Thứ Ba, 29 tháng 5, 2012

Mỹ sẵn sàng chiến tranh với Trung Quốc? (kỳ 1)
Cập nhật lúc :9:55 PM, 26/05/2012
Để tiếp tục vươn mình trỗi dậy, Trung Quốc sẽ phải đối đầu với vô vàn thách thức bởi cường quốc số 1 thế giới chắc chắn sẽ hành động ngày càng quyết liệt để ngăn chặn họ.
Tại sao Mỹ quyết đối đầu với Trung Quốc?

Một bản ghi nhớ của Lầu Năm góc được biên soạn năm 1992, ngay sau sự sụp đổ của Liên Xô, dưới sự giám sát của Thứ trưởng Ngoại giao Paul Wolfowitz, bị rò rỉ trên truyền thông mới đây tiết lộ rằng Mỹ có một bản kế hoạch để “bằng mọi giá ngăn chặn bất cứ quyền lực thù địch nào thống trị những khu vực dồi dào tài nguyên và hội tủ đủ điều kiện cũng như lợi thế để dẫn tới sự hình thành của một quyền lực toàn cầu mới. Các khu vực trên bao gồm: Tây Âu, Đông Á, lãnh thổ Liên Xô và Tây Nam Á".

Trước đó, có nhiều quan điểm cho rằng Mỹ cần phải “để mắt” đến sự trỗi dậy của các cường quốc mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc.

Trước sự nổi lên của Trung Quốc, không ít người cho rằng Mỹ cần "để mắt" đến người khổng lồ châu Á. Ảnh minh họa: Telegraph.
Tháo lui khỏi hai cuộc chiến đầy đau thương và mất mát về sức người, sức của cũng như hình ảnh tại Iraq và Afghanistan, 2012 là năm đánh dấu bước chuyển mới của Nhà Trắng và Lầu Năm Góc khi hướng trọng tâm chiến lược chính sách đối ngoại đến khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Giải thích các định hướng mới cho chính sách đối ngoại Mỹ trước Quốc hội Australia ngày 17/11/2011, Tổng thống Obaam nhấn mạnh rằng: “Chúng tôi sẽ phân bổ các nguồn lực cần thiết để duy trì sự hiện diện quân sự mạnh mẽ trong khu vực này”.

Từ tuyên bố này,giới phân tích quốc tế nhấn mạnh mục đích của Washington đã rõ. Từ giờ phút này trở đi, mục tiêu cơ bản của chiến lược quân sự Mỹ sẽ không nhắm vào các sa mạc cát Trung Đông hay “cuộc chiến chống khủng bố” trên phạm vi toàn cầu nữa mà sẽ tập trung hoàn toàn vào Trung Quốc bất chấp giới chức Mỹ ra sức phủ nhận điều này.

Robert Kaplan, một nhà phân tích kỳ cựu của Mỹ, có tên trong danh sách “100 học giả toàn cầu” năm 2011 do tạp chí Foreign Policy công bố, hoan nghênh chiến lược hướng Đông của chính quyền Obama. Theo ông Kaplan, chiến lược này chính là chìa khóa giúp Mỹ kiềm chế Trung Quốc và vực lại hình ảnh toàn cầu của họ.

Theo ông Kaplan: “Trung Quốc, về bản chất, là một xã hội năng động do đó, hiển nhiên họ sẽ mở rộng vai trò quân sự và kinh tế tại khu vực châu Á -Thái Bình Dương. Và sự trỗi dậy của bất cứ quyền lực mới nào cũng cần phải được kiềm chế”.

Cũng theo Kaplan – là người giám sát quyền tự do hàng hải, Mỹ phải chuyển trọng tâm tới Ấn Độ - Thái Bình Dương để kịp thời ngăn chặn bất cứ tình huống căng thẳng nào bị đẩy đi xa hơn khi khu vực này đang rơi vào cuộc chạy đua vũ trang vô cùng quyết liệt.

Đồng thời, với vai trò là người cầm trịch trật tự hàng hải quốc tế - Mỹ cũng có nghĩa vụ điều chỉnh một cách khéo léo để các nhu cầu và lợi ích của những “người chơi” mới ăn khớp với cả một hệ thống.

Điều này hoàn toàn phù hợp với hai châm ngôn trong nghệ thuật lãnh đạo đất nước của Mỹ từ thế kỷ trước đặt ra yêu cầu rằng cường quốc số 1 thế giới phải bảo vệ quyền tự do hàng hải tại các huyết mạch giao thông trên biển của thế giới.

Những năm gần đây, không chỉ riêng ông Kaplan, nhiều nhà phân tích chính trị Mỹ khác không ngừng thổi phồng sự nổi lên của một Trung Quốc ngày càng hung hăng hơn và như vậy, sự kết thúc của một thế giới đơn cực ngày một đến gần. Họ cảnh báo về xung đột giữa các cường quốc mới nổi với những kẻ thống trị cũ đang trên đà suy giảm và nhấn mạnh rằng Bắc Kinh quá ngạo mạn khi tuyên bố mở rộng sự hiện diện tại biển Đông.

Những cảnh báo như vậy tác động mạnh đến các nhà hoạch định chính sách Mỹ, khiến họ hoảng hốt. Kết hợp với việc phải đối mặt với các áp lực liên quan đến sự suy giảm về mặt kinh tế cũng như sự suy giảm trong vai trò lãnh đạo đối với các công việc chung của thế giới nên thay vì ủng hộ tự do thương mại, giới chính khách “bồ câu” kêu gọi ủng hộ chủ nghĩa trọng thương. Đồng thời, thay vì nỗ lực cho hòa bình và ổn định toàn cầu, một cách thực dụng, họ muốn hạn chế sự hiện diện về mặt quân sự lẫn chính trị của Mỹ trên thế giới. Trong khi đó, các chính khách “diều hâu” lại yêu cầu phải tăng cường khả năng quân sự để kìm chế Trung Quốc.

Nhưng điểm đáng chú ý là tất cả các chính khách Mỹ, dù quan điểm chính trị khác biệt như thế nào vẫn gặp nhau ở một điểm chung đó là nỗi sợ hãi tốc độ tăng trưởng kinh tế thần tốc của Trung Quốc nếu cứ tiếp diễn thì chỉ trong vài thập kỷ nữa thôi, GDP của họ sẽ vượt mặt Mỹ.

Xuất phát từ yêu cầu phải bảo vệ và giữ gìn an ninh cho đường biên giới đất liền dài miên man cùng với các tuyến đường biển trọng yếu dễ bị tổn thương, Trung Quốc không ngừng đổi mới công nghệ, phát triển khí tài quân sự, trong đó, thành tựu vô cùng quan trọng là một quả bom hạt nhân vào năm 1964.

Trung Quốc, trong những năm gần đây, cũng liên tục gặt hái được thành tựu trong các chương trình nghiên cứu không gian cũng như nhiều công nghệ, kỹ thuật tiên tiến và hiện đại khác – những công nghệ có thể đem áp dụng cho quá trình hiện đại hóa quân sự. Những cải tiến và thành tựu trong công nghệ chế tạo tên lửa mới của con rồng châu Á cũng đặt ra mối đe dọa an ninh đối với Đài Loan – đồng minh có lịch sử quan hệ hơn 60 năm của Mỹ.

>> ‘Mỹ sẽ bảo vệ Philippines khỏi bị tấn công ở biển Đông’
Bạch Dương (tổng hợp)

Mỹ sẵn sàng chiến tranh với Trung Quốc? (kỳ 2)
Cập nhật lúc :2:04 PM, 27/05/2012
Để tiếp tục vươn mình trỗi dậy Trung Quốc sẽ phải đối đầu với vô vàn thách thức bởi cường quốc số 1 thế giới chắc chắn sẽ hành động ngày càng quyết liệt để ngăn chặn họ.
Khôn ngoan hay sai lầm?Ngày nay, giới chức hàng đầu của Mỹ dường như đều tin rằng đó là điều tất yếu khi nền dân chủ lâu đời nhất trên thế giới sẽ phải đương đầu với nền văn minh lâu đời nhất trên thế giới đồng thời cũng là quốc gia đông dân nhất thế giới.

Trong giai đoạn hiện nay, Mỹ dù có những biểu hiện của sự suy giảm quyền lực toàn cầu song trên thực tế, họ vẫn mạnh hơn, giàu có hơn và sáng tạo Trung Quốc so với năm 1991. Nói cách khác, Mỹ không suy giảm đến mức tương xứng so với Trung Quốc hay bất cứ một quốc gia mới nổi nào khác.

Tuy nhiên, việc khẳng định điều này (bởi một bộ phận giới phân tích) lại gây ra những hiệu ứng vô cùng nguy hiểm có khả năng đẩy Washington và Bắc Kinh vào một cuộc đối đầu căng thẳng.

Dù Bắc Kinh tăng mạnh ngân sách quốc phòng trong khi Washington lại cắt giảm đi, thì chi tiêu quốc phòng hiện nay của Mỹ vẫn gấp 8 lần so với Trung Quốc. Những cảnh báo thổi phồng về chi tiêu quân sự của Trung Quốc khiến Lầu Năm góc rục rịch lên các kế hoạch và các chương trình đầu tư phát triển công nghệ. Kêu gọi cắt giảm ngân sách quốc phòng là vậy song Tổng thống Obama vẫn hào phóng ủng hộ rót cho Lầu Năm góc những khoản tiền kếch xù, lớn hơn cả khoản ngân sách quốc phòng của 10 quốc gia có ngân sách quốc phòng lớn nhất thế giới cộng lại. Đã thế, Mỹ sẽ không phải đổ tiền tấn hai cuộc chiến tốn kém tại Iraq và Afghanistan nữa sau khi chính thức quyết định rút lui khỏi vũng lầy Trung Đông.

Ngoài ra, bất chấp áp lực phải chi tiêu thắt lưng buộc bụng, hải quân Mỹ sẽ không giảm đội tàu sân bay từ 11 xuống còn 10. Trong khi đó, nhìn về phía Trung Quốc, con rồng châu Á chỉ tự hào với một tàu sân bay được tân trang lại từ khối sắt vụn mua lại của Ukraine, có thể di chuyển trên biển nhưng không được trang bị máy bay có căn cứ mặt đất.

Trong khi đó, Trung Quốc đang đối mặt với hệ quả của tăng trưởng nóng với sự nổi lên của hàng loạt các vấn đề nghiêm trọng như ô nhiễm môi trường, thiếu nước, các vấn đề nhân liên quan đến khẩu học… Đáng báo động là, nếu Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng nóng, những vấn đề trên sẽ ngày càng trở nên trầm trọng hơn. Theo ước tính chính thức của Bắc Kinh, trong những năm tới, tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm từ 9 – 10% / năm xuống còn 7%/ năm.

Tuy nhiên, không quan trọng GDP của Trung Quốc cao đến mấy, thu nhập bình quân đầu người của người dân nước này trên thực tế vẫn còn thấp hơn ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan và phương Tây.

Bất chấp GDP cao, thu nhập bình quân đầu người của người Trung Quốc vẫn thấp hơn so với Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan và phương Tây. Ảnh minh họa: China Daily.
Ngoài ra, chính sách một con mà Trung Quốc áp dụng nhằm kìm hãm bùng nổ dân số đang đặt ra nhiều hệ quả đáng ngại cho xã hội. Trong vòng 20 năm tới, Trung Quốc sẽ có khoảng 300 triệu người đến tuổi về hưu tương ứng với tỷ lệ công nhân về hưu là 8 người/ ngày gấp bốn lần so với tỷ lệ hai người/ngày hiện nay.Công tác an sinh xã hội dành cho nhóm đối tượng này, theo ước tính có thể làm hao tổn đáng kể GDP của đất nước.

Hơn nữa, Trung Quốc cũng dễ bị tổn thương với các sự kiện ngoại sinh hơn Mỹ. Trung Quốc phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu nhiều hơn Mỹ và ngày càng phải tìm cách nhập khẩu thêm dầu mỏ nhằm thỏa mãn cơn khát năng lượng của nền kinh tế và ở một khía cạnh nhỏ hơn, là để đáp ứng đủ nhiên liệu cho trào lưu nghiện xế hộp của tầng lớp trung lưu ngày càng đông đảo trong nước.

Mỹ, ngược lại, đang tự khai thác nhiều hơn trữ lượng dầu mỏ và khí đốt đồng thời có nguồn cung năng lượng dồi dào và sẵn sàng từ các láng giềng tại châu Mỹ.Ông K. Shanmugam, Ngoại trưởng Singapore – đồng minh lâu năm của Mỹ trong chuyến viếng thăm Nhà Trắng hồi tháng hai năm nay từng nhấn mạnh rằng các áp lực trong nước cũng như áp lực trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ chính là nguyên nhân "đẩy những luận điệu chống Trung Quốc tiến xa hơn trong các cuộc tranh luận trong nước”. Lập trường cứng rắn với Trung Quốc có thể sẽ giúp ông Obama hoặc bất cứ ứng viên Tổng thống nào ghi điểm trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng vào tháng 11 tới.

Tuy nhiên, theo ông K. Shanmugam, Mỹ không nên đánh giá thấp mức độ của các cuộc tranh luận chống Trung Quốc bởi chúng có thể châm ngòi cho các tình huống phức tạp, nguy hiểm và không ai mong muốn bùng lên, ảnh hưởng đến sự ổn định và hòa bình trong khu vực”.

Nói cách khác, xu hướng đối đầu và không ngừng chuẩn bị cho một kịch bản như trên với Trung Quốc của Mỹ, không có gì phải nghi ngờ sẽ chỉ tổ khiêu khích con rồng châu Á trở nên hung hăng hơn và sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh – thảm họa đối với tất cả các bên.
>> ‘Mỹ sẽ bảo vệ Philippines khỏi bị tấn công ở biển Đông’
Bạch Dương (tổng hợp)

Mỹ sẵn sàng chiến tranh với Trung Quốc? (kỳ 3)
Cập nhật lúc :7:46 PM, 28/05/2012
Để tiếp tục vươn mình trỗi dậy Trung Quốc sẽ phải đối đầu với vô vàn thách thức bởi cường quốc số 1 thế giới chắc chắn sẽ hành động ngày càng quyết liệt để ngăn chặn họ.
>> Mỹ sẵn sàng chiến tranh với Trung Quốc? (kỳ 2)
>> Mỹ sẵn sàng chiến tranh với Trung Quốc? (kỳ 1)

Trung – Mỹ có thể chuyển đối đầu thành đối tác

Hiện nay, dường như cả Mỹ và Trung Quốc đang bị cuốn vào một tình thế tiến thoái lưỡng nan cổ điển là: Mỹ quan ngại Trung Quốc hiện đại hóa quân đội và quyết định phải tăng cường hiện diện tại Thái Bình Dường nhằm để có thể để mắt đến mọi động tĩnh của con rồng châu Á. Đáp lại, Trung Quốc cũng nhận thấy rằng họ cần phải nỗ lực hơn nữa mới đủ khả năng đối phó với Mỹ. Tình huống này gợi lại cuộc Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô.

Sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991 chứng tỏ cuộc đối đầu giữa các cường quốc đang yếu dần và các đối thủ của họ không phải là không thể tránh được. Liên Xô trong những năm 1980 đã bắt đầu ký kết nhiều Hiệp ước kiểm soát vũ khí cũng như các cam kết, thỏa thuận hợp tác khác với phương Tây.

Tuy nhiên, do mắc nhiều sai lầm và thiếu sót không được khắc phục kịp thời và hiệu quả, hệ thống Chủ nghĩa xã hội Liên Xô và Đông Âu tự suy yếu rồi sụp đổ chứ không phải sụp đổ bởi các áp lực đến từ chương trình “Cuộc chiến tranh giữa các vì sao” của Tổng thống Ronald Regan như nhiều người ủng hộ luận điệu “ngăn chặn” Trung Quốc tranh luận.

Ngoài ra, có một tin tốt là chiến tranh giữa các cường quốc mới nổi và những kẻ thống trị đang trên đà suy giảm khá hiếm. Trước năm 1914, Đế quốc Đức đã thách thức Vương quốc Anh, tuy nhiên, chiến tranh thế giới lại nổ ra vì những nguyên cớ khác.

Chưa dừng lại ở đó, kịch bản chiến tranh giữa các cường quốc lớn khó có thể xảy ra còn bởi tính chất hủy diệt của các loại vũ khí hiện đại, tối tân mà mỗi bên đang sở hữu ngày nay.

Ngoài ra, sự kết hợp của các yếu tố hữu hình và vô hình cũng làm giảm tần số các cuộc chiến tranh lớn, quy mô và chết chóc. Ngày nay, hàng loạt tin tức từ Syria hay từ Tây Tạng có thể khiến nhiều người quan ngại song trên thực tế, thế giới đang có xu hướng bài trừ bạo lực.

Trong khi đó, theo Diplomat, các tranh chấp giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay không bao giờ nên được và sẽ được giải quyết bằng một cuộc xung đột - từ những tranh chấp thương mại cho đến quyền sở hữu trí tuệ. Người Mỹ có thể không ưa các chính sách của Trung Quốc đối với nhóm bất đồng chính kiến thách thức chế độ Cộng sản và đối với các dân tộc thiểu số như người Tây Tạng, Duy Ngô Nhĩ và thậm chí, Đài Loan.

Tuy nhiên, Mỹ cần phải nhận ra thực tế rằng, các áp lực bên ngoài, chẳng hạn, việc gia tăng sự hiện diện của Thủy quân lục chiến Mỹ tại các căn cứ ở Australia, sẽ không thể khiến Bắc Kinh thay đổi chính sách của họ. Ngược lại, bất cứ dấu hiệu nào chứng tỏ Mỹ đe dọa Trung Quốc sẽ chỉ làm khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa và bài ngoài nổi lên mạnh mẽ hơn trong lòng đất nước 1,3 tỷ dân này. Trong khi đó, thực tế, căng thẳng với Mỹ mà lắng dịu, các giá trị dân chủ, tự do sẽ được truyền bá và nhân rộng hơn trong xã hội Trung Quốc.

Trung - Mỹ có thể chuyển từ đối đầu thành đối tác? Ảnh minh họa: AP.

Hơn nữa, nhiều nhà phân tích lập luận, lãnh đạo Trung Quốc, ít nhất là Mao Trạch Đông, không có tham vọng bành trướng ra bên ngoài các khu vực không được xem là thuộc về biên giới lịch sử của Trung Quốc. Bởi xem một số khu vực tại biển Đông thuộc về biên giới lịch sử của mình, Bắc Kinh tuyên bố mở rộng sự hiện diện của họ tại đây bất chấp quan ngại của nhiều quốc gia trong khu vực đồng thời cũng không giấu giếm tham vọng hợp nhất Đài Loan vào Đại lục.

Do đó, tình hình trên đảo Đài Loan trong tương lai, có thể bất ổn và phức tạp. Tuy nhiên, Đài Bắc đang bắt đầu học cách thắt chặt hơn nữa các quan hệ kinh tế thương mại cùng như nhiều quan hệ khác với Đại lục trong khi không từ bỏ lập trường độc lập. Họ đang chứng tỏ khả năng tự lo cho mình mà không cần đến sức mạnh của Hạm đội 7 của Mỹ.

Theo Ngoại trưởng Singapore K. Shanmugam, Mỹ không nên suy nghĩ kiểu “thắng – thua” như thuật ngữ trong lĩnh vực thể thao đối với Trung Quốc. Thay vào đó, người Mỹ cần hiểu rằng: “Thế giới và châu Á đủ lớn để chứa đựng một Trung Quốc đang vươn mình trỗi dậy và cả một nước Mỹ đang hồi sinh”.

Trong "một thế giới phẳng” như hiện nay, Mỹ và Trung Quốc trên thực tế, có mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau. Sự tương tác ngày càng sâu rộng giữa hai nước mang lại cho họ khả năng hỗ trợ lẫn nhau hoặc làm tổn thương lẫn nhau. Xuất phát từ những bất đồng và tranh cãi Một cuộc chiến tranh thương mại là điều có thể xảy ra nhưng hoàn toàn vô nghĩa.

Dòng chảy tự do về hàng hóa và nhân lực mang lại cho Mỹ nhiều lợi ích. 90% người có học vị Tiến sĩ của Mỹ đến từ Trung Quốc nằm trong lực lượng lao động Mỹ đóng vai trò quan trọng giúp cường quốc số 1 thế giới duy trì chất lượng giáo dục cao hơn và giúp họ đi đầu trong công cuộc sáng chế và đổi mới công nghệ.

Cuối cùng, theo Diplomat giới lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc sẽ khôn ngoan hơn để bắt tay hợp tác cùng có lợi. Cả hai bên đều cần năng lượng sạch, thực phẩm và các hệ thống cấp nước sạch, các hệ thống chăm sóc sức khỏe tiên tiến hơn cũng như cần chung sức nỗ lực để giảm thiểu các mối đe dọa an ninh đến từ khu vực Đông Bắc Á (Bán đảo Triều Tiên) và Nam Á (Pakistan).

Do đó, tốt nhất cả Washington và Bắc Kinh không nên hành động ích kỷ nhằm phục vụ cho các lợi ích riêng – yếu tố gia tăng nguy cơ xung đột, đối đầu. Trách nhiệm cao cả của mỗi nước là nên hợp tác với nhau và có ý thức để làm bất cứ điều gì trong khả năng của họ nhằm giúp thế giới phát triển cân đối hài hòa.

>> ‘Mỹ sẽ bảo vệ Philippines khỏi bị tấn công ở biển Đông’
Bạch Dương (tổng hợp)
(nguồn datviet)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001