Thứ Tư, 23 tháng 5, 2012

ĐÔI ĐIỀU CẢM NHẬN

Từ việc biết đến các trang Blog, các bài báo lề trái từ đầu năm 2012, bị cuốn hút dần khi đọc các thông tin chính sự rồi dần dần như sự say mê pha chút ý thức trách nhiệm với cộng đồng, bắt đầu có ý muốn tham gia chút ít câu chữ để cùng góp sức đấu tranh cho công lý, lẽ phải. Ban đầu là tham gia bằng comment và đến bây giờ cũng có vài bài viết trên trang Blog đơn sơ này.

Cảm nhận lớn nhất trong tôi đối với niềm đam mê mới này là sự nể trọng nhiều nhân sĩ, trí thức và công dân yêu nước đã công tâm, không vụ lợi, đấu tranh không mệt mỏi cho những gì được xem là chân lý, là tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc theo lý lẽ của riêng mỗi người. Tuy nhiên, càng có sự đồng cảm sâu sắc bao nhiêu thì niềm trăn trở trong tôi lại càng lớn dần bấy nhiêu, càng bất bình vì sự gia tăng ngày càng lớn của sự vô cảm, làm ngơ dần đến mức trơ lỳ của những đối tượng được xem là sai trái trước sự phán xét, lên án của công luận.

Hiệu quả đấu tranh là yếu tố mà tôi thật sự quan tâm và muốn góp một vài lời, chia sẻ một vài suy nghĩ của mình.

Một kinh nghiệm học được từ các anh Sếp quản lý trong ngành kinh doanh và thấy cũng hợp lý cho phương pháp đấu tranh bằng công luận này nên cũng thẳng thắn nêu ra vắn tắt để quý đọc giả tham khảo.

Kinh nghiệm đó là : Trong triển khai và giám sát một công việc nào đó theo phương pháp quản lý mới hiện nay, cần hạn chế việc họp hành, kính thưa, kính gửi, tổng kết, định hướng, nhận xét, khen, chê chung chung … Vào họp là các anh ấy bắt đầu luôn:

Việc gì/Yếu tố liên quan công việc/Ngày nào bắt đầu/Ngày nào dự kiến hoàn thành/Ai chịu trách nhiệm (thực hiện) chính/Ai hỗ trợ/Ai kiểm tra/Biện pháp khen thưởng hoặc kỹ luật nếu hoàn thành hoặc không hoàn thành (kịp tiến độ hoặc chậm trễ).

Lập thành bảng kê công việc với các đề mục trên. Kê xong bảng, ký tên là xong họp. Bảng kê đó chính là biên bản họp. Chẳng cần có thêm một câu kính thưa, kính gửi, “nghiêm túc kiểm điểm”, “rút kinh nghiệm sâu sắc” hay “bài học xương máu” nào; cũng không cần phải hô hào “tập trung lực lượng”, “phối hợp đồng bộ”, “chỉ đạo kịp thời” hay nỗ lực, nổ… bom gì hết.

Điểm hay thấy rõ ở phương pháp trên là tiết kiệm thời gian, lại hạn chế được trình bày quanh co, tránh né bằng lời có Hoa hoặc có Thép… Phân biệt, nêu chi tiết từng công việc cụ thể, chỉ đích danh người thực hiên, yêu cầu thời hạn hoàn thành (bao gồm cả việc cho phép người thực hiện tự đăng ký thời hạn đó)

Liên hệ với các Đơn, Thư…, các bài viết được đăng trên mạng về việc khiếu kiện hay yêu cầu các cá nhân, cơ quan nào đó giải quyết và phản hồi thông tin cho công luận trong thực tế thời gian qua, tôi thấy vẫn bị rơi vào tình trạng lồng ghép quá nhiều công việc, kính gửi quá nhiều đối tượng trong cùng một văn bản nên dễ tạo điều kiện cho các đối tượng nhận tự cho phép mình làm ngơ, ngầm tránh né, đùn đẩy khi gặp việc hơi khó khăn. Kết quả là chẳng ai giải quyết, cũng chẳng ai chịu trách nhiệm về sự im lặng đó và người đứng đơn cũng chẳng thắc mắc, khiếu kiện tiếp được ai (không lẽ kiện một lúc tất cả ban bệ đã kính gửi kia).

Vì vậy, áp dụng kinh nghiệm trên, tôi thấy cần thiết phải tách ra từng nội dung cần thắc mắc, khiếu kiện, kể cả một người viết một lúc nhiều đơn thư, miễn sao là bảo đảm mỗi đơn, mỗi nội dung chỉ gửi đích danh cho một cá nhân có liên quan hoặc có trách nhiệm và chức năng, thẩm quyền để giải quyết triệt để việc đó. Như vậy, đối tượng được nhận sẽ không có điều kiện và lý do gì để tránh né, đùn đẩy. Nếu tránh né hoặc chậm trễ, người khiếu kiện cũng dễ dàng lên tiếng thúc giục tiếp theo hoặc cũng đủ lý do để nêu đích danh, phê phán trước công luận…

Với lý do đó nên khi soạn thảo Đơn, Thư kiến nghị, tố cáo…. Nội dung chính chỉ là gửi riêng một người để giải quyết một việc duy nhất. Những phần diễn giải khác cũng có thể có những chỉ là phụ họa để nhấn mạnh việc chính. Hơn nữa, nếu thư gửi cho Cán bộ cấp cao thì dù lời lẽ phải thể hiện thành ý và sự tôn trọng cần thiết nhưng vẫn phải nêu đủ, rõ các yêu cầu như đã nói trong phương pháp trên, nhất là phải đeo bám về yêu cầu thời hạn giải quyết, phản hồi bởi đây là mấu chốt quan trọng nhất của quá trình giải quyết một công việc; (có nghe thanh minh, diễn thuyết hay, ngọt hay đến mấy thì cũng đừng bao giờ quên câu hỏi lại “bao giờ xong?”).

Một điều cần lưu ý nữa là khái niệm về “Người chịu trách nhiệm chính”:

Người chịu trách nhiệm chính về một công việc được yêu cầu, không nhất thiết là người phải trực tiếp làm công việc đó, nghĩa là có thể giao hoặc nhờ bất kỳ ai khác làm… Chỉ biết là dù ai làm thì người chịu trách nhiệm chính vẫn phải là người trực tiếp ký vào báo cáo, thông cáo về kết quả xử lý cuối cùng của công việc đó và chịu trách nhiệm hoàn toàn về tính chính xác của báo cáo, thông cáo đó.. Cụ thể cho dễ hiểu hơn là khi một cán bộ cấp Tỉnh nào đó nếu đã nhận đơn thư thì dù cán bộ đó sau khi nhận có ký chuyển lên Trung ương hay chuyển xuống Huyện giải quyết thì cán bộ đó vẫn phải chịu trách nhiệm phản hồi cho người nộp đơn kết quả xử lý cuối cùng. Một tình trạng sai nguyên tắc đang tồn tại nhiều hiện nay là các cơ quan hay đùn đẩy khi nhận đơn hoặc nộp và nhận không đúng địa chỉ, chức năng dẫn đến sự chồng chéo hoặc không được xử lý đến kết quả cuối cùng mà vẫn không có ai chịu trách nhiệm.

Đôi điều cảm nhận như thế (cũng chỉ là góp nhặt cái hay từ người khác) cũng chỉ với mong muốn được góp sức cùng mọi người tăng thêm tính sắc nhọn và hiệu quả đấu tranh bằng ngòi bút. Tất nhiên cũng chỉ là để tham khảo nên dù đúng, dù sai, cũng mong quý vị bỏ qua cho sự mạo muội này.

Xin chân thành cám ơn và mong nhận lại các ý kiến phản hồi!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001