Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012

Món cá nóc (fugu) dễ chết người mà dân Nhật vẫn thèm ăn


Mặt tiền một nhà hàng bán món cá nóc (fugu) tại Nhật.
DR / Flickr

Tuấn Thảo
Nghệ thuật ẩm thực xứ Phù Tang có nhiều đặc sản, nhưng ít có món nào vừa đắt tiền cao sang, vừa nguy hiểm cho tính mạng bằng món cá nóc (fugu). Được xem như là một món ăn khoái khẩu của người Nhật, thịt cá nóc nếu không làm kỹ có một chất kịch độc có thể gây tử vong do không hề có thuốc giải.

Đầu tháng 12 tại Nhật được xem như là mùa cá nóc. Vào mùa này, các phiên chợ đã bắt đầu bày bán loại cá trên. Các quán ăn bán món này trước hết phải xin giấy phép, sau đó phải có đầu bếp chuyên về món này, thì mới có thể gắn biểu tượng cá nóc ở tủ kính mặt tiền. Cá nóc (fugu) có hình dáng tròn bầu, bơi lội chậm chạp, do không biết di chuyển nhanh nên mỗi lần gặp nguy hiểm, cá nóc thường hít nước vào trong bụng, rồi nở phồng ra như một quả bong bóng để hù dọa kẻ địch. Nhưng vũ khí đáng gờm nhất của cá nóc là loại độc tố tên là tetrodotoxine, nằm ở trong lá gan, buồng trứng và tụy tạng của con cá.

Chất độc này mạnh hơn gấp một ngàn lần chất cyanure, có khả năng làm tê liệt hệ thần kinh và các bắp thịt. Cơ thể người trúng độc thường bị co cứng, đầu óc choáng váng, cơ thể rã rời, nôn mửa khó thở. Tùy theo lượng độc tố, người ăn cá nóc không được rửa sạch có nguy cơ đứng tim chết cứng trong vòng từ 4 tiếng đến 6 tiếng đồng hồ. Do chưa có thuốc giải, cho nên người ăn nhiều thịt cá nóc bị nhiễm độc tố, có thể xem như là vô phương cứu chữa.

Vụ nhiễm độc gần đây nhất là hồi cuối tháng 11 tại Tokyo. Một phụ nữ trung niên đã gọi món cá nóc tại một tiệm ăn sang trọng, được sách hướng dẫn Michelin chấm điểm cao với tổng cộng là hai sao. Bị trúng độc ngay tại bàn ăn, bà đã được đưa cấp tốc vào bệnh viện. Cũng may cho người phụ nữ này là bà đã thoát chết nhờ ăn uống chậm rãi, do thưởng thức từng miếng cá, cho nên lượng độc tố ăn vào không làm cho bà chết ngay tại chỗ.

Tại thủ đô Tokyo, có hàng chục ngàn quán sushi và sashimi, nhưng không phải quán nào cũng có thể làm món cá nóc fugu. Chỉ có các nhà đầu bếp khéo tay nhất mới có thể qua các lớp đào tạo thực hành, và sau đó mới nhận được bằng cấp chuyên về món fugu. Người đầu bếp ở đây phải học cách xẻ thịt và mổ cá, mổ xẻ con cá như thế nào để tránh làm vỡ các bộ phận có chứa chất độc và như vậy mà làm cho thịt cá bị nhiễm độc tố. Về điểm này, báo chí cho rằng : khi làm món cá nóc đầu bếp nhà hàng hai sao mà còn như vậy, huống chi là các tiệm ăn bình thường. Bây giờ khách hàng phải tin ai đây và ăn nơi đâu là an toàn nhất ?

Món cá nóc xuất phát từ miền nam Honshu, và cho tới nay vùng Shimonoseki vẫn được xem là vành nôi của món fugu. Món ăn này được xem như là một món cao lương mỹ vị từ thời Trung Cổ xa xưa, bị cấm vào thế kỷ thứ XVI rồi được khôi phục lại từ cuối thế kỷ thứ XIX. Từ đó trở đi, năm nào cũng có trường hợp tử vong vì cá fugu. May mắn nhất thì là vài ca, xui xẻo hơn thì số nạn nhân lên đến cả chục.

Khi được dọn ra trên bàn tiệc, cá fugu thường được thái thành nhiều lát mỏng, mỗi lát cá trắng ngần trong suốt xếp theo hình cánh quạt. Người Nhật yêu chuộng món này nói rằng fugu có hương vị của thiên đàng. Nhưng từ thiên đàng xuống địa ngục, dường như chỉ có một bước duy nhất. 

(TH St)

1 nhận xét:

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001