Hà Nôi tiếu lâm truyền kỳ (kỳ 56) | |
Vũ Duy Chu | |
( Sưu tầm & sáng tác)
Sáng 26.6.3007, tại Quảng trường Thời đại nước Việt Long(
Nước Việt đã hóa rồng)- tên cũ cách nay một ngàn năm là nước Việt Nam, hàng vạn
người áo xanh rầm rập cờ hoa, biểu ngữ kéo về để kỷ niệm một ngàn năm nghề ve
chai ra đời, do ông tổ Dương Chí Dũng khởi xướng. Thực ra nghề này vốn đã có từ
trước, nhưng manh mún, tẹp nhẹp lông gà, lông vịt, chổi cùn rế rách, không đáng
gọi là nghề. Chỉ đến ông tổ Dũng xuất hiện thì ve chai sắt vụn của Việt Nam mới
đạt đến độ vẻ vang bốn cõi…
Thủ lĩnh cuộc mít tinh đọc diễn văn: … “ Thưa Quý bà, quý ông! Vào năm 2007, cách nay một ngàn năm, ông tổ Dương Chí Dũng cử thuộc hạ sang tận nước Nga xa hút để mua cái ụ nổi có tên là Plavdoc N83 đưa về Việt Nam. Các loại tàu biển hư hỏng sẽ được đưa lên ụ này sửa chữa. Ụ do người Nhật đóng năm 1965 và bán cho người Nga. Sức nâng ban đầu của ụ là 25.000 tấn. Sau 43 năm dầm mình trong sóng biển, ụ lụ khụ quá, sức nâng chỉ còn 16.500 tấn. Do đó đăng kiểm nước Nga đã treo cấp và giấy chứng nhận hết hiệu lực… Như thế, rõ ràng N83 là đống sắt vụn chứ còn gì nữa? Và ông Dũng đã nhanh tay hơn hàng trăm đối thủ của các nước khác, chộp lấy cái ụ với giá cực bèo, chỉ có hơn 14 triệu USD… Nhờ có cú khởi đầu nổi tiếng và rất hoàn hảo này của ông tổ, bây giờ chúng ta chỉ việc đứng tại các cảng biển nước sâu của mình, chờ các nước trên thế giới thi nhau mang phế liệu siêu trường siêu trọng đến bán cho Việt Long cường quốc…” Thủ lĩnh chưa dứt lời, cả rừng người áo xanh đồng thanh: - Vẻ vang ông tổ ve chai Dương Chí Dũng! - Vẻ vang! Vẻ vang! Vẻ vang!
***
Không khí chợt như có bão, bởi một đoàn hàng vạn người với cờ
hoa, biểu ngữ khác, trang phục đỏ, giương cao chân dung ông Phạm Thanh Bình,
nườm nượp kéo vào quảng trường. Hóa ra, đoàn này cho rằng Phạm Thanh Bình mới
xứng đáng là ông tổ của nghề ve chai. Thủ lĩnh đoàn lên bục diễn giả đọc diễn
văn:
…” Thưa Quý bà, quý ông. Theo sử sách của ta cùng với các cuộc hành trình khảo cứu truy tìm chứng cứ ẩn náu tại nhiều thư viện cổ các quốc gia, chúng tôi thấy: Về quy mô, tầm vóc dự án kinh tế và mua bán tàu bè hư cũ, kể cả thời điểm các vụ mua bán của ông Phạm Thanh Bình đều được thực hiện trước ông Dương Chí Dũng. Ông Phạm Thanh Bình mới xứng đáng là ông tổ của nghề ve chai. Ụ nổi của ông Dương Chí Dũng chỉ có giá 24,3 triệu USD, tính luôn cả chi phí lai dắt từ Nga về và phí sửa chữa, quá rẻ! Nhưng riêng tàu Hoa Sen ông Phạm Thanh Bình mua của Italia cùng năm 2007 với giá còn bèo hơn, chỉ có hơn 60 triệu Euro. Tàu Hoa Sen cao 7 tầng, chứa 500 xe hơi loại 4 chỗ ngồi, 70 xe tải, 160 xe Container loại 40 feet và 640 hành khách. Tàu Hoa Sen bị nứt đáy chút xíu, vá đáy chỉ hết có 300.000 USD còm… Ông Phạm Thanh Bình còn mua được cả Nhà máy Nhiệt điện cổ của người Tàu mang về Cái Lân, giá chỉ có 600 tỉ đồng…” Thế là cả rừng người áo đỏ hô vang: - Phạm Thanh Bình ông tổ! - Ông tổ! Ông tổ! Ông tổ! Bất chợt, một thủ lĩnh khác của phe áo đỏ lên bục diễn giả phát biểu: - Hỡi những người anh em áo xanh đáng kính! Các bạn tôn vinh ông Dương Chí Dũng là ông tổ của nghề ve chai là không đúng. Ông Phạm Thanh Bình của chúng tôi mới xứng đáng chứ! Nhưng giả sử các bạn tôn vinh ông Dương Chí Dũng là hợp lẽ, thì vẫn không công bằng. Tại sao ư? Vì người phát hiện ra tài năng vượt trội của ông Dũng và đặt ông ta vào vai trò lãnh đạo có thể ký được quyết định mua ụ nổi là ông Đinh La Thăng, sếp trực tiếp thời đó của ông Dương Chí Dũng… Vậy thì làm sao các bạn lại có thể quên ông Đinh La Thăng được? Thế là rừng người áo xanh lại hô rầm trời: - Đinh La Thăng! Dương Chí Dũng! Đinh La Thăng! - Hoan hô! Nhiệt liệt! Hoan hô!...
***
Cuộc biểu dương lực lượng tôn vinh ông chủ ve chai của hai
đoàn người áo đỏ áo xanh kéo dài đến sáng 27.6.3007 vẫn chưa kết thúc. Cửa kính
các tòa nhà cao tầng quanh quảng trường Thời đại bị rạn vỡ vì tiếng người hò reo
như sấm sét. Đường phố bị tắc nghẽn. Thế là ngài Thị trưởng thành phố phải xuất
hiện để cứu vãn tình hình. Ông lên bục diễn giả phát biểu rất hùng hồn:
- Các bạn công dân áo xanh, áo đỏ kính mến! Các bạn tôn vinh những người hùng Dương Chí Dũng, Phạm Thanh Bình, Đinh La Thăng sống cách chúng ta cả ngàn năm là kế thừa truyền thông ghi ơn những người có công với đất nước của người Việt. Nhưng ánh hào quang của vinh quang nhiều khi tạo ra một áp lực cực lớn, giống như một thứ từ trường cực mạnh, làm người được tôn vinh không thể chịu nổi. Theo sử sách ghi lại, ông tổ Dương Chí Dũng hoảng hốt bỏ nhà đi biệt tích là một dẫn chứng sống động điển hình. Còn ông tổ Phạm Thanh Bình sử chép rằng sau khi tàu Hoa Sen về Việt Nam ít lâu, ông đã tạm biệt vợ con, ẩn trong một căn phòng nhỏ xíu khoảng mười mấy năm, rất yên tĩnh để viết hồi ký. Nghe đâu tựa cuốn hồi ký của ông na ná cuốn Suy nghĩ và nhớ lại của một danh tướng Nga cùng thời…. Thế đấy!... Chợt một ông đại diện phe áo xanh phăm phăm bước lên cạnh ngài Thị trưởng, tay chém gió lia lịa: - Thưa ngài Thị trưởng khả kính và thưa toàn thể anh em áo xanh, áo đỏ! Dù chúng ta tôn vinh ai là ông tổ nghề ve chai thì cũng là vì mục đích tốt đẹp chung. Nhưng không thể có hai ông tổ nghề được. Ông tổ nghề thì chỉ có một mà thôi. Thưa ngài Thị trưởng, chúng ta hãy tôn vinh ông Phạm Thanh Bình là ông tổ nghề ve chai. Chúng ta hãy tôn trọng sự thật lịch sử. Quảng trường chợt như có động đất. Hàng vạn chiếc mũ tung lên trời, tiếng hô vang dậy: - Ông tổ Phạm Thanh Bình. - Ông tổ! Ông tổ! Ông tổ! - Vinh danh Dương Chí Dũng! - Vinh danh! Vinh danh! - Vinh danh ông Đinh… La…. Thăng….Thăng!...Thăng!...Th…ă…ng!…. Sài Gòn, 29.5.2012 VDC
(nguồn trannhuong.com)
|
Thứ Ba, 29 tháng 5, 2012
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001