Thứ Sáu, 18 tháng 5, 2012

CHỈ TIÊU PHẠT

Công Nông
- Em hỏi điều này, có gì sai bác đừng quở.
` - Cứ hỏi. Việc gì mà phải rào đón thế?
- Bác đã bao giờ bị cảnh sát giao thông phạt chưa?
- Cũng có rồi. Tránh sao được.
- Thế bác đưa tiền trực tiếp hay là đến kho bạc nộp?
- Đến kho bạc nộp chứ, quy định thế mà.
- Sao bác không đưa quách tiền cho cảnh sát giao thông luôn.
- Chú mày nói bậy. Đưa là đưa thế nào. À, hay là chú mày xui tớ “cưa đôi” với các anh cảnh sát giao thông, như mẹo của… chú mày vẫn làm? Nên nhớ đây là “cảnh sát nhân dân” nhá, chứ không phải nha lại ngày xưa đâu mà ăn tiền mãi lộ!
- Nha lại ngày xưa ăn tiền mãi lộ thế nào em nỏ biết, em chỉ biết cái khoản “cưa đôi” này thì các đồng chí “áo vàng sắc nắng” của ta bây giờ hơi bị thạo đấy. Chẳng dấu gì bác, mấy hôm đi nghỉ lễ cùng gia đình vừa rồi em cũng đã phải “cưa” mấy nhát. Tức lắm, nhưng cũng phải làm vì cho nó tiện, lại giảm được nửa tiền. Đi kho bạc, kho biếc, lại bị giữ giấy tờ, rách việc lắm.
- Các chú làm thế chả trách…
- Thì bác tính đằng nào thì tiền phạt cũng vào túi cảnh sát giao thông cả.
- Chú mày nói gì lạ thế. Tiền phạt mình nộp vào kho bạc là tiền ngân sách nhà nước. Nhà nước quản lý nó theo luật ngân sách, chứ có phải để cho cảnh sát giao thông tiêu đâu.
- Bác lại can tội không “ắp đết” thông tin rồi. Báo chí vừa nêu toàn bộ số tiền phạt lại được chi cho lực lượng đảm bảo an toàn giao thông, riêng lực lượng cảnh sát giao thông được hưởng đến 70%, trong đó có bồi dưỡng trực tiếp cho những người làm nhiệm vụ. Bộ Tài chính nói rằng việc này là thực hiện theo Nghị định của Chính Phủ và Thông tư của Bộ Tài Chính. Còn các bác bên Quốc Hội lại nói làm rứa là sai Luật Ngân Sách và Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính. Nghe nói sắp tới Ủy ban Pháp luật của Quốc Hội sẽ làm việc với Bộ Tài chính về việc này. Mà, không phải ít đâu nhé, riêng năm 2011 số tiền phạt đã lên tới hơn 2500 tỷ đồng đấy. Từ năm 1996 đến nay như thế. Bác tính xem bao nhiêu tiền?
- Trời đất! Cơ man nào là tiền! Nói thật với chú, chuyện mấy đồng chí “cưa đôi, cưa ba” cũng chỉ là con sâu làm rầu nồi canh, cần giáo dục, quản lý và xử lý. Nhưng, cái lối quản lý ngân sách nhà nước theo kiểu “làm nghề gì ăn nghề nấy” như thế này thì đúng là đại họa! Nó gây ra sự bất công cho xã hội và ngay chính trong ngành công an. Đành rằng khoản tiền này cũng được chi tiêu theo quy định của pháp luật, nhưng có phải lĩnh vực nào cũng có tiền phạt mà để lại, mà bồi dưỡng đâu. Chả trách anh nào cũng thích phạt. Nghe nói nhiều nơi còn đặt chỉ tiêu phạt cho từng người, từng tổ, từng ngày nữa. Bộ Giao thông lại còn đề nghị tăng mức phạt lên năm lần nữa chứ.
- Nếu tăng phạt mà giao thông thông suốt hơn, tai nạn giao thông giảm thì cũng có thể chấp nhận được. Đằng này phạt càng nhiều vi phạm càng nhiều, tai nạn càng nhiều là cớ làm sao chứ!
- Nói để chú biết, phạt càng nặng, người dân càng tìm cách “cưa đôi, cưa ba” với cảnh sát. Hậu quả cảnh sát cũng hư, mà dân cũng hỏng. Ùn tắc vẫn hoàn ùn tắc, tai nạn càng thêm tai nạn. Chán thế! Nhưng mà thôi, chuyện này hôm nay “chém gió” đến đây thôi. Ngại lắm…
- Cứ bàn cho hết nhẽ đi chứ bác. Ngại gì?
- Chú mày không nhìn thấy mấy đồng chí đang đứng ngoài ngã tư kia à? Xem ra có vẻ chưa đạt “chỉ tiêu phạt” trong ngày đâu đấy…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001