Thứ Tư, 23 tháng 5, 2012

THƯ GỬI TRỊNH KIM TIẾN
Chào Em!
Chị ở xa và là một người rất lạ với Em, với giới chính sự, với cả những sự kiện, truyền thông. Vì chị hoàn toàn làm ở hai lĩnh vực khác – Tâm lý và Kinh doanh. Chỉ mới bắt đầu quan tâm đến chính sự từ đầu năm 2012.
Mọi ý kiến tham gia bằng các comment hay muốn viết như một blogger về các vấn đề thời sự của đất nước chỉ như là đam mê và trách nhiệm bẩm sinh. Và trong số sự kiện chị biết, chị quan tâm đến vụ việc
của Em bằng một thái độ khác: Lương tâm, sự đồng cảm, thiện ý muốn góp sức và một phần xuất phát
từ… bệnh nghề nghiệp – nhìn nhận và phân tích ở góc độ Tâm lý.
Em đang đi sai đường! Đó là lời góp ý thẳng thắn nhất để Chị muốn đi thẳng vào vấn đề, hạn chế quanh co, dài dòng. Hy vọng là Em không giận chỉ vì đó là lời góp ý chân thành của Chị, dù với Em, nhận xét của Chị có thể là không đúng.
Sẽ là rất dài dòng để tranh luận về việc này, đúng không? Nhất là khi không đối thoại trực tiếp hay không nói chuyện qua mạng (ví dụ như qua YM…). Vì vậy, Chị không thể một lúc chứng minh ngay cái sai của Em hay góp ý cho Em phải làm như thế nào cho đúng, chị muốn từng bước một trao đổi với Em. Chị tiếc là đã rất muộn biết đến Em nhưng hy vọng chưa phải là quá muộn.
Bây giờ Chị muốn đi thẳng vào việc, chị muốn chứng minh cái sai của Em bằng những câu hỏi, mong là Em thẳng thắn trả lời cho Chị, cũng là tự nghiệm lại cho chính mình.
Câu hỏi I (xuất phát):
1. Trước thời điểm Bố Em mất, Em đã tham gia nhiều hoạt động xã hội với tư cách một công dân yêu nước chưa (như những việc mà thời gian qua và hiện tại Em đang làm)?
2. Em đã từng xác định sẽ làm gì ngay cái thời điểm bức xúc và đau đớn tột cùng trước cái chết oan ức của Bố Em?
Câu hỏi II (quá trình – tự bản thân Em):
3. Em hãy nghiệm lại chính mình, Em đã và đang hành động như một người nào sau đây:
3.1. Chỉ đấu tranh đòi lại sự minh bạch, công bằng cho cái chết oan ức của Bố?
3.2. Một người yêu nước, đấu tranh cho công lý, nhưng nặng về đấu tranh đòi lại công bằng cho Bố?
3.3. Vẫn đấu tranh đòi lại công bằng cho Bố nhưng trong hành động thường xuyên lại thiên về một người yêu nước?
3.4. Vì một hoặc cả hai lý do trên nhưng có thêm sự lôi cuốn (ý này Chị xin lỗi Em trước!) bởi đang trở thành một người nổi tiếng?
3.5. Làm tất cả những gì mà theo Em thấy cần phải làm, không nhất thiết phải xác định quá rõ mục tiêu?
Câu hỏi III (quá trình – xã hội nhìn nhận):
Cũng với câu hỏi 3 nhưng là do xã hội, công luận nhìn nhận, đánh giá về Em, trong đó có cả những người “đồng đội” trong hội yêu nước của Em, những người không tham gia hoạt động nào cả mà chỉ đơn thuần là chia sẻ, đồng cảm với hoàn cảnh của Em và cả những người đối kháng, những cơ quan công quyền đang tránh né, phản đối hoặc chèn ép Em?
Câu hỏi IV (mục tiêu): Điều gì là mục tiêu trong định hướng của Em:
4. Hãy xác định thật rõ ràng vì để đạt được từng mục tiêu sẽ phải chọn những giải pháp và định hướng hành động hoàn toàn khác nhau:
4.1. Chỉ đấu tranh đòi lại sự minh bạch, công bằng cho cái chết oan ức của Bố? (Chị lưu ý để Em chọn lựa: Chỉ làm được ý này thôi Em cũng đã là người yêu nước, đã đóng góp được cho xã hội, cho đất nước thật nhiều rồi)
4.2. Một người yêu nước, đấu tranh cho công lý, nhưng nặng về đấu tranh đòi lại công bằng cho Bố?
4.3. Vẫn đấu tranh đòi lại công bằng cho Bố nhưng trong hành động thường xuyên lại thiên về một người yêu nước?
4.4. Vì một hoặc cả hai lý do trên nhưng có thêm sự lôi cuốn bởi đang trở thành một người nổi tiếng?
4.5. Tiếp tục là một người yêu nước, đấu tranh cho công lý, dù không đạt kết quả trong đấu tranh đòi lại công bằng cho Bố?
4.6. Làm tất cả những gì mà theo Em thấy cần phải làm, không nhất thiết phải xác định quá rõ mục tiêu?

Không phải vô cớ mà Chị đặt ra những câu hỏi trên cho Em đâu bởi vì những giải pháp Em chọn và những hành động thực tế của Em tác động rất nhiều đến sự nhìn nhận và sự ủng hộ của xã hội, công luận dành cho Em. Tất cả những điều đó sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sự thành công và kết quả cuối cùng đối với mục tiêu đấu tranh mà Em đã đặt ra ban đầu.
Chị ví dụ:
Nếu Em chọn đồng thời cả đấu tranh đòi lại sự công bằng cho Bố và đấu tranh yêu nước, Em sẽ:
1. Bị phân tán, chồng chéo và có khi còn bị ảnh hưởng qua lại giữa các mục tiêu đấu tranh.
2. Mất đi số lượng lớn những người ủng hộ:
- Những người có lương tâm, rất đồng cảm với vụ việc của Em nhưng lại không muốn quan tâm, tránh rắc rối và ngại va chạm đến chính sự.
- Những người có lương tâm, rất đồng cảm với vụ việc của Em nhưng lại mặc cảm thậm chí là phê phán, phản đối, chèn ép những người tham gia những hoạt động yêu nước (chẳng hạn như những người thuộc chính quyền đang giám sát, đe dọa, chèn ép Em vì những hoạt động yêu nước - bao gồm cả những người phải làm điều đó do nhiệm vụ công việc, chứ không phải là không ủng hộ cho việc đấu tranh đòi lại công lý cho Bố Em).
3. Mất đi một phần đáng kể thế mạnh của Em (vì bản thân vụ việc của Bố Em là bất công mà ai cũng nhìn nhận thấy):
- Những hoạt động khác của Em sẽ làm tăng mặc cảm, giảm sự cảm thông của những người ủng hộ Em, đặc biệt là ngay chính những người thuộc chính quyền đang đối kháng với Em trong cuộc đấu tranh.
- Tạo thêm cái cớ để phía đối kháng của Em dựa vào đó mà mặc kệ, hạch sách, phản bác những sự thật, chân lý (về việc của Bố Em) mà họ đã không thể chối cãi hoặc thậm chí đã ngầm công nhận.
- Tự Em sẽ tạo ra phân tán và nhiều sơ hở để bị mất đi thế mạnh trong việc đấu tranh cho Bố, vì vốn dĩ theo quan điểm của chính quyền, nhiều hoạt động yêu nước là sai, bởi vậy nên mới có chuyện đàn áp, bắt bớ…
Một điều đặc biệt quan trọng nữa mà Em cần xác định trong hành động là phải phân biệt sự khác nhau rất rõ nét giữa hành động theo MỤC TIÊU và hành động theo CẢM TÍNH.

“Hành động bất chấp thủ đoạn miễn sao đạt được mục tiêu” là một chủ trương thái quá nhưng không phải là không cần phải lưu ý để có lúc cần phải áp dụng. Đặc biệt, câu nói này là minh chứng cho sự khác nhau của sự hành động theo Mục tiêu hay Cảm tính đã nói trên. Nói đơn giản để dễ hiểu là : nếu lấy mục tiêu làm trọng thì nhiều lúc phải làm trái với sự nhìn nhận và cảm xúc của mình, nhiều lúc phải nén giận, mĩm cười ngay với chính kẻ thù của mình miễn sao sự kiềm chế đó, nụ cười giả dối đó rất có lợi cho mục tiêu đấu tranh của mình.
Câu hỏi cuối cùng:
Em nghĩ thế nào và công luận sẽ ủng hộ Em như thế nào nếu cũng là đấu tranh yêu nước nhưng Em chỉ tập trung duy nhất vào việc đấu tranh, phê phán những tiêu cực của ngành công an, ngành mà có đối tượng trực tiếp gây ra cái chết oan ức của Bố Em? (Lập blog, Face Book… nhưng chỉ sưu tầm và viết bài chỉ chuyên về mãng đó, thậm chí ngay cả đặt tên cho các trang).
Em hãy làm một người yêu nước bằng các việc khác sau khi đã hoàn toàn tập trung đấu tranh đòi lại công lý cho Bố, được không?
Chị đã quá nhiều lời rồi phải không? Nếu Em cảm nhận được thiện ý của Chị thì thẳng thắn trả lời những thắc mắc của Chị để Chị Em mình tiếp tục trao đổi thêm nhé!
Chào Em với sự chia sẻ và thân ái!

(Chị cũng vừa đọc các bài viết như: http://buivanbong.blogspot.com/2012/05/binh-chon-nguoi-ep-trinh-kim-tien.html. Hơi phản cảm với việc Em đang làm)
Ngọc Trâm
(nguồn ngoctram blog)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001