Thứ Bảy, 12 tháng 5, 2012

Phản cảm, thông cảm và vô cảm



Như vậy, vụ cưỡng chế tại Văn Giang (Hưng Yên) đã trôi qua được hơn nửa tháng. Đồng nghĩa với vụ hành hung hai nhà báo thuộc VOV cũng trôi qua ngần ấy thời gian. Chúng tôi xin điểm lại một vài từ nhạy cảm về hai vụ việc trên.



Phản cảm. Chiều 9-5, Chánh văn phòng UBND Tỉnh Hưng Yên, Bùi Huy Thanh đã phát biểu rằng "đánh như vậy là rất phản cảm".
Mấy hôm rồi, trong đầu tôi vẫn u u hai từ phản cảm. Vâng, phản cảm. Tôi có cảm tưởng rằng ông Thanh đang xem kịch, xem tranh, xem ảnh, xem phim,... chứ không nghĩ rằng ông đang xem cảnh người đánh người giữa thanh thiên bạch nhật. Chẳng lẽ lại có cảnh người đánh người tàn nhẫn đến đẹp mắt. Hay ông với ông Đại tá Ca ở Hải Phòng đều muốn xem một trận đánh Đẹp! Có chăng như thế các ông mới thấy sướng?!


Thông cảm. Tới rồi, ngày 10-5, Thiếu tướng Trần Huy Ngạn - Giám đốc CA tỉnh Hưng Yên bày tỏ trong cuộc họp với lãnh đạo Đài tiếng nói Việt Nam rằng " Việc hai nhà báo của VOV bị hành hung, bắt giữ tại đây là vụ việc xảy ra ngoài ý muốn và đáng tiếc; mong được lãnh đạo Đài tiếng nói VN và hai nhà báo Nguyễn Ngọc Năm và Hán Phi Long hết sức thông cảm".
Lần này thì từ 'thông cảm' làm tôi thấy không thể thông cảm nổi. Tôi không hiểu ông Ngạn đi tìm sự thông cảm từ đâu? Khi mà sự thông cảm giành cho ngành CA dường như đã cạn.

Tôi còn nhớ câu chuyện nghe vội ở quán nước chè của một ông bố trẻ rằng: "Hôm qua, con tôi đi học về chạy vội vào nhà báo với bố. "Bố ơi hôm nay con nhìn thấy một thằng công an đuổi chú xe ôm"". Giờ trẻ con nó thế đó! Mời bác về đó mà tìm sự thông cảm.

Rồi một lần, một đại diện đoàn thanh niên của một Cục trong ngành CA nói với chúng tôi "Rất mong anh chị em tìm cách tuyên truyền về ngành một cách tích cực. Chứ nói thật, nhiều anh em công an cũng khổ lắm". Lúc đó, tôi hiểu rằng, chính những người CA cũng nhận thức được rằng hình ảnh của mình không còn đẹp đẽ gì nữa!


Vô cảm. Thôi thì hai ông nhà báo bị đánh, giờ vết thương ngoài da cũng đã lành, cũng đang có người bênh vực. Mấy bố công an đánh người thì đang tìm cách chạy tội, lấp liếm. Ai cũng đang cố lo cho mình.
Nhưng, giờ ai là người sẽ viết về những bà con nông dân bị mất đất. Ai sẽ về làm việc với họ, họp với họ, ai xin lỗi họ, ai muốn họ thông cảm, AI?

Và đây nữa, ngày 10-5, ở ngay Thủ đô chứ không phải đất xa xôi lạ lùng nào, sự vô cảm đã bị đẩy tới mức tận cùng. Khi những bệnh nhân phong thuộc Trung tâm Da liễu Hà Đông được cho là "thuộc loại tàn phế nặng của khoa, diện chăm sóc hoàn toàn, nhiều ngày liền bị bỏ đói và kêu khóc".

Cụ Vũ Thị Bớt (89 tuổi, trú tại xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, Hà Nội )– một trong số những bệnh nhân bị đói nghẹn ngào: “Sáng 4-5, tôi được các hộ lý mang đến phòng một phần gạo đủ nấu hai bữa sáng và chiều, một vài miếng thịt sống cùng ít rau. Thấy lạ, tôi hỏi thì các cô ấy trả lời hết gas rồi không nấu được, nên phát đồ sống cho chúng tôi, làm thế nào thì tùy".
"Tay chân tôi bị ăn hết, không tự nấu được. Sáng nay, tôi đành nhờ người pha cho gói mì tôm ăn tạm và nhịn đói đên tối. Thời gian gần đây, chúng tôi liên tục bị bỏ mặc...”.
Sau đó lý do bỏ đói các bệnh nhân được ông Vũ Văn Trình, Phó giám đốc Trung tâm Da liễu Hà Đông chính thức giải trình là 'hết gas'. Thật là hết biết!



Ông Vũ Văn Trình, PGĐ Trung tâm da liễu Hà Đông

Lại nhớ ngày xưa các cụ thường gọi bệnh phong là bệnh cùi với nghĩa miệt thị. Tôi nghĩ, chắc chắn ông Vũ Văn Trình không bị bệnh phong, nhưng hẳn đầu óc của ông đang bị bệnh cùi!



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001