã cúi mặt, mình không đủ chữ để kể lại chặng đời dật dờ của chính mình, nói đâu xa! Ôm đồm gì nỗi chuyện đại sự?
Vợ mình nói, rất thành tâm: Anh nhớ ngày tháng năm tụi mình thành hôn không? Mình đực mặt. Cha chả, sao làm khó nhau để hỏi một câu ác đức bất nhơn thế! Vợ trách: Vô tâm như vậy mà cũng viết văn được sao?
Ông giáo viên chính trị trường mình hầu như mỗi tháng đều gọi mình lên văn phòng trình diện: Lí lịch anh rất bẩn, gia đình đẻ sinh ra toàn cả lũ ngụy quân ngụy quyền, nhà nước cho anh ăn học để chứng tỏ sự độ lượng khoan hồng, bản thân anh phải nhìn rõ đấy là cả một sự ưu việt của chế độ ta… Ông ấy vẫn còn sống thở, có khi ngẫu nhiên ông đọc được những gì mình viết, và ông chửi đổng: Mẹ nó, cái thằng ấy sao thù dai thế!
Bạn: - Viết xoàng. Nên cúi mặt.
Vợ: - Kẻ lòng dạ cạn xợt.
Giáo viên cũ: - Thằng đấu tranh giai cấp, thù dai.
Mình đã soi gương, mình đã diện bích, mình đã tắc tị suối nguồn. Và có khi diễu nhại: Quay đầu là bờ (ngờ đâu là biển). Người ta chủ trương ba không: Không thấy, không nghe, không biết. Mình thì ba có: Có não nề, có tuyệt vọng, có hoang mang.
Ba mươi tháng tư là một dấu chấm cuối. Một dấu chấm đặt không đúng chỗ, sai văn phạm. Bởi nó ngắt rời đành đoạn một diễn ý chưa hề kết thúc. Tôi yêu em. Chấm. Tôi chưa kịp biểu tỏ bằng cách chứng minh lòng dạ thì em vượt biển, em vất tôi lại bên bờ bể dâu. Tôi ghét em. Chấm. Chưa kịp trách cứ kẻ tham phú phụ bần thì em đã sang ngang, qua sông rút ván chặt cầu. Mình bơ ngơ báo ngáo ngồi cà phê vỉa hè xấc bấc xang bang chẳng định hình ra ngày mai, cùng thời điểm rối mù kia có biết bao người đã thác, sắp chết và sẽ tử cho cuộc tháo chạy vô tiền khoán hậu?
Mình thoáng thấy một nhân dáng quen thuộc thẫn thờ trước nhà thờ Tân-định. Tóc dài rối, quần đen phất phơ áo bà ba nâu sòng xộc xệch, dép xỏ rộng quai chẳng khít bàn chân lấm lem bụi đường. Da mặt xanh, mắt lạc hồn. Và mắt chảy nước khi thu nhận bóng mình, đắm chìm thổn thức: Anh Quang chết rồi, anh biết chưa? Quang, bạn mình. Cô là em của Quang, kém mình bốn tuổi. Chuông giáo đường không đổ giữa đúng ngọ hỗn mang. Áo quần quân nhân có ai cởi bỏ chất đống bên lộ Hai-bà-trưng. Hai đứa chạy giặc chôn chân giữa phố lạ bốn bề bát nháo li tan. Chết trên đường di tản từ cao nguyên xuống. Em thổn thức. Quang học trường Hàm Nghi, hỏng tú tài đi lính bộ binh nay Buôn-mê-thuột mốt Pleiku. Quang nói, nếu mày là bạn tao thì tuyệt không được đụng tới em tao. Mình ôm cô em học lớp đệ Nhị trường Đồng Khánh, em run trong vòng tay mình và mặc tình khóc ngất cho một điều gì thật khó hiểu đang vây khốn, quẫn trí. Mình chẳng có đồng bạc lận lưng để mời em ngồi vào quán nước. Và rồi hai đứa hai ngã. Và mấy năm sau mình hay tin em vượt biển ghe rơi vào tay hải tặc Thái-lan.
Khi nỗi đau đớn của người ta chạm lằn mức cuối, mình tin khi ấy nước mắt sẽ chẳng tài nào đổ ra. Xơ cứng, lì lợm. Cũng vậy, khi chứng kiến nhiều oan khiên xảy ra quanh mình, ngòi viết mình tự dưng khô mực đi. Mình chỉ biết cúi đầu, mình chấp nhận làm kẻ cạn xợt, và mình biến tướng thành đứa thù dai.
Tháng tư, chưa có ai vẽ lại đủ đầy cơn hồng thủy kia. Con người thu bé lại trước niềm đau vô bờ. Thu bé có khi cũng đồng nghĩa với nhỏ mọn, họ quay lưng với khổ nạn đồng loại đang hứng chịu để ngợi ca thứ thắng lợi mang liền lạc tới cho quê hương. Đẻ con tháng ngày ấy, làm giấy khai sinh cho con đặt tên bằng những từ ngữ chỉ có trên khẩu hiệu tuyên truyền. Độc lập tự do hạnh phúc… Đại khái thế. Những đứa có ăn học sẽ hiểu mười mươi “nói dậy mà hổng phải dậy”. Cái bánh vẽ nọ tới đời con của thằng Độc Lập cũng chẳng tường. Cái ấy là thứ gì hả tiá? Ông đặt tên tui dậy thì có chướng không!
Tháng tư, con thuyền dấn liều ra khơi bỏ lại tất cả. Bỏ những thứ không thể đoạn lìa vậy mà cũng nhắm mắt giũ áo xắn quần, một đi không trở lại. Mình viết văn, hãy xem như mình chỉ xếp giấy thành thuyền thả trôi sông vọng tưởng tới những người tựa cô em gái của bạn mình ngày cũ. Nhờ trời, cô đã lập gia đình sinh được hai con giống hệt bố. Cô hạnh phúc và ở Mỹ thi thoảng cô viết thư thăm. Mình không dám viết về đề tài thuyền nhân sợ chạm phải vết thương chả bao giờ lành mà cô từng bất hạnh hứng chịu. Suy ra, đàng sau những trang chữ của mình luôn ẩn nấp những khuôn mặt, mà vì tôn trọng họ, mình đã để ngòi viết bước lệch đi.
Tháng tư, nỗi đau khôn cùng, mình bất lực ngồi vòng tay cúi đầu. Bạn khoan hồng độ lượng chỉ cho mình một cuốn sách cần tìm đọc, nói về sự nghiệt ngã khởi đi từ tháng tư?
Có không? Nhan đề là gì? Xin thứ tha nếu ngộ nhỡ mình chơi khó bạn.
Vậy đó, 37 năm, một đời người chứ giỡn chơi a, tháng tư man mác buồn lại về. Ba mươi bảy niên dường như chẳng thay đổi được gì, có chăng cô em gái kia sắp lên chức bà ngoại, có chăng tóc mình nhiều sợi bạc và trăng xứ này vẫn hằng lu câm. Trăng không sáng, điều ấy khiến những kẻ lưu lạc đỡ tủi hờn. Trăng vằng vặc sẽ xui mình hổ ngươi bởi lòng ôm ấp nhiều mộng loay hoay mãi vẫn là mây trắng bay ngang đầu. Mẹ già xem là hạt bụi, em thà như hơi rượu cay. (Thâm Tâm).
H Đình Nghiêm
(nguồn © gio-o.com 2012)

1 nhận xét:

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001