Thứ Bảy, 26 tháng 5, 2012

Tình hình Biển Đông: Việt Nam 0 – 5 Trung Quốc.
Nguyễn Hữu Quý


Đọc bài “Trung Quốc tung “chiêu”mới, ngư dân Việt Nam lao đao”, đăng trên GSTT.VN ngày 25/5/2012, người đọc không khỏi phẫn nộ về sự tàn bạo của Trung Quốc đối với ngư dân Việt Nam; đặc biệt Trung cộng đa tung ra chiêu mới, xem ra rất hiệu quả; và với tình hình này, nếu như không có sự cương quyết từ Chính phủ, thì e rằng, ngư dân nước ta có nguy cơ bỏ ngư trường, và như vậy, sẽ dần chính thức giao khu vực Hoàng Sa nói riêng và Biển Đông cho Trung Quốc.

Ngoài phần nhấn mạnh được viết sau tiêu đề của bài viết, đi sâu vào bài viết, người đọc còn có được vài thông tin rất đáng lo ngại như sau:

“… trước đây Trung Quốc thường dùng chiêu bắt tàu, đòi tiền phạt, rồi chọn tàu dỏm thả ngư dân Việt Nam ra. Thế nhưng chiêu này không còn phát huy hiệu quả, do ngư dân không nộp tiền phạt. Vì vậy, gần đây khi bắt được tàu ngư dân Việt Nam là Trung Quốc sử dụng triệt để việc cướp, phá sạch tài sản và ngư lưới cụ trên tàu, nhằm đánh vào kinh tế để ngư dân kiệt quệ, không có tiền để mua sắm phương tiện và chi phí để ra khơi.

Không dừng lại ở đó, ngư dân xã Bình Châu cho chúng tôi biết, những năm trước đây, Trung Quốc cướp tài sản nhưng chỉ lựa hải sản ngon để lấy. Còn từ đầu năm 2012 đến nay, cả năm tàu cá bị Trung Quốc bắt thì tàu nào cũng bị cướp sạch tài sản và phá tan tành máy móc, ngư lưới cụ. Ngư dân Nguyễn Nam còn cho hay, chuyến ra biển này anh và nhiều ngư dân đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa còn chứng kiến máy bay trực thăng Trung Quốc bay sát mặt nước từ 10-20m. Có đêm, ngư dân thấy bốn trực thăng bay quần thảo như thế. “Có đêm đang lặn thì máy bay lượn sát muốn gãy cần ăngten bộ đàm. Chắc là họ bay xem mình có làm gì trên mấy đảo không...”, ngư dân Nguyễn Chín tiếp lời”.

Từ thực tế diễn ra trên Biển Đông trong các năm qua, ta có thể so sánh sự thua thiệt của Việt Nam so với Trung Quốc trên 5 lĩnh vực chính, như sau:

1. Về lực lượng cảnh sát biển: VN 0 – 1 TQ.

Đoạn trích dẫn trên đây cho ta thấy, Ngư trường Hoàng Sa hiện Trung Quốc đang hoàn toàn làm chủ, “trực thăng Trung Quốc bay sát mặt nước từ 10-20m”.
Có phải do “quả đấm thép” Vinashin và bây giờ là Vinalines đã thua lỗ tổng cộng hơn 100 ngàn tỷ đồng, cho nên việc đóng tàu phục vụ an ninh, quốc phòng trên biển đã bị phá sản, để bây giờ không có tàu hỗ trợ ngư dân thuộc hải phận Hoàng Sa?

2. Về Ngư trường Hoàng Sa: VN 0 – 2 TQ.

Nếu không được Nhà nước hỗ trợ và tìm giải pháp kịp thời, thì chắc chắn ngư dân Việt Nam sẽ buộc phải bỏ ngư trường Hoàng Sa, vì càng đi biển, ngư dân ta càng khánh kiệt; thậm chí bị đe dọa tính mạng như đã từng nhiều lần xẩy ra.
Có thể nói, đây là “tỷ số” đánh gục ý chí của ngư dân Việt Nam; đồng nghĩa với việc Việt Nam đã tự mình giao ngư trường Hoàng Sa cho Trung Quốc. Công nhận vùng biển Hoàng Sa là của Trung Quốc.

3. Thua về sự ủng hộ của Quốc tế: VN 0 – 3 TQ.

Bài học xung quanh việc tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc về bãi cạn Scarboroug trong thời gian qua cho ta thấy, bằng sự cương quyết của mình, Nhà nước và nhân dân Philippines đang được sự ủng hộ mạnh mẽ không chỉ là Mỹ mà còn có các cường quốc trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc…
Ngược lại, do thiếu cương quyết, cho nên Việt Nam đang bị Trung Quốc lấn tới; đồng thời không tranh thủ được dư luận quốc tế.
Việt Nam đang thực sự mắc mưu Trung Quốc trên lĩnh vực này.
Không ai hiểu bài học này bằng chính người Việt Nam qua 2 cuộc kháng chiến dành thắng lợi vừa qua. Vì vậy, bỏ qua bài học này là việc làm khó hiểu của lãnh đạo Việt Nam hiện nay.

4. Thua ngay trong quan hệ Việt – Trung về vấn đề Biển Đông: VN 0 – 4 TQ.

Chỉ tính riêng trong lĩnh vực khai thác cá trên Biển Đông, thì Việt Nam cũng đã giành cho Trung Quốc phần chủ động; trong khi ngư dân Trung Quốc tự tung tự tác trên vùng biển Việt Nam và còn được các tàu Hải giám Trung Quốc bảo vệ, thì Việt Nam bỏ mặc sự rủi ro cho ngư dân của mình. Mỗi khi tàu của ngư dân bị bắt, thì Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam phản đối và yêu cầu Trung Quốc nhanh chóng trả lại tàu cá, và luôn lặp lại điệp khúc quen thuộc “ Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý không thể chối cãi…”, mà không có giải pháp ở mức cao hơn, như là phản đối Trung Quốc bằng việc đưa ra kiến nghị trình Liên Hợp Quốc.

5. Việc không cho phép biểu tình phản đối Trung Quốc gây hấn ngoài Biển Đông: VN 0 – 5 TQ.

Về lĩnh vực này đã có nhiều bài phân tích sau khi diễn ra 11 cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc gây hấn ngoài Biển Đông trong năm 2011; Rõ ràng là, việc cấm không cho phép nhân dân tổ chức biểu tình trong năm 2012 cũng với chủ đề trên chắc chắn sẽ mang lại nhiều hệ luy trong việc bảo vệ chủ quyền trước một Trung Quốc ngày cành hung hăng và ngang ngược.

25.5.2012
_____________
___________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001